Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trong lịch sử hiện đại của nước ta. Con người sự nghiệp của KTS. Huỳnh Tấn Phát luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước.
Từ thời còn trai trẻ, ông đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Từ những năm tháng nhân dân ta theo Đảng làm cách mạng giành độc lập vào Tháng Tám năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và cả trong những năm đầu xây dựng đất nước ông đã trọn vẹn tâm và lực cho đấu tranh giành tự do, bảo vệ độc lập và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.
Huỳnh Tấn Phát sinh tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Năm 1933, ông thi đậu vào khóa VIII, khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sau 5 năm học tập, ông đỗ thủ khoa và trở về Sài Gòn, làm việc trong Văn phòng kiến trúc sư Chauchaon, người Pháp. Tuy mới ra trường, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, ông được giao ngay thiết kế một công trình quy mô khá lớn, đó là Câu lạc bộ thủy quân ở Sài Gòn (sau này chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ Thủ tướng, nay là Văn phòng 2 Phủ Thủ tướng ở số 7 đường Lê Duẩn). Câu lạc bộ thủy quân tuy là công trình đầu tay của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, song giải pháp tổ chức không gian chặt chẽ, mạch lạc, sinh động, tạo được nhiều góc nhìn đẹp.
Câu lạc bộ thủy quân ở Sài Gòn (nay là Văn phòng 2 Phủ Thủ tướng ở số 7 đường Lê Duẩn)
Hình dáng tòa nhà mô phỏng con tàu như đang lướt sóng ra khơi, rất phù hợp với nội dung và tính chất của câu lạc bộ thủy quân. Qua công trình đó, tài nghệ của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được khẳng định, giới nghề người Pháp kính nể và khách hàng tín nhiệm.
Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở Văn phòng kiến trúc ở số nhà 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) và là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Bị chèn ép đủ đường, song đức và tài của ông được nhiều người mến mộ và tin cẩn, cho nên vẫn có khá nhiều công việc, nhất là biệt thự, nhà mặt phố, không chỉ ở Sài Gòn - Gia Định, mà còn có nhiều công trình ở các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt, v.v.
Ông có biệt tài tổ chức không gian và khéo léo khai thác những tinh hoa của di sản kiến trúc truyền thống trong các thiết kế của mình.
Ngôi biệt thự ở 40/40 Lò Heo, nay là phường 4, quận Bình Thạnh được xây dựng ở vùng kênh rạch cho nên có tầng hầm cao, tạo nên lớp đế vững chãi để tránh ẩm và ngập lụt. Ngôi nhà có nhiều hiên chái, kết hợp với các lớp mái ngói cao thấp xòe rộng tạo nên những điểm nhìn đẹp hòa nhập vào cảnh trí thiên nhiên. Có thế nói, đây là một trong những tác phẩm đẹp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tiếc thay công trình đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Ngôi biệt thự ở 150 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 có may mắn hơn, được chăm sóc tốt (nay là Lãnh sự quán Nhật Bản) do đó còn giữ được hình khối đẹp, đường nét và tỷ lệ tinh tế trong một không gian được tổ chức đơn giản và mạch lạc. Tòa biệt thự ở số 6 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh có cấu trúc rất Á Đông, phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới, nơi nắng gắt, mưa rào. Để khắc phục những nhược điểm của khí hậu địa phương, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tạo nên những mái đón, mái đua và các lớp hiên, chái, nhà cầu có mảng tối, mảng sáng hài hòa với nhau hòa quyện với sân vườn bao quanh.
Năm 1941, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng (nay là Tao Đàn) Sài Gòn.
Với năng lực và tài năng dồi dào, chỉ sau ít năm mở văn phòng, điều kiện để làm giàu một cách chính đang mở rộng trước mắt ông. Song, ông đã gác sang một bên để đi theo tiếng gọi của vận mệnh đất nước, dấn thân vào cuộc sống gian lao và hiểm nguy vì nghĩa lớn. Tháng 3-1945, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn. Mỗi khi có điều kiện ông lại mang tay nghề kiến trúc phục vụ cách mạng. Kỳ đài cao 15m dựng trong đêm 24-8-1945 tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi đã góp sức cùng với nhân dân trong ngày cướp chính quyền 25-8-1945 ở Sài Gòn.
Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, năm 1954, ông được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Từ đấy ông lại có dịp sáng tác nhiều. Đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám Lớn Sài Gòn đã đoạt giải cao nhất. Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn, được giới nghề và công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian và hình khối, chi tiết kiến trúc.
Thư viện Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
Những năm chống giặc Mỹ xâm lược, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bận rộn suốt ngày đêm, song ông vẫn không rời cây bút vẽ. Ông coi việc thiết kế nhà cửa là thú vui tao nhã, ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình tại vùng căn cứ cách mạng. Năm 1972, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã phác thảo thị xã Lộc Ninh, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gồm 60 bản vẽ thiết kế quy hoạch và hàng chục công trình công cộng cùng nhà ở cho một đô thị mới. Đây là bút tích duy nhất về sáng tác kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn lưu lại, qua đó minh chứng thêm ông là người uyên thâm, có đầu óc thiết kế về quy hoạch đô thị và công trình với bút pháp già giặn, tinh tế. Tập bản vẽ này còn cho thấy những ý tưởng lớn lao của ông về xây dựng một thủ phủ của chính quyền cách mạng.
Quy hoạch Căn cứ Cách mạng Thủ phủ Lộc Ninh - 1972
Sau ngày đất nước thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù bận việc lãnh đạo, nhưng ông vẫn dành thời giờ cho công tác kiến trúc, gặp đồng nghiệp, được Đại hội kiến trúc sư bầu làm Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam,... Ông lại có dịp bình tâm hoạt động nghề kiến trúc. Ông làm Trưởng ban chỉ đạo quy hoạch thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội. Đồ án này đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển của thủ đô sau này. Ông đã chỉ đạo và góp ý kiến vào các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu-Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn,... Ông đã trực tiếp sơ phác tìm ý tưởng cho công trình Nhà hát Hòa Bình (quận 10, TP. Hồ Chí Minh), đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế về công trình này.
Nhà hát Hoà Bình, Q.10, Tp.Hồ Chí Minh - 1980
Năm 1996, KTS Huỳnh Tấn Phát có vinh dự được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt I, với các tác phẩm : Quy hoạch thủ đô Hà Nội thiết kế năm 1981; chỉ đạo trực tiếp tham gia thiết kế các công trình: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương, thiết kế năm 1978; Bảo tàng Hồ Chí Minh, thiết kế năm 1979-1985.
Tháng 9-1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vĩnh biệt chúng ta. Đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân cả nước luôn luôn nhớ đến ông, con người có nụ cười không bao giờ tắt.
KTS. Đoàn Đức Thành
Bình luận từ người dùng