Kiến trúc sư (KTS) Hồ Thiệu Trị - tác giả đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt cho hay nhất thiết phải quy hoạch theo đồ án. Trước đó, 80 kiến trúc sư thể hiện sự không đồng tình với một số nội dung của đồ án này.
Một Đà Lạt với cây xanh, với rừng thông phủ kín, khí hậu mát mẻ và không gian yên tĩnh... Ảnh: P.V
Đồ án "Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt" được đưa ra đã có nhiều quan điểm trái chiều.
Cụ thể, gần 80 KTS cả nước đã gửi bản kiến nghị đến Bộ Xây dựng, HĐND tỉnh Lâm Đồng, Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội KTS Việt Nam và tác giả đồ án trên.
KTS Hồ Thiệu Trị trao đổi với phóng viên
Các kiến trúc sư cho rằng đồ án quy hoạch này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của Đà Lạt. Về mặt kiến trúc, các KTS đã kiến nghị xem lại ba quyết định trong đồ án bao gồm khu vực dinh tỉnh trưởng, khu Hòa Bình và khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt.
Trong văn bản ký ngày 15.4.2019 gửi Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Hội KTSVN cho biết việc cải tạo, chỉnh trang khu Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt là chủ trương đúng nhưng cần chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn để không làm mất đi giá trị đặc trưng về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của khu phố.
Trao đổi với PV báo Lao Động, KTS Hồ Thiệu Trị - tác giả đồ án cho rằng, đồ án này của ông sẽ giúp Đà Lạt "mở ra" với nhiều cây xanh chứ không mất đi giá trị đặc trưng.
"Có một số người chỉ để ý tới một hai công trình trong toàn bộ dự án nên không hiểu hết được tính chất tổng thể và đã có những quan điểm, ý kiến khác. Khi quy hoạch xong, Đà Lạt sẽ không hề bê tông hóa. Hình ảnh mà tôi mong muốn là hình ảnh về Đà Lạt thấy được cây xanh, rừng thông, quảng trường rộng như trước đây".
Đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt của KTS Hồ Thiệu Trị
KTS Hồ Thiệu Trị giải thích thêm: "Khu dân cư sinh hoạt xung quanh chợ Đà Lạt là những con phố chật chội, lụp xụp sẽ được tổ chức ngay ngắn giống như những con phố cổ ở nước ngoài. Các con đường hẻm nhỏ, nằm sâu trong những khu phố sẽ được chỉnh trang lại. Sau khi quy hoạch, người dân có thể vừa sinh hoạt vừa kinh doanh phục vụ khách du lịch và tạo nên một hình ảnh mới về trung tâm Đà Lạt.
Hiện tại, lối vào chợ Đà Lạt là một con đường thẳng nằm giữa và vô tình chia không gian chợ làm hai. Tại con đường này, có rất nhiều xe cộ đậu, đỗ khiến tình trạng giao thông lộn xộn. Để giải quyết tình trạng trên, đồ án quy hoạch đã thiết kế bãi đỗ xe và trung tâm thương mại dưới lòng đất. Như thế không gian chợ và con đường này thành nơi sinh hoạt chung của du khách và người dân. Sẽ có hệ thống xe điện để người dân đi lại, tránh tiếng ồn từ còi xe máy, khói bụi và trả lại sự yên tĩnh và cảnh quan trong lành cho thành phố".
Về việc đập bỏ rạp hát Hòa Bình, KTS Hồ Thiệu Trị nói rằng đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn phải đập bỏ. Lịch sử của rạp hát này đã thay đổi qua nhiều thời kỳ, hiện nhà hát đã xuống cấp.
"Hiện tại cốt hành lang cao, xung quanh là khu vực đậu, đỗ xe và ki ốt buôn bán. Mặt khác, xung quanh rạp hát là các tòa nhà, khách sạn. Các công trình này kiến trúc thì không có gì đẹp nhưng đã khóa hết không gian toàn khu vực. Quan điểm cá nhân tôi thì vẫn phải quy hoạch rạp hát này" - ông Hồ Thiệu Trị nói.
Trả lời câu hỏi về ý kiến của nhiều KTS cho rằng sẽ mất đi giá trị đặc trưng của thành phố Đà Lạt sau khi quy hoạch, KTS Hồ Thiệu Trị nói: "Nếu nhìn vào bản vẽ đồ án quy hoạch, nhiều người cảm giác trung tâm Đà Lạt sau khi quy hoạch thật xa lạ. Đúng là xa lạ thật, nhưng xa lạ vì không giống như bây giờ mà là Đà Lạt ngày xưa. Một Đà Lạt với cây xanh, với rừng thông phủ kín, khí hậu mát mẻ và không gian yên tĩnh".
KTS Hồ Thiệu Trị sinh năm 1945. Ông là một kiến trúc sư nổi tiếng tại Việt Nam và từng có nhiều năm sinh sống và xây dựng nhiều công trình tại Pháp. Ông là người tham gia tu bổ công trình Nhà hát lớn Hà Nội và nhận giải thưởng Kiến trúc Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ xây dựng và hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.
Anh Tú - Anh Nhàn
Bình luận từ người dùng