Nghê - gã linh vật bên rìa

29/12/2017 Kiến Admin FB họa sĩ Trần Hậu Yên Thế
2148
0

Nghê đích thực là gã linh vật chầu rìa độc đáo nhất trong nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Dù chỉ là phác họa ban đầu, khuôn mặt nghê hiện ra lúc thì trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai.

Cung cách bông lơn, bộ dạng dung tục đến hồn nhiên vẻ như bất chấp mọi lễ giáo và khuôn phép của những gã nghê được đục đẽo, tô đắp một cách hả hê, làm náo nức các mảng chạm, bất kể đó là ở đình, ở chùa hay lăng tẩm, đền miếu. Hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ nộ ái ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc teo miệng cười.

Cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của Nhà xuất bản Thế Giới phát hành được sự tài trợ kinh phí của Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.

Nghê tỏ ra biết thân biết phận (làm phượng thì múa làm nghê thì chầu) nên im lặng ngồi chầu, mặc mưa nắng, kệ gió sương. Nghê cứ ngồi như thế, cung kính, an nhiên và an phận, lẫn vào cỏ cây, vào sương khói. Cũng không khác là bao: những con nghê đội tòa sen, trở thành vật đội ở chốn tam bảo đã mấy khi được ai chú ý. Nghê đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên quên họ trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài. Song, dù thế nào chăng nữa, cũng như những vai hề chèo, diễn viên phụ xuất sắc, nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt. Gã linh vật bên lề - nghê đã góp phần làm nên một diện mạo tinh thần sống động, lạc quan, bình dân và thân thuộc cho nghệ thuật người Việt thời Trung đại.

Cuốn sách Phác họa nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế bước đầu trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của một linh vật rất thân quen trong văn hóa Việt. Ngoài hệ thống đồ án linh vật nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê, trong phần Phụ lục, tác giả còn tập hợp công phu các hình ảnh nghê trong mỹ thuật truyền thống, gắn với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Đây là cuốn sách có giá trị, có nội dung hữu ích đối với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, cũng như giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công không thích lớn nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt. Nguyễn Huy Oánh là một danh nho thời Lê Trung Hưng. Ông từng đi sứ phương Bắc, qua những bản tấm bản đồ vẽ lại những nẻo đường ông đã đi qua từ ải Nam Quan đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) cho biết ông là người đã quan sát tỉ mỉ những nẻo đường đi sứ. Chắc chắn, ông đã thấy rất nhiều tượng sư tử đá ở những cung vua phủ chúa, lăng tẩm đền đài Trung Hoa. Nhưng, đi nhiều là để thấy nhiều và hiểu về chính mình hơn hết, vậy nên ở từ đường tư gia dòng họ Nguyễn Huy, khoảng năm 1752, ông cho làm một đôi nghê đá ngồi chầu cạnh ang nước. Gia tộc Nguyễn Huy ở Can Lộc là một dòng họ khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt, làm quan to thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Họ Nguyễn Huy nổi tiếng thế giới với bộ mộc bản Trường Lưu đồ sộ. Đôi nghê của một dòng họ danh giá bậc nhất xứ Nghệ này xem ra cũng thật đơn sơ và bình dị. Thêm một ví dụ nữa về ứng xử của người xưa với nghê, ở dinh thự của một vị đại quan thời Nguyễn – Tạ Ngọc Hoàng Thụy Chi. Cũng giống với Nguyễn Huy Oánh, cụ Tạ Ngọc là vị quan hay chữ, thích văn chương và lịch duyệt. Viện Hán Nôm còn lưu giữ bản ghi chép hành trình sang Paris của ông. Dinh thự ở số 14 phố Đường Thành là do KTS người Pháp thiết kế là một công trình kiến trúc mang phong vị Á-Âu khá nguy nga. Ở lối lên và xuống cầu thang phòng khách đều có một chú nghê nhỏ. Nghê ở lối vào thì hớn hở đón chào, ở lối ra thì rầu rĩ tiễn biệt. Nghê quan mà cũng chỉ tầm hai gang tay chiều cao. Viết đến đây, tôi chạnh lòng nhớ đến những đôi sư tử vùng Hoa Bắc (TQ) đồ sộ, đầy phô trương và hăm dọa ở cổng các tư dinh, công đường thời nay.

Nghê đá trước Nghi môn ngoại đền Vua Đinh

Nghê Việt đang dần mai một chăng, đang dần bị quên lãng chăng. Ai đã ngoảnh mặt lại với nghê, ai đã quên đi một linh vật tận tâm và tận tụy dầu sương dãi nắng nhất trong số các linh vật của người Việt. Ở cái thời buổi văn hóa trọc phú đầy nhầm lẫn và ngộ nhận này, nghê dường như không còn đất sống.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1281
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy