Album V | E

BỮA TIỆC TRANH TƯỜNG GRAFFITI Ở MELBOURNE | 20 Ảnh

Một bức tường trống, mặt tiền của tòa chung cư, một ga tàu điện, một ô cửa sổ, hay một thùng rác công cộng… tất cả đều có thể trở thành tấm toan lí tưởng cho những bức họa graffiti đầy màu sắc.

Hãy hình dung, ngày cuối tuần, ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng hổi trong quán Hoboken, ngắm nhìn các nghệ sĩ say sưa vẽ trên bức tường đối diện nơi con hẻm nhỏ Hosier, nghe tiếng lọc cọc từ bình xịt sơn hòa trong tiếng người xôn xao qua lại, điều duy nhất bạn có thể thốt lên: “Thật tuyệt vời!”. Đó là những gì ngắn gọn nhất để nói về bảo tàng nghệ thuật ngoài trời ở Melbourne (Úc).

Tại tiểu khu Bronx, New York (Mỹ) vào những năm 1970, các thanh niên Mỹ đã viết tên họ lên tường bằng những nét vẽ đầy ngụ ý, sau đó là những bức tranh đơn giản xuất hiện ngày một nhiều tại nơi công cộng. Trào lưu này được nhân rộng ra khắp New York và nghệ thuật graffiti cũng ra đời từ đó.

Sử dụng bình sơn xịt hay bút đánh dấu, các graffiter (người vẽ tranh graffiti) gửi gắm thông điệp của họ qua những bức tranh đầy ẩn ý trên những bức tường trống. Các hoạt động vẽ tranh này hoàn toàn tự phát và nằm ngoài sự quản lý của chính quyền địa phương, thậm chí một số nghệ sĩ dùng graffiti để thể hiện quan điểm đối lập, bởi vậy, tại nhiều quốc gia, graffiti bị coi là môn nghệ thuật “không chính thống”.

Tuy nhiên, graffiti lại được chào đón ở Melbourne (Úc), người dân địa phương chẳng lấy làm phiền lòng khi tường nhà mình xuất hiện những bức họa không rõ nguồn gốc. Thậm chí, có người còn mời các graffiter đến vẽ lên tường, hàng rào hay cửa nhà bởi họ yêu thích thứ nghệ thuật tự do này. Đó là lí do mà chỉ mới một thập kỷ, graffiti đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của thành phố Melbourne. Những con hẻm ở khu trung tâm, những trạm xe lửa, một ô cửa sổ để ngỏ, hay thậm chí một thùng rác công cộng cũng có thể khoác lên mình bảng màu đầy cảm hứng. 

Không phô bày rực rỡ trên phố lớn, các bức họa graffiti hiện diện trong mê cung “laneway” – những con hẻm nhỏ nằm lẩn khuất sau các tòa nhà mang phong cách kiến trúc Victoria được dân địa phương gọi là “city” hay “CBD” (Central Business District – khu trung tâm thương mại). Có chút gì đó hao hao ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội, khu “city” của Melbourne là những con hẻm dậy mùi cà phê quyến rũ, là những lối đi bộ tuyệt đẹp rộng vừa đủ cho 3 đến 4 người khuất dưới mái vòm các tòa nhà cổ kính, là nơi lí tưởng để nhấm nháp các món ngon từ Á đến Âu và đắm chìm trong bữa tiệc của màu sắc. Những con hẻm đó chính là không gian sáng tạo và trưng bày các bức họa graffiti.

Theo chân họa sĩ Ekuips, một graffiter tự do ở Melbourne, tôi đã có cơ hội được hít thở bầu không khí sáng tạo nhộn nhịp ấy. Nói nhộn nhịp là bởi, các bức họa graffiti được “thay máu” khá thường xuyên. Bằng cách phủ sơn xóa đi nét vẽ cũ hay kết hợp tạo ra những tác phẩm mới, góc phố mà bạn rất thích thú ngày hôm qua có thể hoàn toàn mới lạ vào ngày mai. Ngoài ra, cách các graffiter lặng lẽ làm việc trong tiếng trầm trồ, xì xào của dòng người qua lại cũng khiến cho không gian sáng tạo trở nên nhộn nhịp là vậy. 

Ekuips đang hoàn thiện nốt những nét cuối cùng trong bức tranh graffiti của anh tại Hosier Lane, một trong số 180 con hẻm ở khu “city”. Nơi đây còn rất ít bức tường trống, Ekuips và các graffiter đã gửi yêu cầu lên chính quyền bang Victoria xin phép được tiếp tục phủ “graffiti” lên các “laneway” còn lại, để biến toàn bộ “city” trở thành phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời. 

Mùi sơn cay nồng xộc vào mũi, cùng tiếng lộc cộc của bình xịt khiến tôi đôi khi quên mất dòng người sau lưng mình. Chú tâm vào từng nét vẽ kỳ lạ của Ekuips, tôi cố lý giải điều anh muốn diễn tả thông qua bức tranh. Việc này không hề đơn giản, mỗi người xem tranh sẽ tự tìm cho mình một ý nghĩa riêng. Lạc giữa những bức biếm họa, những câu tuyên ngôn đầy ẩn ý, tôi ngất ngây trong men say của graffiti – nghệ thuật đường phố.

Nằm cạnh nhà ga Flinders, trái tim của Melbourne, Hosier Lane được coi là con hẻm có các tác phẩm graffiti tuyệt nhất trên thế giới. Một trong những “tấm toan” lí tưởng cho bất kỳ graffiter nào tọa lạc ngay tại con hẻm nhỏ này, đó là những bức tường của một xưởng may cũ từ năm 1920; không còn một mảng tường nào bị để trống, từng centimet trên tường, thậm chí dưới mặt đường đều được phủ kín bằng graffiti. Đó cũng là lí do khiến các quán cà phê, quán ăn trên con phố này thường xuyên kín bàn bởi ai cũng muốn được trở thành một chấm nhỏ trong bức tranh khổng lồ. 

Rất nhiều họa sĩ quốc tế đã tìm đến Melbourne để ghi danh lên những bức tường ấy, trong đó có một cái tên đã trở thành huyền thoại và các sáng tác của ông được săn lùng khắp nơi trên thế giới, đó là Banksy.

Đằng sau những nét vẽ vừa gần gũi vừa độc đáo của Banksy là sự châm biếm, mỉa mai những thói xấu của xã hội, chính vì vậy những bức họa Banksy luôn mang lại tiếng cười thích thú cho người xem. Sự bí ẩn của danh họa này, cùng những bức vẽ đầy ẩn ý khiến cho thông tin về Banksy hay dấu vết tác phẩm của ông được săn lùng ráo riết. Các mảng tường ở mê cung đường hẻm tại Melbourne có không ít những bức tranh của Banksy. Nhiều chủ nhà kiếm lợi bằng cách cắt bức tường có dấu bức họa của Banksy và mang ra bán. Một mảng tường như vậy đã được nhà đấu giá Sotheby danh tiếng định giá lên tới 80.000 euro. 

Dù chỉ một lần lạc lối trong những con hẻm nhỏ ở Melbourne cũng đủ khiến người ta nhớ mãi cái cảm giác lâng lâng, đắm chìm trong một bữa tiệc thị giác đầy màu sắc với những câu chuyện không có hồi kết của thế giới graffiti. 

Nguồn bài viết: Alouc.com

Nguồn ảnh: KTS. Phuong Ho (1-8); Alouc.com (10-17); Whatsonblog (18-19); Mantrahotels (20)

780

Bình luận từ người dùng

...
Link đã được copy