Sinh ra, ai cũng muốn được tự do và tranh đấu để được điều đó… nhưng chúng ta không sống chỉ có mỗi mình mà là trong một cộng đồng xã hội với rất nhiều mối tương tác…
Vậy tự do trong cái quan hệ xã hội đó là gì...?!
Đó là: Ta có quyền tự do làm bất cứ thứ gì miễn là không vi phạm pháp luật.
Pháp luật là vấn đề xã hội, trong sự tương tác với những tác nhân cần trình bày rõ hơn… Đó là: Ta có quyền tự do làm bất cứ thứ gì miễn là không vi phạm pháp luật và KHÔNG ĐƯỢC PHÉP NÓI KHÔNG BIẾT VỀ VIỆC TA LÀM.
Vấn đề về luật pháp thì mênh mông… nhưng ở vế thứ hai của câu trên: KHÔNG ĐƯỢC PHÉP NÓI KHÔNG BIẾT VỀ VIỆC TA LÀM… không phải là lời nhắc nhở mà là cội nguồn để hệ thống quản lý xã hội thấy cần thiết để đặt ra thêm các loại giấy phép, chứng chỉ… chuyên biệt cho từng hoạt động đặc thù như là một hợp đồng cam kết giữa chủ thể hoạt động và hệ thống quản lý rằng chủ thể biết rất rõ về phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và ảnh hưởng từ việc mình làm đối với pháp luật và cộng đồng…
Tôi là kiến trúc sư, sau một quá trình học tập miệt mài vất vả mới có được tấm bằng được công nhận cấp quốc gia… Thế mà lâu nay, muốn được phát huy cái nghề của mình để tự nuôi sống và đóng góp trí tài cho xã hội lại phải gồng mình nhẫn nhục cúi xin được ban cho cái giấy phép hành nghề - GPHN từ các cơ quan cấp địa phương, từ các ông các bà trên trời rơi xuống…??!!. Luật Dân sự, luật Doanh nghiệp bên cạnh tấm bằng KTS… đã không quá đủ để tôi vận hành công việc của mình sao…?!. Công việc xin cho GPHN trái khoáy, quy định trời ơi mang nặng tính hành chính quan liêu và áp đặt đó đã và đang tồn tại như một thách thức vô cảm vô hồn… - Nay công việc đó được đá sang Hội KTS, sẽ có gì khác hay cũng vẫn thế mà chỉ khác là đổi mâm đổi bát…?!. Có khác chút xíu: Thà rằng cứ để cho mấy tay cha căng chú kiết xa lạ nào đó ăn lương nhà nước làm theo chỉ thị cấp trên còn đỡ tủi thân hơn là anh em trong nhà đã nhẵn mặt còn ngồi đối diện bày chuyện HẠCH và SÁT nhau…!!!. Thật sự, chưa tìm ra được từ nào để diễn tả cái tận cùng bi kịch nầy…!!.
Là anh em một nhà, cùng xuất ra từ một chuồng… Cho nên, khi nghe tin vấn đề GPHN được giao về cho Hội tôi rất lạc quan và coi đây như là một tín hiệu tốt. Trước tiên là nhà nước nhận ra rằng không ai SÁT (gần gũi, hiểu biết) KTS hơn là Hội KTS để mà giao công việc này, một công việc mà xưa nay chỉ nhằm để quản lý hoạt động của KTS một cách thuần tuý hành chính và cửa quyền… mà sẽ biến GPHN trở thành một trật tự mới thoáng mở hơn, một điều kiện để giúp các KTS thoát ra khỏi những vướng bận không đáng có đang làm hao mòn trí lực một cách vô lối…
Những nghĩ, khi nhận công việc nầy Hội KTS sẽ:
Xác định như là một tiên đề căn bản về tính chất của KTS và GPHN:
- KTS là một thực thể trí thức được công nhận cấp quốc gia cần phải tôn trọng và phát huy.
- GPHN với nội dung chỉ được đề cập tới những vấn đề thuộc về hành vi của KTS và hoạt động của doanh nghiệp thiết kế, tuyệt đối không được phép đặt ra các điều kiện nhằm phán xét hay nhận định đánh giá về khả năng, tài lực của KTS.
- GPHN là phương tiện giúp đỡ và hỗ trợ việc hành nghề của KTS.
KTS cần được hỗ trợ và giúp đỡ những gì...?! – Không gì khác hơn là Hội với khả năng bao quát và dễ dàng quan hệ với các ngành liên quan, nghiên cứu và tổng hợp giúp cho các KTS không chủ quan và sơ ý rơi vào tình cảnh “không biết về những gì mình làm…”.
GPHN sẽ như là một một bản hợp đồng quy tắc, thể hiện trong một tập sách ghi tất cả những gì như nội dung sát hạch và còn có thể mở rộng những hướng dẫn cùng với ghi chú chi tiết hơn từ những chuyên gia chuyên ngành về pháp luật, quy chuẩn, bảo hiểm… đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử… và kể cả những phụ lục liên quan cần thiết khác… Và, bản hợp đồng quy tắc nầy cần được lấy ý kiến rộng rãi trong giới KTS cũng như các thành phần xã hội có liên quan trước khi chính thức đi vào vận hành…
Các KTS đăng ký và sẽ được nhận GPHN đơn giản chỉ cần ký xác nhận rằng đã đọc, hiểu và tuân thủ các nội dung về điều khoản như đã ghi trong tập sách đó. Cần quái gì phải bày chuyện sát hạch lôi thôi phiền toái, hình thức vô bổ và nhất là rất xúc phạm đến tư cách và tình cảm người khác một cách vô đối… Mà thực ra thì có ai có khả năng gì mà tự cho quyền sát hạch đồng nghiệp của mình chứ…??!!
Ở Mỹ, ai thích câu cá mò sò bắt cua ngoài thiên nhiên đều phải có giấy phép với lệ phí vài ba chục đô một năm tuỳ vùng… Giấy phép được phát kèm theo một tập sách trong đó ghi rõ những điều lệ: anh chỉ được phép câu bắt con gì, kích thước tối thiểu bao nhiêu và vào thời gian nào trong năm, một lần được bắt bao nhiêu con hay bao nhiêu ký… Và cảnh sát tài nguyên môi trường hiểu rằng đương nhiên anh phải đọc và thuộc những gì ghi trong tập sách đó… Nếu anh làm sai hoặc vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị xử thẳng tay không lôi thôi gì cả… Rất là vui vẻ và đơn giản…
Hội KTS có ý thức được rằng việc cấp GPHN là trách nhiệm của Hội giúp cho các KTS câu được con cá ưng ý của mình một cách hợp pháp và thoải mái hay chỉ châm bẩm vào cái chuyện giữ độc quyền bán cần câu và có khi được nước sấn lên tự cho quyền phân phối cá nữa không chừng…???
Có anh em phát biểu một cách chán nản rằng: Ôi thôi cái sự đời bây giờ nó thế có nói mấy cũng chả giải quyết được gì..!! – Có thể tình hình trước nay là như vậy… nhưng vẫn phải cố suy nghĩ và nêu ý kiến có ngọn có ngành còn hơn là cứ chửi bới, ta thán… cho bỏ tức như cách mấy bà ngồi chồm hổm bán rau bán cá ngoài chợ khi bị kẻ khác lấn sân chiếm chỗ…!! Ác thay càng nhìn vấn đề theo kiểu cảm xúc đó thì cục tức không những không mất đi mà ngày càng to hơn cứng hơn rồi thành ung thư di căn mà… đứt bóng không ai thèm ngó..!!
Một bản thiết kế ra đời, một công trình xuất hiện… ẩn sau nó là một quá trình lao tâm lao lực của KTS: Thu thập dữ liệu, phân tích nội dung, đánh giá nhận định các vấn đề liên quan… rồi cân nhắc so sánh… rồi thuyết phục lẫn đối phó...
Nếu không có cái đầu logic tỉnh táo, một trái tim cởi mở bao dung thì làm sao có thể tổng hoà và vượt qua hằng bấy nhiêu thứ nhiều khi đối chọi và trái ngược nhau như thế…?!
Trong xã hội hiện nay còn ngang nhiên tồn tại quá nhiều vấn đề bất cập, GPHN là một vấn đề sát sườn, hiện nay được vận hành như là một thứ trái chiều và bất cập, nhưng với một KTS thực thụ thì không có sự bất cập nào là không có thể vượt qua và nhất là KHÔNG BAO GIỜ NÓI KHÔNG BIẾT VIỆC MÌNH ĐANG LÀM…
Đúng vậy không..?!
Lan Vo – 4.2021
Bình luận từ người dùng