Album V | E

BẢN VẼ VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC CALIFORNIA | 45 Ảnh

KTS. Renzo Piano nói về ý tưởng thiết kế California Academy of Sciences: "Đó là một công trình - một cỗ máy có chức năng bảo tồn thiên nhiên."

Ý tưởng thiết kế này phù hợp với quan niệm của ông về kiến trúc: "Kiến trúc thế kỉ 21 phải hướng đến sự bền vững. Đây không phải là một quan điểm về mặt đạo đức, mà đây đơn giản chỉ là những gì mà kiến trúc cần phải hướng tới."

Ý tưởng này lại càng phù hợp với một công trình là một viện nghiên cứu về khoa học tự nhiên.

Công trình tọa lạc tại một vị trí chủ chốt của công viên Golden Gate, gồm 2 phần: bảo tàng và nghiên cứu, lưu trữ. Nó được xây dựng trên vị trí của công trình cũ – một công trình cao 11 tầng trải qua 11 lần xây dựng và hoàn thiện từng phần từ năm 1916-1976, và bị hỏng tới mức không thể phục hồi nguyên trạng sau trận động đất Loma Prieta năm 1989. Công trình nằm đối diện với bảo tàng de Young - một thiết kế của hãng Herzog & de Meuron. Đây là một công trình không thua kém gì về quy mô và tầm cỡ của những kiến trúc sư làm ra chúng. Trong khi Jacques Herzog và de Meuron chọn chất liệu là những tấm đồng (gấp khúc, lỗ rỗ, và dẹt) để bao quanh bảo tàng của mình, còn KTS. Renzo Piano lại chọn chất liệu bao quanh là kính và thép cho công trình của mình.

Trung tâm của công trình là khu vực triển lãm là hai quả cầu có đường kính 90feet (khoảng 27m). Một quả cầu được tráng aluminum và một quả cầu  khung thép là nơi bố trí 4 khu rừng nhiệt đới. Bên dưới quảng trường trung tâm và chạy dọc vách của mỗi quả cầu khổng lồ là những bể chứa khổng lồ của khu Aquarium (khu vực thuỷ cung).

KTS. Renzo Piano xem mái của công trình như là linh hồn cho toàn bộ dự án. Ông coi nó như đặc trưng của địa hình, một phần mặt cắt của công viên, đặt tại cao độ khoảng 10,6m - bằng chiều cao của toàn nhà cũ. Mái nhà phủ cây xanh là một phần mở rộng của công viên và là lớp cách nhiệt cho không gian bên dưới.

Các mái nhà với những chỗ phình ra tạo thành bảy ngọn đồi với những tấm cửa sổ nhỏ hình tròn bên trên. Tất cả những tấm cửa sổ, được điều khiển bởi hệ thống tự động, đều được mở và đóng một cách tự nhiên để thông gió cho không gian bên dưới. Khi đến thăm công trình sau khi hoàn thiện, KTS Renzo Piano đã nói về những cái cửa sổ tròn: "Tôi đã ở đó với con trai của tôi và chúng tôi thấy các cửa sổ ở mái nhà bật mở để cho không khí vào tòa nhà. Nó giống như đang thực ngắm một con vật sống động và mang trong mình cả hơi thở. "

Bên trong, ở các mái hiên trung tâm, một phần bao phủ bởi một hệ thống được ví như “mạng nhện" gồm các dây cáp, thanh trụ, và kính - gợi nhớ lại sân trung tâm của các học viện cũ, trong khi đó việc tái hiện lại khu African Hall với thiết kế mái vòm hình  bán nguyệt và khu Steinhart Arch theo thiết kế cột Doric lại được xem như điểm nhấn níu chân du khách quay trở lại với bảo tàng.

Công trình Viện Hàn lâm Khoa học California không chỉ độc đáo về bố cục không gian chức năng và có vô vàn các ý tưởng hấp dẫn về tạo hình kiến trúc mà còn là công trình được đánh giá cao về tính thân thiện với môi trường. Vào thời điểm khánh thành công trình, dự án này đã trở thành một trong các dự án thí điểm về “Công trình xanh” của Sở Môi Trường San Fracisco. Công trình đã từng vinh dự nhận được xếp hạng Platinum (Bạch kim - mức xếp hạng cao nhất) của tổ chức LEED (Leadership in Energy and Environmental Design).

 

1307

Bình luận từ người dùng

...
Link đã được copy