Để mang đến những thuận lợi trong việc làm ăn và phát triển cho công ty cần chú ý đến cách bố trí phòng làm việc của lãnh đạo...
1. Tránh xa “xung sát”
Phía trước, xung quanh phòng làm việc chỗ cửa hoặc cửa sổ nếu như có một con đường lớn xuyên thẳng, hoặc có cột điện, trạm biến áp, ống khói lớn, các góc nhọn của vật kiến trúc đó gọi là “xung sát”.
Nếu như sự “xung sát” không lớn, khoảng cách lại xa thì cũng không phải vấn đề lớn. Nếu như tại cửa sổ, cửa phụ thì chúng ta có thể dùng rèm cửa che đi. Nếu như ở cửa lớn thì vấn đề nghiêm trọng hơn, nếu có thể chuyển cửa ra vị trí khác là tốt. Nếu không thể thì nên dùng các vật phẩm phong thủy để hóa giải.
2. Chọn lựa hàng xóm tốt
Phong thủy học cho rằng, môi trường xung quanh có lực ảnh hưởng đến thân thể con người. Bởi vậy chỗ phòng làm việc nên tránh thật xa các khu vực chùa miếu, bệnh viện, trại giam, tòa án, đó là nơi có âm khí, oán khí, bệnh khí rất thịnh không có lợi cho công việc lãnh đạo.
3. Lấy “Ta” làm trung tâm
Phong thủy có một câu rất kinh điển “Sơn Hoàn Thủy Bão Hữu Tình”, có thể lấy các vật kiến trúc cao lớn làm Sơn, đem đường đi lối lại, chỗ nhìn hơi thấp làm Thủy, Sơn và Thủy cần ôm vòng bảo vệ xung quanh ta, hình thành ra khái niệm Tứ Tượng trong các cục đẹp của phong thủy: Tiền Chu Tước (Phía trước là chim Khổng Tước Đỏ), Hậu Huyền Vũ (Sau là Rùa Thần Đen), Tả Thanh Long (Trái là Rồng Xanh), Hữu Bạch Hổ (Phải là Hổ Trắng).
Nói một cách khác phía trước hơi xa nơi làm việc cần có chỗ hơi thấp rộng rãi, phía sau hơi xa một chút có chỗ cao lên; bên trái có đường xá đi lại quanh co uốn khúc; bên phải cần có vật kiến trúc nhô cao hơn ta chút chút. Còn như ngay tại chỗ làm việc của mình phía trước lại có vườn hoa nhỏ, hoặc hồ nước phẳng lặng trôi nhẹ. Ấy tức là thượng Phong thượng Thủy vậy.
4. Tàng phong tụ khí
Phòng của lãnh đạo tốt nhất là ở vào phía trong, bên ngoài là các phòng nhân viên giúp việc. Các phòng nhân viên giúp việc cần nhỏ (hoặc phòng lớn chia cho nhiều người), đây không phải vấn đề phân biệt đẳng cấp mà chính là để tụ nhân khí tạo sự gắn kết giữa các nhân viên. Cửa thông gian ngoài và gian trong không nên mở ở giữa, mà nên bố trí sao cho tất cả đều có thể vào phòng “Sếp” một cách nhanh nhất nhưng từ một bên. Nó làm cho tài khí từ phòng của “Sếp” không bị thất thoát ra ngoài, lại ứng với cách cục phong thủy “uốn lượn là có Tình”. Bức tường giữa phòng sếp và nhân viên giúp việc nếu có thể bố trí kính pha lê đẹp sáng thì càng tốt, tuy nhiên cần được che mờ bằng decal hoặc màn che - tạo cảm giác hơi “thần bí”.
Trong phòng của nhân viên giúp việc nên bày hoa cảnh, bể cá non bộ, làm cho Khí trong phòng luôn tươi mát, khiến cho người người qua lại đều hài lòng.
Bên ngoài phòng nhân viên giúp việc sẽ là phòng của các bộ phận chuyên môn trước tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ở vị trí này họ có thể nắm bắt dễ dàng các biến động, chu trình của công ty mà xử lý kịp thời.
5. Đảm bảo ánh sáng
Phòng làm việc của Sếp hai bên cần có cửa sổ kính, nhưng ánh sáng quá mạnh lại không tốt, nó làm cho người ở trong phòng dễ bị suy nhược thần kinh hoặc cảm thấy mệt mỏi. Nếu như ngoài cửa sổ là các cảnh sắc không đẹp thì nên lấy rèm che đi. Nếu ánh sáng quá nhiều thì bàn làm việc nên tránh xa cửa sổ một chút, ánh sáng yếu thì ngược lại.
Về cung vị thì cửa sổ quay về các hướng Đông, Nam, Tây đều được, duy chỉ không nên quay về Bắc. Bởi Bắc là thuộc cung Khảm, chủ về mệt mỏi, vất vả (Khảm – Hãm). Âm Khí quá thịnh, Dương Khí khó phát triển, áp lực cho công việc sẽ rất lớn. Nếu như là bất khả kháng thì cửa sổ không nên mở quá lớn, hoặc không nên ngồi quá gần. Các vật dụng trong phòng như giá sách, bàn làm việc nên dùng các màu ấm áp để chống lại âm khí.
6. Cách bố trí cần thể hiện khí thế và phẩm chất của lãnh đạo
Cách bố trí phong thủy của phòng làm việc và nhà ở không giống nhau. Phòng làm việc cần thể hiện được uy quyền một cá nhân, nó là văn hóa của doanh nghiệp, nó tạo ra lợi thế cho quyết sách cùng các cuộc thương thảo của bản thân Sếp và doanh nghiệp. Âm thanh, tranh ảnh, đồ đạc cần có Khí Lực, sao cho khách đến không thể không khâm phục Sếp về cả trình độ lịch lãm cũng như uy quyền. Tất cả đều dựa trên mệnh lý Bát Quái (thể chất) của vị Sếp ấy mà sắp đặt.
7. Hướng ngồi và bàn làm việc
Bàn làm việc của sếp không thể đối diện cửa phòng vào, phía sau lưng cũng không thể có cửa mở thông, như phạm phải thì cái đó trong phong thủy gọi là “Lục Sát”. “Lục Sát” tức là sự mâu thuẫn tuyệt đối (theo 6 hào trong quẻ kép Kinh Dịch) mọi sự đều khó thành. Bàn làm việc lớn hay nhỏ cần căn cứ theo sự lớn nhỏ của phòng, cũng cần theo khuôn khổ thân hình của Sếp mà định, cần có tỷ lệ đẹp.
Tất cả cách bố trí vật phẩm sử dụng trong phòng đều phải thay đổi cho phù hợp với Sếp. Đó là nguyên tắc tối thượng. Thế cục hình thành một vòng cung hướng ra ngoài, bàn làm việc của Sếp cần được đặt trong vòng cung bảo vệ đó, tất cả cần hình thành một lực hướng tâm bảo vệ, tăng cường ích lợi cho Sếp.
Bình luận từ người dùng