Kiến trúc trước hết là văn hóa

23/12/2017 Lý Thái Sơn
964
0

Sài Gòn, một ngày tháng 10 năm 1994

Đồng nghiệp quý mến,

Nhà thơ lãng mạn bậc nhất nước Pháp Apollinaire năm năm trước đây khi đến dự Đại hội Kiến trúc sư Toàn quốc kỳ IV tại Hà Nội đã ngẫu hứng lý qua cầu mà thốt lên rằng :

“Sous le pont Thang Long coule la fleuve Rouge”

Dưới chân cầu Thăng Long nước sông Hồng vân cuồn cuộn chảy…

 

kien truc la van hoa

Vâng, chiếc cầu cũng chính là hình ảnh kiến trúc Hà Nội tại thời điểm 1989, tượng trưng cho sự tĩnh tại (statique) tương phản với vận động bất tuyệt của dòng chảy (dynamique), tượng trưng cho cảnh quan sống động hòa quyện với kiến trúc. Tĩnh và động; Đóng và mở; Đặc và rỗng. Núi và sông (giang sơn trong “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”); Sơn và Hà (trong “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”). Rồi Sơn và Thủy trong một loại tranh thờ của Việt Nam, lại thường được biết đến dưới danh hiệu PHONG THỦY (Feng shui) trong nền kiến trúc Trung Quốc. Một khoa học kỳ dị bắt nguồn từ một quyển sách còn kỳ dị hơn nữa. Một quyển sách được người Trung Quốc tôn lên hàng kinh điển có tên gọi là KINH DỊCH (I chinh). Tồn tại gần sáu thiên niên kỷ nay, quyển kinh này thoạt kỳ thủy không có chữ viết – Kinh vô tự – lại cầm đầu ngũ kinh. “DỊCH QUÁN QUẦN KINH CHI THỦ” – Một quyển kinh không bàn gì khác hơn là thời gian – “DỊCH ĐẠO CHỈ THỊ THỜI” – Cái chiếu bí ẩn thứ tư của không gian (đối tượng của kiến trúc đây rồi !) Người san dịch quyển kinh này trong tinh thần “THUẬT NHI BẤT TÁC” – một thứ tinh thần Cartesien thuần túy phương Tây – Không ai khác hơn là cụ Khổng. Hơn hai ngàn năm trước, nhân một chuyến Nam du (Chẳng hiểu Cụ có lặn lội đến tận sông Hồng chăng?) và trong một buổi chiều tà tịch mịch ngắm nhìn dòng sông nước lững lờ, Cụ cảm khái “THÊ GIÁ NHƯ TƯ PHÙ BẤT XẢ TRÚ DẠ”, rồi thoát nhiên ngộ đạo Dịch, như chúng ta đều biết Cụ viết quyển kinh này lúc tuổi đã gần đất xa trời – quyển cuối trong ngũ kinh - trong lời than nổi tiếng: Ôi, giá mà ta biết đến đạo Dịch sớm hơn thì đâu đã lầm lẫn lớn đến như vậy …!

Xin quay lại với kiến trúc phong thủy. Phong Thủy là gì? Ở đâu? Lúc nào? Tại sao?- Riêng Bạn, trong hoạt động nghề nghiệp Kiến trúc sư – Bạn có lúc nào chạm trán với Nó chưa? Cái bóng ma phong thủy này, nếu không biết và không hiểu Nó, nó có thể gây cho đồ án của Bạn không ít điều phiền toái. Nhà báo MICHEL FAURE trên tờ EXPRESS số 01/1994 rên rỉ : “Phong thủy ư? Thật khó giải thích, nhưng những ai (tác giả ám chỉ các nhà doanh nghiệp phương Tây) muốn làm ăn ở Đài Loan đều buộc phải biết đến Nó”. Mà đâu chỉ ở Đài Loan phải không thưa Bạn? Ở Nhật, nguời ta gọi nó là HOGAKU, với anh bạn đồng nghiệp KIZI ROKAKU khá đình đám trong nhóm 9 kiến trúc sư đợt sóng mới (new waves) thuộc trường phái hậu hiện đại. Ở Hàn Quốc thì không biết được gọi là gì, nhưng Bạn có để ý quốc kỳ của họ không? Rồi thì Hong Kong, Singapore nữa. Trung Quốc hiện nay cũng đâu chịu kém, một số nhà xuất bản có tên tuổi cùng phát hành một loạt sách này và lập tức thành best-seller ngay. Rồi thì ở các Chinatown của cộng đồng người Hoa rải rác khắp thế giới nữa. Còn ở Việt Nam ra thì sao? Chuyện đứng đắn hay chuyện đùa? Con ma này đã chết hẳn từ hồi 1945 như KTS. NGÔ HUY QUỲNH từng thông báo chăng?

Thử lướt qua một vài thông tin nho nhỏ: Khu chế xuất nổi tiếng thành công Cao Hùng là một minh họa thú vị về kiến trúc phong thủy mà người Đài Loan rất tự hào. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Khu chế xuất Tân Thuận thì đang sống động mà Khu Linh Trung lại có vẽ trậm trầy, trậm trật. Hẳn các bạn cũng có nghe nói ít nhiều đến cái cao ốc văn phòng (office building) đồ sộ, chỗ ngã tư quảng trường TAIPEI, vừa khai sinh đã bị …khai tử chỉ vì, than ôi, phạm hung cách. Chẳng một công ty nào, kể cả các công ty phương Tây, dám thuê phòng. Hàng triệu đô-la đã đổ vào cái sọt rác này đấy. KTS. NORMAN FOSTER trong công trình hoành tráng HONG KONG & SHANGHAI BANK cũng bị các Thầy phong thủy kiểm điểm, phê phán tơi bời, vân vân và vân vân…

Thật ra, nếu đặt toàn bộ các câu chuyện lỉnh kỉnh trên dưới lăng kính của KTS. GIÁO SƯ AMOS RAPOPORT (London, Melbourne, Berkeley) thì mọi điều lại trở nên hết sức đơn giản: kiến trúc trước hết đó là Văn hóa!” Là forme de la maison est avant tout culturelle, c’est-à-dire complexe”. Vâng, thưa Bạn, Kiến trúc là một phức hợp văn xã (social-cultural complex) trước khi là cái bổ sung (facteur modifiant), còn cái văn-xã mới là cái gốc, cái quyết định (facteur déterminant). Chất Nhân văn của nó rất cao. Chính vì vậy mà nghề nghiệp của chúng ta rất ư là thú vị. Và có quá đáng không khi bảo rằng cái phần thưởng tinh thần mà nó mang lại còn lớn hơn mấy chuyện phần trăm thiết kế phí bị quy định nhiều.

Một lần nữa xin quay lại với Phong thủy – Thường được gọi dưới danh hiệu khác là ĐỊA LÝ, hoặc KHÁM DƯ (Geomanciexy), đây là một học thuật bí truyền (science ésotérique) độc đáo có lịch sử không dưới hai ngàn năm kể từ thời LỖ BAN. Cụ Lỗ Ban chính là một nhà kiến trúc tiền phong bậc Thầy. Cụ là người tổng kết kinh nghiệm và thành tựu trong ngành xây dựng Trung Quốc thời đó, đồng thời cũng là người chịu nhiều nỗi oan khiên nhất trong lịch sử kiến trúc Á Đông. Cái gì ly kỳ, kinh dị, rùng rợn nhất trong ngành xây dựng, người ta đều đổ tuốt lên đầu Cụ hết. Một ví dụ : Cái khẩu khuyết chết tiệt “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” trong phép tính số bậc thang (!) có nguồn gốc Phật giáo Ấn Độ muời mươi mà cũng bị gán ghép cho Cụ là người Trung Quốc một trăm phần trăm – Hàng chục cây thước mang danh hiệu Cụ được mang ra làm ngáo ộp mà hiện nay nhiều anh em đồng nghiệp chúng ta không khó khăn gì bỏ ra ít tiền mua về làm bửu bối, để thỉnh thoảng lòe thân chủ một chút cho vui.

 

kien truc la van hoa

Cũng như hàng loạt các ngành khoa học, nghệ thuật Trung Quốc khác, Phong thủy là một ứng dụng (applied science) của kinh Dịch. Về lý thuyết nó bàn về KHÍ (âm dương, ngũ hành, bát quái) người phương Tây phiên âm là Kl và được định nghĩa tóm gọn như một thứ năng lượng sáng tạo (creative energy) – Nó cũng bàn về KHÍ VẬN và ảnh hưởng của KHÍ TRƯỜNG trong kiến trúc tác động lên sức khỏe của người sử dụng hay nói cách khác đến “họa phúc” của người này. Về thực hành nó quy định những công thức thiết kế giúp bố cục, sắp xếp các bộ phân kiến trúc, hình thành một trật tự (ordre) bên trong và một hòa điệu (harmonie) với bao cảnh bên ngoài. Mục đích yêu cầu là thêm cái tốt (xu cát), giảm cái xấu (tỵ hung) tới mức tối đa có thể được, giúp người sử dụng đạt đến độ AN CƯ tối ưu. Mà có an cư thì mới có lạc nghiệp được phải không thưa Bạn?

Nói đến kiến trúc phong thủy cũng chính là nói đến cái quan niệm nhất quán về kết cấu Thời-Không (structure spatio-temporelle) của EINSTEIN. Đây là chủ đề muôn thuở của khoa học cũng như triết học. Trong Phong Thủy, kết cấu này được biểu thị bằng cặp phạm trù Thiên văn – Địa lý, thể hiện qua hình mẫu lý tưởng của người quân tử hay kẻ sĩ phương Đông : “Thượng thông thiên văn, Hạ đạt địa lý, Trung quán nhất sư.”

THIÊN VĂN : Đây là phạm vi tác hành của yếu tố thời gian. Nó dựa trên sự quan sát và chiêm nghiệm sự chuyển dịch của 28 bộ sao (Hẳn Bạn vẫn còn nhớ nhóm Tao Đàn nhị thập bát tú thời Lê chứ !), tương hợp một cách kỳ lạ với các chòm sao trên vòng Hoàng đạo (Zodiac) của Thiên văn học phương Tây. Sự chuyển dịch của chúng theo các chu kỳ thời gian (ngày, tháng, năm, giáp, nguyên, vận, hội) tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ về phương vị (location) giữa chúng với con người + Kiến trúc (vị trí trung tâm), tại từng thời điểm nhất định sẽ gây ra những cái hung nhất định (chi và sha). Đó là lý do sâu xa khiến người Trung Quốc khi làm một truyện trọng đại như xây nhà lập mộ đều phải coi ngày giờ cử xự. Phép xác định thời điểm làm nhà trong kiến trúc khá phức tạp đòi hỏi nhiều yêu cầu chớ không phải “cưỡi lịch xem hoa” như các thằng lang băm phong thủy mà chúng ta thường gặp trong hoạt động nghề nghiệp hàng ngày.

ĐỊA LÝ: Đây là phạm vi tác hành của yếu tố không gian (Ta hay nói “biện pháp xử lý không gian”). Địa lý lại được chia làm hai ngành lớn thường được bết qua câu tổng kết “NHẤT DƯƠNG CƠ, NHÌ ÂM PHẦN”. Dương cơ lại chia nhỏ thành hai ngành mà ngôn ngữ hiện nay gọi là Quy hoạch thiết kế đô thị và Kiến trúc công trình – Đối tượng của khoa này là người sống. Âm phần thì chú trọng đến một loại kiến trúc kết hợp cảnh quan tự nhiên cực kỳ độc đáo và lý thú. Một thứ kiến trúc mang tính chất vĩnh cửu cho người chết.

Dương cơ coi trọng yếu tố THIÊN KHÍ bên trên bề mặt trái đất (forces cosmiques). Âm phần lại chuyên trị yếu tố ĐỊA KHÍ bên dưới, nói chính xác hơn là bên trong lòng đất (forces telluriques). Loại địa khí này thường được biết dưới thuật ngữ LONG MẠCH, tức các kênh dẫn khí phát xuất từ một số trung tâm đến các khu đất có huyệt (huyệt trường), tương tự như khái niệm về huyệt, huyệt đạo trong khoa châm cứu Đông y.

Không gian Dương cơ – Âm phần còn được hoàn thiện bởi một yếu tố phụ nhưng quan trọng không kém, đó là hệ thống kích thước mang tính nhân trắc gọi chung là thước Lỗ Ban. Thật ra, đây là một loại CANON mà về nguyên tắc không khác biệt với CANON D’OR trong kiến trúc phương Tây là bao. Hẳn các Bạn chưa quên cây thước MODUL’OR nổi tiếng của KTS. Le Corbusier? Cây thước này đóng vai trò nào trong kiến trúc phương Tây hiện đại ? Hầu như là số không! Còn bảo thước Lỗ Ban, ngược lại, xâm chiếm hầu hết các đồ án kiến trúc cổ đại lẫn đương đại có phải là cường điệu quá không? Xin hẹn gặp lại một dịp khác vì thơ đã khá dài, thưa Bạn.

Cuối cùng thơ này cũng xin được cung cấp cho Bạn đồng nghiệp quý mến vài thông tin lý thú khác hiện nay. Phương Tây có GEOMANCIE, tức Địa lý (xin đừng nhầm với GEOGRAPHIE, tức địa dư) không ? Câu trả lời tất nhiên là không. Tuy nhiên, cách nay khoảng mười năm đã xuất hiện một trường phái ở Châu Âu, đặc biệt là là Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, bao gồm một số kiến trúc sư (không dưới 20 người, có địa chỉ văn phòng hẳn hoi) có quan tâm đặc biệt đến các yếu tố Trời đất, Thiên địa (Facteur cosmo-telluriques) tác động đến kiến trúc, qua đó là sức khỏe con người sống và làm việc trong môi trường nhân tạo này. Tất nhiên, họ không nói đến khí mà chỉ nghiên cứu đến các trường vật lý (điện, từ, địa từ, điện tử…). Kiến trúc mà họ hướng đến là một loại kiến trúc Sạch (santé), Vệ sinh (hygiénique), gọi là kiến trúc sinh học (Bio-Architecture). Các Kiến trúc sư trong trường phái này tự xưng là Kiến trúc sư sinh học. Nền tảng của khoa học này là ĐỊA-SINH-HỌC (Geobiologie). Vâng, Địa lý đấy thưa Bạn. Địa chỉ học viện đào tạo của họ:

ACADIEMIE INTERNATIONALE DE GEOBIOLOGIE

3 Rue de la République, 68.500 Guebwiller – France

Website: academie-geobiologie.fr

Giáo trình đào tạo kéo dài trong ba năm giành cho các Kiến trúc sư và các huyên gia có liên quan. Thật là thú vị hết biết!

Thơ dài quá có làm cho Bạn ớn chăng? Đành một lần nữa, mượn “idée” của KTS. Giáo sư AMOS RAPOPORT để tạm kết thúc lá thơ này vậy.

“KIẾN TRÚC, TRƯỚC HẾT, LÀ VĂN HÓA”

Mỗi KTS. trước hết là một Nhà Văn hóa! Phải vậy chăng, thưa bạn đồng nghiệp quý mến.

Hẹn gặp lại thơ sau.

KTS. Lý Thái Sơn

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1233
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy