GEO.07.99
Đồng nghiệp quý mến,
Có một câu ngạn ngữ khắc trên bia đá một đền thờ cổ Ai Cập ghi rằng: "Kiến trúc phải là TRIẾT HỌC nếu nó không muốn tự giới hạn mình như một thứ kỹ thuật xây cất đơn thuần". Từ ngày còn mài đũng quần trên ghế họa thất trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn, người viết luôn bị ý tưởng này ám ảnh và ngờ rằng tác giả của câu này không ai khác hơn KTS huyền thoại IMHOTEP. Đâu đó ở phương Đông vào thời đại này cũng xuất hiện một KTS tương tự như vậy. Tên ông là PHỤC HY. Cả hai ông khổng lồ này giống nhau ở chỗ đều là những nhà bác học – ở đây xin hiểu như nhà khoa học đồng thời nhà triết học – đầu tiên trong lịch sử loài người. Có điều khác ở chỗ chức danh thế quyền: Imhotep là quan, còn Phục Hy là Vua. Nếu Imhotep được các vua Ai Cập cho đúc tượng để vinh danh cho giới KTS chúng ta, thì Phục Hy, trái lại, mãi mãi là một giai thoại thần kỳ của người phương Đông. Người viết ngờ rằng Phục Hy, vì vậy, không phải là một cá thể nhỏ bé, đơn lẻ mà là một quần xã, có hàm lượng trí tuệ tập thể rộng lớn. Rằng Phục Hy không phải là một nhân vật, mà là, như ngày nay chúng ta hay gọi, một nền văn hóa. Nói theo ngôn ngữ Paul Ricoeur (1961) thì Phục Hy là nền văn minh, cấu thành từ các nền văn hóa của các dân tộc cộng sinh trên địa bàn không gian rộng lớn phía Đông lục địa Eurasia (Âu – Á).
Không biết người Nhật, người Hàn (những dân tộc được gọi là đồng văn với người Trung Quốc như chúng ta) có giành quyền “đồng tác giả” văn minh Đông Á hay không, riêng một bộ phận tiềm thức cộng thể mang tính dân gian (folklorique) của người Việt vẫn coi Phục Hy, và cả Thần Nông, là ông tổ của nền văn hóa mình, chí ít cũng về mặt tinh thần. Thật ra thì ai có thể chứng minh được nguồn gốc chủng tộc của Phục Hy?… Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì những giá trị mà Phục Hy có thể để mãi lại cho đời sau, trước tiên là cho các nền văn hóa Đông Á, không hề mang tính vật thể – dù đó là 8 quẻ Dịch kỳ diệu – mà ở tính phi-vật-thể hết sức dễ thương của nó.
Kiến trúc cũng là một trong những phạm trù ý tưởng của Phục Hy trong nhiệm vụ giải quyết bài toán cư trú cho con người, bởi con người, và vì con người (Human Habitat và Genius Loci). Bài toán sáng tạo này được các nền văn hóa kiến trúc phương Đông giải như thế nào từ hơn bốn ngàn năm nay vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải mã…
Kiến trúc là một thuật ngữ Hán và Hán Việt. Nó không hề tồn tại ít ra cũng tại thời điểm MARCO POLO ghé thăm Trung Quốc. Không có thuật ngữ này không có nghĩa là tại phương Đông không tồn tại Nó. Họ gọi là gì? Thực tại kiến trúc hàng bao thế kỷ vẫn sờ sờ ra đó mà tên gọi thì không? Hay gọi là vô danh như Lão Tử? Đã đạo thì làm gì cần có tên mà đặt? Nhưng không đặt thì làm sao biết? Từ đời Tấn người Trung Quốc đã đặt tên cho nó là Phong thủy. Thật ra đó chỉ là tên gọi để chỉ “bí quyết công nghệ” của QUÁCH PHÁC, người được đời sau gán cho danh hiệu ông tổ của khoa Phong thủy. Còn người Việt mình thì vẫn trung thành với cái tên cúng cơm nguyên thủy từ thời Phục Hy là Địa lý, mà cụ Tả Ao NGUYỄN VĂN HUYÊN và cụ HÒA CHÍNH thời vua Lê chúa Trịnh là những đại biểu kiệt xuất.
Và đó là một trong nhiều hàm ý mà bản dự thảo (draft) bài tham luận muốn gởi đến Đại hội UIA’XX (trễ hạn nộp bài 5 tháng : khóa sổ tháng 3/98, gởi tháng 8/98) như một sự trình bày và miêu tả quá trình hình thành, phát triển và cơ sở phương pháp luận của Nó hơn là có tham vọng chứng minh giá trị thực tiễn về mặt khoa học theo nghĩa đen của từ này.
.
1. Ex Oriente Lux (Ánh sáng đến từ phương Đông)
UIA chào đời được nửa thế kỷ (1948) và phải đợi đến tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" nó mới hướng về phần thế giới không phải phương Tây còn lại. Việc UIA “trao gươm” cho một quốc gia phương Đông vào thời điểm chuyển tiếp giữa hai thế kỷ – hay rộng lớn hơn: hai thiên niên kỷ – mang ý nghĩa tượng trưng không nhỏ. Nó không chỉ củng cố niềm tin cho các quốc gia Châu Á trước thềm thế kỷ XXI, mà còn mở ra những triển vọng, những khả năng mới cho tất cả mọi nền kiến trúc địa phương đầy “bản sắc” vào ngôi làng toàn cầu. Và các đồng nghiệp Trung Quốc đã nổ lực một cách đáng khâm phục để biến bốn ngày cuối tháng 6/1999 thành những ngày lễ hội văn hóa - kiến trúc đầy màu sắc cho hơn sáu ngàn kiến trúc sư về Bắc kinh tham dự.
2. Nguyễn An đâu mà lắm vậy?
Trong không khí hân hoan chung đó, đoàn KTS. Việt Nam đã có một cuộc Bắc du hùng hậu: mười hai Nguyễn An vòng trong, 150 Nguyễn An vòng ngoài. Quả là một cuôc “biểu dương lực lượng” chưa từng có, đồng thời một tín hiệu đáng mừng cho tiền đồ kiến trúc đất nước. Hội nhập vào ngôi làng kiến trúc thế giới mà không đánh mất bản sắc dân tộc của mình, là động cơ chung của khối Nguyễn An kia? Đông, vui, hao! Nhưng là một cái hao đáng đồng tiền bát gạo. Riêng người viết, niềm vui còn được nhân đôi. Bài tham luận “phạm trường quy” sau cùng đã được trình bày từ 11 giờ 30 đến 12 giờ ngày 25/06/1999 tại Diễn đàn Khoa học Đại hội.
3. Hồn Trương Ba, da hàng thịt!
Vào thời điểm tháng 4/99 khi UIA công bố danh sách KTS. đọc tham luận, ... nhiều đồng nghiệp ở Thành phố đã có không ít ý kiến "đóng góp", đại loại "đánh trống trước của nhà sấm", "múa rìu qua mắt thợ", “chở củi về rừng”, "ấm ớ Tây Tàu nó cười cho" v.v và v.v... Trống Đông Sơn? Rìu họ Thạch? Gỗ rừng phương Nam?
Có một cái gì không “bình thường” trong những nhận định đại loại hay tương tự như vậy chăng? Không! Sẽ là rất bình thường nếu ta không quên rằng xưa kia trong mối giao tình lịch sử giữa Ta (Việt) và Bạn (Hoa) hai bên đều có "tiếp thu, tiếp biến văn hóa" lẫn nhau. Chuyện bánh ít bánh quy, có thể bên nhiều, bên ít, nhưng là có đi có lại, nào chỉ đơn phương, một chiều như không ít ý kiến ngộ tưởng. CỔ LOA ở Việt Nam và TRƯỜNG AN đời Hán ở Trung Quốc có cùng niên đại thế kỷ III TCN không phải là một dẫn chứng sinh động sao? Sự kiện càng có ý nghĩa khoa học lớn hơn vì thời điểm này diễn ra trước “10 thế kỷ đêm trường Bắc thuộc” khá lâu. Gần đây cũng vậy, khi phương Tây xuất hiện trên vũ đài lịch sử thế giới (phương Tây xin được hiểu theo ý nghĩa "những giá trị văn minh hiện đại" nói chung) chuyện "giao thoa, tiếp biến" nói cho oai, thật ra chỉ là cuộc hôn nhân cưởng ép, một chiều, từ Tây sang Đông, từ vật chất đến tinh thần, từ bên ngoài cho đến bên trong. Là hình mẫu, là thước đo giá trị các nền văn minh, văn hóa khác, phương Tây chính là ẩn dụ cho anh hàng thịt hùng mạnh đang thu tóm toàn bộ của cải thế gian, đối lập với hình ảnh thảm hại của bác Trương Ba, đại biểu cho phần thế giới còn lại. Kiến trúc "Trương Ba" phương Đông cũng gánh chịu chung cái số phận hẩm hiu, an phận của nó. Hình ảnh hàng ngàn cao ốc ở Bắc Kinh chiếm lĩnh không gian, lấn át thiên nhiên chỉ trong hai thập kỷ gần đây có thể coi là một dẫn chứng sinh động khác cho chuyện hàng thịt của Trương Ba thời nay ? Mà đâu chỉ Bắc Kinh. Danh sách có thể kéo dài đến vô tận : Thượng Hải, Quảng Châu, Hong Kong, Tokyo, Seoul, Hà Nội, Sài Gòn ... Và phải đâu chỉ ở Châu Á. Cuộc “chiến đấu” giữa thiên nhiên một bên, con người và kiến trúc phía bên kia, ngày càng tỏ ra … “không cân sức”. Cái nhân tạo hãnh tiến thắng thế, còn thiên nhiên bao dung, thầm lặng thì bị đẩy lùi. Mối quan hệ tay ba giữa Con người, Kiến trúc và Thiên nhiên phải chăng đã đến lúc cần được xem xét và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc ở một mức độ khác tại thời điểm cuối thế kỷ XX này?
4. Thiên nhiên: một, hai, ba!
Năm 1884, Marx phát biểu: "sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người quan hệ khăng khít với thiên nhiên. Điều đó chẳng qua có ý nghĩa là thiên nhiên khăng khít với chính bản thân nó, vì con người là một bộ phận của thiên nhiên". Mệnh đề có thể thu gọn : con người = thiên nhiên một. Xin quay lại với không khí lễ hội Bắc Kinh bằng hình ảnh cách phục sức của đoàn đại biểu nước ta. Đoàn ta ăn mặc phải nói là chỉnh tề và trang nhã. Ngoài chiếc áo dài đậm đà bản sắc dân tộc của chị Tuyết (đoàn Tp.Hồ Chí Minh), mười một bộ com-lê nam, với đầy đủ vét-tông, cà vạt, đã giúp cho việc định vị mười một Nguyễn An trong đám đông hơn sáu ngàn KTS. trở nên dễ dàng và thuận tiện vô cùng. Khoác cái bộ trang phục cao cấp rất Tây này có lẽ chỉ gồm các quan chức UIA, quý khách mời của Đại hội, và ... chúng ta. Cái thiên nhiên hai này (tức y phục) được phủ lên thân thể chúng ta (thiên nhiên một vừa nói) một cách oai vệ và hợp thời.
Gần bảy ngàn "thiên nhiên một" xúng xính trong chừng đó "thiên nhiên hai" được tòa nhà Đại sảnh đường nhân dân Bắc Kinh, với tư cách là "thiên nhiên ba", bao che, ôm ấp bên trong nó. Cái thiên nhiên ba này là tên gọi khác của thuật ngữ ARCHITECTURE mà phương Đông tạm dịch để chuyển tải các khái niệm về kiến trúc do quy phạm tư tưởng phương Tây ấn định. Trước kia người Trung Quốc, người Hàn, người Nhật, và cả người Việt, chắc hẳn không có cụm từ này ... Vô số khái niệm khác tương tự, chẳng hạn : Triết học (philosophy), khoa học (science), nghệ thuật (art), thiết kế (design), quy hoạch (planning), hiện đại (modern), công nghệ (technology), tiên tiến (advanced), bản sắc (identity) ... Vâng, hầu như toàn bộ từ điển đương đại phương Đông chỉ được dùng để dịch, nói cách khác, để chuyển tải các khái niệm tương tự với và quy định bởi phương Tây. Có thể nói không ngoa quy phạm và ngôn ngữ kiến trúc thế kỷ XX hoàn toàn thuộc về phương Tây hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này.
Kiến trúc Trương Ba minh triết ngày nào bổng trở nên quê mùa, lạc hậu đến thảm hại. Cuộc hành trình đi tìm lại bộ mặt thật (bản lai diện mục) của bác Trương không gì khác hơn nhằm trả lại linh hồn cho bác đúng với thân xác khỏe mạnh, lành lặn mà bác đã từng mang lấy xưa kia.
.
Tựa đề của bài tham luận "PHONG THỦY : GIAO ĐIỂM GIỮA HAI NỀN KIẾN TRÚC VÀ ĐÔ THỊ ĐÔNG-TÂY" (Feng Shui : The crosspoint of Occidental and Orientral Achitecture and Urbanism) thực chất là một cố gắng đi tìm lại cái bản lai diện mục của kiến trúc phương Đông. Thuật ngữ Phong thủy được gán cho Quách Phác người đời Tấn, thể kỷ IV- người được coi là ông tổ của khoa Phong thủy (Những cái tên trước đời Tấn có thể kể : Tướng địa, Tướng trạch, Thanh nang, Thanh ô, Địa lý). Còn thuật ngữ crosspoint muốn biểu thị cùng một lúc các ẩn dụ về thập tự giá (tượng trưng cho nền Công giáo phương Tây), về hệ thống thiết kế đô thị kiểu ô cờ (Cardo - Decumanus của người Etrusque mà sau đó La mã tiếp thu), đồng thời hệ thống trục Thủy - Hỏa (Đông - Tây) và Càn - Khôn (Nam Bắc) của phương Đông... Crosspoint còn là điểm hẹn thời gian mà người viết hy vọng sẽ diễn ra trong nửa đầu thế kỷ XXI (xin mở ngoặc tại thời điểm cuối 1998, đã có 63 website về Phong thủy trên mạng Internet).
Bài tham luận, được nhìn dưới lăng kính kiến trúc và trình bày bằng thứ ngôn ngữ kiến trúc sư, tiếp cận khoa Phong thủy từ ba góc nhìn Triết - Mỹ và Khoa học. (Ở đây là khoa học về không gian kiến trúc, chiều thời gian thứ tư không thuộc phạm vi bài tham luận xin được trình bày vào một dịp khác). Bài tham luận cũng thử đưa ra vài hiện tượng trùng hợp của kiến trúc đô thị phương Tây, cùng với những dự cảm ban đầu về khả năng tích hợp 2 nền kiến trúc Đông - Tây trong thế kỷ XXI (integral).
1. Ba bộ mặt của Phong thủy
1.1. Triết học (tức Đạo học nhất nguyên lưỡng cực Âm – Dương). Xin xem bảng (1): Danh loại Âm - Dương.
Nhà kiến trúc dân tộc học Amos Rapoport tại một cuôc hội thảo kiến trúc ở Đại học California, Berkeley hồi thập niên 70 tỏ ra đồng quan điểm với Imhotep khi cho rằng thế giới quan (conception du monde, world view) chính là nhân tố quyết định mọi hình thái kiến trúc, từ công trình đến cảnh quan và đô thị trong lịch sử.
Dù ở thời đại lịch sử nào con người cũng luôn xây dựng nhân sinh quan (way of life) - từ đó là kiểu sống (lifestyle) - của mình theo vũ trụ quan (cosmology) tức cách thế mà nó nhìn nhận thế giới. Goethe cũng có cùng một nhận định như vậy đối với tổ tiên ông, khi cho rằng người thời xưa luôn tìm cách diễn đạt thế giới thực tại theo cách thế riêng của họ.
Vũ trụ quan đó được hình thành từ nền văn hóa Phục Hy, ở phía Đông lục địa Âu - Á cách nay non 50 thế kỷ và được gọi giản dị là ĐẠO: "Nhất âm, nhất dương chi vị đạo" (Nho) hoặc "Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên" (Lão).
"ĐẠO = TỰ NHIÊN = MỘT" |
Tính chất "phương pháp luận tiếp cận hệ thống" (methodology of systematic approach) của Đạo thể hiện rất rõ trong bộ mã kiến trúc Phong thủy được trình bày theo 3 cấp quy ước : vĩ - trung - vi mô (micro - mezzo - macrocosm)
KTS. Frank L.Wright luôn coi Tự nhiên (Nature) là quyển kinh thánh gối đầu giường của ông. Ngôn ngữ kiến trúc hữu cơ (organic) của ông rất gần với Đạo. Ông gọi kiến trúc là một thứ "Thiên nhiên vừa vật chất, vừa xúc cảm", một thứ thiên nhiên nhỏ nằm bên trong lòng bà mẹ thiên nhiên lớn bao trùm, che chở ...
Bảng 1: Danh loại Âm - Dương
Âm |
Dương |
|||
1 |
Vũ trụ luận | Đất (Địa) | Trời (Thiên) | |
2 |
Giới tính | Nữ | Nam | |
3 |
Không gian | Sau / Phải / Cao (Hậu) / (Hữu) / (Cao) | Trước / Trái / Thấp (Tiền) / (Tả) / (Đê) | Lục không |
4 |
Địa lý | Bắc / Tây / Vĩ tuyến | Nam / Đông / Kinh tuyến | |
5 |
Từ nguyên | Vùng tối | Vùng sáng | So với mặt trời |
6 |
Trạng thái – nhịp điệu |
Tĩnh / Gián đoạn | Động / Liên tục | |
7 |
Tính chất | Mềm (Nhu) / Tiêu cực / Tán | Cứng (Cương) / Tích cực / Tụ | |
8 |
Hệ thống | Đóng / Đặc | Mở / Rỗng | |
9 |
Môi trường khí hậu | Lạnh / Ẩm / Tối | Nóng / Khô / Sáng | |
10 |
Mùa / Thiên thể | Thu / Đông Mặt trăng (Nguyệt) | Xuân / Hạ Mặt trời (Nhật) | |
11 |
Hình dáng | Dài / Nằm | Ngắn / Đứng | |
12 |
Đường nét (2D) | Ngay, Thẳng (Trực) | Cong (Uốn khúc) | Hình cấp 1 (2 điểm) |
13 |
Đường cong (2D) | Lõm | Lồi | |
14 |
Mặt (2D) | Phẳnng / Vuông | Cong / Tròn |
Hình cấp 2 (3 điểm) |
15 |
Khối (3D) | Lập phương | Cầu phương |
Hình cấp 3 (trên 4 điểm) |
16 |
Toán học | Hình học | Số học | |
17 |
Hình học | EUCLIDE | RIEMANN | |
18 |
Số học | Chẵn | Lẻ | |
19 |
Màu sắc | Đen / Tối | Trắng / Sáng | |
20 |
Hướng / Chuyển động | Xuống (Giáng) Về phía sau, Phía phải / Ly tâm |
Lên (Thăng) Về phía trước, Phía trái / Hướng tâm |
1.2. Mỹ học (tức Hình học Ngũ hành). Xin xem bảng (2) Danh loại Ngũ hành
Mỹ học phương Đông là mỹ học về 5 phương thức vận động của tự nhiên được mã hóa dưới 5 hình thể quen thuộc là Kim, Gỗ, Nước, Lửa, Đất. (So sánh với Tứ hành trong vũ trụ quan Ấn - Âu : Gió, Nước, Lửa, Đất).
Đạo vận động theo biện chứng vòng tròn âm dương, (tối và sáng, thẳng và cong, trước và sau, trái và phải, trên và dưới, lên và xuống, vào và ra, phá hủy và sáng tạo) thông qua 5 phương thức tương tác đồng thời, tuân thủ luật hấp dẫn vũ trụ bao gồm :
Δ 2 chuyển động thẳng có xu hướng đi lên (thăng/lên), tức từ thấp lên cao, như muốn chống/phản lại trọng trường. Ẩn dụ bằng hình là Cây (Mộc) và Lửa (Hỏa)
Δ 2 chuyển động cong có xu hướng đi xuống (giáng/xuống), tức từ cao xuống thấp, thuận theo chiều trọng trường. Ẩn dụ bằng hình là Nước (Thủy) và Kim (Kim)
Δ 1 chuyển động vô hướng, không thẳng không cong, không lên không xuống, mang tính chất điều hợp. Ẩn dụ bằng hình là mặt Đất (Thổ)
Ngũ hành đưa đến “ngũ hình”. Xét Hình như một hệ thống 3 cấp “đường - mặt - khối”, ta có :
Ngoài ra ngũ hành còn đưa đến ngũ chất (vật liệu xây dựng) và ngũ sắc (5 màu cơ bản : xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), v.v....
Ngũ hành vừa là từ vựng (vocabulary) vừa là cú pháp (syntax) trên đó người nghệ sĩ tạo hình phương Đông xây dựng mọi hình thái sáng tác nghệ thuật nhằm tái tạo lại trật tự thiên nhiên phù hợp, tương thích với mục đích mong muốn thông qua tác phẩm (nhân tạo) của mình. Đặc thù của phương pháp sáng tác này là sự mô phỏng, hoặc mô hình hóa thiên nhiên. Kiến trúc vì vậy có thể được coi như một thứ Địa phỏng sinh học (geobionics).
Bảng 2: Danh loại Ngũ hành
|
|
Mộc |
Hỏa |
Thổ |
Kim |
Thủy |
Ghi chú |
1 | Hướng / chuyển động |
Lên cao (Thăng) Phía trái |
Lên cao (Thăng) Phía trước |
Bình hành | Xuống thấp (Giáng)Phía phải | Xuống thấp (Giáng)Phía sau | |
2 | Không gian |
Trái |
Trước |
Giữa / Trung tâm Điểm đứng |
Phải | Sau | Lục không |
3 | Địa lý |
Đông |
Nam |
Trung ương | Tây | Bắc | |
4 | Thiên văn / Biểu tượng |
Thanh Long Loài có vảy |
Chu Tước Loài lông vũ |
Trung cung Loài da nhẵn | Bạch Hổ Loài lông mao | Huyền Vũ Loài có mai |
Vật biểu Thú |
5 | Màu sắc |
Xanh |
Đỏ |
Vàng |
Trắng |
Đen |
|
6 | Mùa / Thời tiết |
Xuân |
Hạ |
Tứ quý |
Thu | Đông | |
7 | Ngày đêm |
Sáng |
Trưa |
- |
Chiều | Tối | |
8 | Hình dáng |
Đứng, Vươn cao |
Xiên, chéo / Vươn cao |
Bình hành, Nằm ngang |
Uốn, Cong đều |
Uốn, Gấp lượn sóng |
|
9 | Đường / Nét |
Thẳng, đứng |
Thẳng, nhọn, xiên |
Thẳng |
Cong đều |
Cong bất định, ngoằn ngoèo |
|
10 | Mặt (2D) |
Chữ nhật |
Tam giác |
Vuông |
Tròn |
Uốn (lồi, lõm) Cong |
|
11 | Khối (3D) |
Lăng trụ |
Chóp |
Lập phương |
Cầu | Đa diện cong | |
12 | Ngũ giác |
Thị |
Vị |
Xúc |
Khứu | Thính |
1.3. Khoa học (tức không gian cửu cung lạc thư) 1.3.1. BÁT QUÁI (văn hóa Phục Hy) = Tám vùng không gian quanh 1 tọa độ địa lý)
Xét 1 điểm bất kỳ trên bề mặt trái đất như điểm gốc O trong hệ thống tọa độ Descartes. Định hướng điểm này ta có bốn phương chính (trước, sau, trái, phải) và 4 phương phụ (4 vùng góc ở giữa từng cặp phương chính). Hai hướng không nói đến, dù vẫn tồn tại, là cặp lên / xuống biểu thị bằng cao trình / cao độ (khoa Phong thủy định nghĩa “cao một tấc là SƠN, thấp một tấc là THỦY). Điểm O trên bề mặt trái đất này không hề tĩnh tại (static), đứng yên, mà luôn luôn động đích (dynamic) chuyển động không ngừng nghỉ theo quỹ đạo của Trái đất trong hệ thống mặt trời, ngân hà và tất cả các thiên hà trong vũ trụ. Có thể nói có bao nhiêu điểm O thì có bấy nhiêu hệ thống. Và mỗi công trình kiến trúc đều là một trung tâm, hoặc một cái rốn của thế giới. Khổng Tử ngộ đạo Dịch khi ngồi ngắm dòng sông nước chảy liên miên, bất tuyệt. Dòng chảy này vận động theo quy luật của Đạo, có nhịp điệu thời gian, có quỹ đạo không gian, có thể học biết được, kiểm soát được, nghĩa là có khả năng giúp ích cho cuộc cư trú con người thông qua trình tự kiến trúc thông thường, tức khảo sát, thiết kế, thi công.
1.3.2. CỬU CUNG (văn hóa Đại Vũ) = chín vùng không gian địa lý
Là hình thái biểu hiện khác của Bát Quái, trong đó điểm gốc O chiếm một khối tích không gian bằng với 8 vùng không gian Bát quái chung quanh. Mô hình LẠC THƯ này khi áp dụng, trong tổ chức lãnh thổ và hành chánh quốc gia gọi là Cửu Châu, trong tổ chức sản xuất nông nghiệp là Cửu Điền (phép Tĩnh điền). Trong kiến trúc (Dương trạch) vùng không gian trung tâm là ngôi nhà trong thửa đất, là ngôi đình trong làng quê, là kinh thành trong đô thị.
1.3.3. TAM TÀI = Ba lớp không gian vây bọc quanh một cái lõi
Mỗi Quái trong Bát quái (gọi là quẻ đơn, hay đơn quái) đều gồm 3 hào đặt tên là 1,2,3 vừa biểu thị trình tự diễn biến của sự vật (quá khứ - hiện tại - tương lai) về mặt thời gian, vừa biểu thị tương quan giữa các sự vật (thấp - vừa - cao, trong - giữa - ngoài. Trước - giữa - sau, trái - giữa - phải, trên - giữa - dưới...) về mặt không gian. Trong đô thị là kết cấu thành quách tam trùng, tức 3 lớp không gian tính từ trong ra ngoài gồm: Cấm thành (tượng cho NGƯỜI), Hoàng thành (tượng cho ĐẤT), và Kinh thành (tượng cho TRỜI).
2. Lý luận Phong thủy
2.1. Tiên đề 1: Cấu hình người (MC) hay kết cấu nhân thể, tức phương thức sử dụng không gian tự nhiên
Trong thế giới động vật, người có tư thế đứng thẳng xu hướng phản lại trọng lực, não bộ không ngừng phát triển, tứ chi cực kỳ khéo léo, ... Đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn, nằm trên mặt phẳng (các loại động vật khác trên hình cầu), cự ly hẹp (khoảng cách giữa hai mắt bằng đúng bề rộng mắt), do đó thị trường hẹp (giả thuyết làm việc của người viết về tiết diện vàng M-m). Bù lại mắt người “tập trung” cao độ vào mục tiêu! Người được mô tả như con thú săn mồi nguy hiểm nhất. Hầu như toàn bộ giác quan - tức công cụ tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài - đều nằm trên đầu, hướng về phía trước (mắt, mũi, miệng) và hai bên (tai). Phía sau lưng trái lại, hoàn toàn không có khí quan. Như vậy con người chỉ cảm thấy an toàn (safety sensing) đối với vùng không gian phía trước, (Chu Tước), và phần nào hai bên trái và phải được bảo vệ bởi tứ chi (Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ). Vùng không gian phía sau (Huyền vũ) hoàn toàn bất an (unsafety sensing). Xu thế tự nhiên trong sử dụng không gian là dựa, tựa, đóng, khóa lại ở phía sau lưng (Bối Sơn) và mở, hướng ra ở phía trước (Diện Thủy), hai tay ôm vòng lại (Sơn hoàn, Thủy bảo). Như vậy Phong thủy bắt đầu từ sự quan sát và nghiên cứu chính bản thân con người.
2.2. Tiên đề 2: Cấu hình Đất (tức cấu hình SƠN - THỦY) và Trời (EC) tương thích
Các di chỉ khảo cổ cho thấy từ các thời đại đá con người đã biết chọn cho mình các hang động có địa thế lưng chừng đồi, núi (tránh lũ lụt) với cửa hang mở về hướng có ánh nắng mặt trời (nhiệt) và gió mùa (ẩm), với giòng nước phía trước, có địa chất, thủy văn, thổ nhưỡng, thảm thực vật và quần thể động vật tươi tốt ... Đối với Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia phương Đông ở bán cầu Bắc, hướng tối ưu đó chính là hướng Nam và hướng Đông (đại khí hậu : macroclimate). Về sau khi rời bỏ nơi cư trú tự nhiên ban đầu, mở rộng không gian sinh tụ phát triển, họ vẫn áp dụng nguyên lý chọn đất tương tự : dựa vào thế núi (phương Bắc, hoặc phương Tây), mở ra thế sông, biển (phương Nam, hoặc phương Đông) để vừa tận dụng vừa khắc phục các điều kiện của thiên nhiên, của khí hậu, thời tiết. Như vậy : Phong thủy tiếp tục khảo sát và nghiên cứu thiên nhiên, đi tìm cấu hình Đất và Trời (thời tiết, khí hậu) tương thích với cấu hình Người.
2.3. Quy phạm chọn Đất xây dựng
Hai thành tố cơ bản đất và nước - xin đặc biệt nhấn mạnh Đất và Nước, không phải Gió (Phong) và Nước (Thủy), Người Việt Nam thích gọi đất nước mình là Sơn Thủy, Sơn Hà, Giang Sơn, Núi Sông - phối hợp thành 3 tiêu chí chủ đạo :
2.4. Quy trình thiết kế kiến trúc đô thị
Δ Tổng quan: ngoài việc xét và chọn cấu hình Sơn Thủy phù hợp, việc định đô quan trọng ở chỗ ĐIỂM HUYỆT, tức xác định vị trí Trọng tâm của cuộc đất (Địa cục) và cao trình của điểm này để đặt công trình trọng điểm, tối yếu lên bên trên. Huyệt chính là nơi hội tụ sinh khí, nguyên khí của trời đất, của cảnh quan Sơn thủy, của một vùng không gian địa lý rộng lớn, bao gồm nhiều cấp (nhiều tầng, nhiều lớp phông cảnh quan gần, xa...). Trong đô thị phương Đông ở quy mô kinh đô, công trình này thường được gọi là Cấm thành và là hạt nhân trung tâm trong quần thể công trình tiên khởi của một đô thị (urban nucleus complex) bao quanh bởi các khu dân cư, chợ búa (nội thành ngoại thị). Kiến trúc Phong thủy vì vậy có thể được xem là thuật ĐỊA CHÂM (geoacupuncture) tương tự như khoa châm cứu trong y học phương Đông.
Δ Quy trình ba pha trong thiết kế đô thị:
Pha 1: TẦM LONG, tức xét địa mạch và chọn đất, đáp ứng các quy phạm xây dựng đô thị (Tiền hậu cao đê, mãn không và Tả hữu khinh trọng, doanh hư)
Pha 2: ĐIỂM HUYỆT, tức xác định vị trí đặt công trình trọng điểm.
Pha 3: LẬP HƯỚNG, kết cấu thành quách tam trùng với các quần thể công trình hạt nhân (gồm Cấm thành, Hoàng thành và Kinh thành) bố trí đăng đối qua một trục chính thường gọi là Trục thần đạo. Trục này được định hướng (orientate) theo PHƯƠNG TỐI ƯU Nam Bắc (Khảm - Ly), hoặc Tây Bắc - Đông Nam (Càn - Tốn). Kết cấu MỞ về phương Nam (Nam diện) cho phép từng công trình riêng lẻ, hoặc cả quần thể lớn, tiếp nhận mọi điều kiện tối ưu về môi trường tự nhiên (mặt trời, ánh nắng, ánh sáng, gió mùa, hệ sinh thái, v.v...) đồng thời khắc phục mọi điều kiện bất lợi từ phương Bắc (gió mùa Đông giá buốt, bóng tối, khí hậu sa mạc, băng giá, v.v...).
2.5. Quy trình thiết kế công trình kiến trúc
Kiến trúc là sự mô phỏng cấu hình Đất và Trời như đã nói bên trên, theo đó : “Trật tự vật thể nhân tạo (man-made) phản ảnh trật tự vật thể tự nhiên (natural) một cách HỢP LÝ và HỮU TÌNH”.
Đất = SƠN# công trình xây dựng, đơn lẽ hoặc quần thể (Tĩnh). Nước = THỦY# luồng giao thông, đường xá, khoảng trống… (Động). Kiến trúc SƠN THỦY phương Đông đánh giá cao tính chất XÚC CẢM (Sơn thủy hữu tình) trong nghệ thuật biểu hiện của nó.
3. Phong thủy ở nước ta
3.1. Lý thuyết hệ thống
3.1.1. Dương cơ nhỏ (Vi mô): Ngôi nhà dân gian (xin xem bảng 3)
Tục ngữ Việt Nam : "An cư lạc nghiệp", “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”, “Trước ao, sau vườn", “Trước cau, sau chuối” v.v... phản ánh trật tự và bố cục không gian theo Phong Thủy một cách giản dị, dễ làm, và ai cũng làm được.
Ngôi nhà dân gian truyền thống Việt Nam đơn sơ, bình dị, hợp lý, hợp tình đậm đà bản sắc dân tộc vừa là một thứ Địa phỏng sinh học, vừa hòa hợp với thiên nhiên (thiên nhiên nhỏ trong lòng thiên nhiên lớn tiểu vũ trụ trong lòng đại vũ trụ) ... Mô hình một trưởng (majeur), một thứ (mineur) hoặc một trưởng, nhiều thứ này được nhân lên hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu bản ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn tính tiên tiến, về nghệ thuật cũng như công nghệ xử lý khí hậu và môi trường mà nó có thể mang lại cho người Việt Nam qua bao thế hệ... Mô hình này vừa có điểm tương đồng, vừa có điểm dị biệt với mô hình nhà tứ hợp viên truyền thống của Trung Quốc. Tiến sĩ KTS. KEN YEANG, được giải thưởng UIA ‘XX 1999, chủ yếu do biết cách vận dụng luận điểm cơ bản về Phong thủy và “công nghệ truyền thống nhiệt đới” vào cao ốc mà ông gọi là sinh thái cho hợp với thời điểm cuối thế kỷ XX.
Bảng 3 - Dương cơ nhỏ
Không gian - Cảnh quan |
Trước (TRƯỚC) |
Sau (VŨ) |
Trái (LONG) |
Phải (HỔ) |
Cận cảnh | Sân trống / Ao / Sông, Suối nhỏ / Trồng cau | Gò đất cao / Vườn cây ăn trái / Trồng chuối |
Khoảng trống / Ao, Sông, Suối nhỏ / Trồng cây thấp |
Gò đất cao / Công trình phụ / Lân cận |
Viễn cảnh |
Sông lớn, Hồ lớn / Núi đồi chầu, Triều về |
Hồ lớn / Núi cao, Che chở / Chỗ dựa |
Đồng bằng rộng / Sông lớn |
Đồi núi cao / Rừng cây lớn |
3.1.2. Dương cơ vừa (Trung mô): Ngôi đình làng quê
Là điểm hội tụ của tâm thức cộng đồng Việt, ngôi đình chiếm vị trí “đắc địa” nhất trong phong cảnh làng quê. Hưng thịnh, suy bại tương truyền do vị trí tọa lạc hoặc cách cục của ngôi đình xét trong mối tương quan, tương tác giữa nó với các vật thể tự nhiên (sông, núi, gò, đồi, cây xanh...) và nhân tạo khác vây quanh (cầu, đường, nha, cửa, chùa, miếu...)
3.1.3. Dương cơ lớn (Vĩ mô): Thị thành đô hội
Là điểm giao cắt của một vùng không gian lảnh thổ rộng lớn về nhiều mặt (giao thông, vận tải, nguồn tài lực, vật lực, nhân lực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...) Dương cơ lớn xét về cách chọn đất, chọn địa điểm xây dựng, định đô, phân bố, tổ chức không gian... cũng không khác Dương cơ nhỏ và vừa. Quy mô khác mà lý thì vẫn một: lý nhất quán (nhất dĩ quán chi). Cũng sông, cũng núi, khác chăng là ở chỗ quy mô (scale).
3.2. Thực tiễn áp dụng: Ba điển cứu (case studies) Việt Nam qua 10 thế kỷ xây dựng đô thị.
(Xin xem bảng (4): Khái quát hóa các đặc điểm chủ yếu của 2 thành phố cực phát triển nước ta là Hà Nội và Sài Gòn)
Bảng 4
Hệ thống vi mô |
Hệ thống vĩ mô |
|||
Sơn |
Thủy |
Sơn |
Thủy |
|
HÀ NỘI |
Núi Nùng, các gò đống nội thành |
Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Hồng, các hồ nội thành |
Tam Đảo, Ba Vì, Hòa Bình... |
Sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Chảy,... |
SÀI GÒN |
Các giải gò từ cao (Gò Vấp) xuống thấp (Nhà Bè), từ Tây Bắc xuống Đông Nam |
Rạch Bến Nghé Sông Sài Gòn và các kênh rạch nội thành |
Địa hình triền dốc từ Tây Ninh, Lâm Đồng xuống theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến Duyên Hải |
2 hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai (Thanh Long) và Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây (Bạch Hổ) |
.
1. Biết có biết không?
Bàn về mối lương duyên kỳ ngộ giữa Đông - Tây, người thì bảo có, kẻ lại nói không. Rudyard Kipling (nhà văn thực dân người Anh) và đồng nghiệp Marcel Breuer (KTS. Đức, người duy lý số một của trường Bauhaus) thì bảo rằng không, thậm chí không đời nào. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (nhà thơ Việt Nam cực kỳ đam mê sơn thủy) và đồng nghiệp Frank Lloyd Wright (KTS. người Mỹ, ông trùm của trường phái kiến trúc hữu cơ) thì bảo rằng có, thậm chí có quá đi chớ... Gặp nhau ở đâu? Ở chỗ mà KTS. Eero Saarinen gọi là “Thống nhất trong dị biệt” (Unity within diversity). Lúc nào? Thời gian và môi trường sinh thái toàn cầu đang kêu cứu khẩn thiết. Không phải ngay đầu thế kỷ XXI thì còn lúc nào nữa ?
2. Thử nhảy điệu Samba
2.1. Bản hòa tấu Brasilia (xin xem hình 1)
Brasilia là một đô thị hoàn toàn “nhân tạo”, một thành phố không quá khứ (hiểu như hình thành bắt đầu từ các quần cư nhỏ phát triển lên), được thực hiện trong một thời gian cực ngắn mà mục đích chiến lược là khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên nằm sâu trong lục địa Amazone để phát triển kinh tế đất nước.
Xét dưới lăng kính Phong thủy về hình thể và cách thức Lucio Costa tổ chức không gian đô thị, ta có:
- "Bối sơn, diện thủy": địa hình chuyển từ cao (sân bay và đường vòng đai chính) xuống thấp (hồ nước rất lớn và đẹp). Hai bên vai của khu sân bay là hai dãy đồi ôm bọc lấy khu trung ương giống như một chiếc móng ngựa, trên đó bố trí các chùm biệt thự thấp tầng. Thuật ngữ Phong thủy gọi 2 cánh tay này là Thanh Long (trái) và Bạch Hổ (phải).
- Trên trục hoành (decumanus) có hình dạng cong như cánh cung hướng về phía hồ lớn (điểm tụ thủy) là các quần thể chung cư thấp tầng mở ra hồ này.
- Trên trục tung (cardo) chính giữa (tức Thần đạo) tập trung toàn bộ các công trình công cộng, phục vụ đô thị... đặc biệt ở vị trí buồng lái (cockpit) của chiếc máy bay phản lực hướng về phía hồ này, Costa đặt tòa nhà quốc hội Brasil, tức cơ quan quyền lực cao nhất của Đất nước lên bên trên. Tương tự như Cố cung ở Bắc Kinh nhưng quyền lực dân chủ đã thay thế cho chế độ quân chủ tập quyền xưa kia.
2.2. Tấu khúc tòa nhà Quốc hội (xin xem hình 2)
Quảng trường Tam quyền và công trình tòa nhà Quốc hội Brasil (Congresso Brasilia) do cậu học trò ngổ nghịch của Lucio Costa là Oscar Niemeyer thiết kế. Cái trò chơi hình khối (jeu de volumes) đơn giản và tuyệt diệu của toà nhà này có thể được giải mã dưới lăng kính và bộ từ vựng ngũ hình của Phong thủy như sau: Một khối tháp hình hộp sừng sững ngay giữa trục trọng tâm nơi làm việc của lưỡng viện Quốc hội (hình Mộc). Hai bên phía trước đối xứng qua khối tháp là 2 hình cầu phân (1 xấp, 1 ngữa), hội trường của Thương và Hạ viện (hình Kim). Toàn bộ 3 khối trên đang đặt trên 1 "nền" ngang nâng đỡ bám vững vào nền đất (hình Thổ). Thổ và Kim hài hòa. Mộc và Kim tương phản. Mộc và Thổ tương phản. Công năng hợp lý + Xúc cảm mạnh mẽ. Có thể tóm gọn công trình này vào vài từ khái quát như vậy?
3. Thông điệp thầm kín
3.1. Sao cho phải đạo?
Theo đồng nghiệp khả kính KTS. AMOS RAPOPORT (trong House Form & Culture) lịch sử nhân loại nói chung và kiến trúc nói riêng, cho thấy ba thái độ ứng xử của con người đối với thiên nhiên. Thứ nhất là THẦN BÍ (mystic), đặc trưng của thời kỳ thái cổ trong đó con người thờ phụng thiên nhiên một cách mù quáng như con cái đối với bố mẹ (thời kỳ Dương lấn Âm). Thứ hai là CỘNG SINH (symbiotic) tức giai đoạn kế tiếp, trong đó con người hiểu rõ thiên nhiên hơn, không còn thần phục tuyệt đối nữa mà cùng tồn tại và yêu đương thắm thiết như vợ với chồng (thời kỳ Âm Dương đề huề). Cuối cùng là THỰC DỤNG (utilitarian) tương ứng với thời kỳ cận đại (phương Tây) và hiện đại (cả Tây lẫn Đông), trong đó con người sau khi ngộ tưởng mình nắm rõ mọi quy luật của tạo hóa sinh ra kiêu ngạo, bội bạc, khai thác, tàn phá tự nhiên một cách phủ phàng, không thương xót...
3.2. Chớ tìm Ngọ lúc nửa đêm
Vậy thì trong thời đại ngày nay, chúng ta nên chọn thái độ ứng xử nào ? Không kể thái độ thứ nhất đã thuộc về thời thái cổ, trước kia cả Đông lẫn Tây đều chọn thái độ thứ hai. Cận đại thì Tây đi theo con đường thực dụng, vô tình, tàn nhẫn đang có xu hướng dẫn tới ngõ cụt. Đông nghèo khổ, lạc hậu, tưởng rằng chỉ có Tây là tiên tiến, là hiện đại, dồn tâm, dồn sức, dồn lực, đuổi theo. Đến khi gần đụng bức tường thế kỷ XXI... lúc thiên nhiên bắt đầu thực hiện luật nhân quả - và bị gọi một cách oan uổng là “trả thù” - bằng lũ lụt, bảo tố, hạn hán, ô nhiểm môi trường, ôzôn, El Nino, La Nina ..., anh hàng thịt cảm thấy phát hoảng, muốn dừng mà chẳng biết làm sao. Ngoái đầu nhìn lại phía sau, xem ông bạn Trương Ba già nua đồng hội đồng xuồng, có phương kế khả thi gì không, thì ... than ôi, bác ta cũng đang bậm môi, trợn mắt, đuổi tới cận kề ... như muốn ôm nhau cùng lao xuống vực... Hội nghị môi trường toàn cầu tại Rio de Janeiro chỉ ra được điều gì nếu không phải là sự lầm đường lạc lối của cả hai. Muốn tìm Ngọ lại không chọn lúc tan trường, mà đi thắp đuốc giữa canh khuya.
(Xin “tham khảo” diện mạo kiến trúc thế kỷ XX dưới mắt đồng nghiệp Balan, KTS. KRZYSZTOF CHLWALIBOG tại Đại hội UIA 'XX :
"Kiến trúc hiện đại thế kỷ XX ư ? Làm biến dạng cảnh quan truyền thống và lịch sử. Tàn phá môi truờng sinh thái ở các nước kém may mắn. Sản sinh cái giống hệt, thứ đồng phục có tên là International, đặt ở lục địa nào cũng được. Gây ấn tượng sai lạc về một thứ công nghệ cao toàn cầu hào nhoáng. Chưa phải hết : làm thoái hóa thậm chí biến mất các giá trị văn hóa-xã hội-cộng đồng ...)
3.3. Con đường xưa em đi
Đạo cũng có nghĩa là ĐƯỜNG. Đường nào ? Còn con đường nào khác ngoài con đường xưa em đi. Con đường không tên số 2. Con đường chính giữa mà phương Đông gọi là trung đạo (midway) và phương Tây ngày nay gọi là Enviromental Ethics (đạo lý môi trường). Nói cách khác con đường cộng sinh, trong đó NGƯỜI cùng với TRỜI và ĐẤT hợp thành một thể thống nhất, bất khả phân ly, một hệ thống không ngừng vận động nhưng vẫn luôn giữ trạng thái cân bằng (Dynamic Balance), quân bình (Equilibrum) một cách duyên dáng và giản dị. Thông điệp của kiến trúc phương Đông luôn là lời nhắn gởi thầm lặng về ĐẠO, về con Đường.
3.4. Nguyễn An, ông là ai xin hỏi?
Tương truyền ông là một tài năng xây dựng kiệt xuất người Việt Nam, đã chủ trì một số hạng mục công trình trọng điểm ở Cố Cung, Bắc Kinh vào thời Minh. Giỏi cả công việc trị thủy, người viết tin rằng ông còn am hiểu cả Phong thủy chớ không chỉ đơn thuần là người thợ khéo theo truyền thống Lỗ Ban, nhà xây dựng kỳ tài của Trung Quốc.
Dù sao, sự kiện hàng trăm Nguyễn An có mặt tại Đại hội UIA ‘XXI tháng 6 vừa qua, xin được lập lại lần nữa, là một tín hiệu đáng mừng cho tiền đồ kiến trúc đất nước. Nước đến chân không có nghĩa quá muộn. Hiểu người, biết mình, đồng lòng, dốc sức, chúng ta hoàn toàn có
Bình luận từ người dùng