Kinh nghiệm tổ chức không gian mở trong kiến trúc truyền thống Việt Nam

05/10/2016 Kiến Admin Sưu tầm
1781
0

Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, các di sản kiến trúc (vật thể và phi vật thể) có vị trí khá quan trọng cả về số lượng, giá trị nghệ thuật và tác dụng của chúng trong đời sống đô thị hiện đại. Các công trình kiến trúc truyền thống trong các làng cổ như đình chùa và ngôi nhà ở truyền thống cùng các không gian ngoại thất quanh nó đã và đang tồn tại, phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân đô thị.

An image

Làng cổ truyền thống chính là nền tảng đã hình thành nên các khu đô thị cũ và cần được khai thác tiếp tục trong đô thị mới sau này. Làng cổ truyền vẫn được xem như là một cơ thể sống hoàn chỉnh với đầy đủ tâm hổn, ý thức, tâm lý, tính cách riêng biệt. Tính chất làng được bảo lưu rõ rệt từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ tính chất phòng thủ và tự vệ của nó. Không làng nào không có lũy tre dày đặc bao bọc. Nhìn từ bên ngoài mỗi một làng xã được biệt lập với xung quanh mà thôn xóm như những pháo đài kiên cố, bảo vệ cho cuộc sống tương đối ổn định đồng thời cũng bảo lưu bản sắc riêng của cộng đồng trong quá trình tồn tại và phát triển. Một số các yếu tố cơ bản hình thành không gian mở phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng trong làng xã truyền thống phải kể đến cổng làng, lũy tre, đình, chùa, cây đa bến nước, cây gạo đầu làng, quán nước, giếng khơi v.v… những không gian vật thể kiến trúc thật giàu tính lãng mạn và thân thiết với con người.

Cội nguồn của các hoạt động giao lưu mang tính tập thể trên các không gian mở này đã tạo nên sự gắn bó thân thiết của người dân với mảnh đất chôn nhau cắt rốn, với quê hương cùng với ý niệm họ có chung một cội nguồn đã từng gắn bó, cùng sinh sống, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng nhàn văn bền chặt. Nó thể hiện qua tinh thần đoàn kết, sự chung sống hòa thuận giữa con người với thiên nhiên, và đó cũng chính là nét nổi bật của sinh hoạt và không gian văn hóa bản sắc Việt.

Mỗi địa phương trên đất nước Việt Nam đều có dáng vẻ con người với phong cách ứng xử và trang phục rất riêng qua một quá trình lâu dài thích ứng với điều kiện địa lý, hoàn cảnh khí hậu và lối sống đã làm hình thành những cảnh sắc độc đáo, thêm vào đó, thành phần dân cư có cơ cấu nghề nghiệp và gia đình khác nhau, nhưng cùng gắn bó thống nhất trong mọi hình thái sinh hoạt cộng đồng… cũng tạo ra cái hồn của địa phương.

Cho dù mỗi địa phương có nếp sống khác nhau, song theo nét đặc trưng trong cấu trúc làng xã – cấu trúc đơn vị ở truyền thống của Việt Nam, thì phần lớn các đơn vị ở đều có dạng khép kín địa vực, vừa mang tính giao lưu rộng mở. Có thể thấy rõ cấu trúc đó qua mô hình bố cục của một làng truyền thống với hình ảnh lũy tre làng bao quanh, lối ngõ quanh co, bố phòng kiên cố, nhưng vẫn phải có vài cổng ngõ lưu thông với bên ngoài, qua phố phường đô thị cổ với các cửa ổ, cổng phố kiến trúc rõ ràng. Mỗi làng, phường đều có lệ làng, hương ước và trung tâm văn hóa, tâm linh riêng với đình, quán, bãi chợ, sân đình, cây đa, bến nước, chùa, miếu…

Chúng ta hãy cùng điểm qua một số thành phần tổ chức không gian công cộng trong làng xã cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ 

  • Cây đa:

Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Biểu tượng của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai.

An image

Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thỏa thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò dân gian. Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau những giờ lao động mệt nhọc, trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái, lứa đôi… Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình, chùa, miếu mạo…

Hầu như làng quê truyền thống Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ thường ở đầu làng, giữa làng hoặc ở bên cạnh các di tích. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa. Với người dân quê, gốc đa là nơi bình đẳng nhất, không có sự phân biệt ngôi thứ hay dòng họ.

Cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng bền lâu trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

  • Chợ làng:

Nhắc đến không gian công cộng trong làng xã, người ta không thể không nhắc tới chợ làng. Một phần đời sống của những người dân được khắc họa qua sự phát triển của chợ làng. Ngoài ý nghĩa trao đổi mua bán, chợ làng còn là nơi để thăm hỏi, mời gọi, nói chuyện con trâu, cái cày, chuyện ruộng, vườn, đồi núi… Tất cả cứ ồn ã, xôn xao và đậm đà tình làng nghĩa xóm.

An image

Tên chợ gắn liền với tên làng như thể làng sinh ra chợ và nhắc đến tên chợ người ta nghĩ ngay đến tên làng. Nằm ngay ở giữa làng, trên một khoảng đất rộng với cây đa đứng sừng sững ở góc chợ, phía trên là dải nút thấp dần xuống nên nhìn từ xa, chợ như được treo trên cành đa. Vài túp lều tranh nho nhỏ, tường vôi xám xịt, bao đời nay chợ làng vẫn vậy. Năm tháng, thời gian, chợ làng vẫn còn nguyên trong ký ức người dân.

An image

  • Đường làng:

Con đường làng tỏa đi các nơi bởi lối mòn, hương lộ dọc ngang chi chít như bàn cờ, chạy băng qua cánh đồng trống trải, thoáng mát. Chú bé cưỡi trâu đi về, cô gái gánh nước tưới rau bên đường, bác nông dân vác cày đi về trong hoàng hôn đượm màu tím đỏ. Tất cả trò chuyện với nhau vui vẻ, gần gũi và thân thiện.

An image

An image

An image

An image

  • Đình làng:

Bất kỳ một làng nào ở Việt Nam cũng có một ngôi đình. Đình là ngôi nhà công cộng của làng quê thời xưa, dùng làm nơi thờ Thành Hoàng và họp việc làng.

Đó là một ngôi nhà to, rộng được dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng toàn bằng gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc có bốn đầu đao cong vút lên, có hình đuôi con chim phượng uốn cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt. Sân đình được lát gạch, trước đình có hai cột trụ cao vút, trên đình được tạc hình con nghê.

Trong đình, gian giữa có bàn thờ, thờ một vị thần của làng gọi là Thành Hoàng. Một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng.

An image

Vào những ngày lễ, tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và Trời đất giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Mùa xuân đến, sân đình trở thành một sân khấu hát chèo hoặc để đấu vật, chọi gà, múa hát giao duyên.

Xung quanh đình thường có những cây đa cổ thụ vẫy gọi chim về làm tổ, ríu rít âm thanh, có giếng nước rộng và trong vắt làm nước ăn và để các cô gái làng xinh đẹp đến soi gương làm duyên. Trước đình thường có một hồ nước trồng sen, hương thơm ngào ngạt… Đình làng còn là nơi trai thanh, nữ tú trong làng hẹn hò tình yêu.

Ngôi đình làng Việt Nam cổ kính, trang nghiêm, ẩn mình sau lũy tre xanh mướt là một tác phẩm nghệ thuật của con người hòa nhập trong làng quê.

Trên đây chỉ là một vài yếu tố tổ chức không gian công cộng truyền thống trong làng xã Việt Nam. Khi nghiên cứu thiết kế, quy hoạch chúng ta cần hiểu rõ hơn nữa để phát huy những thành quả lao động cũng như phong tục, lối sống của dân tộc, tổ chức không gian công cộng một cách hiệu quả trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1267
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy