Nếu không tính Hùng Vương là thời kỳ huyền sử còn nhiều nghi vấn, có thể đưa ra các thống kê về vua Việt Nam và các triều đại Việt Nam như sau (không tính các thời Bắc thuộc):
Bài cùng chuyên đề:
Về các vua
- Hoàng đế đầu tiên: Lý Nam Đế (544 – 548) với niên hiệu đầu tiên là Thiên Đức.
- Hoàng đế cuối cùng: Bảo Đại (1925 – 1945)
- Ở ngôi lâu nhất: Triệu Vũ Vương Triệu Đà: 70 năm (207-137 TCN), Lý Nhân Tông Càn Đức: 56 năm (1072 – 1127), Lê Hiển Tông Duy Diêu: 47 năm (1740 – 1786), Lê Thánh Tông Tư Thành: 38 năm (1460 – 1497)
- Ở ngôi ngắn nhất: Tiền Lê Trung Tông Long Việt: 3 ngày (1006), Dục Đức (Nguyễn Cung Tông): 3 ngày (1883)
- Lên ngôi trẻ nhất: Lê Nhân Tông lúc 1 tuổi (1442); Mạc Mậu Hợp lúc 2 tuổi (1562); Lý Cao Tông lúc 3 tuổi; Lý Anh Tông cũng 3 tuổi; Lý Chiêu Hoàng lúc 6 tuổi (1224); Đinh Phế Đế lúc 6 tuổi (979).
- Lên ngôi già nhất: Hồ Quý Ly khi 64 tuổi (1400), Trần Nghệ Tông Phủ, khi 50 tuổi (1370); Triệu Đà khi 50 tuổi (207 TCN)
- Trường thọ nhất: Bảo Đại 85 tuổi (1913–1997), vua Thành Thái 76 tuổi (1879 – 1955) vua Trần Nghệ Tông 74 tuổi (1321 – 1394). Nếu tính Triệu Đà thì Triệu Đà là vua thọ nhất: 120 tuổi (257-137 TCN) (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư). Ngoài ra, nếu tính cả các chúa thì chúa Nguyễn Hoàng thọ hơn Bảo Đại: 89 tuổi (1525 – 1613) , chúa Trịnh Tráng 81 tuổi (1577 – 1657) ,Trịnh Tạc 77 tuổi (1606 – 1682) , Trịnh Căn 77 tuổi (1633 – 1709).
- Sống nhiều năm nhất ở nước ngoài trong thời gian làm vua: Bảo Đại
- Yểu mệnh nhất: Hậu Lê Gia Tông Duy Khoái 15 tuổi (1661 – 1675), Hậu Lê Huyền Tông Duy Vũ 17 tuổi (1654–1671). Nếu tính cả vua không chính thống thì Lê Quang Trị bị giết khi 7 tuổi (1509–1516)
- Vua đặt nhiều niên hiệu nhất: Lý Nhân Tông có 8 niên hiệu
- Vua có niên hiệu sử dụng lâu nhất: Lê Hiển Tông – niên hiệu Cảnh Hưng trong 47 năm (1740-1786)
- Vua có tôn hiệu dài nhất: Lý Thái Tổ (được truy tôn hiệu dài 52 chữ)
- Nữ vương đầu tiên: Trưng Vương (Trưng Trắc) (vì chỉ xưng vương) (40-43)
- Nữ hoàng duy nhất: Lý Chiêu Hoàng Phật Kim (1224 – 1225), vợ vua Trần Thái Tông Cảnh (1226 – 1258).
- Vua lập nhiều hoàng hậu nhất: Lý Thái Tổ lập 9 hoàng hậu (6 bà lập năm 1010, 3 bà lập năm 1016).
- Vua duy nhất ở ngôi 2 lần: Hậu Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662)
- Vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ người phương Tây: Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ) lấy vợ người Hà Lan
- Vua có nhiều con làm vua: 2 người, mỗi người có 4 người con làm vua. Thứ nhất là Trần Minh Tông cha của Trần Hiến Tông,Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông. Thứ hai là Lê Thần Tông cha của Lê Duy Hựu (Chân Tông); Lê Duy Vũ(Huyền Tông); Lê Duy Cối; (Gia Tông); Lê Duy Hợp (Hy Tông).
- Vua có nhiều con rể làm vua nhất: Lê Hiển Tông có 3 con rể làm vua là Nguyễn Huệ (lấy công chúa Lê Ngọc Hân), Nguyễn Quang Toản (lấy công chúa Lê Ngọc Bình) và Nguyễn Ánh (cũng lấy Ngọc Bình). Nhưng khi còn sống ông chỉ chứng kiến Nguyễn Huệ làm con rể mình.
- Vua có nhiều loại tiền mang niên hiệu nhất: Lê Hiển Tông đã cho đúc 16 loại tiền Cảnh Hưng trong thời gian làm vua
- Vua trăm trận trăm thắng: Quang Trung (Nguyễn Huệ) (1753 – 1792)
- Người mở đất mạnh nhất, rộng nhất: Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725)
- Vua nhiều con nhất Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm) (1790 -1840) con chính thức là 142 gồm 78 trai, 64 gái
- Vua có nhiều vợ mà không có người con nào: Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) có 300 vợ.
- Vua làm nhiều thơ văn nhất: Tự Đức để lại 4000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ Nôm, 600 bài văn.
Về các triều đại
- Triều đại tồn tại lâu nhất: nhà Hậu Lê 356 năm (1428 – 1527 và 1533 – 1789).
- Triều đại tồn tại ngắn nhất: nhà Hồ 7 năm (1400 – 1407).
- Triều đại truyền nhiều đời vua nhất: nhà Hậu Lê: 27 vua (từ Thái Tổ đến Chiêu Thống), nhà Trần (kể cả Hậu Trần) 15 vua.
- Triều đại truyền ít đời nhất: nhà Thục 1 vua.
- Triều đại truyền qua nhiều thế hệ nhất: nhà Hậu Lê 14 đời (từ Thái Tổ Lê Lợi đến Trung Tông Duy Huyên, rồi từ Anh Tông Duy Bang đến Chiêu Thống Duy Kỳ), sau đó là nhà Lý: 9 đời (từ Thái Tổ Công Uẩn đến Chiêu Hoàng Phật Kim).
- Triều đại xảy ra phế lập, sát hại các vua nhiều nhất: Nhà Lê sơ 7/11 vua (Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lệ Đức Hầu, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng). Nếu tính cả các vua không chính thức là Lê Quang Trị (1516), Lê Bảngvà Lê Do (1519) thì tổng cộng có 10/14 vua.
- Triều đại có các vua bị bắt đi đày ra nước ngoài nhiều nhất: Nhà Nguyễn
Thái thượng hoàng
Thái thượng hoàng có nghĩa là: vua cha bề trên, có trường hợp chỉ gọi là: thượng hoàng để có nghĩa rộng hơn (vua bề trên).
Tùy từng hoàn cảnh lịch sử, thực quyền của thượng hoàng khác nhau. Thượng hoàng có thể giao toàn quyền cho vua hoặc vẫn nắm quyền chi phối việc triều chính; hoặc có thể thượng hoàng chỉ mang danh nghĩa.
Thông thường thượng hoàng là cha vua, nhưng có các trường hợp không phải như vậy: Thượng hoàng Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho em là Duệ Tông, Duệ Tông mất lại lập cháu gọi bằng bác là Phế Đế; Thượng hoàng Mạc Thái Tổ truyền ngôi cho con là Thái Tông, Thái Tông mất sớm lại lập cháu nội là Hiến Tông; Thượng hoàng Lê Ý Tông là chú của vua Lê Hiển Tông.
Triều đại có nhiều thượng hoàng nhất là nhà Trần với 9 thượng hoàng. Ngoài 7 thượng hoàng nhà Trần từ Trần Thừa tới Nghệ Tông cùng Hồ Quý Ly, Mạc Thái Tổ, các thượng hoàng còn lại trong lịch sử Việt Nam đều không tự nguyện làm thượng hoàng mà do sự sắp đặt của quyền thần trong triều.
Trích từ nguồn Wikipedia
Vua Quang Trung
BÀN THÊM
- Phần khái quát viết ngắn gọn mà nhiều sức thuyết phục, từ đó chúng ta biết gần như chắc chắn rằng năm lập quốc của ta là năm 968 sau CN, tiếc là không có ngày tháng cụ thể để lấy đó làm ngày lễ LẬP QUỐC và ngày ra đời của bài “NAM QUỐC SƠN HÀ”, tương truyền là của Lý Thường Kiệt làm ngày LỄ ĐỘC LẬP.
- Chúng ta lại biết rằng cho tới năm 40 sau CN, thời của HAI BÀ TRƯNG, dân Việt vẫn chưa có họ, cho nên hai chị em Bà Trưng đã cùng mang một tên, chỉ phân biệt bằng thứ tự ra đời trước sau, chị là Trưng 1 (Trắc), em là Trưng 2 (Nhị), theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ Bình Nguyên Lộc, “Trưng Trắc thi Sách” có nghĩa là Bà Trưng 1 cưới ông Sách (có lẽ là theo mẫu hệ, đàn bà cưới chồng chăng ?), chữ thi không phải là họ của ông Sách.
200 năm sau đó lịch sử ghi nhận Bà Triệu đã có tên họ đầy đủ là Triệu Thị Trinh chứng tỏ dân ta đã biết lấy Họ vào khoảng thời gian giữa 2 vị nữ anh hùng nầy.
Và như vậy giai đoạn lịch sử trước Công nguyên của nước ta với các vua có đầy đủ họ tên thời nếu không phải là người Trung hoa thì cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi, đó là muốn làm tốt, tô son cho tiền nhân nhưng hóa ra lại làm cho mọi chuyện trở thành hỏng bét mà thôi !!!
- Từ thời vua Đinh trở về sau sự định hình đường biên giới phía bắc nước ta giáp với Trung Hoa đã cụ thể, rõ ràng, và nó hầu như không thay đổi gì nhiều so với ngày nay.
Vì vậy việc cắm mốc biên giới nếu không cương quyết và thận trọng sẽ mang tội lớn với Tổ Tiên và với Lịch sử nước nhà.
- Quốc gia gồm chí ít 2 điều kiện cần có là một lãnh thổ cụ thể và các cộng đồng dân cư sinh sống trên lãnh thổ đó.
Các đồng cư dân hình thành từ những gia tộc, nguồn gốc của gia tộc là sợi dây liên hệ họ hàng, mà chúng ta có thể xác định là dân ta chỉ có Họ từ khoảng thời gian trước thời Bà Triệu chỉ trên dưới một trăm năm.
Sinh hoạt cộng đồng thông qua lao động và xây dưng tạo ra nền văn hóa, đúc kết và lưu truyền nền văn hóa ấy mới có nền Văn hiến…
Vậy , nên chăng chúng ta chỉ nên nói Việt nam có 2000 năm văn hiến thay vì nói rằng có tới những 4000 năm như ta vẫn vô tình hoặc cố ý khoa trương từ trước tới nay.
Hiện nay trong học đường người ta đang dạy cho học sinh những sự kiện mang nặng tính truyền thuyết, huyền sử như những sự kiện lịch sử chính quý. Đó là một việc làm vừa phản khoa học vừa vô trách nhiệm đối với tri thức của các thế hệ mai sau!!!
Lịch sử VN có 3 con số đáng nhớ:
-
3 lần Bắc thuộc cộng lại khoảng 1000 năm.
-
Từ ngày vua Đinh Tiên Hoàng chính thức lập quốc năm 968 đến năm 1945, chấm dứt chế độ phong kiến cũng ngót nghét 1000 năm.
-
Cuộc Nam Tiến vĩ đại khởi từ Vua Lý Thánh Tông năm 1069 và hoàn tất bởi Chúa Định (Nguyễn Phúc Thuần) năm 1757 gần tròn 700 năm.
THAM KHẢO BẢN ĐỒ
BẢN ĐỒ CHÂU Á thế kỷ thứ 9 qua thế kỷ thứ 10
GIAO CHỈ- ĐẠI CỒ VIỆT (939-980) chỉ có diện tích khoảng 120,000km2
NHỮNG MỐC QUAN TRỌNG CỦA CUỘC NAM TIẾN:
- Đến nhà Tiền Lê, biên giới cực nam nước ta chưa xuống quá Hà Tĩnh
- Năm 1069 vua Lý Thánh Tông đánh Chiên Thành chiếm 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh đặt làm Trại Tân Bình nay thuộc Quảng Bình, Quảng Trị.
- Năm 1306 cuộc hôn nhân Huyền Trân-Chế Mân mang về cho Việt nam 2 châu Ô và Rí (Quảng Trị, Thừa Thiên.)
- Năm 1470 vua Lê Thánh Tông đánh tới nam Phú Yên , nơi sườn núi lên đèo Cả có một khối đá hoa cương thẳng đứng, Vua cho khắc 4 câu như một lời nguyền bất tương xâm hoặc nói như ngôn ngữ ngày nay, như một hiệp định cắm mốc lãnh thổ giữa hai quốc gia:
"Chiêm Thành quá thử
Binh bại quốc vong
An Nam quá thử
Tướng tru binh triết”
Từ đó núi này có tên là núi Thạch Bi (Bia Đá), chữ khắc trên đá hoa cương theo lý thời không dễ bị bào mòn bởi thời gian, vậy mà ngày nay không tìm ra vết tích gì, không biết bên nào đã mài xóa đi để vi phạm hiệp định, mà nhà vua cũng thâm lắm, ngài nguyền rằng nếu An Nam vi phạm thì chỉ bị quân tướng chết, còn Chiêm Thành vi phạm thời sẽ bị bại binh mất nước, lấy lịch sử mà suy thời cũng đoán được bên nào đã phạm vào lời nguyền ghê gớm này.
- Năm 1757 Chúa Định Nguyễn Phước Thuần hoàn tất cuộc Nam Tiến và VN có biên cương như ngày nay.
- Hai ông vua mở nước hăng nhất đều có Miếu hiệu là Thánh Tông.
700 năm mở nước rộng thêm gần gấp 3 lần đất cũ, Đại công cáo thành.
Tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt
Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ dưới Triều nhà Nguyễn
KHÂM PHỤC và CẢM ƠN TỔ TIÊN.
30-8-2012
ĐXĐ (sưu tầm)
Bình luận từ người dùng