Kỳ Lân Hí Cầu - Tham luận về phong thủy Huế 2003, KTS. Lý Thái Sơn

28/12/2017 Lý Thái Sơn
6664
0

Ngày 28.04.2003, Hội nghị chuyên gia do KTS. Hoàng Đạo Kính (Hội KTS Việt Nam) chủ trì nhằm “Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế” được tổ chức tại Huế. Bên cạnh một số chuyên gia của các ngành văn hóa lịch sử khác, hội nghị này có 12 kiến trúc sư tham dự (6 Hà Nội, 1 Sài Gòn và 5 ở các vùng miền khác). Trong hội nghị này KTS. Lý Thái Sơn (Sài Gòn) đã trình bày tham luận Kỳ Lân Hí Cầu, bàn về phong thủy Huế theo góc nhìn về không gian.

Năm nay 2017, nhân kỷ niệm 330 năm lịch sử hình thành đô thị Huế, hội thảo Quốc tế Việt - Nhật về Huế được dự kiến tổ chức ngày 28/12/2017 (đã dời lại tháng 3/2018). Tại hội thảo này, KTS. Lý Thái Sơn sẽ tiếp tục bàn về phong thủy Huế theo góc độ thời gian. Bài tham luận này sẽ được TLKV tổng hợp đăng sau hội thảo.

Nhân dịp này, Tre Làng Kiến Việt đăng nguyên văn bài tham luận về Phong thủy Huế của KTS. Lý Thái Sơn tại Hội nghị chuyên gia 2003.

Kỳ Lân Hí Cầu

phong thủy huế kỳ lân hí cầuĐề tài: Đánh giá vai trò của thuật Phong Thủy trong sự hình thành quy hoạch kinh đô Huế, mối liên quan giữa kiến trúc đô thị và các đặc điểm tự nhiên của Huế

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”Bùi Giáng

PHONG THỦY - dựa trên nền tảng Thiên văn học và Địa lý học - thực chất là khoa học và nghệ thuật về SỰ CƯ TRÚ (habitation) và NƠI CƯ TRÚ (habitat) của CON NGƯỜI (habitant). Xét về mặt học thuật lẫn thực hành,  nó hầu như bao trùm cả 3 phạm trù được thể chế hóa bởi các tổ chức Liên hiệp quốc (UNESCO và ILO), gọi chung là KIẾN TRÚC (Architecture): kiến trúc CÔNG TRÌNH (Building), kiến trúc ĐÔ THỊ (Urban planning) và kiến trúc CẢNH QUAN (Landscape).

Tham luận này giới hạn trong phạm vi kiến trúc đô thị, không lặp lại các dữ liệu quen thuộc đã được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu về Huế trước đây, và phần nào không bám sát yêu cầu được đặt ra. Ví dụ: Không chỉ đóng khung Huế trong Địa lý vi mô mà như nhận xét tinh tế của nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow, cần cái nhìn vĩ mô trên toàn bộ lãnh thỗ tỉnh Thừa Thiên, tức vùng không gian chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hiệu ứng phong thủy gây ra do hai con sông Hương & sông Bồ và một nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ra biển Đông (chi trung cán long).

CHƯƠNG 1 : HUẾ & PHONG THỦY

1.1. Vai trò của thuật Phong thủy trong sự hình thành quy hoạch kinh đô  Huế

- Khoa Phong thủy (Khoa học): là phần LÝ THUYẾT (lý luận, học thuật…) bao gồm những nguyên lý và quy tắc cơ bản giúp hướng dẫn việc tìm chọn môi trường cư trú, tuyển trạch địa điểm có thể xây dựng dương cơ đô thị, sao cho một mặt tận dụng được các lợi thế (xu cát), mặt khác khắc phục được các bất lợi (tỵ hung) của thiên nhiên tại khu vực địa lý đã xác định. 

- Thuật Phong thủy (Nghệ thuật): là phần THỰC HÀNH, áp dụng các nguyên lý và quy chuẩn của khoa Phong thủy cụ thể hóa việc tìm chọn tuyển trạch và xác định địa điểm xây dựng, đồng thời thực hiện các công việc tương tự như hoạt động THIẾT KẾ ĐÔ THỊ  hiện nay (urban design). 

