Nhận được tài liệu này qua email. Đọc đi đọc lại thấy có nhiều thông tin quý giá có tính lịch sử về nhiều nhân vật trong nghề kiến trúc thuở mới khai sinh. Mừng quá! Gửi Tre Làng Kiến Việt phổ biến. Thân
TCC
LỜI MỞ ĐẦU
Cùng các anh, chị, em KTS quý mến,
Cách nay non hai năm, trong một dịp tình cờ, chúng tôi gặp được anh Đào-Trọng-Quyền, nguyên cùng là cựu học sinh trường TH Võ-Trường-Toản, khi biết được nghề nghiệp của chúng tôi, mới cho hay thân phụ của anh là cụ Đào-Trọng-Cương KTS mới vừa ăn mừng sinh nhật 100 tuổi, chúng tôi vừa vui vừa ngạc nhiên, xin anh Quyền gởi một bản copy hình của cụ đồng thời một bản tiểu sử để chúng tôi có thể viết bài gởi đến các bạn đồng nghiệp. Chắc là vì công việc đa đoan, anh quên mất, đến hè qua, chúng tôi gặp được anh của Quyền là Đào-Trọng-Hiệp, cũng là cựu hs VTT, cùng lớp, chúng tôi lặp lại yêu cầu và được Hiệp gởi cho vài chữ tóm tắt, ngắn gọn đến nổi không thể nào viết lên được một bài.
Ngày 22 tháng 3 vừa qua, nhân dịp viếng linh cửu thân mẫu của bạn Nguyễn-Đăng-Mạnh-Trúc KT65, chúng tôi gặp lại được anh Đào-Trọng-Hùng KT57, là anh ruột của hai bạn nói trên. Nhân tiện, chúng tôi lặp lại ý định, được anh tán thành và gởi cho tôi các bài và hình ảnh sau.
Năm qua, chúng ta được đọc toàn bộ Hồi Ký của thầy Phạm-Minh-Cảnh với tất cả mọi thích thú, nay cũng với niềm sung sướng được đọc một trích đoạn hồi ký của KTS Đào-Trọng-Cương. Qua đoạn hồi ký này, KTS Cương cho chúng ta có một khái niệm về các vị KTS tốt nghiệp trong thập niên 30 tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông-Dương – Hà Nội, vốn là tiền thân của trường Đại Học KT Sài Gòn mà hầu hết các vị giáo sư đều tốt nghiệp trong thập niên 40 tại École des Beaux-Arts de Paris, là những vị đã có công đào tạo đa số KTS chúng ta tốt nghiệp trong các thập niên 50, 60 cho đến hơn nửa thập niên 70, là những KTS dù nghèo hoặc giàu, dù công trình xây dựng ở tại Việt-Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới cũng chưa bao giờ bị sụp đổ. Chúng tôi vẫn một lòng biết ơn và kính trọng các bậc tiền bối của các thập niên 30 và 40 đó. Ước mong được anh Đào-Trọng-Hùng cho phép các đồng nghiệp hậu bối được đọc tiếp trọn bộ HK của cụ Cương, dĩ nhiên trừ những đoạn chỉ dành riêng cho gia-đình mà thôi. Được như thế, công của anh Hùng đối với tập thể KTS VN không phải là nhỏ.
Lâm-Công-Quyền KT65
♦♦♦
HÀNH TRÌNH NGHỀ NGHIỆP
của
KIẾN TRÚC SƯ NIÊN TRƯỞNG
ĐÀO TRỌNG CƯƠNG
Sinh năm Tân Hợi ngày 07 tháng 05 năm 1911 tại Bắc Ninh.
– Học sinh Tiểu học tại Phú Thọ và Phủ Lý.
– Học sinh Trung học tại Trường Bưởi Hà-Nội năm 1925-1929
– Sinh viên Ban Kiến Trúc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1929-1934,
Tốt nghiệp năm 1934 cùng khóa với các kiến trúc sư : Nguyễn bá Chí, Võ đức Diên, Hà minh Hoài, Đỗ đức Trung, Nguyễn xuân Tùng v..v..
– 1935-1938: Mở văn phòng Kiến Trúc sư tại Hà-Nội
-1938-1945: Kiến Trúc Sư phòng công thự tòa Đốc-Lý thành phố Hà-Nội
– 1945-1954: Mở văn phòng Kiến Trúc Sư tại Hà-Nội và Hải-Phòng,
. Kiến Trúc Sư giám định bồi thường chiến tranh.
. Nghị viên Hội Đồng thành phố Hà-Nội
– 1954-1957: Mở văn phòng Kiến Trúc Sư tại Saigon,
. Thực hiện và cố vấn rất nhiều công trình tân tạo và tu bổ quan trọng trong Đô thành Saigon-Chợ-lớn.
– 1957-1970: Công chức khế ước Bộ Kiến Thiết và Thiết Kế Đô thị
. 1957-1958: Liên ty Trưởng, Liên ty Kiến Thiết Mỹ-Tho
. 1958-1961: Ủy viên Kiến Thiết khu 4
. 1961-1969: Ủy viên Kiến Thiết khu 2
– 1970-1974: Trở lại hành nghề Kiến Trúc Sư tư vụ,
. Kiến Trúc Sư cố vấn thành phố Đà-Lạt và Bộ Lao-Động
– Cuối năm 1974: Sau chuyến đi tham quan Hoa-Kỳ và Canada và đã định cư tại Québec.
Kiến Trúc Sư Đào Trọng Cương năm nay đã được trên 101 tuổi là vị Kiến Trúc Sư cao niên nhất trong cộng đồng Kiến Trúc Sư Việt-Nam. Ông hiện sống tại thành phố Ottawa và vẫn còn trao đổi tin tức với bạn bè thân quyến :
M. ĐÀO TRỌNG CƯƠNG
200, Island-Lodge Road
Ottawa, Ontario K1 N5 M2
Canada
Trong số 10 người con trong gia đình Kiến Trúc Sư Đào Trọng Cương có anh Đào Trọng Hùng (K57), tốt nghiệp thủ khoa năm 1969, Trường Kiến Trúc, Đại Học Laval Québec, nguyên Kiến Trúc Sư trưởng sở Đồ-án Tân Tạo và chỉnh trang hệ thống Tòa-án thuộc Bộ Tư Pháp, tỉnh bang Québec, hiện cư ngụ tại Montréal, Canada.
♦♦♦
Hồi ký của Kiến Trúc Sư ĐÀO TRỌNG CƯƠNG,
Tốt nghiệp năm 1934, Ban Kiến Trúc,
Trường Cao Đẳng Mỹ – Thuật Đông Dương, Hà-Nội
về
Nghề KIẾN TRÚC SƯ tại Bắc-Việt
từ 1931 tới cuối 1954
Mãn nguyện VỚI nghề nghiệp là khi nào chúng ta để lại được một số công tác mỹ thuật cho đời sau chiêm ngưỡng với cái danh của mình dính theo. Không được vinh dự đó mà có vàng đầy người, tiền đầy két, quanh năm lên xe xuống ngựa (bây giờ phải nói là đi phi cơ hạng nhất v…v) cũng chỉ là mãn nguyện TRONG nghề nghiệp mà thôi. Mãn nguyện VỚI nghề nghiệp tôi không thấy một ai trên đất Bắc trong thời gian 24 năm hành nghề liên tục.
Đúng là ”vạn sự khởi đầu nan” một nghề được xuất hiện từ năm 1931 là năm khóa đầu tiên tốt nghiệp sau 5 năm học Trường Kiến Trúc, mà danh ”Kiến Trúc Sư” chưa có trong tự điển Pháp-Việt ! Một nghề phụng sự thời bình lại sinh ra trong cảnh rối ren của đất nước, trong thời kinh tế khủng hoảng thế giới, tiếp nối tới Thế Chiến thứ hai từ 1939 đến 1945, trong đó thêm thời kỳ Nhật chiếm đóng, thời Pháp trở lại Việt-Nam, quốc gia được độc lập nhưng sống bằng tiền viện trợ ngoại quốc, tiếp theo chiến tranh giành Độc Lập hoàn toàn vào cuối măm 1946, như vậy trong một thờ gian dài đã không cho ta một ”kẽ hở” nào khả dĩ ta hưởng được vận hội làm ăn TRONG nghề nghiệp, nói chi VỚI nghề nghiệp.
Dưới thời Pháp thuộc cũng có đã có một số công tác xây cất quan trọng, nhưng đều do mấy Kiến Trúc Sư Pháp lập đồ án, tiền xây cất cũng toàn tiền bạc của Pháp, nên Kiến Trúc Sư Việt-Nam không bao giờ được tham dự ngang hàng, và chỉ được giúp việc ăn lương tháng…
Giới ”có tiền” chịu bỏ ra xây cất Nhà cho thuê lấy lời phần lớn là người Hoa, như vậy đều là những công trình kiến trúc không để lại được sau này tiếng tăm gì, để cho Kiến Trúc Sư tác giả đồ án coi là mãn nguyện VỚI nghề nghiệp.
Cho nên Kiến Trúc Sư nhận làm công chức cũng là sự ”bất đắc dĩ”, chịu nhận bỏ hai chữ ”tiếng tăm” trên miệng dân chúng để lấy sự bình an lo việc sinh kế gia đình.
Nghề Kiến Trúc Sư cũng được đứng trên mức khá cao trong các thang lương-hướng, vì kể từ ngạch bắt đầu đã cao gấp 2 lần ”Ông Phán Tòa Sứ” trong khi ”Ông Phán” cũng là đẹp rồi trước con mắt bố mẹ muốn kén chồng cho con gái !
Nhà thơ Tú Xương đã đề cao ngạch này:
Nào có hay chi cái chữ nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co
Sao bằng thi đỗ làm ông Phán
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò
Nghề Kiến Trúc Sư trong một số năm đầu vì dân chúng chưa biết đến nên đều được gọi với danh hiệu ”Ông Tham” vì thấy trong ngành công chức ”Ông Tham” là một trong những chức ngạch cao thời đó…
Khóa Đầu tiên (tốt nghiệp năm 1931):
Ghi theo trí nhớ có các anh :
. Vũ Bá Dương
. Phạm Tư Quảng
. Nguyễn Văn Ninh
. Ngô Khắc Trâm
. Nguyễn Hữu Phương
. Bùi Văn Trọng
Nghề Kiến Trúc Sư đã chính thức bắt đầu ngay sau khi một số rất nhỏ Kiến Trúc Sư đầu tiên của đất nước tốt nghiệp. Đó là năm 1931, văn phòng Kiến Trúc Sư đầu tiên được mở tại số nhà 42 phố hàng Cót, Hà-Nội (rue Takou) do hai anh Nguyễn văn Ninh (đỗ thủ khoa) và anh Vũ bá Dương, để truyền bá cái danh mới trong xã-hội hơn là để có việc làm trong nghề nghiệp. Một cái biển bằng đồng khắc chữ ” PRIARCHINDO ” muốn nói lên đây là ”Kiến Trúc Sư Đông dương đầu tiên”. Nhưng chỉ hơn nửa năm sau thì biển bị gỡ ra vì hai anh đã nhận việc tại Nha công thự, thuộc Tổng nha Công Chính với lương công nhật, tuy thấp nhưng cũng còn dư cho chi tiêu hàng tháng. Và trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng này, cố hữu Ngô Khắc Trâm đã được Triều đình Huế thu dụng theo bằng Tú-Tài Pháp của anh thay vì nghề hợp pháp của mình.
Khóa thứ Nhì (tốt nghiêp năm 1932) :
Ghi theo trí nhớ có các anh :
. Hồ Đắc Cáo
. Phạm Gia Hiến
. Nguyễn Hữu Phan
. Đoàn Ngọ
. Nguyễn Thụy
Hầu hết các Kiến Trúc Sư tốt nghiệp đều ra làm công chức.
Đặc biệt ngoài anh Đoàn Ngọ vẫn tiếp tục ở lại trong nước, số còn lại sau biến cố 1975 đều sống rải rác ở nước ngoài như ở Hoa Kỳ có 2 anh Hồ Đắc Cáo và Nguyễn Thụy, ở Canada có anh Phạm Gia Hiến, ở Pháp có anh Nguyễn Hữu Phan. Đặc biệt hơn cả là anh Hồ Đắc Cáo tuy tuổi đã trên tám chục xuân xanh vẫn còn theo học, tìm hiểu về mỹ thuật tranh sơn mài và anh giải trí bằng môn đó trong những năm sống hải ngoại.
Khóa thứ Ba (tốt nghiệp năm 1933):
Ghi theo trí nhớ có các anh:
. Phạm Quang Bình
. Đặng Văn Đệ
. Nguyễn Cao Luyện
. Phan Nguyên Mậu
. Hoàng Như Tiếp
Tôi nhớ có 4 anh ra nhận công vụ ngay sau khi tốt nghiệp.
Hai anh Nguyễn C ao Luyện và Hoàng Như Tiếp chung nhau mở Văn phòng Kiến Trúc Sư tư vụ tại một biệt thự tọa lạc tại góc đường Richaud vời đường Borgnis-Desbordes Hà-Nội. Sau đó dăm năm thì có anh Nguyễn Gia Đức vào cộng tác cho tới năm 1947 tất cả phải tản cư kháng chiến chống Pháp. Từ đó tôi mất liên lạc, và nay tất cả các bạn trong ba khóa trên đây đều đã thành người thiên cổ …
Khóa thứ Tư (tốt nghiệp năm 1934 ):
Ghi theo trí nhớ có các anh:
. Nguyễn Bá Chí
. Đào Trọng Cương
. Võ Đức Diên
. Hà Minh Hoài
. Nguyễn Văn Minh
. Đỗ Đức Trung
. Nguyễn Xuân Tùng
Trong số các Kiến Trúc Sư tốt nghiệp khóa 1934, thì khoảng một nửa ra làm công chức, trong đó có tôi, và số còn lại ra mở Văn phòng tư-vụ.
Ở Hà-Nội có anh Võ Đức Diên cộng tác với anh Nguyễn Xuân Tùng, ở Hải Phòng có anh Nguyễn Bá Chí, vì ông cụ thân sinh quen biết nhiếu nhà buôn người Hoa giầu có nên khách hàng rất đông, gần như bất dịch.
Anh Diên và anh Tùng có Văn phòng ở đầu phố Hàng Gai quẹo ra Bớ Hồ Hoàn-Kiếm Hà-Nội, nhưng thân chủ thưa thoáng; anh Tùng mò mẫn lên tận Sơn-La, nơi có tiếng là rừng thiêng nước độc để tìm mỏ cát có vàng để đãi ra, nhưng mồ hôi ra nhiều mà vàng không xứng đáng với công mệt nhọc, nên lại trở về Hà-Nội tìm sinh kế kiểu khác vào quãng năm 1943.
Vắng mất anh Tùng, anh Diên với óc tài tử sẵn có cùng với quí phu nhân mở một Ban Kịch lưu động nhỏ. Sau độ một năm, tôi gặp anh trở vế Hà-Nội với cái đầu trọc lốc vì đã đóng vai Nguyễn Thái Học nên bị Pháp bắt và bị nhốt vào tù. Anh có lại thăm nơi tôi làm việc tại Tòa Đốc -lý Hà-Nội, anh cho biết khi từ Thanh Hóa tới ga xe lửa Hà-Nội, trong túi chị Diên còn có chưa đến 3 đồng bạc (giá trị một tạ gạo lúc bấy giờ). Dĩ nhiên, tôi trong ví sẵn có chút tiền, liền vui vẻ giúp anh chút ít cho qua được ít ngày chờ có việc mới.
Còn anh Tùng bèn khai thác vận tải, dựa vào sự nguy hiểm ăn bom trên đường bộ, anh chọn vận tải bằng thủy. Anh mua được một thuyền đinh to lớn, thì vào một buổi chiều hè năm 1944, anh nhẩy xuống sông tắm mát và anh bị chết đuối trong khi anh có tài bơi lội không khác gì con dái-cá. Vài anh em chúng tôi đưa chị Tùng, mới thành hôn chưa được bao lâu, xuống tỉnh Thái-Bình lo việc ma-chay cho anh, cho tròn tình-nghĩa thân giao khi một bạn thân bị hoạn nạn.
Khóa thứ năm (tốt nghiệp năm 1935):
Ghi theo trí nhớ có các anh:
. Nguyễn Mạnh Bảo
. Bạch Văn Chụ
. Phạm Khánh Chù
. Nguyên Ngọc Diễm
. Đỗ Thúc Đính
. Vũ Bá Đính
. Hoàng Hùng
. Nguyễn Đăng Linh
. Từ Nghê
. Nguyễn Ngọc Ngoạn
. Huỳnh Tấn Phát
. Nguyễn Hữu Phi
. Nguyễn Hữu Thiện
Trong số các bạn tốt nghiệp năm đó cóanh Hoàng Hùng là một trong những bạn thân thiết nhất đã cho tôi một kỷ niệm đáng quí mà tôi ghi nhớ mãi mãi…
Đó là vào đầu năm 1957, sau khianh Hoàng Hùng trở thành giầu có trong nghề nghiệp và tôi cũng khá dư giả trong nghề tạm thời là thực hiện việc xây cất và chỉnh trang một số địa-ốc cho Nha Quân Khu Thủ Đô và Đô thành Saigon dưới tên một ông bạn là Trần Lưu Dy, thì Anh được Tổng Thống Ngô Đình Diệm giao cho chức Bộ Trưởng Bộ Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị. Anh mời tôi cộng tác. Trong mấy vị trí trong Bộ mà anh nói ra để cho tôi chọn trước tiên một chỗ, tôi đã nhận việc thiết lập Liên Ty Kiến Thiết Mỹ Tho: trách nhiệm trên 4 tỉnh ngoài tỉnh Mỹ Tho là Long An, Bến Tre, Kiến Phong và Kiến Tường. Thế là từ năm 1957 đến năm 1970, tôi trở lại làm Kiến Trúc Sư công vụ.
Khóa thứ sáu (tốt nghiệp năm 1936 trở về sau) :
Ghi theo trí nhớ có các anh:
. Trần văn Bốt
. Tạ Mỹ Duật
. Huỳnh Văn Nhu
. Đỗ Bá Vinh
. Nguyễn Mỹ Lộc
. v…v…
Từ khóa này trở về sau, tôi chỉ nhớ được với mức rõ ràng tối thiểu.
Đại để là một số ra làm công chức ở Hà-Nội, một số ra làm tư vụ như anh Tạ Mỹ Duật mở văn phòng ở phố Hồ Thuyền Quang (phố Halais), anh Nguyễn Ngọc Ngoạn có văn phòng tại nhà ở số 1 đường Sơn Tây, anh Từ Nghê ở số 27 đường Jean Solès, anh Vũ đình Hóa ở phố Mission, gần Nhà Thờ Lớn Hà-Nội. Tất cả mở văn phòng tư vụ như ”để làm vì” thế thôi… Hồi ấy, nhà nước tạm ngưng việc bổ bán vào làm công chức tại Hà-Nội. Nếu có thì ở các nơi xa xôi nhất như Cao-Miên hay Lào mà chẳng ai muốn nhận !
Những bạn này đều từ các gia đình khá giả, khách hàng tuy thưa thoáng, nhưng với sự giúp đỡ của gia đình ”lấy đầu cá vá đầu tôm”, miễn sao tấm biển đồng treo bên cửa vẫn còn được tồn tại. Anh Tạ Mỹ Duật sau khi qua Pháp tham quan một thời gian dài, khi đó tôi cũng qua Pháp chơi đã được gặp lại và cùng đi du lịch nước Đức thăm ”Bức Tường Ô -Nhục” đã mất đi vài năm sau vì bệnh tim trong một buổi họp quan trọng tại Hà-Nội.
Anh Từ Nghê bị bệnh ung-thư óc, sang Pháp chữa và mất ở đó vào quãng năm 1948.
Anh Vũ Đình Hóa, sang di dân tại Pháp theo chương trình ”đoàn tụ gia đình”, và mất vào năm 1986, không bao lâu sau khi đến nơi.
Trong thời Kháng chiến chống Pháp (từ 1946 trở đi…) phong trào tản cư về vùng thôn quê làm đình chỉ việc hành nghề Kiến Trúc khắp nơi.
Tới cuối năm 1947, sang năm 1948 mới lác đác một số trở về nội thành Hà-Nội, trong đó có tôi. Vì một số lớn công chức trước kia đã đi theo kháng chiến, một số chưa gặp dịp để trở về Hà-Nội nên chính quyền hồi đó bèn ra một thông tư: ”ai muốn trở về làm công chức thì sẽ được truy lãnh số lương của 2 năm đi kháng chiến (1945-1947) theo mức lương hiện tại”;cho nên rất nhiều bạn đã xin hồi ngạch để có một số tiền lớn. Cũng vì thế, trong ngành Kiến Trúc Sư tư-vụ không còn mấy ai : ở Hà-Nội thì có anh Nguyễn Bá Chí và tôi, ở Hải Phòng thì có anh Huỳnh Văn Nhu cộng tác với hai anh Nguyễn Mỹ Lộc và anh Trần Văn Bốt.
Anh Nhu và tôi được chính phủ Pháp cho phép là ”Kiến Trúc Sư có quyền tính bồi thường Chiến Tranh 1939-1945 cho công dân Pháp và một số người Việt-Nam, nếu nhà ở của những vị này bị hư hại bởi chiến tranh vừa qua.”
Với thẩm quyền đó tôi bắt đầu thực hành từ năm 1949 khi văn phòng tư vụ của tôi còn ở Hải Phòng, sang đầu năm 1950 mới rời về Hà-Nội, nơi gia đình tôi đang ở.
Công việc tuy rất bận rộn nhưng cũng rất vui trong suốt 5 năm (1949-1954), văn phòng có đầy đủ nhân viên giúp cho việc lập Hồ-sơ tốt đẹp, được sự tín nhiệm của Sở Bồi Thường Chiến Tranh. Năm năm này là những năm tôi cho được là mãn nguyện nhất TRONG nghề nghiệp.
Năm 1954, gia đình tôi đã bỏ lại tất cả ở Hà-Nội để di cư vào miềnNam.
Tới đây cũng xin nhắc lại cái Nghị Định của Toàn Quyền Decoux ngày 20-5-1942, theo đó nghề nghiệp Kiến Trúc Sư mới bắt đầu được quy định trên Pháp-Luật : ở Hà-Nội, nhà ở có diện tích từ 100 thước vuông trở lên phải do Kiến Trúc Sư vẽ kiểu, nhờ vậy các văn phòng tư-vụ bắt đầu dễ thở đôi chút.
Sở dĩ nghị định này được ban hành là vì muốn nó đi đôi với việc lập đồ án chỉnh trang thành phố Hà-Nội do Kiến Trúc Sư Cérutti-Maori, đệ nhất Khôi Nguyên La-Mã (Premier Grand Prix de Rome) với sự phụ tá của anh Nguyễn Gia Hiến (khóa 2) .
Như ta thường hiểu ”giữa người nghèo với nhau, tình bạn đằm thắm và thành thực” thì giới Kiến Trúc Sư ngoài Bắc cũng như trong Nam, đại đa số không thật là giầu có, thì tình bạn với nhau kể từ năm 1955 vẫn giữ được nét đẹp cố hữu.
Mà nay nhắc lại một số các bạn xưa thì đây là mấy nén hương-lòng đem tới các Bạn hầu hết đã khuất bóng tại quê nhà cũng như tản mát khắp năm châu…
KTS. ĐÀO TRỌNG CƯƠNG
(Trích trong Hồi Ký ”Quên làm sao được” viết năm 2004 tại Ottawa, Canada)
Kiến-Trúc-Sư Đào-Trọng-Cương, chụp năm cụ được 93 tuổi. Ảnh do KTS Đào-Trọng-Hùng cung cấp
Phần ghi chú
Nhờ trí nhớ tuyệt vời của cụ Cương, chúng tôi, những kẻ đi sau được biết rõ hơn như sau:
Khóa Đầu tiên (tốt nghiệp năm 1931) có:
KTS Ngô-Khắc-Trâm là GS dạy chúng tôi, khóa 65-66, môn Métré tại trường ĐHKT Sài-Gòn.
Khóa thứ Tư (tốt nghiệp năm 1934 ) có:
KTS Nguyễn Bá Chí, là tác giả đồ án chợ mới Đà Lạt, khoảng năm 1960, là thân phụ của anh Nguyễn-Bá-Côn KT63, Q.C. và Nguyễn-Bá-Cung KT65.
KTS Võ Đức Diên, theo quyển Hồi Ký số 3 của Phạm Duy, ”là một công chức cao cấp của Nha Kiến Thiết,… được lòng của ông bà Ngô-Đình-Nhu trong việc trang hoàng các dinh thự lớn, KTS họ Võ được chế độ tin cậy”. Cũng theo Phạm Duy, Ông Võ-Đức-Diên ngoài nghề KTS, còn là một lão tướng trong làng văn nghệ miền Nam, ông dựng kịch, ông vận động với ông NĐNhu để lập ra tập san văn nghệ Sáng Dội Miền Nam và phòng trà Anh Vũ… KTS Diên có một người con trai tên là Võ-Đức-Diễn là GS dạy môn Toán tại trường ĐHKT SG, niên khóa 65-66, người con khác tên là Võ-Phượng-Đằng KT65.
KTS Đào Trọng Cương là thân phụ của anh Đào-Trọng-Hùng KT57, là người viết tiểu sử của cụ trong bài này.
Khóa thứ năm (tốt nghiệp năm 1935) có:
KTS Hoàng Hùng, Bộ Trưởng Bộ Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị trong thời cố TT Ngô-Đình-Diệm ( cu ̣Cương đã viết trên đây)
KTS Huỳnh Tấn Phát, người quá sức nổi tiếng rồi, khỏi cần phải giới thiệu.
KTS Nguyễn Hữu Thiện, dạy môn Luật Nhà Phố tại trường ĐHKT SG, niên khóa 65-66.
KTS Vũ Bá Đính, đã quá vãng tại Mỹ, có con trai tên Vũ-Bá-Long cũng là KTS nhưng tốt nghiệp tại Mỹ. Cụ Đính có hai người cháu ruột, gọi là chú, hoc tại trường ĐHKT SG là Vũ- Bích-Ngọc KT66 và Vũ-Bá-Vinh KT69.
KTS Nguyễn Đăng Linh, Q.C., được con bảo lãnh sang ngụ tại Th.Ph. Sherbrooke, Qué, Ca-Na-Đa một thời gian dài, là thân phụ của bạn Nguyễn-Đăng-Mạnh-Trúc KT65.
KTS Nguyễn-Hữu-Phi (*), Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên trong chánh phủ Nguyễn-Cao-Kỳ, khoảng năm 1965, nội các này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn.
Khóa thứ sáu (tốt nghiệp năm 1936 trở về sau) có :
KTS Đỗ Bá Vinh, GS tại trường ĐHKT SG, các năm 70 cho đến 76, người ta không quên hình ảnh một vị thầy tóc hói, hiền lành, trắng trẻo, mập mạp, đi lửng thửng trong sân trường. Cụ là thân phụ của bạn Đỗ-Bá-Khoa KT66. Bạn nào có dịp sang Bỉ, nhớ ghé nhà của cụ tại Bruxelles, nhìn di ảnh của cụ nơi bàn thờ trông không khác gì lúc còn sinh tiền, để tưởng niệm các hình ảnh nói trên.
Lâm-Công-Quyền KT65
Ngày 22 tháng 4 năm 2012 St-Hubert, Qué.
(*) Dòng này do bạn Trần-Quang-Trung KT66 TX, Mỹ bổ sung ngày 23/4/2012
Bình luận từ người dùng