Trong nửa đầu thế kỷ XX, Paul Champoudry (1906),Jean O'Neill (1919) và các kiến trúc sư Ernest Hébrard (1923), Pineau, Mondet (1933) và Lagisquet (1940) đã thiết lập đồ án quy hoạch đô thị Đà Lạt.
Những đường nét ban đầu của thành phố tương lai đã được vạch ra dựa theo những con đường mòn có sẵn của người dân tộc ở trong vùng. Bố cục chính của thành phố được sắp xếp dọc theo bờ phía nam suối Cam Ly trong vùng cao nguyên rộng lớn với cao độ trung bình 1500m. Vùng phía bắc suối Cam Ly được dành cho doanh trại quân đội.
Đà Lạt có nhiều suối nhỏ và dòng suối quan trọng nhất chảy qua thành phố là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp bố cục thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ năm 1900, kỹ sư Rousselle - Giám đốc Sở Công chánh - đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước. Sau này, Hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) đã được thành hình một phần vào năm 1919, do kỹ sư công chánh Labbé thực hiện khi đắp xong đập thứ nhất. Năm 1923, hồ được mở rộng và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay (sau khi xây xong đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ vì mưa lũ lớn xảy ra năm 1932).
Từ đó đến nay, việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố và là những công trình tạo tác có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên. Công trình hồ nước nhân tạo vừa đem lại nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho cư dân, vừa tô điểm thêm nét đẹp thanh lịch cho cảnh quan hoang sơ, và là trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng của thành phố.
Với tài năng và kinh nghiệm, KTS Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo (năm 1923). Sáng kiến này vừa làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của vùng đất nghỉ dưỡng đã sẵn có nhiều tiềm năng phát triển. Mỗi hồ nước nhân tạo là một trung tâm của một phân khu chức năng. Theo dòng Cam Ly, kể từ thượng lưu sẽ gồm:
Hồ Than Thở ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh đã cùng các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình và nổi tiếng.
Một hồ nước trung bình dự kiến giữa khu Chi Lăng và Thái Phiên là tâm điểm của Trung tâm Hành chánh Trung ương.
Hồ nước cuối cùng được dự kiến xây dựng trước khi dòng suối đến thác Cam Ly. Từ đó, gần 10 hồ nước qui mô lớn đã được xây dựng tại Đà Lạt và vùng phụ cận với tổng diện tích lưu vực lên tới 100 km², diện tích mặt nước hơn 750 ha và tổng dung tích hồ hơn 18 triệu m³ nước.
Tuy nhiên, do quá trình bồi lắng tự nhiên, nạn lấn chiếm đất hồ cùng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong bối cảnh việc quy hoạch xây dựng bị buông lỏng, hàng loạt hồ nước bị biến dạng, thu hẹp diện tích.
Ngày 20/7/2010 UBNDTP Đà Lạt đã quyết định cải tạo nâng cấp chuỗi hồ nước nhân tạo và khai thông dòng suối Cam Ly.
Vài hình ảnh về Đà Lạt thuở còn hoang sơ:
Bình luận từ người dùng