- Trình tự thiết kế đô thị thông thường gồm 3 pha:

• Pha 1: TẦM LONG, tức tìm đất và tuyển chọn địa điểm xây dựng đô thị dựa trên các quy chuẩn Hình thái học Phong thủy (Fengshui Morphology). Căn cứ hướng vận động (long hành) và điểm dừng (Sơn chỉ/đình) của địa mạch (long mạch), xác định khu vực có HUYỆT (huyệt trường). Thông thường, huyệt trường được xác định bởi các vật thể tự nhiên (núi, đồi, gò, sông, suối…) tạo thành các điểm MỐC ĐỊNH HƯỚNG (navigational points) bốn vùng không gian Trái-Phải-Sau-Trước (ứng với bộ Tứ linh Long-Hổ-Vũ-Tước, hoặc Long-Lân-Quy-Phụng). Bốn điểm mốc này hợp thành một hình chữ thập với 2 trục thẳng góc : TRỤC KINH (Vũ-Tước, hoặc Quy-Phụng) và TRỤC VĨ (Long-Hổ, hoặc Long-Lân) tương ứng với 2 trục CARDO (Bắc Nam) và DECUMANUS (Đông Tây) trong kiến trúc đô thị La Mã cổ đại.

• Pha 2: ĐIỂM HUYỆT, huyệt chính là tâm điểm của kết cấu tứ linh đã xác định trong pha tầm Long và là nơi đặt tổ hợp công trình Hoàng thành - Cấm thành lên bên trên.

• Pha 3: LẬP HƯỚNG, căn cứ điểm lập huyệt và phương vị của các điểm mốc chuẩn, định hướng chung cho toàn đô thị bằng kỹ thuật phân kim bí hiểm. Công việc này sẽ quyết định đến hướng của mạng lưới giao thông nội thành hình ô cờ. 

Việc quy hoạch được tổ chức thực hiện theo phương thức liên ngành (interdisciplinary) có sự phối hợp chặc chẽ giữa các cơ quan từ tư vấn - thiết kế (Bộ Lễ, Giám thành vệ, Tòa khâm thiên,…) đến thi công và giám sát xây dựng (Bộ Công, Bộ Binh,…)

Vai trò của Phong thủy không chỉ giới hạn trong phạm vi VẬT LÝ - nhằm thực thi các mục tiêu kinh tế xã hội đơn thuần - mà còn thực hiện các chức năng TÂM LÝ (cảm giác được thiên nhiên, hoặc siêu nhiên, che chở, bảo vệ của cư dân đô thị) hoặc SIÊU LÝ (ước vọng trường tồn của mỗi triều đại phong kiến). Trong trường hợp kinh đô Huế, vai trò của Phong thủy đã được triều Nguyễn thực hiện một cách ĐỒNG BỘ, XUYÊN SUỐT và TRỌN VẸN, vừa đáp ứng được các mục tiêu kinh tế - xã hội đô thị  thông thường, vừa thỏa mãn các yêu cầu đặc thù của một kinh đô. Nhân đây, xin được nói thêm về cái gọi là kiến trúc VAU BAN trong quy hoạch đô thị Huế. Loại hình kiến trúc thành lũy Châu Âu này hầu như không đóng vai trò nào đáng kể trong ý tưởng cũng như quan điểm thiết kế quy hoạch xây dựng kinh đô Huế. Công nghệ Vauban chỉ tham gia đơn thuần về mặt KỸ THUẬT (engineering) nhằm tổ chức phòng vệ chống lại vũ khí đại bác tầm ngắn đương thời (hình thái kiến trúc) và gia cường độ chịu lực cho tường thành (chủ yếu là vòng kinh thành ngoài cùng)  bằng vật liệu hỗn hợp gạch + đất, thay vì đá + đất hoặc toàn đá (hình thái kết cấu).

1.2. Giai thoại lịch sử 

- Người Trung Quốc đã biết đến Huế từ thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên dưới thời Vua Nghiêu. Vùng đất này lúc đó có tên là nước VIỆT THƯỜNG  (!)  Về đời Tần (thế kỷ 3 TCN) thuộc về TƯỢNG QUẬN. Về đời Hán (thế kỷ 2 TCN) thuộc về quận NHẬT NAM, gồm 5 huyện thành là : Tây Quyển, Tỷ Cảnh, Châu Ngô, Lư Dung và Tượng Lâm. Huế có lẽ nằm đâu đó giữa 2 huyện Tỷ Cảnh và Châu Ngô. 

- Từ thế kỷ 2 sau công nguyên, thuộc lãnh thổ của nước LÂM ẤP do người CHIÊM THÀNH xác lập. Vào thế kỷ 8 SCN Tỷ Cảnh trở thành Ô Châu, Châu Ngô trở thành Lý Châu. Năm 1044, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành ở phía Nam sông Ngũ Bồ (nay là Bồ Giang, chãy qua Cổ Bi và Bồ Điền) rồi thừa thắng tiến binh vào quốc đô PHẬT THỆ (nay là làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên). Năm 1306, vua Trần Anh Tông đặt Ô Châu làm Thuận Châu và Lý Châu làm Hóa Châu. Thuận Châu nay là Quảng Trị, Hóa Châu nay là Thừa Thiên và phủ Điện Bàn ở Quảng Nam 

phong thủy huế kỳ lân hí cầu

- Vào thời Đường (thế kỷ IX), một kỳ tài Phong thủy của Trung Quốc : CAO BIỀN - An Nam Tiết Độ sứ, người thừa lệnh Đường Trung Tông khảo sát phong thủy toàn bộ lãnh thổ nước ta và là tác giả hai quyển sách về Phong thủy An Nam “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” và “CBTTĐL Cửu Long Kinh” - đã vào đến tận Huế. Tại đây ông ta đã tổ chức yễm trấn cuộc đất gò Hà Khê nơi mà chúa Nguyễn Hoàng sẽ xây dựng chùa Thiên Mụ gần 8 trăm năm sau (năm 1601). Bằng phép “đoạn mạch”, ông ta cho đào một con hào cắt ngang chỗ “quá giáp” của cuộc đất. Dưới mắt Cao Biền, có lẽ đây là một trong những huyệt phát vương lớn nhất phương Nam. Tương truyền Thiên mụ là một người trời xuất lộ dưới hình thể một bà già mặc áo đỏ, quần xanh, người đã tiên tri sự ra đời của một vị đế vương sẽ đến vùng đất này để lắp đầy long mạch bị Cao Biền cắt đứt.

1.3. Địa lý tự nhiên (Hình 1,2,3,4)

1.3.1. Tỉnh Thừa Thiên Huế 

- Diện tích: 5000km2, dân số 1,1 triệu dân (1998)

- Địa thế/cục

• Đông Bắc: toàn bộ lãnh thổ tiếp giáp biển Đông, bên trong là một hệ thống đầm phá liên hoàn dài hàng trăm ki-lô-mét, diện tích chiếm khoảng phân nửa hệ thống đầm phá cả nước, lớn nhất ASEAN và rất đa dạng sinh học. Đây là quỹ kiến trúc phong thủy quý hiếm xứng đáng được xếp vào sách Đỏ không chỉ riêng cho Huế.

• Tây Bắc, Tây, Tây Nam, Nam, Đông Nam: vây bọc bởi hệ thống sơn thủy tụ hội QUẦN SƠN la liệt ở các hướng này chầu về thành Huế, tạo thành một chiếc Ngai ôm bọc lấy Huế từ phía Tây Nam CHÚNG THỦY, tức lưu vực tạo bởi hai sông Bồ (phía Bắc) và sông Hương (phía Nam) chiếm gần trọn lãnh thổ Thừa Thiên Huế. Diện tích lưu vực ước tính 4000km2. Phần lớn các ngọn núi và dòng sông suối đều hướng về phía Huế, dốc núi tương đối lớn, dễ tạo ra lũ lụt.

phong thủy huế kỳ lân hí cầuphong thủy huế kỳ lân hí cầu

1.3.2. Thành phố Huế

- Diện tích đô thị quy hoạch: 70km2, dân số khoảng trên 20 vạn dân (1998)

- Địa thế/cục: 

• Sơn chỉ thủy giao: Địa mạch đi giữa hai con sông Hương Bồ, ngang qua lãnh thổ huyện Hương Trà rồi dừng lại (sơn chỉ) tại ngã ba thành Hóa Châu , nơi giao hội của 2 con sông này (thủy giao) trước khi đổ ra biển tại cửa Thuận An. Chính tại vùng đất “Sơn đình Thủy tụ” này, trật tự kết cấu không gian Tứ linh được hình thành và là nơi TỤ KHÍ của cả một vùng lưu vực rộng 4000km2 bao trùm hầu hết lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên.

1.4. Địa lý phong thủy vĩ mô : (Hình 5)

phong thủy huế kỳ lân hí cầu

1.4.1. Tên kiểu đất : “HẢI LOA THỔ CHÂU” (Hình 6A)

Nhìn từ đại dương, dãi đồng bằng hẹp chạy dọc theo hệ thống đầm phá và quốc lộ 1A, từ hướng Tây Bắc về Đông Nam, giống như một con ốc biển đang trườn từ phương Càn về phương Tốn  để nhã hạt minh châu xinh đẹp là Đà Nẵng và vịnh Sơn Trà.

Địa cục theo ý kiến của cụ Lê Quý Đôn (tác giả Phủ Biên tạp lục và là Hiệp trấn Tham tán quân cơ Thuận Hóa, đời chúa Duệ Tông): “ngồi hướng Càn, trông hướng Tốn”, và “…đằng trước là quần sơn chầu về la liệt, toàn thu nước bên hữu, vật lực thịnh giàu…”. Cụ lấy dãi đồng bằng dọc con đường cái quan (nay là quốc lộ 1A) làm trục Kinh để xét đại cục. “Đằng trước” tức hướng Đông Nam (Tốn), HƯỚNG về và bị CHẶN NGANG bởi dãy núi Bạch Mã và đèo Hải Vân. Còn “thu nước bên hữu” tức nước từ dãy núi thuộc phía Đông trường sơn từ hướng Tây Bắc, Tây và Tây Nam (khu vực thượng  nguồn của hai con  sông Hương - Bồ) chảy tập trung về phía thành Huế.

1.4.2. Tên kiểu đất : “KỲ LÂN HÍ CẦU” (Hình 6C) 

Đại cục phản ảnh khá rõ cách “Tọa Sơn vọng Hải chi thế” : “Ngồi hướng KHÔN (Tây Nam) trông hướng CẤN (Đông Bắc)”. Theo đó, QUẦN SƠN la liệt chạy từ bên trái (Tây Bắc và Tây, thuộc huyện Phong Điền) vòng ra phía sau (Tây Nam, thuộc huyện Hương Trà và Huyện A Lưới, lưu ý phương vị núi ĐỘNG NGAI) tiếp tục về phía bên phải (Nam và Đông Nam) tận cùng bởi dãy núi Bạch Mã với đèo Hải Vân. Chúng kết tạo thành một chiếc NGAI ôm bọc lấy thành Huế từ phía sau, hướng ra biển Đông qua THỦY KHẨU là cửa Thuận An. CHÚNG THỦY tức các giòng suối bờ Đông Trường Sơn từ thượng nguồn tạo thành 2 con sông Hương Bồ cũng từ phía sau hướng về Huế, hợp lưu và cùng đỗ ra biển Đông qua thủy khẩu Thuận An. Đặc biệt toàn bộ lãnh thỗ phía Đông Bắc Thừa Thiên Huế còn được hệ thống đầm phá dài hàng trăm kilômét ôm bọc bên ngoài (từ Tam giang, Thanh Lam, Hà Trung đến Cầu Hai, và đầm An Cư ở Lăng Cô) như một lớp không gian chuyển tiếp mở ra toàn bộ lãnh hải của biên Đông. Cách cục rất lạ, hầu như duy nhất trong chiều dài hơn 3 ngàn kilômét bờ biển của nước ta.

phong thủy huế kỳ lân hí cầu

Tạm đặt tên kiểu đất là KỲ LÂN HÍ CẦU vì mấy lý do sau:

1. LÂN là mắt xích còn thiếu trong chuỗi đô thị Tứ linh nước ta: LONG (Hà Nội - Thăng Long) - (LÂN) - QUY (thành Gia Định thời Gia Long) - PHỤNG (thành Gia Định thời Minh Mạng) 

2. Về ý nghĩa: quẻ KHÔN, tượng cho Đất, cho người mẹ (âm tính), quẻ CẤN tượng cho Núi, cho người con trai út (dương tính). So với quan điểm  của cụ Lê Quý Đôn: quẻ CÀN, tượng trưng cho người cha (dương tính), quẻ TỐN tượng trưng cho người con gái cả (âm tính). Cả hai đều thể hiện ý tưởng quen thuộc: con trai nhờ đức mẹ, con gái nhờ đức cha.

3. Về hình thể: núi Ngự (vật thiên nhiên) tượng trưng cho người mẹ sinh ra thành Huế (vật nhân tạo) tượng trưng cho đứa con. Về mặt hình thái cả hai đều có cấu trúc mặt bằng hình chữ U (giống như con kỳ lân ngồi) và đối xứng gương qua sông Hương ví như một trái cầu mà hai mẹ con Kỳ lân cùng nô đùa thỏa thích.

1.4.3. Hai cách nhận định Phong thủy Huế

Phong thủy phân kiểu đất thành 2 loại địa hình chính :

• BÌNH DƯƠNG: hay BÌNH ĐỊA, thuộc dương, lấy NƯỚC làm chính, phía sau huyệt phải thấp, và trọng quy tắc TỌA KHÔNG, HƯỚNG MÃN (hoặc Tọa không TRIỀU THỰC). Đây có lẽ là cách nhận định của cụ Lê Quý Đôn.

• SƠN CỐC: hay SƠN ĐỊA, thuộc âm, lấy NÚI làm chính, phía sau huyệt phải cao và trọng quy tắc TỌA MÃN, HƯỚNG KHÔNG (hoặc Tọa THỰC, TRIỀU Không). Đây là cách nhận định của chúng tôi.

1.5. Vài nhận xét về phong thủy Huế: 

1.5.1. Vật thể tự nhiên

1.5.1.1. Sông Hương

"Sông Hương như kiếm dựng trời xanh”

(Trường giang như kiếm lập thiên thanh) - Chu thần Cao Bá Quát

- Là tầng Nội đường trong hệ thống kết cấu “Tam Thủy đường” + đầm Thanh Lam là tầng Trung đường + biển Đông là tầng Ngoại đường 

- Đoạn “thủy long” xuất phát từ ngã ba Tuần (chỗ hợp lưu của hai chi lưu Tả Hữu trạch) chạy từ Nam lên Bắc, đảo lần đầu ở Nguyệt Biều, lần 2 ở Phú Hiệp, lần 3 ở Phú Mậu. Tại đây cánh cung Phú Mậu “trực xạ” (bắn một mũi tên) vào trấn Bình Đài, trước khi hợp lưu với sông Bồ đổ ra cửa Thuận An. (Hình  9  )

- Vai trò của sông Bồ hầu như  ít được nhắc tới trong Phong thủy Huế, thật ra có giá trị không kém sông Tô Lịch phía Bắc thành Thăng Long (Hà Nội), hoặc rạch Thị Nghè phía Bắc thành Quy, sau đó là thành Phụng (Sài Gòn) . Sông Hương đóng vai trò Thủy đường (phía Đông Nam thành Huế) tương tự như sông Kim Ngưu ở phía Nam thành Hà Nội hoặc rạch Bến Nghé phía Nam thành Sài Gòn. Địa mạch của kinh thành Huế chạy ngầm trong vùng đất thuộc lãnh thổ huyện Hương Trà, kẹp giữa hai con sông này. (Hình  7  &  8  )

phong thủy huế kỳ lân hí cầuphong thủy huế kỳ lân hí cầu

1.5.1.2. Núi Ngự

- Là điểm mốc chuẩn hình thành trục Kinh, trục xương sống (cardo) của Kinh thành Huế - đồng thời đóng vai Án trong kết cấu không gian Tứ linh. Núi Ngự cách Ngọ Môn khoảng 3km đường chim bay và với độ cao khoảng 100m mặc dù không gây cảm giác “bức cận”, song thành phần kết cấu này hầu như không đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển của dương cơ đô thị. Vai trò của Án  chỉ thật sự quan trọng trong kiến trúc âm phần. Ngoài ra, phần không gian Minh đường trước Ngọ Môn không đủ độ lớn để có thể dung chứa được vạn mã, tức xây dựng đại đô thị. 

- Cấu tạo tự nhiên hình chữ U với hai chân (Tả phụ, Hữu bật) hướng về thành Huế núi Ngự trông giống như con kỳ lân mẹ ở bờ Nam ngồi nhìn về và đối xứng gương với con kỳ lân con là Ngọ Môn cũng có hình chữ U phía bờ Bắc sông Hương.

- Nhìn từ Ngọ Môn, núi Ngự có hình Thổ (mái bằng) với mặt bằng hơi cong lõm. Cùng với đoạn sông Hương phía trước Ngọ Môn và đoạn tường thành Đông Nam được thiết kế hình cung, mặt cong lõm của núi Ngự tạo thành 3 vòng tròn đồng tâm.

1.5.1.3. Long Hổ 

Là hai chi ở hai bên của cơ thể làm nhiệm vụ hộ thành, lẻ ra không nên là cồn (cồn Dã Viên bên phải và Cồn Hến bên trái) luôn biến động và kém độ ổn định.

1.5.1.4. Thành Huế (hạt nhân đô thị trung tâm)

Tọa lạc bên bờ TẢ NGẠN sông Hương (phía bị tác động xâm thực của dòng sông nhiều hơn) trái với phép chọn đất phong thủy phổ biến. (HÀ HỮU VI CÁT, HÀ BẮC VI THẦN, hoặc DƯƠNG CƠ ÁI HỔ). Khu vực Hoàng thành chiếm vùng không gian “mặt tiền” tức phía trước của kinh Thành, không giống phần lớn đô thị phong thủy truyền thống của Trung Quốc thường lùi vào giữa (Bắc Kinh) hoặc phía sau (Trường An)… 

1.5.1.5. Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá)  

phong thủy huế kỳ lân hí cầuLà thành phần đặc trưng cho các đô thị cận duyên thuộc tỉnh Phước Kiến (quê hương của Lý Phái Phong Thủy) phía Đông Nam Trung Quốc (Tuyền Châu, Phúc Châu, Vĩnh Châu, Long Nhan…(Hình  12  ) . Kiểu đất đô thị ven biển này có tên gọi chung là LÝ NGƯ (cá Chép) ở Trung Quốc hoặc HÀNH CHU (thuyền trôi) ở Hàn Quốc. Hướng Đông Bắc (Cấn) được coi là Quỹ môn - con đường xâm nhập của tà khí, vị trí cần được canh phòng cẩn mật (“tỵ tà”). Thực chất Đông Bắc là hướng gió mùa khắc nghiệt nhất với cường độ và tần suất gió rất cao hầu như quanh năm, rất cần được che chắn (Tàng phong)

- Ở Trung Quốc thông thường các nhà phong thủy chọn giải pháp TÀ TƯỜNG, tức làm biến dạng bộ phận góc thành tại hướng Cấn, hoặc vát nghiêng mặt thành ra phía ngoài hào (Hình 11 ). Trường hợp đô thị Tuyền Châu, kết hợp thêm THÁP TRẤN SÁT tại các vị trí thủy khẩu thích hợp (Hình 10 )

- Ở Triều Tiên, trường hợp BÌNH NHƯỠNG (PIONG YANG) nằm trên hữu ngạn sông Đại Đồng, giải pháp được chọn là thả neo sắt ở khu thủy đình Luyện Quang để giữ cho thuyền khỏi trôi ra biển, kết hợp kiến trúc THÁP HOA BIỂU đặt tại các vị trí thủy khẩu thích hợp

- Ở Nhật Bản việc tỵ tà, trấn quỹ là nhiệm vụ của kiến trúc Phật giáo. Chùa thường được xây trên  gò, đồi hoặc đỉnh núi phương Đông Bắc của đô thị. Trong kiến trúc nhà ở dân gian người Nhật cũng hay dùng phép “LƯU KHÔNG”, tức bỏ trống phương vị này không sử dụng. Trường hợp KYOTO (Bình an kinh) là chùa Thiên Thai xây trên đỉnh núi Tỷ Nhuệ. Trường hợp TOKYO (Đông Kinh) là chùa Khoan Vĩnh xây trên đồi Dã Nhân Cương, thuộc vùng núi Đông Nhuệ phía Đông Bắc (huớng Cấn).  Hai trục chính của Tokyo : trục Kinh hướng về núi Tsukuba, trục Vĩ hướng về núi Fujiyama(Phú Sĩ sơn) (Hình 13 ). 

- Ở TAI-PEI (Đài Bắc) trấn sơn phương Đông Bắc là một ngọn núi tự nhiên, không sử dụng vật kiến trúc nhân tạo (Hình 14 ). 

phong thủy huế kỳ lân hí cầu

CHƯƠNG II : VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐÔ THỊ VÀ THIÊN NHIÊN HUẾ

“Kiến trúc không chỉ hiện hữu để thỏa mãn nhu cầu cư trú mà còn để thành toàn niềm tin vào sự cao cả của con người trên trái đất này” - KTS. Alvar Aalto

Thế giới quan Tam Tài đặt con người NGANG và CÙNG với Trời đất tham gia vào trò chơi sáng tạo :

“Thiên tạo, Địa thiết, nhân thành chi”

Một “KIỆT TÁC THƠ ĐÔ THỊ” như Huế không có nhiều trên trái đất này và là minh chứng sinh động cho ý tưởng của KTS. ALVAR AALTO. Là sản phẩm nhân tạo, con đẻ của con người, sự hiện hữu của kiến trúc đô thị không những không đối lập với thiên nhiên - như những gì màrất nhiều thành phố đương đại đang bộc lộ - mà còn là một thành tố bất khả phân (holistic) cùng hợp với Thiên Nhiên Mẹ (Địa mẫu) thành một thể hữu cơ, thống nhất, theo quan điểm “Thiên nhân hợp nhất”

Trong tổ chức không gian đô thị Huế từ cấp độ vĩ mô là ĐÔ THỊ VƯỜN (không phải GARDEN-CITY trong quy hoạch đô thị phương Tây) đến vi mô là NHÀ VƯỜN, mối quan hệ cộng sinh giữa kiến trúc và thiên nhiên, giữa đặc và rỗng, giữa mãng khối và khoảng xanh biểu hiện rất rõ, rất bình dị và tự nhiên. Không cách điệu hóa như Trung Quốc, hoặc trừu tượng hóa như Nhật Bản,  mối tương quan đó phần nào đạt tới cách nhìn về cơ cấu không gian cộng sinh truyền thống “TAM SƠN, LỤC THỦY, NHẤT PHÂN ĐIỀN”. Phần nhân tạo chiếm tỷ lệ khiêm tốn 10% hệ thống. Nói theo ngôn ngữ của nhà kiến trúc dân tộc học KTS.GS AMOS RAPOPORT thì chính Thiên nhiên mới là yếu tố quyết định (déterminant) còn kiến trúc chỉ là yếu tố bổ sung, điểm khuyết (modifiant) trong việc xây dựng một chốn dương cơ đô thị lý tưởng.

Từ các điểm quần cư nhỏ như nhà vườn Kim Long, Vỹ Dạ, nhà phố chợ như Gia Hội, Bao Vinh, đến lớn như Thành Nội, hoặc mới như khu phố Tây ở bờ Nam… Huế luôn  là một cấu trúc hữu cơ, nhất quán, một trang thái cân bằng động nơi mà cảnh quan Sơn thủy tự nhiên luôn ngự trị một cách an nhiên, tự tại hài hòa.

Mô hình ĐÔ THỊ SƠN THỦY

Kiến trúc sư giáo sư NGÔ LƯƠNG DUNG (WU LIANG YONG - người chủ trì Đại Hội liên hiệp kiến trúc sư thế giới kỳ 20 tổ chức tại Bắc Kinh năm 1999 quy tụ hơn sáu ngàn KTS. của gần 120 nước), trong quy hoạch thành phố Quế Lâm (1986) đã đề xuất mô hình Sơn - Thủy - Thành. Nguyên tắc “Sơn được Thủy thì sống động, Thủy được Sơn thì hùng tráng” trong hội họa Trung Quốc được ông hoàn chỉnh về mặt lý luận kiến trúc đô thị “THÀNH ĐƯỢC SƠN THỦY THÌ LINH”. Mô hình SƠN - THỦY - THÀNH hoặc ĐÔ THỊ SƠN THỦY, là sự phát triển hài hòa giữa môi trường nhân tạo (đô thị là chính) và môi trường tự nhiên (Sơn Thủy là chính) mà mục đích cuối cùng là mang lại nơi cư trú an lành nhất cho con người. (Hình 15 )

Chúng tôi có cảm tưởng như giáo sư đang minh họa một công trình đô thị đã được người Việt Nam quy hoạch và xây dựng cách nay đã gần 2 thế kỷ. Chúng tôi rất tán đồng khái niệm ĐÔ THỊ SƠN THỦY mà Huế xứng đáng là đô thị tiên phong ở Châu Á đạt danh hiệu cao quý này. Nhân đây, chúng tôi cũng đề xuất quan điểm coi cảnh quan Sơn - Thủy tự nhiên:

• Như yếu tố chủ đạo trong thiết kế quy hoạch đô thị Việt Nam 

• Như một thứ nguyên vật liệu xây dựng đô thị có chi phí thấp nhất và bền vững nhất

• Như một thứ tài sản cố định trong đánh giá quỹ kiến trúc đô thị

Huế, một đô thị dị thường! (Ảnh 1,2)

Theo dòng Hương Giang xuôi từ Kim Long về Vỹ Dạ nhìn sang bờ phải - bờ hữu ngạn của dòng sông - thấp thoáng phía sau khu phố Tây, đường viền đô thị (silhouette) đã bắt đầu hình thành bởi sự xuất hiện của nhiều tòa nhà cao tầng và các tháp viễn thông “chọc trời”. Việc phát triển không gian chiều cao theo hướng này đang bắt đầu bộc lộ những mối đe dọa thật sự chẳng những cho thành  Huế cổ kính bên kia sông, mà còn phá vỡ đường chân trời phía Nam với hình ảnh Ngự Bình xưa nay và mãi mãi là biểu tượng tâm linh của Huế. Huế đang cần có nhiều hiệp sĩ như kiến trúc sư Lagisquet và Hébrard đã từng làm cho thành phố Đà Lạt những năm đầu thế kỷ 20. Chúng ta mãi biết ơn các ông về việc vẫn còn được chiêm ngưỡng đỉnh Lang Biang mỗi khi dừng chân bên Hồ Xuân Hương thơ mộng. Nếu Lang Biang là cái “Chẩm” phong thủy Đà Lạt, thì Núi Ngự Bình với vai trò cái “Án” của thành Huế còn quan trọng hơn rất nhiều cả về phương diện kiến trúc đô thị lẫn cảm xúc tâm linh.

Chừ, nhìn sang bờ bên kia, bờ tả ngạn của Hương Giang : đâu rồi thành phố Huế ? Không hề thấy bóng dáng đô thị. Tuyền một màu xanh tràn ngập từ nước, sông, bãi cỏ ven bờ, cây xanh đô thị đến cả bầu trời. Không đường viền, không diện mạo, không hình thể. Chỉ một nét ngang khinh khoái, tràn ngập nước mây, lung linh sơn thủy, cùng một màu xanh cỏ cây bất tận. Bờ bãi ngút ngàn màu xanh của Huế khiến ta cảm thấy như đất, như nước sông Hương đang thở và đang hòa nhập vào nhau làm một. Một sự giao hòa âm dương quen thuộc mà ta vẫn thường thấy ở kết cấu mái đất trồng cỏ trong các ngôi mộ của kiến trúc phong thủy âm phần, nơi mà Thiên khí, Địa khí luôn có chỗ giao hòa ngày và đêm vĩnh cữu…

Sự tương phản về diện mạo kiến trúc đô thị giữa hai bờ sông Hương, liệu có thể giúp chúng ta được điều gì từ nhận thức và xúc cảm đến hành động và ứng xử, cũng như giúp Huế tái lập lại sự quân bình, đồng thời sự giao hòa, giữa hai bờ Hương Giang mà nó vốn có từ thuở khai sinh.

KTS. Lý Thái Sơn

 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1520
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy