Có chuyện kể rằng hồi thập niên 1930, thỉnh thoảng vài người đàn ông rủ đi bộ ra ngồi tiệm nước Đức Thành Hưng ở Bà Chiểu hay Đa Kao...
Họ ở đó, rề rà uống cà phê, ăn tô hủ tíu, cái bánh bao. Rồi lại kêu ấm trà ngồi đến trưa. Khi nào mệt, đi xe ngựa về. Bà con thời đó lúc đầu ai cũng thắc mắc vì sao mấy ông chịu khó đi xa ăn sáng như vậy, đành rằng lúc đó con đường Hàng Bàng (Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Bình Thạnh) mà mấy ông thả bộ còn cây cối xanh um, mát mẻ và xe cộ vắng vẻ gấp ngàn lần bây giờ. Các ông bảo nhau: “Ra đó ăn điểm tâm, ủng hộ người Nam mình!”
“Người Nam mình”, ở đây là người Việt, tất nhiên không phải Tây, hay cắc-chú, hay Chà. Câu chuyện đi ăn sáng của mấy ông trong làng Bình Hòa xảy ra trong bối cảnh miền Nam đang diễn ra phong trào người Nam hô hào dùng hàng nội hóa hay dịch vụ của người mình, tẩy chay hàng hóa của người Hoa đang nắm rất chắc, hầu như độc quyền ngành buôn bán ở đất Sài Gòn – Gia Định từ lớn đến nhỏ. Trong bối cảnh đó, một tên tuổi người Việt làm ăn giỏi đã xuất hiện trên thương trường, hình thành một chuỗi nhà hàng ăn uống, lúc đó gọi là tiệm nước, hay cụ thể hơn, “tiệm hủ tíu cà phê”. Đó là bà Lê Thị Ngọc, với chuỗi tiệm phục vụ điểm tâm mang tên Đức Thành Hưng. Chuỗi tiệm này cạnh trang ngang ngửa, phá thế độc quyền của người Hoa lúc đó và đã đứng vững trong một thời gian khá dài trên dưới hai thập kỷ từ khi thành lập.
Một quán ăn ở Sài Gòn thập niên 1930.
Lần dự đám giỗ ở hẻm 104 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, tôi gặp Cô Ba Nguyễn Thoại Anh, năm nay đã 84 tuổi. Nghe nhắc về quán Đức Thành Hưng, cô như reo mừng vì hầu như đã lâu lắm rồi không nghe ai nhắc đến nó. Tuy vậy, đối với cô là một khung trời kỷ niệm ngày còn bé thơ, trong khoảng thời gian từ tám chín tuổi đến thời thiếu nữ tuổi, còn đang học Nữ tiểu học Gia Định và sau đó là trường Gia Long.
Cô Ba kể: Tiệm Đức Thành Hưng ở Bà Chiểu do bà Ba Truyện, nhà ở khu vực cầu Băng Ky, đứng quản lý. Đó là một tiệm bán hủ tíu cà phê và vài món khác. Nó có tiếng tăm, người đi ăn ở đó thường là khá giả, nếu là bình dân thì thỉnh thoảng mới đến. Tiệm nằm ở góc chợ Bà Chiểu, nay là khu vực bán trái cây của chợ. Hồi đó, cô bé Thoại Anh học giỏi nên hay được giấy khen. Mỗi lần như vậy, ông nội của cô là ông Nguyễn Văn Chỏi, giữ chức Bang biện làng Bình Hòa dùng xe đạp chở đi chơi ngày cuối tuần. Ông nội chở cháu gái đến xem chiếu bóng ở rạp ASAM hay rạp CASINO ở Đa Kao, xem xong thì thế nào cũng ghé tiệm Đức Thành Hưng. Ông Bang Chỏi ăn hủ tíu, uống cà phê. Cô cháu gái ăn bánh pâté chaud, uống sữa. Cà phê lúc đó lược bằng vợt vải như cái vớ, dọn ra trong cái ly sành tráng men màu vàng nâu khá xinh.
Trước quán là một bảng hiệu kẻ bằng sơn. Bày trí trong quán hoàn toàn khác với tiệm nước của người Hoa vốn cũ kỹ, tối tối. Đây là quán kiểu Tây, có quầy cho người bán, thu ngân, mua bánh. Nền quán lót gạch bông vuông nhỏ đỏ trắng xen lẫn, bề ngang khoảng bốn hay năm mét, dài mười mấy mét. Bàn ghế trong quán bày rải rác, bàn vuông có trải khăn bán trắng, bốn ghế bốn góc bằng gỗ. Bồi bàn đi qua lại, lịch sự. Ông Ba chủ tiệm có dáng người cao, cân đối phương phi, mặt mày sáng sủa, hớt tóc cao và chẻ ngang, mặc quần tây áo sơ mi tiếp khách và lần nào cũng ra chào ông Bang biện Chỏi.
Câu chuyện về cái tên Đức Thành Hưng được nhắc lại nhiều lần như một huyền thoại, cho đến khi tôi đọc được vài bài viết đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1933. Theo bài báo, bà Lê Thị Ngọc, một phụ nữ ít học, xuất thân người nghèo đã làm được kỳ tích đó để tạo nên danh hiệu “Nữ hoàng hủ tíu cà phê” trên tờ báo Phụ nữ Tân Văn, một tờ báo có uy tín trong cả ba kỳ và trên nhiều tờ báo khác. Chín tiệm nước do bà sáng lập ra, đều mang tên chung là Đức Thành Hưng, chuyên bán nước trà, cà phê, hủ tíu và cơm Tây, rải rác từ Sài Gòn, Tân Định, Gia Định, chợ Bà Chiểu, Chợ Đũi, Gò Vấp, Bình Hòa và Thủ Dầu Một. Hầu hết là những tiệm khang trang, mang phong cách tiệm ăn của Tây, không phải là kiểu quán nước xập xệ. Tiệm của bà Ba Truyện là một trong chín tiệm trong hệ thống này.
Tranh vẽ lại chân dung bà Lê Thị Ngọc đăng trên báo Phụ nữ Tân Văn (tác giả Phạm Công Tâm).
Trước năm 1919, nghề bán hủ tíu cà phê là nghề độc quyền của người Hoa, đường nào ngõ nào có tiệm hủ tíu cà phê thì đương nhiên là của họ, người Việt không chen vô được. Trong khi đó, người Việt lại rất mê hai món này, thích điểm tâm sáng bằng món hủ tíu cà phê, trưa tráng miệng bằng nước trà bánh ngọt. Mà hai món ấy, muốn ăn phải vô các tiệm nước của người Tàu.
Thường là cái gì độc quyền thì dễ sinh ra kiêu ngạo và bắt chẹt, thế là các tiệm của người Hoa lên giá dần loại thức ăn thức uống mà người Việt đã trót ghiền. Ở chợ Cũ đường de la Somme (Hàm Nghi), tháng 6 năm 1919, một ly cà phê bỗng dưng vọt lên thêm một xu nữa, thành ba xu. Khu này tập trung dân làm ăn, từ giới công chức làm cho Tây đến nhân viên hãng xưởng cho dến người lao động phu phen. Vốn uống cà phê mỗi ngày nay bị tăng giá, họ phát bực, hô hào tẩy chay các tiệm nước của người Hoa rồi cả hàng hóa của họ, kêu gọi chỉ ủng hộ hàng hóa, tiệm quán của người Việt mà thôi. Báo Lục Tỉnh Tân Văn và Thời Báo cùng vào cuộc, hô hào tẩy chay các doanh nghiệp Hoa kiều. Từ đốm lửa nhỏ, thái độ này thành phong trào, lan dần từ Nam ra Trung và Bắc.
Lúc đó, bà Lê Thị Ngọc đang góa chồng, nách lại có ba con nhỏ trong khi nhà đang rất nghèo. Để nuôi con, bà lập ra một cái quán nhỏ bán đồ lặt vặt ở ga Đất Hộ (Đa Kao) bấy giờ. Lưng vốn của bà chỉ có năm ba chục, tất cả nguồn sống trông nhờ vào quán.
Nhưng bà Ngọc là người sáng trí, biết tính toán. Biết đang có phong trào tẩy chay hàng hóa Hoa kiều, vận động dùng hàng nội, bà tận dụng ngay cơ hội. Bà vội cầm hết đồ tư trang nhỏ bé của mình, về làng Bình Hòa tìm bà con để vay mượn thêm, tổng cộng được tất cả bốn, năm trăm đồng. Thoạt đầu, bà mở tại Đa Kao tiệm lấy tên Đức Thành Hưng trên đường Albert 1er (Đinh Tiên Hoàng), mà theo báo Phụ Nữ Tân Văn đây là tiệm bán hủ tíu cà phê đầu tiên của người Việt. Cái tên của tiệm phải chăng nói lên ước nguyện của bà: “Có đức mặc sức mà ăn”, thậm chí sẽ hưng thịnh nếu có làm ăn biết giữ chữ “đức”. Ban đầu, chỉ có bốn mẹ con hợp sức với nhau lo bán quán. Sau nhờ đồng bào người Việt ủng hộ, tiệm đẳt khách dần. Rồi bà tiếp tục mở thêm tiệm thứ hai, thứ ba… qua mỗi năm, lên tới tổng cộng chín tiệm, nhất nhất phải mang tên “Đức Thành Hưng” trong 15 năm sau đó, tính đến năm 1933.
Thật ra, lúc đó không chỉ có bà Lê Thị Ngọc biết tranh thủ làm ăn trong lúc thuận lợi như vậy. Nhiều người cũng lập tiệm nước bán trà hủ tíu cà phê vì biết nhiều người ưa chuộng, dễ thực hiện nhất là khâu chế biến thức ăn, pha cà phê, trà. Tuy nhiên, các tiệm này đã không trụ được lâu. Tiệm Hòa Mỹ do một số người có máu mặt được lập ra trong thời gian đó, đặt tại vị trí một tiệm cầm đồ trước đây cũng ở Đa Kao. Vốn của họ khoảng 2000 đồng, gấp bốn lần tiệm bà Ngọc nhưng chỉ đứng được một năm rưỡi rồi hết vốn, đóng cửa. Tiệm Vĩnh Đa ở đường Amiral Courbert (Nguyễn An Ninh), lập ra cùng thời kỳ, buôn bán phát đạt được chục năm, rồi thất bại.
Có lần, bà Lê Thị Ngọc giao một tiệm trong chuỗi tiệm cho một người thân tín trông coi. Họ làm không xong, lại mang nợ, nên bà lại ra vốn và tiếp tục duy trì. Các chi nhánh lập ra, bà rất quán xuyến như một Tổng giám đốc điều hành, chi nhánh nào bắt đầu đi xuống là bà lập tức tiếp sức và quyết giữ uy tín của thương hiệu Đức Thành Hưng. Bà nói: “Sống chết giàu nghèo gì tôi cũng phải bảo bọc cho cái tên của tôi đã khai sinh ra!”
Một tiệm cà phê hủ tíu ở Gò Vấp thuở thập niên 1950 - Nguồn: Manhhaifilicks.
Xuất thân từ giới bình dân nghèo khổ, không được học nhiều, bà Lê Thị Ngọc có lòng trắc ẩn với những nhân công làm việc với bà và khi có điều kiện, bà giúp họ “ra riêng” mở tiệm, một hình thức nhượng quyền thương mại sơ khai. Trong số chín tiệm, bà và các con duy trì ba tiệm ở (trung tâm) Sài Gòn, cầu Băng Ky và Đa Kao. Sáu tiệm còn lại, trong đó có tiệm của ông Ba ở chợ Bà Chiểu, đều của những người làm công giúp việc cho bà mở ra hoặc có mối quan hệ quen biết, và do bà giúp vốn lập tiệm. Cách thức này, người Hoa thường áp dụng để giúp đồng hương hay cộng sự thân thiết của họ, và bà đã thực hiện được không thua kém họ. Điều kiện tiên quyết của bà là lấy tên Đức Thành Hưng dù đặt tiệm ở đâu. Các tiệm được bà hỗ trợ phía sau nên vượt qua được khó khăn ban đầu, phát triển tốt. Phát triển nhất là chi nhánh Đức Thành Hưng – Gia Định với số vốn của chủ chi nhánh lên tới 10 ngàn đồng năm 1933.
Bà Lê Thị Ngọc tỏ ra quyết liệt khi thể hiện “điều gì người ta làm được trên đất mình, mình cũng sẽ làm được”. Khi bắt đầu kinh doanh tiệm hủ tíu cà phê, thấy đến Tết Trung Thu, chỉ có bánh Trung thu của người Hoa có mặt trên thị trường, bà quyết định sản xuất cho được loại bánh này để bán trong chuỗi tiệm Đức Thành Hưng.
Người Hoa nổi tiếng về việc giữ bí mật nghề truyền thống của mình, chỉ truyền nghề trong dòng họ và chỉ truyền cho con trai. Tuy vậy, khi tổ chức làm nghề, họ cần nhân công và có người đã học được nghề của họ. Đến khoảng giữa thập niên 1920, đang trăn trở với mong muốn làm cho được bánh Trung Thu, bà Lê Thị Ngọc gặp được một thợ làm bánh đã từng làm cho xưởng làm bánh của người Hoa ở Phan Thiết là anh Võ Văn Thêm. Bà mời anh về làm cho bà, rồi đánh liều bỏ vốn ra xây lò nướng bánh, sắm chảo nướng, tốn tổng cộng 120 đồng. Bánh ra lò nhưng ban đầu chưa được biết tiếng, mỗi kỳ Trung Thu bà chỉ bán được từ 200 đến 300 ký bánh. Dần dà, tiếng đồn bánh Trung Thu của người Nam làm ngon không thua bánh nướng của người Hoa lan rộng ra, khách đến mua đông hơn và cho đến bảy năm sau, mỗi kỳ Trung Thu bán ra được khoảng hai đến ba ngàn ký bánh. Tuy đã phát triển như vậy, báo chí vẫn cho rằng tiệm Đức Thành Hưng nếu quảng cáo tốt hơn thì sức mua bánh Trung Thu còn cao hơn nữa.
Người già sống lâu đời ở Thủ Dầu Một còn nhớ tiệm Đức Thành Hưng ở góc đường Lý Thường Kiệt sát bên là tiệm Mai Viên chuyên bán bánh bao, xíu mại của người Tiều. Cho đến năm 1937, dấu vết của tiệm Đức Thành Hưng vẫn còn trong lời tự thuật của nghệ sĩ Mười Út từ Trà Ôn cùng bạn bè rủ nhau lên Sài Gòn chơi, vào tiệm ca hát với nhau. Nơi đây cũng là nơi lui tới của nghệ sĩ Năm Cần Thơ thời gian đó. Tiệm này ở đường Lê Thánh Tôn, bên hông chợ Bến Thành cùng tiệm Đức Thành Hưng ngang chợ Bà Chiểu dần dà trở thành nơi vừa ăn uống vừa nghe đàn ca tài tử, thi thố đàn ca cổ nhạc.
Những tiệm hủ tíu cà phê Đức Thành Hưng không biết khi nào ngưng hoạt động? Người biết chuyện như cô ba Thoại Anh đã ở tuổi tám mươi cũng không trả lời được câu hỏi ấy. Khi cô lớn lên, không còn nghe người lớn nhắc đến cái tên Đức Thành Hưng. Có thể chuỗi tiệm ngưng hoạt động từ năm 1945, là năm có nhiều biến động xã hội ở thành phố này do chiến tranh.
(Trích từ cuốn Sài Gòn – Chuyện đời của phố V)
Phạm Công Luận
Bình luận từ người dùng