Chào các bạn,
Hôm nay chúng ta bàn đến điểm đầu tiên trong 9 điểm đã nói đến trong bài Du nhập văn hóa nước ngoài. Đó là: “Phải nắm vững văn hóa và định chế của nước mình trước. Trước khi biết cái hay cái dở của người, phải biết cái hay cái dở của mình đã.” Chúng ta sẽ khai triển câu nói này trên ba bình diện: Tư duy tích cực cá nhân, văn hóa quốc gia trong kinh tế toàn cầu hóa, và chính sách giáo dục phát triển văn hóa. Tư duy tích cực cá nhân
Trên bình điện tư duy tích cực, trước đây chúng ta đã nói đến khái niệm “thuộc về” (sense of belonging) . Ta càng cảm thấy ta “thuộc về” thế giới mình đang sống, ta càng tư duy tích cực. Nguời không cảm thấy mình thuộc về thế giới mình sống thường bị bệnh trầm uất.
Mà cảm tưởng “thuộc về” tùy thuộc vào yêu thích của ta với mọi người, mọi vật quanh mình. Nghĩa là, nếu ta là người Việt, ta càng dễ tư duy tích cực nếu ta càng yêu mến non sông đất nước, văn hóa nghệ thuật Việt. Người Việt sống trên đất Việt mà không thích những cái gì Việt thì nhất định là không thể tư duy tích cực được, vì sống như thế sẽ có cảm tưởng như đang ở tù.
Mà muốn yêu điều gì thì ta phải làm quen và hiểu rõ nó một tí. Ta không thể nào thích baseball nếu ta chẳng hiểu gì về baseball cả. Không cần phải biết chơi, nhưng ít ra phải hiểu luật chơi thì mới có thể thưởng thức trận bóng.
Văn hóa cũng thế. Phải biết thì mới yêu được. Chỉ có điều là chúng ta cứ lầm tưởng là nếu mình là người Việt thì đương nhiên mình đã biết văn hóa Việt rồi. Có thì cũng có đó, nhưng đôi khi xét lại thì chỉ mới được lớp da mỏng dính bên ngoài. Đây là một số căn bản mình nghĩ là chúng ta cần biết:
* Một số nghĩa lýsâu sắc trong huyền sử Việt: Lạc Long Quân-Âu Cơ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Phù Đổng Thiên Vương, bánh dầy bánh chưng, An Tiêm và quả hưa hấu v.v… Khi nhỏ ta học như chuyện thần tiên, ngày nay ta cần đọc lại đề hiểu sâu sắc một vài tư tưởng triết lý.
* Vài căn bản về tam giáo (Khổng, Phật, Lão). Các điều này đang có trong máu của ta và trong cách ta sống hàng ngày, cũng như trong bàng bạc tư duy của xã hội. Tốt hơn là ta nên biết chúng rõ hơn một tí để “biết mình.”
* Âm nhạc dân gian mọi miền
* Nghệ thuật dân gian mọi miền.
* Phong tục tập quán cổ truyền.
* Ca dao tục ngữ
* Văn hóa 53 dân tộc thiểu số anh em.
Đây chỉ là danh sách cách việc “cổ” và “thiểu” dễ bị bỏ rơi. Về các vấn đề ‘”tân” và “đại” có lẽ ai cũng biết hàng ngày, không cần nhắc đến.
Không cần phải giỏi, nhưng ít ra là cũng biết đủ để giải thích cho người khác, như là giải thích cho một người nước ngoài đủ rõ để người ta thích văn hóa mình. Biết mà chưa giải thích được, là chưa biết. Đây tạm là chuẩn mực để ta tự xét đoán mình đã tạm đủ chưa. Văn hóa quốc gia trong kinh tế toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa kinh tế càng cao thì ta càng phải sử dụng văn hóa riêng của ta rất nhiều trong phát triển và cạnh tranh kinh tế. Người các nước chắc không tốn tiền đến Việt Nam du lịch để nghe nhạc Mỹ hay nhạc Pháp, hoặc mua áo quần DKNY, Calvin Klein, hay Nike.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam không thể xuất cảng tốt nếu xem cứ như hàng Trung Quốc. Âm nhạc Việt Nam không xuất cảng được nếu nghe như nhạc Jazz.
Điều đầu tiên, nếu không là duy nhất, để sản phẩm của ta nỗi bật trên sản phẩm các nước là nó phải KHÁC. Mà cái khác tự nhiên nhất là từ văn hóa nghệ thuật quốc gia mà sinh ra. Nếu một cái ly có vài hình vẽ không giống Tàu không giống Tây, nói chung là “không giống ai,” thì đó là cái ly người ta mua về để chưng trong tủ kiếng. Bằng không thì nó chỉ là cái ly thường rẻ mạt như nghìn cái ly khác.
Thi ca nếu có hương vị Việt Nam, lại mang chiều sâu con tim vượt biên giới, đó mới là loại thi ca có thể xuất cảng.
Nhà hàng của bạn nếu trang trí dân gian Việt Nam một tí, nhưng sản phẩm và dịch vụ cao, lại có màn nhạc cổ truyền sống, thì có lẽ là thu hút du khách nước ngoài hơn là nhà hàng trang trí theo Tây và chơi nhạc Mỹ.
Thế giới đánh nhau ì đùng, viết sách về tư tưởng hòa bình của nhà Phật thì xuất cảng được hơn là viết triết lý tây phương (Chúng ta là thầy triết đông, nhưng là học trò triết tây).
Nếu chơi Nhạc Jazz thì âm hưởng của nó phải được người ta gọi là Vietnamese Jazz, như là Latin Jazz cho Nam Mỹ, thì mới có thương hiệu để cạnh tranh xuất cảng.
Tóm lại, thế giới càng thu nhỏ vì toàn cầu hóa, ta lại càng cần vững mạnh văn hóa nghệ thuật quốc gia để cạnh tranh kinh tế. Chính sách giáo dục phát triển văn hóa
Hiện nay, việc phát triển văn hóa hầu như nằm ngoài quyền hạn và tầm nhìn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Và giáo dục trở nên rất nghèo nàn về văn hóa nghệ thuật dân tộc. Chương trình giáo dục nên bỏ bớt những giờ học không cần thiết và thay vào đó giờ văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Các Đại Học nên có nhiều môn về triết lý, văn hóa, nghệ thuật dân tộc, như là môn nhiệm ý (elective course) cho sinh viên, dù bất kỳ khoa nào, cũng có thể lựa chọn.
Chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể về văn hóa. Văn hóa không chỉ để trình diễn trên TV hay nhà hàng cho du khách. Văn hóa là con người. Con người biết dùng cái mình có sẵn để phát huy nó thành sức mạnh, trong đời sống riêng của mình cũng như trên chính trường và thương trường thế giới.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
Bình luận từ người dùng