Tản mạn về Đà Lạt

Bài 1: Giá trị Đà Lạt nằm ở đâu?

Đà lạt gần gũi và thân thương với mọi người. Đà Lạt, đối với những người ở nơi khác đến, là một nơi chốn đi về để tránh xa sự ngột ngạt của công việc và bầu không khí luôn đặc nghẹt của đô thị. Là nơi lên lịch cho một kỳ nghỉ hoặc là nơi hò hẹn. Và cứ thế Đà Lạt luôn nằm trong tâm tưởng của mọi người như một ký ức đáng yêu bởi ở đó có quá nhiều kỷ niệm…

Đà Lạt già đi theo năm tháng nhưng lại trẻ hơn lên với những đổi thay quay cuồng theo dòng phát triển của xã hội. Nét Đà Lạt cũ kỹ, nghèo nàn của thời khốn khó lại được hoài niệm nhiều hơn. Từng túp nhà quét vôi màu vàng, mái ngói nâu rêu phong, từng bờ đá, từng con đường gập ghềnh với những bờ hoa dại dưới những cơn mưa se lạnh là những gì người ta nhớ đến.

Hầu như mọi thay đổi cho Đà Lạt đều làm cho ta cảm thấy lo lắng và hoài nghi, sợ dần mất đi những góc phố đầy kỷ niệm, những nét xưa yêu kiều… Nhưng thực tế, đó là suy nghĩ của người đi du lịch, họ không chịu trách nhiệm về Đà Lạt, và không sống hàng ngày với Đà Lạt.

Vậy thì ta phải hiểu như thế nào đối với những điều này?

Trước hết phải đặt mình vào vị trí của bản thân Đà Lạt, con người Đà Lạt và những người chịu trách nhiệm phát triển đô thị Đà Lạt. Hãy loại bỏ những điều tiêu cực không đáng nói qua một bên để nghĩ một cách tích cực rằng hiện giờ Đà Lạt đang ở đâu? Đà Lạt cần gì? Và nếu được quyền quyết định thì bạn sẽ làm gì để cho Đà Lạt nói riêng và một đô thị cần phát triển nói chung vẫn giữ được những giá trị riêng của nó?

Hiện nay đô thị VN nói chung phải đối diện một (trong số nhiều) vấn đề quan trọng, đó là chịu những áp lực rất lớn từ sự phát triển kinh tế. Dòng chảy của di dân từ vùng này sang vùng khác, gia tăng dân số, công nghệ phát triển và kinh tế lớn mạnh lên. Và khi điều này xảy ra, thì sự đổi thay về mọi mặt là không thể tránh khỏi. Không ai muốn Đà Lạt nghèo mãi hoặc yêu kiều trong vẻ đẹp nghèo nàn hoang sơ mãi. Đà Lạt phải giàu lên, phải phát triển, phải mới và phải sáng lên, bỏ lại sau lưng những lụp xụp, những rêu phong hoang tàn kia. Nhưng điều đáng sợ nhất là sự không đồng đều trong phát triển các mặt, tạo nên những đường trượt lệch lạc giữa các khía cạnh kinh tế, văn hóa, giáo dục, trong đó đương nhiên kiến trúc và bộ mặt đô thị cũng không thoát khỏi.

Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành, là nhà ga đầu mối trên tuyến Đường sắt Phan Rang-Đà Lạt dài 84 km. Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Langbiang hoặc nhà rông Tây Nguyên - Ảnh: DHH

Theo người viết, sở dĩ có sự không đồng bộ trong những khía cạnh phát triển của đô thị, mà điển hình là Đà Lạt (hay Hội An, hoặc Sapa, v.v…) là những người có trách nhiệm chưa phân tích thấu đáo giá trị của đô thị mình đang quản lý. Không cần tranh cãi về việc ta có biết hay không biết về việc này nhưng từ việc biết đến việc đưa ra giải pháp để giữ gìn các giá trị lại cần thêm một pho sách nữa để viết xuống. Ai cũng biết giá trị của Đà Lạt là thắng cảnh, là nơi du lịch, là sự hiếu khách, v.v… nhưng đã mấy ai ngồi xuống để “số hóa” các giá trị đó. Có ai đã ngồi xuống để trình bày cụ thể bước chân của một du khách phương xa đến & đi theo sơ đồ nào để họ tận hưởng được giá trị của Đà Lạt, tại sao họ cần Đà Lạt, tại sao họ nhớ nhung và hoài niệm về thành phố này? Đà Lạt giàu lên nhờ du lịch hay nhờ nông nghiệp hay buôn bán? Để từ đó, ta xây dựng một đô thị đáp ứng những nhu cầu đó? Hoặc đã có ai trình bày cho nhân dân rằng phát triển khu Hòa bình thành nhà cao tầng sẽ nâng cao được giá trị gì cho Đà Lạt? Nếu ta cho là “tư duy m2” theo kiểu Sài gòn là sai trái thì tư duy kiểu nào cho chuẩn mực và phù hợp với Đà Lạt, thì phải được nêu ra cụ thể bằng sự phân tích trên cả lý luận lẫn hình ảnh và con số.

