Expo - Hội Đấu xảo quốc tế | Expo 2010 Shaghai

29/12/2016 Kiến Admin
847
0

Lịch sử và đơn vị tổ chức Expo

Hội chợ triển lãm quốc tế (thế giới quen gọi là Expo, từ Việt cổ gọi là Hội Đấu xảo) là hoạt động triển lãm quốc tế chính thức, mang tính toàn cầu nhưng không có tính thương mại.

Các nước tham gia Triển lãm với tư cách Quốc gia. Triển lãm này có hai phần: sự kiện chính được tổ chức 5 năm một lần và sự kiện phụ, 4 năm tổ chức một lần. Hoạt động triển lãm kéo dài 4 - 6 tháng nhằm giới thiệu các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, văn hóa, xã hội, môi trường … của các nước tham gia. Triển lãm do Chính phủ hoặc Bộ, Ngành Nước đăng cai tổ chức.

Cục Triển lãm quốc tế (BIE) là cơ quan điều phối và quản lý Expo, được thành lập từ năm 1939, có trụ sở tại Pa-ri (Pháp). BIE có điều lệ hoạt động riêng trên cơ sở của “Công ước triển lãm quốc tế” do đại diện 31 quốc gia và chính phủ ký năm 1928 tại Pa-ri và được sửa đổi, bổ sung trong các năm 1948, 1966 và 1972. Hiện, BIE có 242 thành viên, trong đó có 47 quốc gia châu Âu, 35 quốc gia châu Mỹ, 51 quốc gia châu Phi, 44 quốc gia châu Á, 16 quốc gia châu Đại Dương và 49 tổ chức quốc tế.

Expo đã có lịch sử 159 năm, bắt nguồn từ Đại Triển lãm các ngành công nghiệp tổ chức tại Luân Đôn từ 1851 và ban đầu chủ yếu giới thiệu các mặt hàng kỹ nghệ truyền thống, sau đó mới tập trung giới thiệu về khoa học kỹ thuật, công nghệ và trở thành “sân chơi” quan trọng để các nước giới thiệu kinh nghiệm, lịch sử, trao đổi những ý tưởng sáng tạo, minh họa các giá trị đạo đức và hướng tới tương lai … Đây cũng là cơ hội để các nước tham gia giới thiệu các thành tựu của mình cũng như tăng cường các mối quan hệ quốc tế.

Expo đầu tiên trên thế giới là Expo London năm 1851 chứng tỏ tầm vóc siêu cường của Anh Quốc, nơi mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp.

Expo Osaka 1970 đánh dấu Nhật Bản trỗi dậy thành cường quốc công nghiệp.

Expo Thượng Hải 2010 là một dịp hiếm có để Trung Quốc nâng cao địa vị quốc tế và chứng tỏ sức mạnh mềm của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Báo chí Trung Quốc nói đây là sân chơi ngoại giao lớn nhất của nước này. Do tính chất cực kỳ quan trọng ấy, ngay từ năm 2002 khi Thượng Hải giành được quyền đăng cai Expo 2010, thành phố này đã dốc sức người sức của vào việc xây dựng Khu Hội chợ Quốc tế có quy mô lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ đăng cai tổ chức sự kiện này vào 2012, nhưng đây là sự kiện phụ. Sự kiện chính sẽ được tổ chức vào năm 2015 tại Ý.

Nội dung Expo Thượng Hải 2010

Triển lãm thế giới Expo Thượng Hải 2010 diễn ra từ 1/5 tới 31/10/2010. Đây là triển lãm có qui mô đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Các phương tiện truyền thông quốc tế đều thừa nhận Trung Quốc muốn phô diễn sức mạnh kinh tế và văn hóa trong cuộc triển lãm này nên đã đầu tư cơ sở hạ tầng đến 53 tỉ USD, chưa kể 4,2 tỉ USD chỉ riêng cho khu triển lãm (nhiều gấp đôi đầu tư cho Olympic Bắc Kinh 2008).

Logo của Expo Thượng Hải 2010 đã được quyết định từ ngày 29/11/2004. Theo đó, ý tưởng về logo dựa trên thư pháp của chữ “Thế” trong từ Thế giới, kết hợp với số 2010, thể hiện nguyện vọng mãnh liệt của người dân Trung Quốc gửi gắm vào Expo Thượng Hải về sự kết hợp của nền văn hóa đa dạng. Logo thể hiện hình ảnh hạnh phúc và ấm cúng của một gia đình 3 thành viên. Về nghĩa rộng, nó bao hàm cả nhân loại “Tôi, Bạn và Mọi người”, thể hiện quan niệm của Triển lãm về “hiểu biết, giao lưu, cùng hội tụ và hợp tác, cũng như mưu cầu “lấy con người làm gốc”. Màu xanh trên Logo thể hiện sức sống mãnh liệt của đất nước Trung Quốc, hướng về phía trước, tìm tòi sự sáng tạo phát triển bền vững.

Trong khi đó, linh vật của Expo Thượng Hải 2010 lại có tên gọi là Hải Bảo (báu vật của biển, tên tiếng Anh là Hai Bao) màu xanh, được thiết kế dựa trên ý tưởng chữ “Nhân” (con người). Linh vật thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của Trung Quốc và cũng đồng nhất với hình ảnh của Logo. Đây là lần đầu tiên thiết kế hình ảnh linh vật trong các Triển lãm thế giới sử dụng hình ảnh sáng tạo từ chữ tượng hình. Màu xanh của linh vật tượng trưng cho màu xanh của địa cầu, giấc mơ, màu xanh của biển, màu xanh của tương lai.

Các triển lãm thế giới thường khuyến khích những ý tưởng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con người. Lần đầu tiên World Expo 2010 thực hiện chủ đề về văn minh đô thị ở mọi khía cạnh, trọng tâm là các công nghệ giúp cuộc sống đô thị thêm bền vững. Đó là những kinh nghiệm phát triển đô thị, phổ biến những khái niệm mới về siêu đô thị, siêu khu vực, đồng thời cũng khám phá cách tiếp cận mới đối với thói quen, phong cách và điều kiện làm việc của con người trong thế kỷ mới, tạo nên một xã hội thân thiện với môi trường.

Chủ đề chính của Expo Thượng Hải 2010 là “Thành phố tươi đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn” (Better city, Better life), tập trung vào sự đổi mới và khai thác tiềm năng của đời sống đô thị trong thế kỷ 21 với 5 chủ đề phụ bao gồm:

+ Sự giao thoa của các nền văn hóa ở thành thị;
+ Sự phồn vinh của kinh tế thành thị;
+ Sự sáng tạo về khoa học kỹ thuật của thành thị;
+ Sự cách tân của cộng đồng dân cư thành thị;
+ Mối tương tác giữa thành thị và nông thôn.

Tất cả các chủ đề trên đều xuất phát từ mong muốn hướng đến những biện pháp thiết thực và hữu hiệu để vận động người dân có ý thức đối với biến đổi khí hậu và hưởng ứng Lời kêu gọi chung tay vì cộng đồng để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo đó, tư tưởng cốt lõi trong chủ đề của Triển lãm là thành phố do con người sáng tạo nên, không gian tiến hóa và phát triển như một hệ thống hữu cơ. Con người là tế bào giàu sức sống nhất và giàu sáng tạo nhất trong hệ thống hữu cơ. Cuộc sống con người gắn liền mật thiết với hình thái và sự phát triển của thành phố. Cùng với sự gia tăng của tốc độ đô thị hóa, tác động qua lại giữa hệ thống hữu cơ thành phố với hệ thống sinh quyển và tài nguyên của Trái đất càng ngày càng sâu rộng. Con người – Thành phố - Trái đất, 3 hệ thống này gắn chặt với nhau, xuyên suốt trong quá trình phát triển thành thị. 3 nhân tố này ngày càng dung hòa với nhau thành một thể thống nhất.

Trên tinh thần đó, Expo Thượng Hải 2010 đặt ra 4 mục tiêu chính, đó là:

+ Đánh thức tiềm thức của cộng đồng trước những thách thức trong thời đại đô thị hóa, tìm kiếm các giải pháp khả thi;
+ Tăng cường bảo vệ di sản thành thị, lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng đối với sự phát triển bền vững của thành thị;
+ Khẳng định những khái niệm, ứng dụng thành công những phát minh về công nghệ liên quan đến sự phát triển bền vững của thành thị, tìm tòi các mô hình thành phố ở các nước đang phát triển;
+ Thúc đẩy giao lưu, học tập kinh nghiệm của nhân loại.

World Expo 2010 là dịp Trung Quốc tỏ rõ sức ảnh hưởng toàn cầu của họ đang gia tăng, đây là Expo đầu tiên ở một nước đang phát triển. Tổng cộng có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 57 tổ chức quốc tế tham gia Expo Thượng Hải; trong đó có 20 quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Theo Ban tổ chức, dự kiến có khoảng 70 triệu khách tham quan triển lãm, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Ước tính sẽ có 20 nghìn sự kiện văn hóa diễn ra tại đây và vé tiêu chuẩn dành cho khách tham quan là 160 NDT (khoảng 460.000 đồng). Ban tổ chức cho biết toàn bộ 500.000 vé vào cửa đã được bán hết ngay trong ngày khai mạc…

Lễ khai mạc Expo 2010

Lễ khai mạc được tổ chức với quy mô lớn nhất trong tất cả các kỳ triển lãm diễn ra hơn 150 năm qua đã chính thức bắt đầu vào lúc 20 giờ (giờ địa phương) ngày 30.04.2010 bên bờ sông Hoàng Phố, thành phố Thượng Hải - Trung Quốc.

Tham dự Lễ khai mạc có đại diện của 246 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Tổng thống Pháp; Tổng thống Hàn Quốc; Chủ tịch Ủy ban châu Âu và gần 20 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các nước đến dự …

Lễ chào cờ và phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Trung Quốc và quan khách quốc tế đã mở màn cho Expo tại thương cảng hàng đầu của Trung Quốc. Màn trình diễn văn nghệ được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình của Trung Quốc và nhiều kênh nước ngoài. Hơn 200 quốc gia và tổ chức quốc tế phô trương văn hóa của họ trong sự kiện xoay quanh chủ đề “Thành phố tươi đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Hơn 54.000 cảnh sát đã được huy động trong lễ khai mạc. An ninh được thắt chặt trong quá trình chuẩn bị.

Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng với những điệu múa cổ truyền và hiện đại, tái hiện sản phẩm thân thiện môi trường, với những màn pháo hoa rực rỡ.

Lợi nhuận từ Expo?

Có rất ít triển lãm trong lịch sử có lãi. Triển lãm ở Vancouver năm 1986 lỗ 33 triệu USD, ở Hanover năm 2000 bị lỗ 1,1 tỉ USD. Các quan chức ở Thượng Hải nói họ không nhằm mục đích kiếm lời, mà muốn qua sự kiện này thể hiện những thành tựu của Trung Quốc với thế giới, giúp người dân Trung Quốc hiểu và trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau.

Chính phủ Trung Quốc sử dụng sự kiện để nhấn mạnh thể hiện vai trò của chính quyền với người dân Trung Quốc, cho họ thấy Trung Quốc đủ mạnh để làm chủ nhà của hai sự kiện thế giới, với quy mô khổng lồ trong một thời gian rất ngắn. Gần 95% khách tham quan triển lãm sẽ là dân Trung Quốc, chỉ có 5% từ nước ngoài. Nơi tổ chức triển lãm là nơi thân thiện với môi trường nhờ sự ra đời của nhà máy điện mặt trời lớn nhất quốc gia và sử dụng các phương tiện đi lại không thải khí độc hại ra môi trường.

Trong nhiều tháng, Thượng Hải như một công trường xây dựng khổng lồ với các công nhân chạy đua để xây dựng kịp tiến độ. Thành phố có sân bay mới, đường tàu điện ngầm mới, các công viên và khu công cộng mới. Đó sẽ là di sản từ sự kiện này. Những đầu tư hạ tầng có thể đem lại lợi nhuận cho Thượng Hải về lâu dài sau sáu tháng triển lãm kết thúc.

Vì sao các nước phải có mặt?

Đây là sự kiện lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử. Các quốc gia và công ty đang có nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy quan hệ chính trị và thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

189 quốc gia tham dự triển lãm kéo dài sáu tháng và sự đầu tư chủ yếu chi cho các gian triển lãm của quốc gia đó. Các nước nhắm tới lợi nhuận vô hình là thu hút lượng khách Trung Quốc đến với gian hàng của mình. Các quốc gia nhỏ dựa vào quan hệ thương mại và viện trợ từ Trung Quốc cũng thể hiện thiện chí bằng cách có mặt. Các tập đoàn đa quốc gia như General Motors và Coca-Cola có mặt để nhắm vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc …

Xem tất cả các pavillon và ý tưởng thiết kế tại đây! | See More ... 

Tổng thể khu vực Expo Thượng hải

Sau khi giành được quyền tổ chức World Expo 2010 vào năm 2002, Thượng Hải bắt đầu giải tỏa khoảng 3,6 km2 tại khu vực sông Hoàng Phố, buộc di dời 18.000 gia đình và 270 nhà máy. Chính quyền thành phố cũng đã huấn luyện hơn 1,7 triệu nhân viên tình nguyện và thực hiện nhiều biện pháp an ninh, như cài đặt máy dò kim loại ở các cổng ra vào của đường xe điện ngầm và tạm thời đóng cửa khẩu tại một số khu vực biên giới. Trong tuần qua, cảnh sát thành phố đã bắt giữ khoảng 6.000 người bị tình nghi dính líu đến các hoạt động tội phạm như trộm cướp và mại dâm trong một chiến dịch kéo dài 12 ngày nhằm bảo vệ an ninh cho sự kiện này.

Mặt bằng tổng thể của Expo Thượng Hải được thiết kế với cấu trúc 5 tầng trải dài theo khuôn viên có tổng diện tích 5,28km2, dọc hai bên bờ sông Hoàng Phố , rộng gấp đôi nước Monaco; và gấp đôi các Expo nổi tiếng trước đây như Expo Chicago 1983 và Expo New York 1964.

World Expo được coi là bảo tàng nghệ thuật về những cảm hứng và ý tưởng của con người. Rất nhiều gian nhà triển lãm (pavilion) được xây dựng để tham gia World Expo. Từng khối pavilion là từng câu chuyện được kể lại bằng những ngôn ngữ kiến trúc riêng biệt. Tất cả nguyên vật liệu xây dựng các gian hàng sẽ được tái chế sau triển lãm. Phương tiện giao thông sử dụng trong triển lãm cũng là những chiếc ô tô không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Với tư cách là nước chủ nhà, Trung Quốc đã thể hiện ý tưởng mang đặc sắc văn hóa riêng có của mình và là 1 trong 5 kiến trúc vĩnh cửu trong Vườn triển lãm thế giới. Theo đó, Nhà Triển lãm Trung Quốc cao hơn 69m, có diện tích xây dựng là 160.000m2, lớn nhất tại Expo Thượng Hải, được thiết kế theo ý tưởng “Vương miện phương Đông, Trung Hoa cường thịnh, vựa thóc thiên hạ, người dân sung túc”. Kiến trúc bên ngoài có hình khối xếp, tạo cảm giác điêu khắc mạnh mẽ, thể hiện bề dày văn hóa Trung Quốc cũng như tinh thần phấn đấu của Trung Quốc đương đại.

Pavillon Việt Nam

Với Chủ đề “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Nhà triển lãm của Việt Nam (KTS. Vo Trong Nghia) nằm ở khu vực gian hàng châu Á, được xây dựng trên diện tích 1,000m2 được chia làm 5 khu chính, với kiến trúc độc đáo bằng tre, trúc. Ngoài các nội dung triển lãm, Nhà Việt Nam sẽ có các hoạt động như tổ chức tham quan, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; tham gia các hoạt động hội thảo; diễn đàn; các hoạt động giao lưu, kết nghĩa và tổ chức Ngày Việt Nam tại Triển lãm.

Tham quan Nhà Triển lãm của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hy vọng sẽ thu hút được nhiều khách quốc tế tham quan, qua đó giúp bạn bè quốc tế có được bức tranh tổng thể và những thông tin mới nhất về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa của Việt Nam hiện nay, đồng thời có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, một điểm đến hấp dẫn, tin cậy đối với giới đầu tư và khách du lịch quốc tế.

Việt Nam tham dự Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, năm Hữu nghị Việt - Trung, góp phần tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam tham gia Công ước Triển lãm Quốc tế năm 2003 và đã tham gia các triển lãm tổ chức tại Nhật Bản (2005) và Tây Ban Nha (2008). Tham gia Triển lãm Quốc tế tại Thượng Hải (2010) là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có vấn đề đô thị hóa. Thúc đẩy quảng bá và phát triển du lịch, tăng cường hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại. Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và tăng cường trao đổi văn hóa với bạn bè quốc tế. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học, công nghiệp, văn hóa, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các giải pháp thực tế, hiệu quả để giải quyết vấn đề đô thị hóa.

Được mệnh danh là “Olympic Kinh tế”, Triển lãm Thế giới 2010 Thượng Hải đang phá vỡ nhiều kỷ lục. Chắc chắn, nó sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và không thể nào quên trong lòng du khách.

Bài hát lễ khai mạc:

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1491
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy