Album V | E

KIẾN TRÚC SRI LANKA | 88 Ảnh

Hòn đảo Sri Lanka nằm ở Ấn Độ Dương với hình dạng viên ngọc trai chủ yếu gồm các đồng bằng phẳng, núi non chỉ có ở phần trung nam.

Sri Lanka

Theo thần thoại Hindu, thần Rama đã cho đắp một cây cầu nối hải đảo với lục địa Ấn Độ, mệnh danh là "cầu của Rama" hoặc "cầu của Adam". Công trình huyền thoại này nay còn lại một dải đá vôi và bãi cát ngầm chỉ nhô lên khi thủy triều xuống.

Khí hậu Sri Lanka có thể coi là nhiệt đới và khá nóng. Nhiệt độ trung bình năm cả nước từ 28 đến 30 °C. Lượng mưa bị ảnh hưởng bởi gió mùa từ Ấn Độ Dương và Vịnh Bengal.

Sri Lanka luôn là một cảng biển và đầu mối thương mại quan trọng của thế giới cổ đại, và các tàu buôn từ Trung Đông, Ba Tư, Myanma, Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng như các vùng khác ở Đông Nam Á ngày càng lui tới đây đông hơn. 

Các nhà thám hiểm Châu Âu đầu tiên tới vùng Đông Nam Á đã biết tới hòn đảo này và nhiều thương gia Ả rập cũng như Malaysia đã định cư ở nơi đây. Một sứ đoàn thực dân Bồ Đào Nha tới đây năm 1505. Người Hà Lan đã tới đây vào thế kỷ XVII. Dù phần lớn Sri Lanka bị các cường quốc châu Âu xâm chiếm làm thuộc địa, vùng phía trong, vùng đồi núi, với thủ đô là Kandy vẫn giữ được độc lập. Công ty Đông Ấn Anh đã hoàn thành việc xâm chiếm hòn đảo vào năm 1796, tuyên bố Sri Lanka là một thuộc địa hoàng gia năm 1802, dù Sri Lanka không được kết nối chính thức với Ấn Độ thuộc Anh. Sự sụp đổ của vương quốc Kandy năm 1815 làm toàn bộ hòn đảo bị Đế quốc Anh đô hộ.

Thực dân châu Âu đã thiết lập hàng loạt các đồn điền chè, quế, cao su, đường, cà phê và chàm. Người Anh cũng mang tới một lượng lớn công nhân hợp đồng từ Tamil Nadu để làm việc tại các đồn điền đó. Thành phố Colombo được dựng lên làm trung tâm hành chính, và người Anh lập ra các trường học, đại học, đường sá và nhà thờ hiện đại, áp đặt nền giáo dục và văn hóa châu Âu lên người bản xứ. Sự bất bình ngày càng tăng về việc hạn chế nhân quyền, đối xử bất bình đẳng và lạm dụng người dân bản xứ của chính quyền thuộc địa khiến cuộc đấu tranh giành độc lập bắt đầu diễn ra từ thập kỷ 1930. 

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hòn đảo này trở thành một căn cứ quân sự quan trọng của Đồng Minh. Một phần quan trọng của hạm đội Anh, Mỹ đã được triển khai tại đây, và hàng chục nghìn binh sĩ đã tham chiến chống Nhật Bản tại vùng Đông Nam Á.

Sau chiến tranh, áp lực của dân chúng đòi quyền độc lập ngày càng tăng. Ngày 4 tháng 2 năm 1948 nước này giành được độc lập với tên gọi Thịnh vượng chung Ceylon. Don Stephen Senanayake trở thành Thủ tướng đầu tiên của Sri Lanka. Năm 1972, nước này trở thành một nước cộng hòa bên trong Khối thịnh vượng chung, và đổi tên thành Sri Lanka. 

Văn hóa Sri Lanka bị ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, một tôn giáo quan trọng có ảnh hưởng lớn đến chính trị, văn hóa, xã hội Sri Lanka trong suốt hàng nghìn năm qua. Hòn đảo này còn là nơi xuất phát của hai nền văn hóa truyền thống: văn hóa Sinhala (tập trung tại các thành phố cổ Kandy và Anuradhapura) và Tamil (tập trung tại thành phố Jaffna, thư viện công cộng đã bị phá hủy năm 1983 tại đây là trung tâm lưu trữ văn khố Tamil của thế giới). Gần đây hơn xuất hiện thêm nền văn hóa thực dân Anh và sau này là Sri Lanka, đặc biệt tại các khu vực thành thị, và bị ảnh hưởng rất nhiều từ phương Tây. Ví dụ, ngay thời gian gần đây, đa số người Sri Lanka sống tại các ngôi làng thường ăn món ăn truyền thống, chế tạo các đồ truyền thống và thể hiện mình thông qua nghệ thuật truyền thống.

Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống và văn hóa Sri Lanka. Cộng đồng Phật tử chiếm đa số luôn tổ chức Ngày Poya, mỗi lần một tháng theo Âm lịch. Tín đồ Hindus và Hồi giáo cũng tổ chức những ngày lễ của riêng mình. Có nhiều đền thờ Phật giáo tại Sri Lanka và nhiều thánh đường Hồi giáo, đền Ấn giáo cũng như nhà thờ Cơ Đốc giáo trên khắp hòn đảo. 

Fudozon tổng hợp

184

Bình luận từ người dùng

...
Link đã được copy