Việt Nam Địa Mạch

04/01/2018 Lý Thái Sơn
16450
0

(Tưởng niệm cụ Việt Hải & KTS. Nguyễn Tất Tống, những nhà Địa học tâm huyết của đất nuớc)

phong thủy việt nam địa mạchViệt Nam Địa Mạch

“Việt Nam địa mạch tối hùng cường

Điệp điệp trùng trùng, tũng tú trường

Sơn bất triều tha, hiềm lưỡng giới

Thủy vô tòng ngoại, đãn song phương

Bắc Nam biệt thế giai kỳ cục

Tả hữu phân cương các dị đường

Như mộc, nhất căn, quân nhị cán

Như nhân, nhất quốc, nhị vương đương”

(Bảo Ngọc thư / quyển 1 –tác giả Việt Hải – Sài Gòn 1974)

 

 

 

Sơ đồ địa mạch Việt Nam (tam Đại Cán Long)

Theo quan điểm “Thiên địa, vạn vật đồng nhất thể”, hành tinh xanh của chúng ta là một cơ thể sống. Tương tự cơ thể Người, bên dưới lớp da Địa mao (geomorphology) lục địa và đại dương lồi lõm của nó tồn tại một hệ thống khí lực (Địa khí) chảy ngầm theo các kênh dẫn (Địa mạch, hay Sơn mạch, hay Long mạch) theo trật tự tầng bậc (hierarchy) từ lớn đến nhỏ, từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài. Khởi nguồn từ độ cao của các dãy núi (Hy Mã Lạp sơn/Châu Á, Alpes + Carpates/Châu Âu, Andes/Nam Mỹ, Rocky và Appalachian/Bắc Mỹ…) địa khí chảy xuống thấp đến các đầu mút là các Huyệt trường nơi chúng sẽ giao hội với các dòng Nước tại độ cao quy ước ± 0.000.

  • Ngũ đại đồng đường

Trật tự vận động địa mạch theo tầng bậc có thể xét theo năm cấp ứng với khái niệm “ngũ đại đồng đường”: Thái Tổ Sơn – Thiếu Tổ Sơn – Thái Tông Sơn – Thiếu Tông Sơn – Phụ Mẫu Sơn. Cấu trúc này tương ứng khái niệm trật tự tầng bậc địa lý thế giới: Global (hay International) – National – Regional – Local – Site (place, lieu).

  • Sơn tinh & Thủy tinh

Vật liệu xây dựng địa mạch gồm cặp lưỡng hợp âm – dươngĐất (Sơn) và Nước (Thủy) – có chuyển động nghịch chiều từ gốc đến ngọn:

Sơn từ cao & lớn xuống thấp & nhỏ (núi -> đồi -> gò -> giồng…)

Thủy từ cao & nhỏ xuống thấp & lớn (khe + suối -> rạch -> sông -> biển…)

Xét theo quan điểm động – tĩnh thì: Sơn = Âm (static), Thủy = Dương(dynamic) trái với quan điểm phương Tây (tiêu chí cao-thấp/lồi-lõm) : Sơn = Dương (positive), Thủy = Âm (negative).

  • Địa châm (geoacupuncture)

Huyệt trường – với Huyệt là trung tâm vây quanh bởi các vật thể địa lý theo những trật tự không gian nhất định – là nơi có thể chọn làm chốn An Cư (Địa lợi) cho cả người sống (Dương cơ/phần) lẫn người chết (Đất âm cơ/phần). Và cũng giống như người thầy thuốc châm cứu hệ thống huyệt đạo của cơ thể, thầy địa lý là người châm cứu hệ thống huyệt đạo của trái đất.

Bài viết sơ bộ tập trung vào phần Địa mạch là cái nền mà mọi quy hoạch xây dựng đều đặt lên bên trên và chưa đề cập đến Huyệt và Huyệt trường (tức địa điểm xây dựng đô thị) sẽ trình bày trong những lá thơ GEO tiếp theo.

ĐỊA MẠCH TRUNG QUỐC : Tam đại Cán Long (gọi tắt là Tam Long)

  • Sandwich

Hệ địa mạch Trung Quốc giống như một chiếc bánh mì kẹp thịt (sandwich) gồm năm lớp xen kẻ nhau: 2 lớp ngoài và lớp trong cùng là 3 lớp bánh tương ứng với Tam Đại Cán Long (ba con rồng đất) xen kẽ với 2 lớp thịt tương ứng với hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang, (hai con rồng nước) chạy từ Tây và Tây Bắc (dãy Côn Lôn – Hy Mã Lạp Sơn) sang Đông và Đông Nam (Biển Nam Hải – Thái Bình Dương). Mỗi con rồng đất và mỗi con rồng nước là một hế thống “con” độc lập lại phân chi (thân, cành, ngọn, hoa, trái…) như hệ thống “mẹ” cấp trên.

  • Quẻ Chấn

Trung Quốc tọa vị tại phía Đông Khối lục địa Châu Âu – Á (EURASIA) có tượng quẻ Dịch là Chấn (sấm sét) gồm 3 hào ứng với Tam đại cán long :

phong thủy địa mạch trung quốcphong thủy địa mạch trung quốc

 

 

 

 

 

 

ĐỊA MẠCH VIỆT NAM

  • Sách Trời

Nước ta được “Trời Đất” – hay các bậc tiền bối Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi – định vị tại khung tọa độ địa lý nhiệt đới ẩm – gió mùa 8O30’ ÷ 23O23’ Vĩ Bắc và 104O ÷ 111O Kinh Đông.

Nam quốc Sơn Hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư

Hoặc:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

  • Quẻ Tốn

Vị trí này thuộc góc Đông Nam của toàn khối lục địa EURASIA, có tượng quẻ Dịch là Tốn (gió) gồm 3 hào ứng với Tam đại cán long :

phong thủy địa mạch việt nam

  • Hai mốc địa lý

Tại khu vực Đông Nam Á Việt Nam có 2 điểm mốc địa lý đáng lưu ý :

1. Hà Nội: theo trục Tây Bắc – Đông Nam (Càn Tốn / Thiên môn – Địa hộ), là tâm của đỉnh núi cao nhất thế giới (Everest +8.888m) và vực đại dương sâu nhất thế giới (Mindanao – 10.800m)

2. Huế: theo trục Đông Bắc – Tây Nam (Cấn Khôn / Quỹ môn – Nhân môn), là tâm của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Biển Hồ (Cambuchia) với bán kính R=2800km).

  • Con Long

Với diện tích 330 ngàn cây số vuông và bờ biển hình chữ S dài 3200 cây số, hệ địa mạch Việt Nam có hình của một con Long với đuôi ở Bắc Bộ, thân ở Trung Bộ và đầu ở Nam Bộ. Hàm của Rồng là bán đảo Cà Mau với rừng U Minh kỳ vĩ. Chi trái có biển Đông ôm bọc, chi phải có sông Mê Kông che chở suốt từ Vân Nam đến Tây Nam Bộ …Nó làm ta nhớ đến một câu ca dao cổ :

“Làng ta phong cảnh hữu tình

Dân cư giang khúc như hình con Long”

Người viết bài này khi còn là một học sinh trung học vẫn muốn thay hai từ “phong cảnh” bằng từ “Sơn Thủy”. Điều đó phần nào được thực thi tại diễn đàn khoa học của Đại hội UIA’ XX tại Bắc Kinh năm 1999 trong bài tham luận “Phong Thủy, giao điểm giữa hai nền kiến trúc & đô thị Đông – Tây” : đề xuất thuật ngữ Sơn Thủy (Shan-Shui) thay cho Phong Thủy (Feng-Shui) đậm màu sắc mê tín/huyền bí.

  • Quan điểm truyền thống: Nhị Đại Cán Long (gọi tắt là Lưỡng Long)

Bài thơ Việt Nam Địa mạch nói trên cho thấy: địa mạch nươc ta hùng cường, cảnh quan địa lý SƠN-THỦY xinh đẹp tầng tầng lớp lớp trãi dài. Núi tự chủ, không chầu phục đất khác. Sông cũng tự lập, không lệ thuộc bên ngoài. Sự phân cực (lưỡng giới, song phương) thành hai hệ thống (Bắc Nam, Tả hữu) hai Đại Cán Long, hai long mạch chủ … diễn ra theo sơ đồ sau :

phong thủy địa mạch việt namTất cả các dãy núi đều khởi tổ (bắt nguồn) từ Vân Nam (Trung Quốc) riêng dãy Huyền Đinh từ dãy Thập vạn đại sơn (Trung Quốc).

  • Cấu hình chữ S

Về mặt cấu hình, có sự tương đồng giữa Trung Quốc (Đông Á) và Việt Nam (Đông Nam Á lục địa).

phong thủy địa mạch việt nam

So sánh biểu tượng Âm – Dương giữa Trung Quốc và Việt Nam

Sự tương đồng này khiến cho nhiều người Việt Nam – một trong ba quốc gia đồng văn với Trung Quốc – đều cho rằng chính mình mới là sở hữu chủ của kinh Dịch, và rộng hơn, của văn minh Đông Á. Nhật Bản và Hàn – Quốc thì không vậy. Họ không dám “cạnh tranh” bản quyền với Trung Quốc.

Và như để củng cố thêm cho giả thuyết của mình luận cứ được xây dựng như sau :

  • Vịnh Bắc Bộ hình cong lõm (Thái Dương) có đảo Hải Nam (Thiếu Âm). Đất Nam Bộ hình cong lồi (Thái âm) có Biển Hồ (Thiếu dương). Một sự quân bình âm dương hoàn chỉnh, tuyệt hảo.
  • Trong khi Trung Quốc không đạt được thế cân bằng âm dương lý tưởng như vậy : Vịnh Bột Hải – Hoàng Hải cũng cong lõm (Thái Dương) – mà không có thiếu âm tượng hình. Lục địa Nam Trung Quốc cũng cong lồi (Thái âm) mà không có Thiếu Dương (tức Hồ lớn) lại mang thêm hai thiếu âm bị không đắc (đảo Đài Loan và đảo Hải Nam).

Quan điểm bài viết này: Tam đại cán long (gọi tắt Tam long)

Quan điểm truyền thống có từ khá lâu trong giới Địa học Việt Nam. Ngoài việc thiếu lưu ý đến địa mạch vùng đất mới Nam bộ thuộc một hệ địa mạch khác, có thể do cách nhìn nhận chưa thống nhất về mặt học thuật thể hiện qua hai câu thơ sau :

“Cao nhất thốn vi Sơn

Đệ nhất thốn vi Thủy

Dưới mắt nhà địa học, cao thấp chỉ một tấc (nhất thốn) đã là Sơn, là Thủy rồi… Mỗi giồng đất tự thân đã là một con long. Có thể mượn đoạn văn sau nay của bác Sơn Nam để làm rõ thêm việc chưa thống nhất nói trên.

“…Đất phù sa với ranh giới mơ hồ giữa bờ biển, khó phân biệt đâu là Đất, đâu là Nước. Không có Phong Thủy vì thiếu gò, núi non. Gặp nơi đất giồng cao hơn mặt biển khoảng 2 mét thì mừng rỡ, để trồng gốc mai, thử nghiệm cây bưởi, cây xoài. Chết mà được chôn ở bờ đất khô ráo, nấm mộ lè tè nhô lên vào mùa khô là có phước….”(Tiếp cận với Đồng Bằng Sông Cửu Long, trang 132).

Trong Phong Thủy, 2 mét là cả một ngọn núi. So với cốt cao độ ±0.000 của thủy văn sông Sài Gòn, khu vực gò Tân Khai Quận 1 – nơi xây dựng những công trình công cộng trọng điểm của thành Quy (thời Gia Long) và Sài Gòn – là những “ngọn núi” có độ cao từ 8m (nhà thờ Đức Bà, Hồ con Rùa…), 9m (lãnh sự quán Pháp, trường Taberd, Bưu điện Thành phố…) đến 10 mét (lãnh sự quán Hoa Kỳ, nhà Văn hóa Quận 1…)

Cũng dõi theo dấu chân bác Sơn Nam, chúng ta có thể tìm thấy cái hệ địa mạch thứ ba ngoài hệ lưỡng long nói trên :

“Người Kh’mer tập trung chủ yếu ở vùng đất LỤC CHÂN LẠP (lãnh thổ Cambuchia nay) đất cao ráo, dễ làm ăn, nguồn lợi nhiều: tôm cá Biển Hồ. Miền hạ lưu sông Mê-Kông (nay là Nam bộ – tức THỦY CHÂN LẠP) không có mõ vàng, mõ bạc, đậu khấu, trầm hương, tơ lụa, hồ tiêu... để hấp dẫn thương khách” (ý so sánh với vùng cao thượng nguồn sông Mê-Kông – người viết) (Đất Gia Định xưa, trang 8).

Như vậy cái Đại cán long thứ ba có nguồn gốc từ vùng cao Lục chân lạp và sâu hơn nữa về phía bên trong lục địa Đông Nam Á. Có khả năng đây là dãy PHNOM KRA VANH (người Pháp gọi là dãy CARDAMOMES) chạy dọc theo bờ biển phía Tây Nam của Campuchia giáp với vịnh Thái Lan.

Là một hợp phần của hệ thống địa mạch Việt Nam , vùng đất nay được gọi là Nam Bộ đã từng được biết dưới 5 cái tên khác :

  1. Thủy chân lạp (đối ứng với Lục chân lạp)
  2. Phủ Gia Định (thời chúa Nguyễn)
  3. Lục Tỉnh (thời vua Nguyễn – 1832)
  4. Nam Kỳ (thời thuộc Pháp)
  5. Basse – Cochinchine (đối ứng với Haute – Cochinchine)

Theo đó, địa giới hành chánh Lục Tỉnh hầu như trùng khớp với Địa phong thủy xét cả về địa hình, địa thế, địa giới, cũng như về cương vực, môn hộ. Giống như sáu con rồng, sáu tỉnh này đều có phần ranh giới phía Tây / Tây Bắc là lục địa (Càn / Thiên môn – cổng trời) và ranh giới phía Đông/Đông Nam là biển cả (Tốn / Địa hộ – cửa đất)

phong thủy địa mạch việt nam

Sáu tỉnh này hợp thành quẻ Dịch Thủy Hỏa – KÝ TẾ, theo đó quẻ trên (Thủy – phía Bắc) khớp với 3 tỉnh miền Đông, quẻ dưới (Hỏa – phía Nam) khớp với 3 tỉnh miền Tây, và 2 hào giữa là 2 trung tâm của vùng, hoặc quy hoạch vùng :

phong thủy địa mạch việt namCấu trúc tầng bậc địa mạch Việt Nam được sắp xếp theo sơ đồ sau:

phong thủy địa mạch việt namKết luận:

Địa mạch là phần cơ sở của phép chọn đất theo quan điểm Địa lý Phong thủy rất gần với khoa học Địa lý phương Tây (geography) và rất khác với thuật Bói đất mà cả Đông lẫn Tây đều có ở thuở bình minh của lịch sử kiến trúc (geomancy) (ở phương Tây và thuật Bốc địa/Trạch thời kỳ Tiên Tần ở Trung Quốc)

Một sự hiểu biết về Địa mạch có thể giúp chúng ta:

  1. Hình dung được phương pháp thẩm và định tuyển trạch địa điểm xây dựng tối ưu về mặt thực hành Phong thủy kiến trúc.
  2. Lý giải được sự hình thành, phát triển các điểm dân cư từ Hương/Thôn trấn đến Đô thị mọi tầng bậc (siêu, đại, chùm thậm chí thiên hà đô thị như dãy BOSWASH Boston - Washington ở bờ Đông nước Mỹ giáp với Đại Dây Dương) về mặt lịch sử kiến trúc. Đây là phần mà nền kiến trúc Đông Á còn thiếu trong khi chính nó đáng lẽ có thể đóng góp vào kho tàng kiến trúc thế giới những giá trị độc đáo đầy chất sáng tạo của riêng mình.
  3. Góp phần xây dựng một cách nhìn khác về quy hoạch đô thị theo quan điểm Địa lý tự nhiên phương Tây cũng như phương pháp luận Địa Phong Thủy phương Đông. Đây sẽ là một đề tài nghiên cứu khoa học liên ngành thú vị (interdisciplinary) mà người viết rất mong nhận được sự hợp tác hoặc hỗ trợ của không chỉ các thành viên trong Hội kiến trúc sư Việt Nam và CLB Kiến trúc sư trẻ Tp.HCM.

Bài viết được đăng trên tạp chí Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam năm 2005

KTS. Lý Thái Sơn

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1520
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy