[Đà Lạt - Đứa con của tham vọng] Phần 5 - Pineau và 6 tấm bản đồ

12/04/2017 Kiến Admin tuoitre.vn
1164
0

Năm 1933, một số kiến trúc sư và nhà quy hoạch cấp tiến nhất thế giới lên con tàu du lịch đi từ Marseille đến Athens. Họ tổ chức Đại hội kiến trúc hiện đại quốc tế (Congrès Internationaux de l’Architecture Moderne - CIAM) ngay trên con tàu này. Trong số đó có Louis-Georges Pineau và sáu tấm bản đồ vĩ đại.

An image

Phải mất 30 năm mới nối liền được Phan Rang - Đà Lạt bằng đường sắt. Trong ảnh: đoạn đường sắt xuyên núi gian nan nhất ở đoạn Sông Pha - Eo Gió, thi công năm 1928 - Ảnh tư liệu

Pineau từng mong ước thuyết trình ở CIAM ba năm trước nhưng vào lúc đó ông lại được mời đi thiết kế nhiều thành phố tại Đông Dương. Lần này ông mới có thể tham gia diễn đàn kiến trúc uy tín này. Pineau không trưng bày tác phẩm của mình về Sài Gòn mà tự hào giới thiệu đồ án quy hoạch Đà Lạt 1932, ngang hàng với các đồ án quy hoạch Detroit, Budapest, Paris và Amsterdam của các tác giả khác.

Thành phố thư giãn

Chủ đề của CIAM Athens là “Thành phố chức năng”. Bằng khái niệm “chức năng”, ban tổ chức ngụ ý một thành phố dễ sống và tuyên cáo của CIAM xác định rõ: “Thành phố chức năng phải đảm bảo sự phân bố thích hợp về vị trí và diện tích của các khu vực khác nhau dành cho làm việc, sinh hoạt, giải trí và lưu thông.” Ngoài ra, “quy hoạch đô thị phải ấn định sự tương quan giữa các vị trí làm việc, sinh hoạt, giải trí theo cách nào đó để mọi hoạt động hằng ngày của dân cư có thể tiếp diễn mà ít tốn thời gian nhất.” Và một thành phố chức năng phải được xem xét trong “toàn bộ bối cảnh kinh tế, tức là phạm vi ảnh hưởng của nó.”

Chức năng Pineau xác định cho Đà Lạt là thành phố thư giãn, và ông thể hiện các tiêu chí ấy trong số bản đồ mang theo triển lãm. Bản đồ đầu tiên chính là đồ án 1923 của Ernest Hébrard, chỉ dùng làm nền cho quy hoạch “hiện đại hơn, xanh hơn và dễ sống hơn” của Pineau. Bản đồ thứ hai trình bày khu vực chính của Đà Lạt, phân vùng thành khu chợ, khu dân bản xứ, khu dân châu Âu và khu thư giãn (điển hình là sân golf). Ở đây, bên trên các quy hoạch nơi làm việc và cư trú, Pineau cũng áp đặt yếu tố phân biệt chủng tộc. Bản đồ thứ ba trình bày các vùng đệm và các vành đai xanh bất kiến tạo (cấm xây dựng) mà Pineau hết sức tự hào. Bản đồ thứ tư vẽ các đường giao thông. Bức thứ năm xác định các khu vực xây dựng, và cuối cùng là Đà Lạt Lớn của tương lai. Bên lề các bản vẽ là những ảnh chụp minh họa nhiều góc độ của khu vực dân cư bản xứ, những người thiểu số thân trần đóng khố, các kiểu biệt thự, những công trình đang thực hiện trên các hồ nước, và thiệt hại do trận lũ ngập tràn hồ Xuân Hương năm 1932.

Khi thảo đồ án này, Pineau cân nhắc các nguyên tắc định hướng sau: “bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên Đà Lạt, mở rộng mặt hồ nhân tạo, phát triển nhiều vườn hoa, thiết lập các phân khu thích ứng theo địa điểm và khí hậu... và các loại không gian trống dù đó là công viên, khu săn bắn hay vùng bảo tồn”. Chính Pineau đã cho xây dựng đập chắn hồ ở vị trí hiện tại và mở rộng hồ Xuân Hương như ngày nay. Giống như các nhà quy hoạch trước, Đà Lạt của Pineau là hình ảnh của một thiên đường. Không được phép có một vết nhơ nào trên bộ mặt đô thị. Gìn giữ thiên đường có nghĩa là phải bảo vệ lũ hươu nai vẫn tha thẩn trên bãi cỏ khách sạn Dalat Palace, bảo tồn những rừng thông độc đáo vốn là điều khiến những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên nhớ tới quê nhà.

Đối chọi và thiên kiến

Khác biệt về trường phái quy hoạch và quan điểm thiết kế đã khiến Pineau bài xích và phủ nhận các ý tưởng Hébrard. Nếu Hébrard nhấn mạnh mở rộng thì Pineau chú trọng bảo tồn. Hébrard chủ trương thiết kế biệt thự đồng nhất thì Pineau lại cổ xúy đa dạng kiến trúc. Nhờ quy hoạch 1932 của Pineau mà số biệt thự tư nhân ở Đà Lạt tăng vọt với kiểu dáng phong phú nổi tiếng tới ngày nay. Như Hébrard đã khuyến cáo “tránh đưa những thứ xấu xí vào Đà Lạt”, Pineau cũng tuyên bố “bảo vệ Đà Lạt khỏi sự xấu xí”, nhưng theo một hướng khác.

Các không gian bất kiến tạo nổi tiếng của Pineau không chỉ nhằm tạo không gian xanh mà còn là hành lang vệ sinh phòng dịch triệt để nhằm bảo vệ một “thành phố resort” phong quang, hợp lý dành cho người Âu, cho du khách. Còn những khu phố cũ hỗn độn cố ý dành cho người bản xứ phải nằm khuất mắt. Mọi di dời, giải tỏa theo quy hoạch ở Đà Lạt chỉ đảo lộn cuộc sống của người Việt bản xứ mà thôi. Như một tiền định, Đà Lạt không phải của dân Việt “Dalatois”! Các nhà quy hoạch Pháp chỉ bảo tồn và phát triển những gì mỹ miều nhất cho ngoại kiều, cho thiểu số tư sản Việt có thế lực không phải cư dân thường trú, và cho khách bốn phương du lãm. Nhưng thẩm mỹ còn tùy thuộc vào thị hiếu riêng.

Ngay thời kỳ Đà Lạt phát triển nhất ấy, báo chí Đông Dương đã từng lên tiếng chỉ trích việc xây dựng biệt thự ào ạt làm hỏng cảnh quan “thiên đường hạ giới” này. Chê bai bộ mặt đô thị Đà Lạt hung hăng nhất là cây bút ký tên tắt A. D.. Tác giả này từ năm 1930 từng viết bài trên tờ Extrême-Asie chế nhạo các kiến trúc pha trộn phong cách bản địa ở khắp Đông Dương. Thực tế, tác giả đã bài xích triết lý thiết kế của chính Hébrard. Năm 1937, A. D. cũng không bỏ qua quy hoạch của Pineau và chĩa mũi dùi vào chuyện kiến trúc phá hoại nhan sắc thành phố thiên đường. Tác giả viết trên tờ L’Impartial (Công Bằng) ở Sài Gòn một bài có tựa đề gay cấn “Dalat, un criminel attentat” (Đà Lạt - cuộc tấn công tội ác).

Bài báo chỉ trích các nhà phát triển đô thị đã dựng lên “mấy ngôi nhà nhỏ gớm guốc” trên ngọn đồi nhìn xuống trường học, rạp chiếu bóng và lại đang để cho nhiều nhà ở tư nhân bắt đầu mọc lên ven bờ hồ Xuân Hương. A. D. viết một cách khoa trương: “Cái hồ! Đúng là báng bổ khi bóp nghẹt viên bích ngọc ấy, viên lam ngọc, viên hắc kim cương ấy... trong một vành đai biệt thự rẻ tiền”. Cuối bài báo, tác giả trút thịnh nộ vào những công trình công cộng lớn mới hoàn thành và kết thúc bằng một giọng văn đặc trưng: “Sau trường Lycée [Yersin] và nhà ga, hãy dừng lại ngay những trò ô uế!”.

Tờ báo mang tên L’Impartial chưa chắc đã có quan điểm vô tư. Không ai biết rõ tác giả A. D. là ai, nhưng có thể đó là kiến trúc sư Auguste Delaval, người thiết kế Musée Blanchard-de-La-Brosse ở Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, tại Thảo cầm viên). Delaval đã được mời thiết kế ga Đà Lạt năm 1930 nhưng đồ án của ông ta cuối cùng không được duyệt và thay thế bằng đồ án của Paul Reveron năm 1935.

An image

Kiến trúc sư Pineau - tác giả đồ án quy hoạch Đà Lạt năm 1932 - Ảnh tư liệu

Louis-Georges Pineau (1898-1987)

Tốt nghiệp Học viện Quy hoạch Paris năm 1927 và được chứng nhận kiến trúc sư năm 1928, Pineau thuộc thế hệ những nhà kiến tạo mới theo trào lưu hiện đại và quốc tế hóa. Chính quan điểm cấp tiến đã liên kết ông với Congrès International d’Architecture Moderne (CIAM), một tổ chức do kiến trúc sư Le Corbusier sáng lập năm 1928 quy tụ các kiến trúc sư và nhà quy hoạch táo bạo nhất thế giới thời đó.

Dù đến Đông Dương từ năm 1930, qua CIAM mà Pineau có được mối liên lạc mật thiết với các đồng nghiệp cùng chí hướng như Cornelius Van Eesteren từ Hà Lan, Sigfried Giedion từ Thụy Sĩ, Carlos della Paolera từ Argentina, và Mart Stam lúc đó đang quy hoạch các thành phố công nhân kiểu mẫu ở Liên Xô. Ảnh hưởng quốc tế thể hiện rõ trong đồ án Đà Lạt của Pineau và sau khi ông triển lãm đồ án quy hoạch Đà Lạt năm 1932 ở Đại hội CIAM Athens 1933, “thành phố resort” này ngày càng được thế giới chú ý. Sau Đà Lạt, Pineau còn quy hoạch Phnom Penh năm 1933 và Vientiane năm 1935.

Trần Đức Tài

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1521
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy