Ca dao, dân ca là giai điệu đời sống tình cảm của người Việt Nam. Lấy cảnh ngụ tình là phương thức phô diễn nhiều nhất của ca dao dân ca. Ở Nam Bộ, tới đâu ta cũng gặp cảnh sông nước mênh mang, kênh rạch chằng chịt xẻ khắp miệt vườn, đem phù sa tắm mát cho cây trái...
Ở mảnh đất giàu hoa quả và trí dũng này, tới đâu ta cũng gặp những câu hò, điệu lý, tới đâu ta cũng gặp những cây cầu, từ "cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" tới "cầu ván đóng đinh", rồi cầu xi măng, cầu sắt... Đã từ lâu, cây cầu là sợi dây tình cảm xóa đi sự xa cách giữa nhà "bậu", nhà "qua", giữa "mình" và "ta". Và nơi đây đã sản sinh biết bao câu ca dao, dân ca mang hình bóng cây cầu theo các điệu hò Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Hãy nghe lời một người mẹ ru con:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Nhưng người mẹ vẫn dặn con:
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời.
hoặc:
Khó đi bậu vẫn cứ đi,
Mượn ly uống rượu, mượn đờn đánh chơi.
Thì ta chẳng còn thấy cái khó, cái khổ đâu nữa mà chỉ thấy cái chí, cái tình, cái vui. Đó chỉ là "ví dầu" thôi, chứ thực ra chẳng có cầu nào ngăn được lòng người. Cũng vì chiếc cầu tre "lắc lẻo" mà chàng trai bộc lộ một nỗi lo:
Cầu tre lắc lẻo anh thắt thẻo ruột gan.
Sợ em đi chửa quen đàng,
Rủi em có mạnh hệ, lỡ làng duyên anh...
(hò Cần Thơ)
Cầu tre đã yếu, đã khó đi còn những cầu ván mỏng, ván yếu, ván oằn thì sao? Ta hãy lắng nghe ước mơ của một cô gái:
Anh về xẻ ván cho dày,
Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang.
Các cô gái đôi khi mượn cớ cầu chênh vênh để được người yêu dắt qua:
Cầu cao ván yếu gió rung,
Em không đi được cậy cùng có anh.
(hò Trà Vinh)
Một chàng trai bộc lộ nỗi ngờ vực đối với bạn tình:
Cầu cao ván yếu, con ngựa nhỏ xíu, nó chạy tứ linh.
Em đi đâu tăm tối một mình,
Hay là em có tư tình với ai?
(hò Kiên Giang)
Và đây là lời một cô gái chủ động bắc một cây cầu có mười hai tấm ván thật chắc để đợi người yêu. Con số 12 cũng là biểu trưng mười hai bến nước cuộc đời mà cô gái sẽ chọn một bến nước trong, bến có anh:
Bên này sông em bắc cầu mười hai tấm ván.
Bên kia sông em lập cái quán hai tầng,
Ba nơi đi nói, không ưng,
Bán buôn nuôi mẹ, cầm chừng đợi anh.
hò Sóc Trăng)
Chàng trai trong điệu hò Cần Thơ lại liên tưởng giữa "miếng ván con vòng" và tính "ham mê cờ bạc" của em để có một lời khuyên:
Bước lên cầu ván mỏng, miếng ván cong vòng,
Thấy em mê cờ bạc, trong lòng hết thương.
Nhưng nếu em là người anh ưng, anh cất công tìm kiếm, thì cầu gì anh cũng chẳng ngại:
Xa nhau anh muốn lại gần,
Cầu không tay vịn, anh lần anh qua.
(hò Bạc Liêu)
Cho dù "cầu ván đóng đinh" thật vững, nhưng nỗi đau, nỗi bực dọc của chàng trai nghèo xa xứ không tiền cưới vợ cứ ám ảnh:
Bước xuống cầu, cầu oằn, cầu oại,
Bước xuống tàu, tàu chạy, tàu nghiêng.
Em thương anh bóp bụng đừng phiền,
Đợi anh về xứ kiếm tiền cưới em.
(hò Long An)
Hai câu đầu của giọng hò đối nhau chan chát với cách ngắt nhịp ngắn 3/2/2 diễn tả một tâm trạng, một chí hướng của chàng trai. Thế mới biết sức mạnh của tình yêu! Có khi lời nói của chàng mộc mạc thẳng thắn, tuy có pha chút dỗi hờn:Cầu cao ván yếu, gió rung,
Em thương anh thì thương đại, ngại ngùng thì đừng thương.
(hò Cà Mau)
Điệu "Lý qua cầu" cứ văng vẳng khắp miền sông nước, trên ghe, trên xuồng. Các chàng trai cô gái tỏ tình, giận hờn, nguyện ước, chia tay bên những cây cầu. Con người Nam Bộ luôn mang trong mình chất "dõng dã", "trọng nghĩa khinh tài" vì thế trong điệu hò, họ khuyên nhau đừng vì "cầu danh vọng" mà "tham đó bỏ đăng":
Cầu nào cao bằng cầu danh vọng,
Nghĩa nào trọng bằng nghĩa tao khang.
(hò Đồng Tháp)
Nếu tình duyên trục trặc thì dù có đi qua cầu sắt vững chắc đến đâu họ vẫn thấy không vững:
Anh đi qua cầu sắt,
Anh nắm tay em thật chắc, miệng hỏi gắt chung tình.
Bướm xa bông tại nhụy, anh xa mình tại ai?
(hò Sóc Trăng)
Những cây cầu gắn bó thân thương với đời sống lam lũ của người dân lao động. Nó ẩn hiện lung linh trong tâm hồn của họ qua mỗi điệu hò, điệu lý, nó vang ngân mãi với sóng nước mênh mang và với muôn vạn nỗi lòng...
Bình luận từ người dùng