Dân số đô thị đã tăng mạnh và hiện chiếm một nửa dân số thế giới. Dự kiến sẽ tăng lên khoảng 6,4 tỷ - chiếm 70% dân số thế giới vào năm 2050. Đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực như châu Á và châu Phi đã gây ra nhiều vấn đề môi trường và đô thị.
Thế kỷ XXI được gọi là thời đại của đô thị, trong thời đại này, gánh nặng cho môi trường đô thị là một thách thức chung cho tất cả con người. Nhật Bản được biết đến như một quốc gia với những thách thức về tỷ lệ sinh giảm và lão hóa nhanh chóng. Dự kiến trong năm 2050 cao niên trên 65 tuổi sẽ chiếm 40% dân số. Chính vì thế, làm thế nào để xây dựng đô thị mà trong đó người cao tuổi có thể sống một cuộc sống lành mạnh và an toàn trong một xã hội đầy thách thức và rủi ro cao. Trong tương lai gần, nhiều quốc gia, bắt đầu ở châu Á, dự kiến sẽ trải qua thử thách này, không chỉ riêng Nhật Bản. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng Sáng kiến "Future City" (tạm dịch là “Thành phố tương lai” từ tháng 02/2011 như một phần của dự án "Chiến lược tăng trưởng mới". Trong tháng 12/2011, 11 thành phố (TP) và khu vực đã được chọn bao gồm 6 khu vực bị ảnh hưởng thiên tai để xây dựng mô hình xã hội bền vững.
Mục đích của Sáng kiến "Future City" là chọn ra một số TP như “TP tương lai” thành công hàng đầu thế giới về công nghệ, kinh tế xã hội, dịch vụ, các mô hình kinh doanh kiểu mẫu. Từ đó xây dựng nên các TP có thể giải quyết các vấn đề chung của thế kỷ XXI như môi trường, lão hóa và phổ biến chúng không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới. Mục tiêu cuối cùng là để đạt được một xã hội hồi sinh và bền vững với hệ thống kinh tế xã hội mới. Các TP được lựa chọn sẽ dẫn đầu trong đổi mới về hệ thống kinh tế xã hội. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ các TP được lựa chọn bằng cách tập trung phân bổ ngân sách thích hợp, bãi bỏ một số quy định và cải cách hệ thống pháp lý và thuế. Để thực hiện Sáng kiến này, điều quan trọng là áp dụng một chiến lược đổi mới cả trong và ngoài nước. Chiến lược này nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, phát triển mạng lưới trí tuệ, phổ biến các trường hợp thành công cả trong và ngoài Nhật Bản ở mỗi giai đoạn để tạo ra các khái niệm, quy hoạch, phát triển công nghệ và các hệ thống thực thi.
Các yếu tố cơ bản
Các yếu tố cơ bản của Sáng kiến là xác định "TP phải hướng tới trọng tâm là con người để từ đó tạo ra các giá trị mới giải quyết những thách thức của môi trường và lão hóa". Đó là yếu tố cần thiết để giải quyết những thách thức như sự nóng lên toàn cầu, giới hạn về nguồn lực và năng lượng, giải quyết vấn đề lão hóa bằng cách thiết lập hệ thống kinh tế xã hội bền vững và đoàn kết xã hội. Yếu tố cơ bản thứ hai là cần xác định TP là nơi mà "mọi người đều muốn sống" và "mọi người cần phải có sức sống" và vì thế, TP phải luôn tạo ra giá trị mới. Yếu tố thứ ba, chất lượng cuộc sống của người dân cần phải được nâng cao nhiều hơn nữa. “TP tương lai” được định nghĩa như một TP mà ở đó giá trị của môi trường, xã hội và kinh tế được nâng cao đến mức độ thỏa mãn của con người.
Tầm nhìn tương lai
Các TP được lựa chọn phải có kế hoạch lập tầm nhìn chiến lược tương lai phù hợp với các yếu tố cơ bản nêu trên theo cách mà có thể tối đa hóa tổng giá trị kinh tế xã hội và môi trường. Khi thiết lập tầm nhìn tương lai, điều quan trọng là thiết lập tầm nhìn sao cho có thể tối đa hóa tiềm năng của TP, sự đa dạng và tính độc đáo cũng như tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội của chính các đô thị của mình. Các TP được lựa chọn dự kiến sẽ giải quyết những thách thức trong hợp tác với các TP cả trong và ngoài Nhật Bản. Điều quan trọng là tập hợp trí tuệ trên toàn thế giới bằng cách tiếp thu các trường hợp thành công trên thế giới, tích hợp những giải pháp và tận dụng hợp tác quốc tế. Quá trình này sẽ vô cùng cần thiết để dẫn đến sự đổi mới thực sự. Bằng cách liên tục tạo ra các trường hợp thành công và phát triển nhanh chóng, các TP sẽ độc lập tự chủ về tài chính và xây dựng nên các mô hình độc lập.
Giải pháp thành công của "Future City"
Ba yếu tố quan trọng cần thiết để thực hiện các sáng kiến thành công, bao gồm: Thực hiện quản lý dự án tốt; Thành lập một cơ quan điều hành có quyền lực, giải quyết các vấn đề một cách triệt để nhanh chóng; Tăng cường hợp tác giữa các TP. Trong số ba yếu tố đó, lĩnh vực quản lý dự án vô cùng quan trọng, bao gồm: Làm thế nào để thúc đẩy các sáng kiến có hiệu quả; Làm thế nào để quản lý tất cả các dự án ở các TP; Và làm thế nào để giám sát tiến độ của từng dự án. Để quản lý thành công, mỗi TP phải trả lời được ba câu hỏi đó. Như vậy, Nhật Bản – quốc gia tiên phong giải quyết vấn đề về lão hóa, giảm tỷ lệ sinh, bức xúc về thiên tai và môi trường, đồng thời cung cấp các giải pháp cho những thách thức của con người mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu này. (Bài này đã được đăng trên chuyên mục đặc biệt của Báo Tin tức Xây dựng & Kỹ thuật Nhật Bản ngày 11/6/2013).
Khánh Phương
[ Download: "FutureCity" Initiative (Japan) ]
Bình luận từ người dùng