Đồng nghiệp quý mến,
Lâu lắm rồi – chí ít cũng từ Đại hội V. KTS.VN năm 1994(1) tại Hà Nội đến nay – mới có một buổi Hội thảo về Luật Kiến trúc (dự thảo của Bộ Xây Dựng), một bộ luật có tham vọng xốc lại phần nào diện mạo lôi thôi, lếch thếch (!) của nền kiến trúc nước nhà từ nhiều năm qua, trong đó vai trò và trách nhiệm của giới KTS được coi là rất lớn. Rôm rả, sôi nổi, hào hứng, nhưng cũng đầy căng thẳng, âu lo … Thất vọng rõ rệt, Hy vọng mơ hồ … Nói chung buồn vui lẫn lộn suốt một buổi sáng mùa Thu Sài Gòn đầy cảm xúc (23-9-2011) với mưa phùn lất phất bên ngoài văn phòng Hội: một cảm xúc rất đậm chất HỒN BƯỚM MƠ TIÊN.
Δ BUỒN VUI LẪN LỘN …
♦♦♦ Buồn :
♦ Bình mới rượu cũ : - Đọc xong Dự thảo thì có thể tóm gọn ngay trong ba từ : VŨ – NHƯ – CẨN(2). Cả về triết lý hoạt động, về cơ cấu – tổ chức, về chức năng nhiệm vụ, với mọi thứ cắt nghĩa rối rắm, lòng vòng, v.v… Một thế giới bất động, bất biến … mặc cho thế giới toàn cầu hóa ngày càng trở nên phẳng hơn ở bên ngoài.
Vẫn không thấy đâu 2 quyền cơ bản của giới KTS mà hầu như mọi thành viên của UIA đều có một cách đương nhiên thông qua luật KTScủa mỗi nước (Architecture Act):
1 – ĐỐI NỘI : Quyền tự chủ hành nghề được luật pháp cho phép (cấp phép hành nghề / LICENSE).
2 – ĐỐI NGOẠI : Quyền được bảo hộ lao động đối với KTS Nước Ngoài đến hành nghề tại quốc gia sở tại theo phương thức đồng đẳng và bình đẳng trong việc công nhận giá trị văn bằng KTS của hai bên (lá chắn bảo hộ) thông qua các nghị định thư song phương.
♦ Vẫn là Bộ Xây Dựng, với quyền lực bao trùm từ Tư vấn đến Thi công Xây Dựng, từ đối nội (cấp phép hành nghề) đến đối ngoại (quy định liên danh nửa vời với Tư vấn nước ngoài), từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai, v.v và v.v... Nói theo ngôn ngữ Bóng đá : vừa trọng tài, vừa đá bóng và mời cả nước ngoài cùng đá một cách vô tư.
♦ Nếu không có gì đột biến, bộ luật này chắc chắn sẽ được Quốc Hội thông qua trong năm 2012 ! Thật ra thì Bộ Luật nầy đã chậm chân lắm rồi so với những bộ luật “anh em” đã thông qua trước kia (luật Xây Dựng), hoặc đang trình gần đây (luật Quy Hoạch, luật Đô thị …). Có quá nhiều thứ luật cộng sinh – hoặc ký sinh (!) – cùng tồn tại bên nhau … trong một cơ thể KIẾN TRÚC (định nghĩa của UNESCO & ILO : Kiến trúc = Công trình + Đô thị + Cảnh quan) giống như lục phủ, ngũ tạng (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ …), Chẳng có gốc cũng chẳng có ngọn, chẳng có đầu cũng chẳng có đuôi, chỉ trông cậy vào luật sinh khắc ngũ hành của khoa Phong thủy (!).
♦♦♦ Vui :
♦ Mặc dù có vẻ là thiểu số nhưng tinh thần ĐÔN-KI-HÔ-TÊ (Don Quichotte = ngựa gỗ + kiếm gỗ chống lại Tòa Thành Trung Cổ) đầy tâm tư , lãng mạn và nhiệt huyết, coi chuyện sinh nghề tử nghiệp nhẹ tựa lông hồng, vẫn bàng bạc và hừng hực khí thế. KTS trước hết là một người… mơ mộng, phải không các bạn ?
♦ Vui vì còn chút hy vọng mơ hồ vào một bộ luật khác có tên là luật KTS do đã có một tiền lệ hãy còn nóng hổi : Luật Luật Sư được Quốc hội thông qua vào năm 2006 (3). Tuy vậy nếu luật Kiến trúc được ban hành (theo đúng nội dung đang dự thảo) trước luật KTS thì coi như … xong. Chấm hết !
♦ Ngoài ra , còn có một kênh bảo hộ lao động – nghề nghiệp khác : Luật Lao động mà ở các nước vẫn sử dụng như một rào cản hợp pháp đối với người nước ngoài muốn đến hành nghề ở quốc gia sở tại (4)
Δ SAO KỲ VẬY ?
Có 2 cái Gốc và 2 cái Ngọn
♦♦♦ 2 cái Gốc : Cơ chế và Đào tạo
Gốc 1 – Thiết chế Nhà Nước thượng tầng :
♦ Không có hình thái NGHIỆP ĐOÀN (5) ! Hội KTSVN thực chất chỉ là một tổ chức nghề nghiệp mang tính xã hội – chính trị đơn thuần ! Ở nước ta đến nay – dù nền kinh tế đã bao gồm nhiều thành phần – vẫn chỉ có một NGHIỆP ĐOÀN duy nhất là hệ thống TỔNG CÔNG ĐOÀN nhằm bảo vệ quyền lợi giai cấp CÔNG NHÂN (6). Thiết chế nầy cho đến tận hôm nay vẫn không có gì thay đổi.
♦ Quyền lực bao cấp vì vậy, tập trung toàn bộ vào Bộ Xây Dựng với cả một hệ thống cấu trúc hàng dọc khổng lồ xuyên suốt từ Trung Ương (Bộ) đến Địa phương (Sở) với hơn năm mươi Tỉnh, Thành. Việc quản lý bao trùm từ công việc Thiết kế (tỷ trọng chỉ 2-3% vốn đầu tư Xây dựng) đến việc thi công và quản lý dự án (tỷ trọng 97 – 98% còn lại), từ thiết kế công trình riêng lẻ (KTCB) đến thiết kế quy hoạch ở mọi tỷ lệ (1/50.000 – 1/500), từ cấp giấy phép hành nghề (cho cả 2 lĩnh vực chính vừa nêu) đến kỹ luật, chế tài. Các Tổng công ty, các Tập đoàn tư vấn thiết kế “KHỦNG”… có số lượng KTS – KS cộng lại có thể lên đến hàng ngàn, các Công ty hoặc Trung tâm tư vấn thiết kế cấp địa phương có số lượng KTS, KS lên đến hàng trăm (7).
♦ Trong khi đó lại không hề có cơ chế bảo hộ lao động đối với nghề KTS như ở các nước đều làm, và vẫn được các định chế quốc tế như WTO, AFTA cho phép (hài hòa với luật pháp giữa từng quốc gia trong tổ chức thành viên của cộng đồng), chớ không phải “mở toang cửa”, mặc ai muốn làm gì thì làm (8). Sáng kiến độc đáo của Ta trước đây là ghép một anh Việt Nam vào một anh Nước Ngoài với mục đích học tập là … chính (!), mà thực chất là làm hai nhiệm vụ : cung cấp thông tin (thông tư, nghị định, tiêu chuẩn-quy phạm) và xử lý thông tin theo con đường LOBBY sao cho có lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.
Gốc 2 – Đào tạo và hành nghề :
♦ Đào tạo :
Thử so sánh 2 mô hình đào tạo và hành nghề giữa Hoa Kỳ và Việt Nam:
+ Mỹ có 3 bậc :
(B1) – Cử nhân kiến trúc (BA) – đào tạo 4 năm – ra trường có thể hành nghề kiến trúc, nhưng chưa được gọi là KTS, không được chủ trì thiết kế và ký tên trên hồ sơ thiết kế (bản vẽ + văn bản kỹ thuật khác). Mức lương cử nhân.
(B2) – Cao học kiến trúc (MA) – đào tạo 2 năm - ra trường chỉ cần gia nhập hệ KTS Đoàn (AIA) ở từng bang là được cấp phép hành nghề (LICENSE) do Đoàn cấp, được gọi chính thức là KTS. (Registered Architect : RA), được quyền chủ trì và ký tên trên hồ sơ thiết kế. Mức lương cao học. (Tổng cộng 6 năm).
(B3) – Tiến sĩ kiến trúc (Ph.D) – đào tạo 2 năm – thường làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Được phép hành nghề với mức lương Tiến sĩ (tổng cộng 8 năm).
+ Việt Nam cũng 3 bậc :
(B1) – Kiến trúc sư – đào tạo 5 năm – muốn hành nghề phải đi làm ở một cơ quan thiết kế nào đó ít nhất là 5 năm (với ít nhất 5 công trình hoặc đồ án quy hoạch xây dựng, theo dự thảo luật kiến trúc), tức mất 10 năm để được Sở Xây Dựng cấp phép hành nghề (!).
(B2) – Thạc sĩ kiến trúc – đào tạo 2 năm (tổng cộng 7 năm). Nếu học tiếp Thạc sĩ sau khi tốt nghiệp KTS vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để được cấp phép hành nghề (10 năm). Bằng nầy chủ yếu phục vụ cho cán bộ KTS làm công tác quản lý ở các cấp hành chánh từ trung ương đến địa phương, kể cả ở các trường đại học.
(B3) – Tiến sĩ – đào tạo 2 năm – nếu tiếp tục học ngay sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, tổng thời gian đào tạo là 9 năm vẫn chưa đủ điều kiện hành nghề KTS (10 năm)… Thường thì chỉ làm … Thầy giáo, vì không có Viện nghiên cứu, hoặc công ty tư vấn thiết kế dám thuê.
♦ Hành nghề :
Sự khác biệt nằm ở chỗ nghề KTS là một nghề tự do (liberal profession) hoạt động mang tính chất tư vụ (private), và không phải là doanh nghiệp (business). Điều đó cũng có nghĩa KTS không phải là doanh nhân (business man). Và đó là những gì diễn ra ở Miền Nam từ 1954 đến 1975 cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới xưa nay (9), (10). Còn ở Miền Bắc, có thể nói nghề KTS không phải là một nghề tự do (KTS là cán bộ kỹ thuật nhà nước như bao ngành nghề khác, hưởng lương theo chế độ lao động tầng bậc và thâm niên chung), mang tính công vụ và đến khi cơ chế quản lý dự án được áp dụng giữa thập kỷ ’90, nó trở thành một thứ doanh nghiệp nửa vời với đủ thứ tên gọi (từ Viện nghiên cứu – thiết kế hoặc Trung Tâm, đến Công ty, Xí nghiệp, v.v…)
♦♦♦ 2 cái ngọn
Sơ đồ (N.1) THỊ TRƯỜNG tư vấn – thiết kế:
Sơ đồ (N. 2) THỊ PHẦN tư vấn – thiết kế và phân bổ lao động KTS (con số giả định) tương ứng với sơ đồ (N1):
Δ AI CẦN LUẬT KIẾN TRÚC ?
Một đồng nghiệp tại buổi hội thảo đã có một phát biểu khá “gây sốc” : có đến 2/3 giới KTS anh em chúng ta đang ở trong tình trạng đồng sàng dị mộng với 1/3 còn lại (ngủ cùng giường mà mơ không giống nhau) … Có hay không Luật Kiến trúc (+ Pháp Lệnh hành nghề KTS đi kèm sau đó) thì … thế giới vẫn vậy, vẫn không có gì thay đổi. Bảng phân tích (N. 2) cho thấy có lẽ có không quá 15% quan tâm đến … Luật Kiến trúc thậm chí Luật KTS mà hội nghị đang kỳ vọng. Có phải vậy và có đến nổi như vậy không, thưa các bạn ?
Δ KIẾN NGHỊ :
1 – Trước mắt đề nghị Quốc hội chậm, hoặc hoãn, hoặc không thông qua dự thảo Luật kiến trúc sắp đệ trình, vì chưa thấy có sự cần thiết (bao nhiêu năm qua guồng máy xây dựng vẫn chạy … đều, chạy … tốt mà đâu cần có bộ luật nầy). Có quá nhiều điểm khác biệt cơ bản về quyền hạn, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên tham gia cần phải được nhận thức và giải quyết một cách triệt để, minh bạch, rạch ròi.
2 – Luật KTS mới là giải pháp triệt để và không đi ngược lại thông lệ Quốc tế mà hầu hết thành viên UIA và ARCASIA đều tuân thủ. Luật KTS được xây dựng và ban hành theo đó hai quyền cơ bản (Architect Rights) phải được minh định và được luật pháp Nhà Nước công nhận. Lúc đó, tên gọi là HỘI hoặc ĐOÀN không quan trọng và đều có thể chấp nhận được.
3 – Bộ Giáo Dục, Bộ Xây Dựng và các Trường Đại Học Kiến Trúc Quốc Gia cần nghiên cứu lại quy trình, nội dung và thời hạn đào tạo sao cho vừa không đi ngược lại thông lệ quốc tế, mà vẫn hợp lý thuận tình và có bản sắc riêng, đồng thời giúp giới KTS trẻ sớm được sử dụng quyền hành nghề một cách danh chính ngôn thuận, sẵn sàng đóng góp sức sáng tạo mạnh mẽ với một nguồn nhiệt tình không bao giờ cạn đối với Nghề và Nghiệp mà họ theo đuổi suốt đời.
Mong được, không chỉ quý đồng nghiệp mà còn Quốc Hội, Chính Phủ và Bộ Xây Dựng nhìn nhận và đồng thuận với Luật Kiến Trúc Sư vì tương lai, danh dự và trách nhiệm của từng KTS đối với nền kiến trúc Nước nhà.
Kính thư,
KTS. Lý Thái Sơn.
UV.BCH/ HKTS. TPHCM
Chủ nhiệm CLB KTS Cao tuổi
CHÚ THÍCH
(1) KTS. Lý Thái Sơn / Tham luận tại Đại hội 'V Hà Nội 1994
(2) Vẫn Như Cũ (nói lái).
(3) Luật Luật Sư số 65/2006/QH.11 được Quốc Hội thông qua 29/06/2006, ban hành ngày 12/07/2006, có hiệu lực 01/07/2007.
(4) Báo Thanh Niên ngày 8/10/2011 : hai Nghị định số 34/2008/NĐ/CP và 46/2011/NĐ/CP quy định không cấp phép hành nghề cho lao động phổ thông người nước ngoài …, chỉ cấp cho chuyên gia và doanh nhân.
(5) KTS. TS Hoàng Đạo Kính / Hành nghề kiến trúc hướng tới hội nhập 2006
(6) KTS. TS. GS Nguyễn Kim Sến (1994) góp ý tham luận 1994
(7) Công ty S.O.M (đơn vị trúng giải quy hoạch Nam Sài Gòn) trong thời kỳ thịnh đạt nhất (thập kỷ 60, thế kỷ 20) có khoảng 500 KTS + KS
(8) Luật lao động Thái Lan vẫn còn cấm 38 nghề người nước ngoài không được làm tại Thái, trong đó có nghề KTS. ở Mã Lai, Inđônêsia, … con số còn vượt hơn 40.
(9) KTS tốt nghiệp Trường Kiến Trúc Đông Dương và Kiến Trúc Sài Gòn (DPLG) được quyền hành nghề ở Pháp và các nước thuộc khối Liên Hiệp Pháp.
(10) Sắc luật 013/65 ngày 01/09/1965 Quy Định hành nghề KTS tư vụ và thiết lập KTS Đoàn Quốc Gia (Nam ViệtNam).
Bình luận từ người dùng