"Cao Biền trấn yểm nhân tài nước ta" có phải là sự thật?

28/09/2016 Kiến Admin FB: Thành Nguyễn
18323
0

(TLKV - Bài viết chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải là những vấn đề địa lý học thuật đã được kiểm chứng...)

Huyền thoại và lịch sử 

Liên quan đến địa lý phong thủy, có tin đồn cho rằng Cao Biền đã “thực hiện âm mưu thâm độc, yểm bùa khống chế sự phát triển nhân tài nước ta” và điều này đã được dẫn chứng trong sách Địa Lý Chân Long của Tả Ao.

Vậy thực hư của việc này thế nào? Cái tên Cao Biền thì rất quen thuộc với nhiều tình tiết bí ẩn xuất hiện trong các câu chuyện dân gian Việt Nam như “Cuộc đấu phép giữa Cao Biền và thần Long Đỗ” hay xuất cả trong những thành ngữ “Lẫy bẩy như Cao Biền dậy non” và hang tá các huyền thoại khác. Tất cả những cái đó nếu có chi tiết liên quan đến lịch sử thì người ta cũng chỉ xếp nó vào dạng dã sử mà thôi. Để có cái gọi là “tri thức lịch sử” đáng tin cậy chúng ta cần phải có bằng chứng thực sự (!)

Sự thực thì việc Cao Biền trấn yểm các Long Mạch ở nước ta để triệt hạ nhân tài là... việc có thật! Không bàn về trấn yểm ấy có hiệu quả hay không cũng như tính khoa học đúng hay sai của hành động đó nhưng hiện chúng ta có những chứng cứ cụ thể khẳng định điều này. Một trong những chứng cứ đó chính là cuốn sách “Cao Biến tấu thư địa lý kiểu tự” mà một tác giả VN có sưu tầm.

Đây là cuốn sách mà năm 1247 khi Lê Lợi công phá thành Đông Quan có bắt được bắt được Hoàng Phúc – Thượng thư bộ Công của nhà Minh nên thu được. Sở dĩ Hoàng Phúc có nó là do Minh Thành Tổ Chu Đệ trao cho ông ta với nhiệm vụ xét duyệt lại xem còn huyệt lớn nào mà Cao Biền chưa yểm thì yểm nốt. Có thể ngày nay người ta không tin vào điều này nữa nhưng thời kỳ đó thì quan niệm như vậy là rất phổ biến trong giới trí thức Nho học cũng như trong đầu óc các vua chú Trung Hoa, họ có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của phong thủy địa lý. 

Thế nên âm mưu của nhà Minh là hòng làm cho đất Đại Việt không thể nào sản sinh ra được những thế hệ như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo những anh hùng đã dẫn dắt dân Việt quật khởi, để Đại Việt lại quay về thời là quận huyện của đế chế Trung Hoa như mấy trăm năm trước. 

Nước Việt ở phương Nam tuy nhỏ bé song chưa bao giờ phai mờ trong ký ức các nhà cầm quyền Trung Quốc. Bằng chứng là đến tận hơn 200 năm sau con cháu của Chu Đệ là Chu Do Kiểm tức hoàng đế Sùng Trinh vị vua cuối cùng của nhà Minh vẫn còn nhớ mối hận với dân Việt nên khi Thám Hoa Giang Văn Minh dẫn đầu đoàn sứ nhà Lê Trịnh sang Trung Quốc ông ta ra câu đối cho đoàn sứ bộ đầy tính khiêu khích: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" - Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc

Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ  bị diệt vong.

Trước thái độ đó Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" - Bạch Đằng thuở trước máu còn loang.

Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Song khí phách hiên ngang đó lại là sự bất kính đối với hôn quân Sùng Trinh nên  bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639).

Những chứng cứ lịch sử này cho thấy dã tâm muốn chinh phục Việt Nam bằng mọi công cụ và mọi thủ đoạn của các hoàng đế Trung Quốc là rất rõ ràng, nên việc Cao Biền có những hoạt động trấn yểm Long Mạch đất Việt xảy ra ở thế kỷ thứ 9  là hoàn toàn dễ hiểu, và bằng chứng thực tế cũng đã có cách đây mấy năm khi nạo vét sông Tô Lịch ở Hà Nội có một loạt hài cốt cùng cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn bố trí lạ. Sự việc này rất nổi tiếng trên báo chí với cái tên “Thánh vật sông Tô Lịch”. Đó là “bằng chứng thực nghiệm”  còn “bằng chứng lý thuyết” thì xin giới thiệu với mọi người bản scan chữ Hán từ sách gốc  高駢奏書地稿 - Cao Biền tấu thư địa cảo online mọi người có thể tham khảo:

An image

Sách Hán - Nôm: Cao Biền Tấu Thư Địa Cảo

Còn bản dịch của cuốn  “Cao Biến tấu thư địa lý kiểu tự” được Giáo sư Cao Trung dịch lại trong cuốn “Địa Lý Tả Ao của Cao Trung, Nhà xuất bản Hồng Dân, Sài Gòn,  xuất bản năm 1974, ai quan tâm có thể lấy đó làm keyword để tìm đọc. 

Địa lý phong thủy có phải trò mê tín?

Rõ ràng là những thứ ở trên đều là người thật việc thật cả, vậy có nên xét cho kỹ xem khoa địa lý phong thủy có phải thuần túy là trò mê tín dị đoạn hay không? 

Xưa nay nguồn gốc sinh ra các tệ mê tín dị đoan là bởi bọn thày phù thủy, thuật sĩ giang hồ chủ đích bày ra che mắt đám đông dốt nát nhằm kiếm chác còn đằng này Cao Biền là một tiết độ sứ, là vị “toàn quyền” của Giao Chỉ, quyền lực của ông ta cũng ngang ngửa với quyền lực của các vua chúa Việt Nam sau này nên chắc chắn những hành động ông ta làm không thể có động cơ giống với đám người kia được, do đó các sản phẩm của ông tạo ra không phải là thứ hàng fake. Tức là kết luận về  các huyệt đất kết được nói đến trong “tấu thư” là kết quả của quá trình khảo sát thực địa được đem phối kết hợp với khả năng học thuật của ông ta mà ra. 

Bất kể thế nào Cao Biền cũng thuộc tầng lớp quan lại trí thức đương thời, và địa lý phong thủy được xem là học thuật chính thống của thời kỳ đó với hệ thống lý luận riêng của mình, nên chúng ta cũng cần suy nghí về mức độ tin cậy của “kết quả nghiên cứu” đó. Trước đây cái nhìn của mình về phong thủy cũng không khác mấy so với thái độ của anh Khôi và anh Minh bây giờ, nhưng sau đó quan điểm của mình có nhiều thay đổi. Mình cũng là một người duy lý nên bản thân lý luận của môn phong thủy cho đến bây giờ vẫn không thuyết phục được mình tin vào nó, tuy nhiên môn này tồn tại và đứng vững cả ngàn năm nay không phải trông cậy vào lý luận của nó đưa ra, mà là ở những bằng chứng  thực tế mà nếu không dựa vào khoa địa lý phong thủy mà đi tìm kiếm một lời giải khác thì rất khó có câu trả lời. Và bản thân mình cũng đã gặp những dữ kiện bắt buộc mình phải đặt câu hỏi với chinh sự hoài nghi của mình...

Họ Vũ Khoa Bảng

Có lẽ cả nước đều biết đến  một ngôi làng rất nổi tiếng là làng Mộ Trạch xã Tân Hồng huyện Bình Giang - Hải Dương, làng này còn có một cái tên khác là “Làng Tiến sĩ” bởi đây là nơi phát tích khoa bảng rực rỡ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, tính từ thời Trần đến hết thời Lê Trung Hưng làng này đã có tới 36 vị tiến sĩ đại khoa trong đó họ Vũ chiếm ưu thế tuyệt đối với 9 hoàng giáp và 20 tiến sĩ. Vua Tự Đức cũng đã có lời khen ngợi về sự học của làng Mộ Trạch "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ"- Một làng Mộ Trạch bằng nửa thiên hạ ( về số người tài ).

An image

Cổng làng Mộ Trạch

Làng này cũng là quê ngoại của vợ mình, mẹ vợ mình là  người họ Vũ Xuân một nhánh của họ Vũ tính từ tổ họ Vũ Hồn.  Vì là quê vợ nên cũng có về đây vài lần các dịp  giỗ tết, thấy ở đó có cái đình rất lớn, cổng làng cũng là làng to nhất Việt Nam, trong đình thì thờ ông tổ Vũ Hồn.  

An image

An image

Nhưng điều kỳ lạ nhất là mộ tổ nhà họ Vũ lại không nằm ở làng này mà nó lại nằm ở….quê nội của mình tức là ở tận huyện Nam Sách cách đó mấy chục cây số. Nếu ai từng đi qua thị trấn Nam Sách, Hải Dương thì cách đó vài trăm mét có một cái biển chỉ đường rất lớn dẫn lối vào mộ Tổ họ Vũ Võ Việt Nam.

An image

Hiện nay người ta vẫn tin rằng tất cả những người họ Vũ và họ Võ trên đất Việt Nam đều phát tích từ làng Mộ Trạch, lý do họ Võ cũng quy thuộc về họ Vũ bởi ở khu vực Đàng Trong - từ Quảng Bình trở vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Phúc Khoát có hiệu là Vũ Vương nên những người họ Vũ đều phải đổi thành Võ để tránh kỵ húy, việc này cũng tương tự đối với họ Hoàng để tránh phạm húy tên chúa Nguyễn Hoàng phải đổi cách gọi sang họ Huỳnh. 

Thực ra thì ngôi mộ này nằm ở đó cà nghìn năm rồi và dù ở quê mình thật, từ bé năm nào cũng về quê bao nhiều lần nhưng mình cũng chẳng biết là nó nằm ở đó. Chỉ sau này lấy vợ rồi về quê vợ mới biết cái thuyết họ Vũ Võ chung một nguồn gốc kia mới để ý. Có lần 2 vợ chồng mình về Nam Sách nhìn thấy cái biển đó mình mới trêu vợ mình là “Sao ông tổ nhà em bên Mộ Trạch đất đai rộng rãi, con cháu đầy đàn thế mà lại sang quê nhà anh làm dân ngụ cư thế này?“ Vợ mình thì cũng chẳng hiểu mô tê răng rứa ra làm sao, cũng thấy thật khó hiểu, chỉ tức tối vì bị đá xoáy...

Về sau mình đọc một cuốn sách về phong thủy cũng do một người là con cháu họ Vũ làng Mộ Trạch viết ra mới biết được gốc tích của ngôi mộ này. Trong cuốn sách một bài thơ được trích ra từ tộc phả họ Vũ làng Mộ Trạch như sau:  

Trải bao đời thanh bạch có nhau
Cụ Vũ Huy ở bên Tàu
Thuộc tỉnh Phúc KiếnThường Châu là nhà
Vốn nho gia lại là nhà địa lý
Sang Việt Nam chủ ý tầm long
Đi đến Nam Sách tỉnh Đông
Thấy đất bách nhạn bay trông hồi sào
Đem mộ tổ táng vào chính huyệt
Đất công khanh phát tiếp muôn đời
Một miếng đất như chìm như nổi
Trăm nhạn bay tụ hội hồi sào
Giữa đồng gò đống nổi cao
Địa danh Nam Sách huyệt giao toàn tài
Qua ngày một ngày hai ấn định
Đưa tổ về chính huyệt tang treo
Rằng như sách dạy mang theo
Đất này mãi mãi phát nhiều công khanh. 

Thì ra  nói đến họ Vũ Mộ Trạch người đầu tiên phải nhắc đến là ông Vũ Huy chứ không phải Vũ Hồn. Theo tư liệu của họ Vũ Việt Nam thì Vũ Huy người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ông Vũ Huy trước làm một chức quan phủ, sau ông cáo quan về hưu sớm,  vốn tinh thông khoa địa lý phong thủy, vì vậy trên đường đi du ngoạn về phương Nam. Đến ấp Mạn Nhuế thuộc huyện Thanh Lâm đất Hồng Châu, nay là Thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ông thấy một thế  đất đẹp ở khu cánh đồng có 98 gò đất nhỏ bao quanh một gò cao và lớn, tựa như 98 ngôi sao chầu về mặt trời (cửu thập bát tú triều dương). Cái gò ấy dân địa phương gọi là Đống Dờm. Theo thuyết địa lý - phong thủy nếu mộ táng ở đây con cháu sẽ phát về khoa bảng, công danh hiển hách.  

Ông Vũ Huy quay trở về Phúc Kiến đưa hài cốt thân phụ sang táng ở Đống Dờm, rồi làm nhà ở tạm để trông nom ngôi mộ. 

An image

Mộ tổ họ Vũ Võ Việt Nam nằm ở gò đất cao nhất trung tâm long huyệt là thành viên cục.

Thời gian này ông kết hôn với một  thôn nữ người địa phương tên Nguyễn Thị Đức. Được hơn một năm, bà có thai, ông đưa bà trở về Phúc Kiến. Mùng Tám tháng Giêng năm Giáp Thân (804) bà sinh con trai. Ông bà đặt tên con là Vũ Hồn. Sau này lớn lên ông Vũ Hồn làm Lễ Bộ Tả Thị Lang dưới triều Đường Vũ Tôn, sau đó thăng làm Đô Đài Ngự Sử. Năm 841 ôngi được cử làm An Nam Kinh Lược Sứ thay Hàn Uớc.

Trong thời gian ở Việt Nam,  Vũ Hồn đã đi kinh lý và xem xét nhiều nơi, đồng thời để tâm chú ý việc tìm địa điểm tốt vì ông đã muốn chọn quê ngoại để định cư sau này. ông đã nhiều lần về Mạn Nhuế thăm mộ ông nội ở Đống Dờm, sau đó đã đi thăm tất cả các vùng lân cận. Một lần đến trang Lạp Trạch huyện Đường An thấy về phía tây thôn ấy có cánh đồng hoang, cỏ lau rậm rạp, rải rác có những gò đống tựa 5 con ngựa, 7 ngôi sao ( ngũ mã tiền triều, thất tinh hậu ứng)  hoặc những ao, mà dưới đáy có doi đất nổi lên như hình quả bút, nghiên mực, quyển sách… Theo khoa  địa lý phong thủy, đấy là một kiểu đất đẹp rất tốt cho hậu thế của Trang Ấp này.  Sau đó ông xin từ quan rồi chuyển cả gia đình về định cư ở Lạp Trạch lập ra Khả Mộ trang, đó là lý do tại sao làng này về sau có tên là làng Mộ Trạch.

Còn một điều cũng khá kỳ lạ nữa, cũng không biết giải thích thế nào. Ở trên có nói đến việc đất Nam Sách có rất nhiều gò đống nổi lên. Thực tế là đúng vậy, mọi người xem cái hình chụp này sẽ thấy.

An image

Và tổ tiên ông bà cũng như những người trong họ tộc đằng nội nhà mình cũng được táng trên các gò đất như vậy. Mỗi lần về quê ra gò thắp hương cho ông bà mình đều leo từ cái gò cao này sang gò cao khác. Hồi nhỏ có lần bố mình chỉ cho mình một cái gò đất khá to nhưng lại không có một ngôi mộ nào cả và bảo “Đống kia gọi là đống thánh”, khi mình hỏi sao lại gọi thế thì bố mình trả lời là trước đây người ta cũng chôn người trên cái gò đó nhưng cứ được một thời gian thì quan tài tự động trồi lên, nhiều nhà bị như vậy nên về sau không ai dám chôn người ở đó nữa và nó có tên gọi như vậy. Mình nhìn xung quang thì quả đúng là thấy cái gò nào cũng có mộ mà mỗi gò đó thì không thật. Việc này rõ ràng là do người ta chứng lý bằng thực tế chứ không chỉ mù quáng tin như thế được, xong tại sao vùng này nhiều gò đống và quan tài  tự trồi lên mà dùng các hoạt động địa chất của môn địa lý hiện đại thì mình cũng chưa biết câu trả lời thế nào?  Trong khi môn phong thủy thì có lý giải gò đống đột khởi là do địa khí vận hành trong địa mạch tạo ra, và nơi có nhiều gò đống đột khởi chắc chắn có huyệt kết. 

Họ Đinh khanh tướng

Ví dụ thứ 2 thì lại có liên quan đến một người được xem là ông Thánh Địa Lý Việt Nam là Tả Ao mà ông Bản cũng nhắc đến trong bài phát biểu của mình, ông là tác giả của 2 bộ sách “Địa đạo diễn ca” và “Tả Ao dã đàm”. Tả Ao không phải tên thật mà là tên  làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được ông lấy tên tác phẩm của mình. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có nói có ông tên là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ, Tả Ao sinh vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), sống thời Lê sơ (Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông và Lê Uy Mục, tức là khoảng những năm 1442-1509), các nguồn dân gian lại cho rằng ông có tên thật là Nguyễn Đức Huyền.

An image

Đây là trang đầu tiên trong cuốn 左⿰氵幻眞傳地理 - Tả Ao chân truyền địa lý mình tìm được trên thư viện Hán Nôm quốc gia.

Hiện nay có ngôi đền thờ Tả Ao ở làng Nam Trì huyện Ân Thi Hưng Yên.  Trên khắp toàn quốc chỉ có duy nhất nơi đây là thờ Tả Ao. Lý do là vì đây được xem như quê hương thứ 2 của Tả Ao, ông đã sống ở đây suốt 17 năm trời.  Ông chọn nơi đây vì xưa Nam Trì vốn là một vùng ao hồ, sông nước và gò đống lô nhô, sơn thủy hữu tình, địa thế quan kỳ, có thế Phượng hoàng hàm thư, Long đỗ vĩ qui, tam giang giao hội, thuỷ tụ khê lưu (nghĩa là đất thế chim Phượng hoàng ngậm thư, rốn rồng đuôi rùa; nơi ngã ba sông, chín nhánh sông uốn khúc, nước tụ). Địa lý Nam Trì được mô tả như nội dung bức đại tự trong đền Nam Trì : Thiên Nam Trì Thuỷ Sơn Hà Đới – Địa Bảo Tàng Hương Bích Ngọc Khê – 天南池水山河帶-地寶藏鄉碧玉溪 (nghĩa là: Thiên nhiên Nam Trì sơn thủy sông nước bao quanh, đất đai hai khu Bảo Tàng, Ngọc Khê như bức tranh quê).

Theo ngọc phả và thần tích thờ tự đền Nam Trì thì khi Tả Ao giúp dân làng lập lại làng, chuyển chùa, đền thờ về phía Tây Nam; nhớ công ơn Tả Ao dân làng Nam Trì đã tôn Tả Ao là vị Bản cảnh Thành hoàng và thờ cùng tam vị Thượng đẳng phúc Thần từ đó đến nay. Hiện trong đền Nam Trì có câu đối của Tả Ao tả về địa lý, phong thuỷ làng Nam Trì: Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền nghĩa là phía tây của đường làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc . (nghĩa là phía Tây của làng có đường và dòng nước chảy, phía sau làng là hướng Tây – hành Kim – phía Đông làng có sông nước tụ, phía trước làng hướng Đông Nam – Nam hành Mộc). Rồi ông chọn hai gò đất ở phía Nam của làng để dựng đền

Tại Nam Trì có hai dòng họ có nhiều địa chủ lớn là họ Vũ và họ Đinh, thế nên mới có câu “họ Vũ làm đình, họ Đinh làm đền” để chỉ điều này.  Thời gian ở đây Tả Ao được họ Đinh cung phụng hậu đãi rất tử tế nên ông đã tìm đất đặt mộ phần cho họ Đinh tại gò Tam Thai vượng về võ tướng. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544) đời Mạc Phúc Hải, người họ Đinh làng Nam Trì là Đinh Tú đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và được bổ nhiệm làm quan Hiến Sát xứ Hải Dương, được phong tước Phù Nham Bá. 

Hậu duệ đời thứ 3 của của Đinh Tú là Đinh Văn Tả khi đó đã chuyển sang sống ở làng Hàn ( Hàm Giang ) Hải Dương là một danh tướng vào loại bậc nhất thời Lê-Trịnh. Năm 1677  Đinh Văn Tả công giúp chúa Trinh tiêu diệt lực lượng của Mạc Kính Vũ-ông vua cuối cùng của nhà Mạc cát cứ tại Cao Bằng, và lập được rất nhiều công lao hãn mã khác ( có 2 con trai đều chết trận ) nên được nhà Lê Trịnh phong Thiếu uý Thái bảo Hùng quận công, ban Long triều tán tướng,  miễn lễ khi vào chầu, ngoài ra còn được ban cho 300 mẫu ruộng lộc điền  ở Hàm Giang con cháu đời đời thế tập. Ông được rất nhiều đặc ân dành cho một triều thần. Khi ông chết đích thân chúa Trinh Căn và vua Lê Ý Tông đến viếng  và tổ chức lễ tang cho ông theo nghi thức quốc tang. Chúa Trịnh tặng ông câu đối:

Tiết việt quyền long triều túc tướng
Phiên toàn trách trọng quốc nguyên huân

Từ đó về sau con cháu Đinh Văn Tả nối đời làm công hầu khanh tướng nhà Lê Trịnh cho mãi tới tận đời Hàm Xuyên Hầu Đinh Nhã Hành theo vua Lê Chiêu Thống lưu vong sang cầu viện nhà Thanh thì sự phú quý của dòng họ này mới chấm dứt.

Làng Hàn thời Đinh Văn Tả  thuộc huyện Cẩm Giàng nhưng vật đổi sao dời, nay nó thuộc thành phố Hải Dương kéo dài từ phố Điện Biên Phủ tới tận phố Nguyễn An Ninh. Bà Ngoại mình họ Đinh, người làng Hàn con cháu của Đinh Văn Tả, đó cũng là lý do tại sao mà mình biết những thông tin về dòng họ này. Mặc dù quá trình đô thị hóa ở Hải Dương đã bắt đầu cách đây khoảng 2 chục năm nhưng mình nhớ ngày còn bé đến Tết chuẩn bị đi chúc tên họ hàng bên bà ngoại thì bố mẹ mình đều nói là “lên trên làng”, và nơi đó khá quen thuộc với mình. Hiện nay tại phố An Ninh Tp Hải Dương vẫn còn đền thờ Đinh Văn Tả.

An image

Lời cuối

Hai ví dụ trên đây là những dữ liệu mà mình chứng thực được về hai dòng họ có một thời kỳ khá dài thành đạt và ngôi mộ tổ của họ đã đã có bàn tay can thiệp của con người (ở đây là các chuyên gia về khoa địa lý phong thủy cổ đều là những nhân vật thành danh có tên có tuổi và có dấu ấn để lại). Còn giữa sự can thiệp và sự thật là thành tích thực tế của những người thuộc 2 dòng họ kia đạt được có một mối liên hệ nào không thì mình không dám khẳng định. 

Tuy nhiên có xin chia sẻ thêm với mọi người là trong quan điểm của những người nghiên cứu các môn huyền học phương Đông trên trong đó có địa lý phong thủy, trên tinh thần khoa học với nỗ lực "khoa học hóa" môn này để nó đi đến gần hơn với cái nhìn hiện đại thì có một cách lý giải đối với hiện tượng huyệt kết, mộ phát là họ cho rằng môi trường chúng ta đang sống tồn tại một dạng năng lượng hữu cơ mà theo ngôn ngữ cổ thì nó là địa khí, các địa khí này xuất phát từ các tổ sơn rồi chạy men theo hình sông thế núi là các long mạch, khi tụ lại thành huyệt kết. Còn xương cốt con người giống như những máy truyền phát sóng nên khi được táng vào các huyệt kết nó sẽ hấp thụ năng lượng hữu cơ kia và phát đi, sau này con cháu vốn là những người chung một huyết thống giống như các cột thu ăng ten thu sóng có thể hấp thụ dạng năng lượng hữu cơ kia vì họ có password là bộ mã DNA để truy cập được vào trường năng lượng đó. Đó là lý do tại sao mà người ta vẫn nói “Địa linh sinh nhân kiệt” và được xem như điều hiển nhiên không thấy ai phản đối.     

An image

Tất nhiên đây cũng chỉ là một giả thuyết, một cách lý giải mà thôi, cách lý giải ấy chưa được chứng minh bằng các công cụ phương tiện đo đạc chính xác. Song thực tế là có nhiều thứ hiện tại vẫn chưa đo đạc được tỉ dụ như hệ thống kinh lạc. Nếu đem giải phẫu cơ thể người ra thì thấy rất rõ các hệ cơ, hệ xương hệ tuần hoàn với các mạch máu soi chiếu bằng hình ảnh, song không tìm ra chỗ nào chưa các huyệt đạo và đường kinh như các sách về kinh lạc mô tả, trong khi lý thuyết về kinh lạc rất bài bản và có hệ thống, hơn nữa thực tế chữa bệnh hiệu quả của môn châm cứu cũng như công phu võ thuật mê hồn của các nhà sư Thiếu Lâm cũng như các cao thủ võ thuật làm cho người ta không thể phủ nhận được sự tồn tại của hệ thống kinh lạc và học thuyết kinh lạc.

Thật là hết sức nghịch lý, nhưng chúng ta vẫn sẽ còn tiếp tục sống chung với những nghịch lý như thế một thời gian dài dài nữa cho đến khi có những bước đột phá mới.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1264
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy