Lúc còn sống, học giả Vương Hồng Sển là chủ sở hữu ngôi nhà số 11 (số cũ là 9/1) Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) luôn rợp mát bóng cây được cụ đặt tên là Vân Đường Phủ (Vân Đường là một trong những bút hiệu của cụ).
Ngôi nhà lợp ngói xanh lưu ly
Ngôi nhà cổ 5 gian 2 chái được học giả lùng mua tận dưới Phú Xuân - Nhà Bè mang về dựng lại trên miếng đất gần 1.000 m2, bên trong cất giữ hàng trăm món đồ cổ quý giá.
Trước kia khi cụ Vương còn sống thì khuôn viên căn nhà cổ này rợp bóng cây xoài, sầu riêng… đẹp nhất là những gốc mai cổ thụ.
Gần nửa thế kỷ sống ở đây, cụ Vương không chỉ bỏ nhiều công sức cho việc bài trí mà còn tạo dựng một phong cách sinh hoạt cho chính ông và các thành viên trong gia đình phù hợp với nét cổ xưa bên trong và bên ngoài của ngôi nhà. Các tạp chí danh tiếng như Times, Newsweek từng đến đây tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này. (Tuổi Trẻ ngày 26-4-2012)
Bể cá của cụ Vương
Rất tiếc hiện nay cây cối bị chặt bỏ hết, thay thế vào đó là một sân bê tông. Khu giếng trời phía sau ngôi nhà vẫn còn một bể cá của cụ Vương. Hiện giờ nếu đi từ ngoài đường Nguyễn Thiện Thuật nhìn vào thì chỉ thấy bóng dáng mái nhà cổ xưa nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Kèo của ngôi nhà được làm từ những thanh gỗ rất lớn, tuy nhiên qua thời gian dài phần bên trong của vì kèo bị mối mọt làm cho hư hỏng nhiều. Những thanh gỗ của cửa sau khu giếng trời gần như nguyên vẹn. Mái nhà gồm toàn ngói đỏ, những viên gạch âm dương trang trí dưới mái hiên là “đồ quý hiếm” trong số những ngôi nhà cổ xưa tại Sài Gòn. Trên cánh cửa chính ngôi nhà cổ, phần tay nắm cửa bằng đồng bên còn bên mất.
Vào tháng 8-2003, UBND TP.HCM ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với nhà của cụ Vương Hồng Sển là "di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống", nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.
Bàn thờ gia tiên trong ngôi nhà gỗ
Cụ Vương Hồng Sển có người con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo. Do vướng vào nợ nần bị tù tội nên ông Bảo chết trong trại giam Chí Hòa để lại khoản nợ gần 7 tỉ đồng. Bà Võ Ngọc Liên, vợ ông Bảo, cho biết: “Trước khi mất, cụ Vương Hồng Sển có di chúc để lại tài sản thừa kế cho chồng tôi. Tuy nhiên, sau đó do ông Bảo bị con nợ bủa vây nhiều quá nên cụ buồn và lo sợ nhà cửa, cùng số đồ cổ quý giá bị làm mất mát, hư hỏng nên đã hủy di chúc, truất quyền thừa kế của con trai độc nhất. Ngôi nhà cổ cụ quyết định hiến cho nhà nước sử dụng làm nơi trưng bày 849 cổ vật cùng toàn bộ sách quý và xây dựng một quỹ văn hóa mang tên Vương Hồng Sển. Sau khi cụ mất, toàn bộ số đồ cổ cả đời cụ sưu tầm được nhà nước mang đi, còn Vân Đường Phủ thì nhà nước xếp hạng di tích mà không có sự đồng ý của gia đình”.
Ngôi nhà hiện nay được xây một bức tường cao chắn trước sân nhà, bên trong khuôn viên sân được dùng để kinh doanh quán ốc, quán nhậu bình dân.
Về chuyện xếp hạng Vân Đường Phủ, theo bà Võ Ngọc Liên: “Năm 2003, người ta mang bằng xếp hạng “di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống” cấp TP xuống gắn biển ở nhà cụ Vương nhưng tôi từ chối, đề nghị họ gỡ mang về. Vì tâm nguyện của cha chồng tôi là làm nhà lưu niệm Vương Hồng Sển, tiền bán vé tham quan một phần nhà nước nhận, phần cho lại con cháu của cụ hưởng và cấp học bổng cho học sinh nghèo, thì quá ý nghĩa. Chưa kể đây còn là tài sản của mẹ tôi, mà bà thì có hiến đâu. Vậy mà, giờ cứ tới đòi lấy nhà, đuổi ra đường nên các con tôi đang nộp đơn khởi kiện vì họ không làm đúng ý của cụ Vương”.
ĐDN tổng hợp từ báo
Bình luận từ người dùng