Nhà thờ chính tòa Pha Lê (Crystal Cathedral thuộc Christ Cathedral Campus), cũng thường gọi là Nhà thờ Kiếng là một nhà thờ Kitô giáo tọa lạc ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
Nhà thờ này do kiến trúc sư Philip Johnson thiết kế, xây dựng hoàn tất vào năm 1981 với sức chứa 2.736 người ngồi.
Sở dĩ có tên là Pha Lê (Crystal) vì kiến trúc đặc trưng của nhà thờ này là sử dụng nhiều vật liệu bằng kiếng.
Ban đầu, nhà thờ Pha Lê là nơi thờ phượng chính của Đại giáo đoàn Crystal thuộc Giáo hội Cải cách Hoa Kỳ (Tin Lành) do mục sư Robert H. Schuller thành lập vào năm 1955. Đến tháng 10 năm 2010, Đại giáo đoàn này đã đệ đơn xin phá sản. Tháng 2 năm 2012, nhà thờ Pha Lê được bán cho Giáo phận Orange để làm nhà thờ chính tòa tương lai của giáo phận này. Theo các điều khoản của thương vụ, nhà thờ Pha Lê sẽ tiếp tục được phía Tin Lành sử dụng trong vòng ba năm trước khi cải tạo chức năng thành một nhà thờ Công giáo vào năm 2016, và sẽ đổi tên thành Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô.
Đối với người Việt thì Nhà thờ Kiếng còn là nơi an nghỉ của chí sĩ Nguyễn Chí Thiện.
Bên trong khuôn viên Christ Cathedral Campus còn có vài công trình tôn giáo và phục vụ khác...
Tác phẩm của 3 Kiến trúc sư hàng đầu
Được ba kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế kỷ 20 thiết kế, gồm các ông Richard Neutra, Philip Johnson và Richard Meier, Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô quả là một công trình độc đáo không chỉ ở Orange County, mà còn trên khắp thế giới.
Các kỹ sư đã thiết kế tòa nhà theo cấu trúc hình học của viên pha lê, với hệ giàn không gian bằng thép nâng đỡ 11,000 tấm kiếng bao phủ toàn bộ tòa nhà. Nhìn từ xa, tòa nhà trông như một viên pha lê đổi màu tuyệt đẹp: Màu xanh biếc vào ban ngày và lấp lánh sắc màu vào ban đêm.
Tòa nhà được xây dựng vào năm 1980 với chi phí $18 triệu. Cùng với việc xây dựng ngọn tháp chuông bằng thép cao 236 foot vào năm 1990, Nhà Thờ Kiếng đã trở thành công trình bằng kiếng lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Đáng chú ý là tòa nhà rất an toàn, có thể chịu được động đất tới 8 độ Richter.
Năm 2012, Giáo Hội Công Giáo Orange County mua lại tòa nhà này với chi phí $57.5 triệu và chi ra $77 triệu để sửa đổi thành nhà thờ Chúa Kitô.
Mặc dù chỉ thay đổi cấu trúc bên trong tòa nhà, nhưng dự án đã tiêu hao 100,000 giờ lao động của 110 đội công nhân xây dựng, thi công liên tục từ Tháng Sáu, 2017, đến Tháng Chín, 2018.
Bước vào bên trong tòa nhà, là một không gian rộng 46,000 foot vuông, lộng lẫy, uy nghi và tráng lệ. Trên trần nhà, 11,000 tấm panel hợp kim nhôm, có bốn cánh tự động đóng/mở từ 0 đến 45 độ, như cánh hoa vô cùng duyên dáng, che phủ khoảng 88,000 foot vuông kiếng và che đi hệ dàn thép khổng lồ. Dưới ánh sáng mặt trời, các tấm panel phản xạ, tạo ra những mảng màu sáng tối lấp lánh thật vi diệu. Theo các kỹ sư thiết kế, các tấm panel này không những tạo ra thẩm mỹ cho tòa nhà, mà còn giúp ngăn ngừa tia cực tím, che bớt ánh nắng mặt trời và giảm nhiệt bên trong.
Mọi thứ còn thơm tho mùi của nội thất mới, nền gạch lát mới, các hàng ghế gỗ sồi mới, trần nhà mới. Điểm nổi bật nhất, linh thiêng nhất trong không gian chính tòa là khu vực Bàn Thờ hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.
Nói về điểm khác biệt nhất giữa nhà thờ Tin Lành và nhà thờ Công Giáo, Giám Mục Timothy Freyer, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, cho hay: “Nhà thờ Tin Lành thường tập trung vào việc thuyết giảng đạo, nên mọi sự chú ý đều hướng về phía người thuyết giáo (mục sư). Trước kia, ở vị trí trung tâm của khu chính tòa có một bức tường lớn, các mục sư đứng trên bục giảng cao tới 30 foot để thuyết giáo và được đưa lên truyền hình. Còn bên đạo Công Giáo, chúng tôi tập trung vào các nghi lễ thờ phượng, lấy bàn thờ làm trung tâm. Do đó chúng tôi đã tháo dỡ hết bức tường, thay vào đó là một Bàn Thờ lớn.”
Bên cạnh bàn thờ, là một hàng ghế dài, trong đó có một chiếc ghế lớn nhất ở chính giữa, được gọi là “Bishop’s Chair” cũng làm bằng đá cẩm thạch.
Bên dưới bàn thờ có một hộp gỗ tuyết tùng, đựng các thánh tích từ những vị thánh và những người đã sống và chết vì đức tin của họ, trong đó có một người gốc Việt, St. Andrew Dũng-Lạc (1795-1839), được phong thánh năm 1988.
Vật liệu quý nhập từ Ý
Một điểm nhấn nữa là cánh cửa lớn có tên là “Bishop’s Doors” ở phía chính diện của tòa nhà. Cửa gồm hai cánh, kết cấu vững chãi, mỗi lần mở ra mất tới 45 giây, trên đó gắn một bức họa dài gần 20 foot, điêu khắc bằng đồng thau rất tinh tế, cầu kỳ.
“Bishop’s Doors là cánh cửa dành cho các vị giám mục đi qua. Bức họa trên đó có nội dung nói về Adam và Eve trong kinh Cựu Ước. Cánh cửa chỉ mở khi có dịp lễ trọng đại,” Giám Mục Timothy Freyer nói.
Bà Kim Porrazzo, phụ trách truyền thông của nhà thờ, giới thiệu: “Toàn bộ khu Bàn Thờ, bao gồm hàng ghế giám mục, bục giảng kinh thánh đều được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối từ Verona, Ý, do Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, đích thân sang Ý để tuyển lựa. Kể cả khu giếng rửa tội hình bát giác, nằm ngay cửa phía Đông của tòa nhà, cũng làm bằng đá cẩm thạch quý hiếm.”
“Toàn bộ nền nhà, cũng được lát một loại gạch làm bằng một loại đá cẩm thạch, cũng từ Ý. Trước kia, số ghế ngồi là gần 2,736 chỗ, nay rút gọn lại còn 2,100 chỗ ngồi. Toàn bộ ghế bằng gỗ sồi nâu, được sắp đặt theo hình bán nguyệt, tất cả hướng về phía trung tâm là Bàn Thờ.
Phía sau Bàn Thờ trên lầu một là vị trí dành cho Ca Đoàn đủ cho hơn 200 người. Ba lầu trên là vị trí lắp đặt 16,000 ống kim loại của cây đàn organ khổng lồ.
Phía trên bàn thờ là tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá nặng 1,000 pound, treo bằng sợi cáp ở độ cao 18 foot, được tôi luyện bằng thép đen từ thành phố Omaha, tiểu bang Nebraska, vận chuyển về Orange County,” bà Kim Porrazzo cho biết thêm.
Hai bên tường trong sảnh chính, mỗi bên treo bảy bức điêu khắc bằng đồng thau mô tả 14 trạm thập tự giá trên con đường khổ nạn của Chúa Giêsu, được nhà điêu khắc nổi tiếng ở Boliva (một nước Nam Mỹ cạnh Chile và Peru), tên Pablo Eduardo, tạo ra.
Ngay lối vào bên trong sảnh chính, có một bức họa lớn tên “Our Lady of Guadalupe” cao 10 foot, rộng 7 foot, được tạo ra một cách tỉ mỉ từ 55,000 miếng ghép nhỏ xíu bằng thủy tinh hoặc bằng vàng.
Lầu một phía sau Bàn Thờ, là vị trí dành cho ca đoàn, đủ chỗ cho khoảng 260 người. Vào ngày lễ khánh thành, ban nhạc sẽ hát bằng bốn thứ tiếng Anh, Đại Hàn, Tây Ban Nha và Tiếng Việt.
Đặc biệt, nhà thờ còn có một di sản đứng vào top 5 của thế giới, đó là cây đàn organ khổng lồ, tên Hazel Wright, được tạo ra từ 16,000 ống kim loại, được hình thành từ năm 1981.
Ý tưởng dùng các tấm hợp kim nhôm bốn cánh có thể đóng/mở vừa tạo ra ánh sáng lung linh huyền ảo cho tòa nhà, vừa che nắng, chắn tia cực tím và điều hòa nhiệt độ bên trong.
Giáo Phận Orange đã tháo dỡ các ống kim loại này, vận chuyển sang Ý để tân trang, sửa chữa. Sau đó, cây đàn được mang trở lại Orange County để lắp dựng thành ba tầng tháp bên trong tòa nhà. Dự án tân trang cây đàn organ này tiêu tốn $2.9 triệu và mất cả năm trời để lắp dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020.
Với những đặc điểm nổi bật và những con số đáng nể kể trên, Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô của Giáo Phận Orange xứng đáng là một kiệt tác nghệ thuật, là niềm tự hào của các giáo dân Orange County nói riêng và của nhân loại nói chung.
Nguồn: Tâm An/Người Việt
Bộ ảnh: TLKV 2018
Bình luận từ người dùng