Một góc phố cũ ở Đà Lạt - Ảnh: DHH

Hiện nay, theo thiển ý, dường như những người quản lý đô thị đang thiếu thốn điều này. Cái dở là những người quản lý đô thị vẫn nghĩ là những gì mình nghĩ và cho là đúng, là có "lợi" cho dân là đủ, miễn là có “tâm” thôi… Ta không thể giải thích được tại sao ta muốn phát triển khu Hòa Bình thay vì nơi khác. Phải chăng khu Hòa Bình gần chợ? Những cư dân quanh khu Hòa Bình cũng muốn thay đổi ngôi nhà của họ chứ. Để khang trang hơn, đẹp hơn thì họ phải làm gì? Nhà hát Hòa Bình với kiến trúc lở lói hoang tàn cần được thay thế như thế nào? Những cuộc thi về chỉnh trang đô thị đã thiếu vắng “khung giá trị” để giúp cho chất lượng của các phương án gắn liền với nhu cầu của Đà Lạt. Cho nên đã…“yêu rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu”!

Hình ảnh tư liệu về một số góc phố cũ ở Đà Lạt - Ảnh: DHH

 

Bài 2 - Các giá trị vô hình

Việc đi tìm quy hoạch mới phù hợp cho phát triển đô thị Đà Lạt là điều đương nhiên và thiết thực cũng như ta đi tìm cái nhà mới cho một gia đình ngày một đông con. Thực ra nếu biết “kế hoạch hóa” một cách khéo léo từ khâu “sinh con” thì ta cũng đã giúp thay đổi khá nhiều. Tuy nhiên ta chẳng kỳ vọng nhiều lắm vào các kế hoạch 5 năm qua các nghị quyết viển vông lâu nay. Vì vậy, các làn sóng di dân vẫn tràn đến Đà Lạt, việc mua bán đất đai địa ốc vẫn khốc liệt và việc xây cất vẫn tràn lan thiếu tổ chức giống như bất cứ đô thị nào trong nước.

Kiến trúc mới trong 1 khu phố cổ nước Anh, mượn các chỉ số tầng cao, vật liệu của di sản để làm cho nó không phá hoại cảnh quan cũ

Công trình xây mới thập niên 2000 trong khu phố cổ của New Castle - Gateshead (England)

Trong các lý thuyết quy hoạch đô thị, người ta hay dùng chữ “fabric” để nói về chất liệu để tạo nên từng đô thị. Chữ này rất hay. Nó cho ta hiểu được đô thị cấu thành nên từ những khung (frames) hay sự sắp xếp theo một tổ chức. Nhưng nó cũng được hiểu như những “thớ vật liệu” giống như vải. Những thớ vật liệu này dày mỏng tùy theo loại vải mà ta muốn mặc. Độ dày mỏng khác nhau tạo nên sự khác biệt của cấu trúc.

Các public arts (nghệ thuật công cộng) đặt khắp nơi ở New Castle - Gateshead (England) đã biến diện mạo của thành phố cũ thay đổi hoàn toàn

Công trình không đẹp nhưng lấy tỉ lệ lại từ khu phố di sản không làm khó chịu mắt nhìn. New Castle - Gateshead (England)

Giữa phố di sản, public arts được dựng lên khắp nơi gây sự mới lạ, thu hút du khách ở thành phố New Castle - Gateshead (England) bên bờ sông Tyne

Fabric của khu Hòa Bình sẽ khác fabric của khu đường Trần Hưng Đạo. Vậy thì fabric có thông số của nó không? Chắc chắn là phải có. Nói nôm na là, fabric của từng khu phố là mật độ xây dựng, tầng cao, là sự tương quan giữa các công trình trong khu phố đó…

Chiếc cầu cổ nối New Castle và Gateshead qua sông Tyne với những kiến trúc mới cũ xen lẫn nhau.

Đó là chưa nói đến texture, là một khái niệm bên cạnh liên quan đến màu sắc và vật liệu cấu thành nên nét đẹp. Riêng tôi thì hiểu fabric là tỉ lệ tương quan giữa con người và lối đi cùng với các tầng cao, là thời gian đi lại giữa các khu phố cùng với cảm xúc khi đứng trong không gian này.

Phố đi bộ ở New Castle - Gateshead (England) các bảng hiệu và màu sơn của các cửa tiệm đã tạo được những trật tự của phố xá.

Vậy trong việc bảo tồn những giá trị của đô thị Đà Lạt, người ta phải xác định được fabric của từng khu vực. Nghĩa là, phải xác định được Code (quy định, quy chuẩn) nào cần phải có để giữ lại được các giá trị đó. Dựa trên những giá trị của di sản như giá trị của tầm nhìn, giá trị của hàng quán, giá trị của giới thiệu lịch sử, ta xây dựng quy định cho việc xây cất công trình. Từ đó, dù ta có bỏ kiến trúc tân kỳ và khác lạ đến cỡ nào vào thì nó vẫn không phá vỡ được giá trị của khu vực vì nó còn “fabric”, còn “texture” riêng giúp nó bảo tồn được các giá trị cũ.

Box điện thoại làm nên "identity" của New Castle - Gateshead (England)

Trong khái niệm về quy hoạch đô thị, người ta cũng thường nói về “Identity” là dấu ấn riêng, là bản sắc.

3 khái niệm cơ bản trong Quy hoạch đô thị và mối tương quan với cơ thể người. Xác định được 3 yếu tố này trong 1 đô thị di sản sẽ giúp cho việc thiết kế bảo tồn hoặc quy hoạch không bị lạc hướng - Ảnh: TLKV

Đà Lạt bị coi là đang bị Sài gòn hóa (nói Sài gòn hóa để cứu vãn danh dự cho Sài gòn, chứ thực ra là lộn xộn hóa!). Nghĩa là Đà Lạt đang mất dần đi cái bản sắc (Identity) của mình. Nhưng cái gì làm nên Identity của Đà Lạt? Nếu nói là Kiến trúc Pháp làm nên diện mạo của Đà Lạt thì đúng đến bao nhiêu phần trăm? Riêng tôi thì chỉ đúng một phần, phần lớn còn lại chính là thiên nhiên và con người mới làm nên cái Identity này.

Các bảng hiệu không cần phải tranh chấp nhau. Chắc chắn có sự kiểm soát về kích thước và màu sắc của các bảng hiệu

Các nhà thiết kế Pháp và Việt xưa cũng dựa vào thiên nhiên và con người Đà Lạt để xây dựng nên Đà Lạt (cũ). Người Đà Lạt khiêm cung, người Đà Lạt nhẹ nhàng không phô trương nhưng lãng mạn. Nhà Đà Lạt nhỏ, gọn, ấm cúng và thơ mộng. Phố Đà Lạt lặng lẽ, gần gũi, thân thuộc trong một cộng đồng nhỏ bé biết nhau hết từ làng trên xóm dưới. Phố Đà Lạt đâu cần bảng hiệu to lớn xanh đỏ, lòe loẹt. Đà Lạt đâu cần nhà cao tầng để xóa đi các đường đồng mức?

Đem những thứ đao to búa lớn từ nơi xa đến để thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng của những người chỉ biết coi doanh số là quan trọng, hoặc những ý đồ kiếm lợi quanh những dự án lớn là một cách giết dần các giá trị vô hình của Đà Lạt. Vậy phải làm sao?

Kiến trúc mới đặt cạnh kiến trúc cổ trong tp New Castle - Gateshead (England)

Theo tôi, Đà Lạt nên xác định hẳn các gợi ý về những hình thức kiến trúc nên có trong từng khu vực của Đà Lạt dựa trên di sản tại chỗ. Dĩ nhiên những gợi ý này phải “mở” để khuyến khích sáng tác nhưng tôn trọng sự quy định của Code khu vực.

Không cần phải làm mới kiến trúc cũ, chỉ cần thêm những tác phẩm nghệ thuật cũng đủ đem đến sự khác biệt

Trong những dịp tham gia thi các dự án nhỏ về thiết kế nhà ở Mỹ, người viết luôn gặp phải các đề nghị phải bảo vệ style của kiến trúc khu vực. Có nơi đòi phải giữ kiến trúc Victorian, có nơi đòi phải lặp lại Craftman style, có nơi cổ súy Tudor v.v… Tựu trung, người ta rất ý thức bảo vệ giá trị khu vực vì đó chính là giá trị của ngôi nhà của chính họ.

Cũng cần nói là, dù là fabric hay identity gì gì đó thì cũng phải bàn với dân. Tiếng nói của dân Đà Lạt là quan trọng nhất. Họ sẽ biết họ đang cần gì, yêu quý cái gì và đang phải chịu đựng cái gì? Đúng là vai trò Kiến trúc sư chỉ là một phần, lắng nghe tiếng nói đại diện thuộc mọi lãnh vực trong xây dựng và quản lý đô thị cho Đà Lạt nói riêng và đô thị di sản nói chung là không thể thiếu. Trong phạm vi bài nhỏ, người viết không tham vọng gói hết những điều muốn nói cho nên xin tạm dừng.

Texas, tháng 03 / 2019

DHH

 

Mời xem thêm các bộ ảnh tư liệu:

 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1520
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy