1. Luật kiến trúc hay luật kiến trúc sư?
Kiến trúc là công việc mang tính TẠO TÁC. Công trình Kiến trúc giá trị là những tác phẩm nghệ thuật được hình thành từ lao động kỹ thuật, xây dựng và quản lý. Nói gọn lại, kiến trúc là phần giá trị vô hình của khối lượng xây dựng. Kiến trúc là nghệ thuật điều phối kỹ thuật - vì một giá trị lớn hơn, chứ không đơn thuần chỉ là công trình xây dựng (sử dụng được). Luật Xây dựng cùng với các quy chuẩn, quy phạm quốc gia đã bao gồm mọi yêu cầu bắt buộc mà cả cộng đồng (trong đó có KTS hành nghề) phải chấp hành. Vậy Luật Kiến trúc sẽ là thừa nếu lại nói đến các yếu tố quy phạm, kỹ thuật, quản lý (mà Luật Xây dựng đã có). Nếu Luật nói về Nghệ thuật kiến trúc (phần sáng tác) thì càng sai vì trên thế giới có ai làm Luật về nghệ thuật sáng tác bao giờ. Thế nên, các nước thành viên UIA chỉ có Luật Kiến trúc sư hoặc Luật hành nghề KTS (tên gọi có thể khác chút ít song nội dung Luật vẫn chỉ là một) - nhằm điều chỉnh hành vi, kỹ năng, và đạo đức cá nhân của KTS, chủ thể của một công việc mà nếu thiếu kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp sẽ không mang lại giá trị tương xứng cho cộng đồng, thậm trí nhiều khi còn là những hậu quả tiêu cực.
2. Luật KTS cho ai?
Câu trả lời rất đơn giản : thì tên Luật đã rõ – cho KTS, bảo vệ và đồng thời ràng buộc KTS! Thật ra, đã là Luật thì có tính bắt buộc (quốc gia hoặc quốc tế), nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, không chỉ những thành phần có liên quan chặt chẽ hoặc đối tượng chính của Luật (như KTS trong Luật KTS chẳng hạn) mà mọi công dân và tổ chức đều có nghĩa vụ chấp hành Luật. Đến đây, câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại phải có Luật KTS? Thực ra, theo tập quán quốc tế, có rất ít ngành nghề mà người làm nghề có Luật chi phối và bảo hộ ,như Luật sư, bác sĩ, KTS. Bởi lẽ, đó là những nghề tự do với trách nhiệm cá nhân, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn tới tính mạng, tài sản và quyền lợi dài lâu của cá nhân hoặc cộng đồng. Những nghề này có qui chuẩn qui phạm quản lý nghiêm ngặt, nhưng nếu thiếu sự quản lý hiệu quả kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp thì hậu quả sẽ thật khó lường.
KTS. Nguyễn Văn Tất
3. Luật KTS mang lại gì ?
Theo kinh nghiệm các nước đã vận hành Luật KTS lâu năm, ích lợi của việc thực thi Luật này mang lại cho các thành phần đối tượng và cộng đồng có thể tóm lược như sau:
- Với Chủ đầu tư: Luật đảm bảo hiệu quả quản lý KTS về chất lượng kỹ năng và đạo đức hành nghề, đảm bảo công khai khối lượng dịch vụ với chi phí tối thiểu hoặc tối đa hợp lý, đảm bảo giải quyết mọi khiếu nại về đạo đức hành nghề của KTS (có ảnh hưởng tiêu cực tới dự án).
- Với cộng đồng: Bằng những ràng buộc về giá trị Sáng tạo kiến trúc, nghĩa vụ các bên đối với cộng đồng, Luật KTS không vì quyền lợi riêng tư của Chủ đầu tư và cá nhân KTS lấn át nghĩa vụ đối với cộng đồng. Luật KTS còn ràng buộc một quy trình kế thừa, đào tạo các lớp KTS kế tục có chất lượng tốt nhất cho cộng đồng. Và điều hứa hẹn hấp dẫn nhất chính là khả năng liên tục bổ sung vào quỹ kiến trúc quốc gia những công trình giá trị, mang tầm quốc gia và vươn tầm quốc tế?
- Giới KTS: Có Luật KTS hay không, KTS vẫn phải có nghĩa vụ chấp hành những Luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp… Nhưng Luật KTS sẽ giúp tránh nghịch cảnh dịch vụ hoá nghề KTS (nói nôm na là phận làm thuê), trong đó, sự hài lòng (dù rất chủ quan) của bên thuê sẽ quyết định tất cả. Lao động nghệ thuật và kỹ năng chuyên nghiệp cao của KTS sẽ không bị rẻ rúng bằng sự cạnh tranh đơn thuần về giá cả. Đạo đức KTS đối với nghề, thân chủ, xã hội và đồng nghiệp được Luật KTS chính tắc hoá, tạo sự yên tâm chung trong quá trình hình thành những công trình kiến trúc có giá trị cho cộng đồng. Một điều rất quan trọng là Luật KTS sẽ tạo điều kiện xây dựng môi trường làm nghề lành mạnh và hiệu quả để các thế hệ KTS chuyển giao kinh nghiệm, trải nghiệm nghề nghiệp của mình cho thế hệ tiếp nối. Thực tế, đã là Luật thì còn nhiều nội dung, điều khoản chi tiết, để đảm bảo Luật đi vào đời sống xã hội, Ví dụ như nội dung về tổ chức hoạt động đoàn kiến trúc sư (Qua đây, cần nhấn mạnh Đoàn KTS là một cấu trúc của Luật KTS chứ không phải là một tổ chức nghiệp đoàn thông thường như các nghề nghiệp khác).
4. Hội Kiến trúc sư đứng ở đâu?
Từ nhiều chục năm qua, ở góc độ làm nghề, Hội KTS Việt Nam cũng được xem như “tổ chức nghiệp đoàn” của giới KTS (giống như board of architects – đoàn kts của các nước thành viên UIA). Chỉ có một điều khác căn bản là: với quá nhiều trách nhiệm xã hội nặng nề, phức tạp phải đảm đương, thì hoạt động của Hội trong việc làm nghề của giới KTS chỉ mang tính động viên, cổ vũ, thiếu hẳn năng lực pháp quy để thực hiện hiệu quả. Chính vì vậy, Hội KTS Việt Nam ngày càng quyết tâm, liên tục từ năm 1994 đến nay, Hội đã vận động và nỗ lực soạn thảo, thúc đẩy sự ra đời của luật KTS và quản lý nhà nước.
Thời kỳ đầu trong cuộc vận động thành lập Đoàn KTS, một trở ngại lớn về tâm lý là nhiều người cho rằng Hội KTS lấn sân quản lý Nhà nước. Bởi thời đó, mọi cố gắng vận động đều nhắm thẳng đến tổ chức quản lý cụ thể là Đoàn KTS, trong khi mọi thứ trong ngành Xây dựng, Kiến trúc đều đặt dưới sự chi phối của Luật Xây Dựng (hoặc các Nghị định, Thông tư của Bộ Xây dựng) Bộ vẫn đang quản lý hành nghề KTS, thực ra chỉ quản lý hành chính, chứ không thể quản lý đạo đức hành nghề. Kinh nghiệm tham khảo được từ các nước: Luật KTS là hệ khung pháp lý chung, trong đó có chương về tổ chức hoạt động của Đoàn KTS. Uỷ ban phụ trách điều hành hoạt động của Đoàn KTS được bầu theo nhiệm kỳ, với sự giới thiệu của cơ quan Chính phủ, Hội KTS và các Hội chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên, Uỷ ban này hoạt động dưới sự bổ nhiệm của Chính phủ, nên giá trị thực thi nhiệm vụ ở góc độ quản lý Nhà nước không hề có nội dung tranh chấp nào.
5. Một số nội dung thú vị của luật KTS
Hội KTS Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức và tham khảo chuyên đề Luật KTS với Hội KTS và Đoàn KTS hai nước Singapore, Malaysia. Nhiều nội dung thú vị đã được tìm hiểu và trao đổi dưới góc độ hành nghề KTS chuyên nghiệp. Hai nước láng giềng cùng khối Asean này đã có kinh nghiệm vận hành Luật KTS từ thập kỷ 20 thế kỷ trước (theo hệ thống của người Anh) và Luật KTS được ban hành với tư cách quốc gia thì từ thập kỷ 60. Từ đó đến nay, mỗi quốc gia đã trên dưới 10 lần sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Luật KTS. Dưới đây, xin được lược ghi một vài đề mục rất đáng quan tâm:
- Luật KTS qui định : chỉ những KTS có giấy phép thiết kế của Đoàn KTS mới được hành nghề hợp pháp, và mới được dùng từ Architect (chữ a viết hoa) hoặc Profesional architect trước tên riêng. Giấy phép này giới hạn về thời gian, năng lực, thực nghiệm, được xét duyệt qua các cuộc thi sát hạch hàng năm của Đoàn KTS đối với sinh viên đã tốt nghiệp các trường kiến trúc trên 2 năm, hoặc tham gia làm nghề nhiều năm chưa đăng ký (hiện Malaysia chỉ có khoảng 1600 người có giấy phép KTS chuyên nghiệp, và KTS phải xác nhận lại giá trị giấy phép này hàng năm). Mặt khác, Đoàn KTS có một hệ thống tổ chức hiệu quả để hỗ trợ, bổ sung kiến thức kỹ năng, thực nghiệm, để có lực lượng KTS chuyên nghiệp có chất lượng, uy tín xã hội cao. Đặc biệt, quy chế chuyển tiếp hành nghề hợp thức riêng cho nhiều KTS đã hành nghề theo hệ thống cũ, trước khi Luật KTS ra đời.
- Một chương quan trọng của Luật KTS là tổ chức và vận hành Đoàn KTS với các thành viên là tất cả KTS chuyên nghiệp, đang có đủ tư cách hành nghề hợp pháp. - Luật KTS quy định về nghĩa vụ của mỗi KTS đối với Khách hàng, với nghề nghiệp, với xã hội và với đồng nghiệp. Đoàn KTS có trách nhiệm và quyền hạn giữ công bằng cho các bên theo Luật định. Mọi cạnh tranh bất chánh, thiếu trách nhiệm, hoặc xâm phạm sở hữu trí tuệ… đều được dự trù, ngăn ngừa và xử lý hiệu quả.
- Mối quan hệ trong hợp đồng dân sự (tư vấn thiết kế) được định chuẩn (bằng văn bản dưới luật) với nội dung và chi phí tối thiểu, công khai minh bạch và hợp lý, nhằm bảo vệ chất lượng làm nghề chuẩn mực của KTS và quyền lợi khách hàng). Quan trọng hơn, Luật còn xác nhận cho giá trị sáng tạo, thương hiệu và qui trình chuyên nghiệp, nhằm khuyến khích lòng yêu nghề, mang lại những giá trị Kiến trúc cao nhất cho cộng đồng.
- Nghề KTS cần nhiều trải nghiệm bên cạnh nền tảng là tư chất sáng tạo cá nhân. Quyền hạn điều phối chính về kỹ – mỹ thuật trong đồ án càng lớn, đòi hỏi KTS năng lực chịu trách nhiệm càng cao. Luật KTS đảm bảo qui trình tự đào tạo liên tục cho đội ngũ KTS với các thế hệ tiếp nối. Đây là đóng góp tích cực vào môi trường phát triển Kiến trúc hiệu quả và bền vững.
- Quyền tác giả và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ được Luật hoá bằng các điều khoản hợp lý về ứng xử và quản lý dự án, giúp KTS toàn tâm toàn ý sáng tạo cho tác phẩm kiến trúc. Trong đó, quy chế thi tuyển Kiến trúc là một trong các văn bản dưới Luật không thể thiếu. Quy chế này tuân thủ quy chế của Hiệp hội KTS thế giới UIA, là một phương tiện đáp ứng đa mục tiêu: tôn vinh sáng tạo, cổ vũ và khuyến khích tài năng, xây dựng giá trị kiến trúc tốt nhất cho cộng đồng… Còn rất nhiều điều thú vị, nhưng căn bản là vẫn đang cách xa môi trường làm nghề KTS ở VN một tầm với – khi chúng ta vẫn đang trên đường thuyết phục và đóng góp công sức cho sự ra đời của Luật KTS (mà chúng ta tin là cấp bách hơn nhiều lần so với Luật chống tác hại thuốc lá, Luật phòng chống rửa tiền… mà Quốc hội đang chuẩn bị thảo luận). Sự ra đời nhanh hay chậm của Luật KTS còn phụ thuộc phần lớn vào sự hiểu biết, chia sẻ và vận động của mỗi người, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến Kiến trúc xây dựng. Và, các KTS tâm huyết với nghề thân mến, đấu tranh cho giá trị nghề nghiệp không chỉ là việc chọn chỗ đứng cho riêng mình, mà còn là trách nhiệm, sự công bằng và danh giá cho biết bao lớp KTS các thế hệ tiếp theo. Chắc chắn rồi ai cũng hiểu – điều đó trước hết và lớn nhất là vì cộng đồng.
KTS. Nguyễn Văn Tất
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam! 27.4.2012
Bình luận từ người dùng