Lời khuyên cho những người theo đuổi nghề Kiến trúc

19/05/2017 Kiến Admin Kienviet.net
3849
0

Kiến trúc dường như là một ngành nghề rất được ưa chuộng trong thời kỳ xã hội phát triển như ngày nay. Có lẽ vì thế mà số lượng các thí sinh dự thi vào các trường kiến trúc đang ngày càng gia tăng. Thế nhưng, bạn có biết không? Có những sự thật mà chỉ sau khi chúng ta trải qua hay va chạm vào nó thì mới biết được mình có thích hợp với nó hay không...

An image

Để giúp các bạn có thêm những cách nhìn đúng đắn về ngành nghề Kiến trúc, chúng tôi gửi đến các bạn lời khuyên chân thành của một giảng viên chuyên ngành kiến trúc. Hy vọng nó sẽ có ích cho bạn trong việc định hướng mục tiêu của ngày hôm nay và về sau.

Sau 12 năm giảng dạy đại học, tôi nhận thấy một thực tế là nhiều bạn trẻ có những ngộ nhận nhất định về định hướng nghề nghiệp- rất nhiều bạn có ý định thi vào các trường chuyên ngành kiến trúc, nhưng lại không biết nhiều lắm về ngành này, hoặc hiểu rất phiến diện về nó.

Công việc của một KTS:

Tất nhiên là thiết kế, lập trình một công việc liên quan đến nhà cửa hay các loại hình khác như công sở, trường học, bệnh viện. Nhưng không hẳn tất cả cả KTS đều thiết kế, vì như thế thì sẽ lấy ai để xây dựng, để thi công, để quản lý công tác thiết kế. Do vậy KTS có thể hoạt động đa năng trong nhiều lĩnh vực. Với nhu cầu hiện nay thì KTS chắc chắn là rất cần, và bạn không lo lúc ra trường sẽ không có việc.

Vẽ là điều kiện cần, nhưng không đủ:

Nếu toán lý kém, các môn khoa học kém, bạn đừng hy vọng sẽ bù đắp bằng vẽ mỹ thuật. Vì vẽ MT chỉ là thi đầu vào, và một KTS thì không chỉ cần vẽ giỏi mà còn phải giỏi nhiều thứ khác. Toán học giúp bạn thông minh, nhanh nhạy và khoa học. Văn học giúp bạn mơ mộng và luôn tràn đầy cảm xúc. Thế thì vẽ là chưa đủ bạn hãy bỏ ý định thi khối V vì dốt Hóa hay những lý do tương tự.

Kiến trúc không phải là năng khiếu

Bạn đừng hy vọng đẻ ra mình có năng khiếu về nghề này. Do vậy không có gì chắc chắn rằng cha mẹ bạn là KTS thì bạn cũng dễ trở thành KTS, không có mã gien này đâu vì nếu không đã chả đầy thần đồng Kiến trúc nổi tiếng thế giới- năm 3 tuổi đã tự thiết kế được nhà mình? Bạn chỉ có thể bắt đầu với sự nhẫn nại lớn nhất, luyện tập đúng cách và nuôi dưỡng ước mơ- đó là một phần giúp bạn thành công. Bạn muốn học Kiến trúc phải có lòng kiên trì hơn hết.

An image

Bạn chứ không phải ai khác thi đại học

Các bạn thường bị ảnh hưởng của cha mẹ, cha mẹ muốn này muốn khác ta là những đứa con ngoan biết nghe lời và thế là một ngày đẹp trời bạn bỗng nhận ra là mình hoàn toàn không phù hợp tẹo nào cái nghề của nợ này và bạn bối rối làm sao? Vậy ta phải làm gì đây khi đã trót tốn một khoản tiền không nhỏ theo học Kiến trúc, và phải làm gì đây không lẽ làm lại từ đầu?

Một số bạn khác lại cố gắng tìm đến những phép màu nhiệm của cuộc sống cất công tìm đến những thày dạy có tiếng, hay có quyền, với hy vọng biết đâu mình sẽ được lợi? Nhưng bạn biết đấy vấn đề là bạn thi, chứ không phải các thầy đi thi. Tất nhiên học một thày giỏi là cơ hội để bạn mở mang kiến thức nếu bạn thật sự cầu thị còn nếu không thì tôi tin rằng y học bốn phương bó tay. Tôi từng dạy, nhiều người hoàn toàn không có khả năng nhưng sự nhẫn nại giúp họ thành công- họ vào trường và học hành rất tốt rồi ra trường rất vững vàng với công việc. Trong khi đó, nhiều người bắt đầu với một năng lực rất khả quan, nhưng rồi họ chểnh mảng, họ chán, và kết quả là…như các bạn tự mường tượng.

Học nghề chứ không phải đua nhau tấm bằng đỏ

Rất nhiều bạn cứ nhầm tưởng bạn tốt nghiệp trường đại học danh giá (như Havard, hay Kiến trúc Hà nội chẳng hạn) thì có nghĩa là bạn giỏi. Không, bằng cấp chỉ cần khi bạn đi tuyển dụng, còn lại phụ thuộc vào khả năng bạn làm việc. Vấn đề là bạn học nghề nên bằng giá nào bạn cũng phải lĩnh hội những kiến thức nghề nghiệp. Tấm bằng đỏ sẽ vô nghĩa nếu bạn không biết phải làm gì sau khi ra trường. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp xong than thở rằng họ chẳng học được gì ở trường Đại học- như thế là không công bằng- vì như tự tôi thấy, rất nhiều điều cần học khi ta ngồi trên ghế nhà trường.

Kiến trúc- một nghề lao động như các nghề khác

Nhiều người muốn thi Kiến trúc, vì nó oai nhưng tôi xin thưa là không có nghề nào oai hơn nghề nào cả. Vấn đề là bạn yêu thích và phù hợp với nghề nào thôi. Nếu bạn nghĩ mình đang theo học cái gì đó danh giá thì không khác nào một người phụ nữ mở miệng là khoe chồng em giỏi. Và nếu bạn nghĩ rằng, làm nghề Kiến trúc thì đầy tiền- lại một lần nữa bạn nhầm. Tiền không tự nhiên sinh ra, nó được trả theo sản phẩm bạn tạo lập, và đôi khi nó ít hơn bạn tưởng rất nhiều. Nhiều khách hàng lầu bàu nói: vẽ có mấy bản vẽ mà đòi lắm tiền thế không biết- vấn đề là bạn có dễ gì để vẽ mấy cái bản vẽ đó. 

An image

Vẽ là một môn học nghiêm túc và cần sự tìm tòi

Nhiều bạn thuở bé vẽ Songoku rất đẹp, hoặc vẽ khủng long rất giống, nhưng vẽ MT lại khác. Nó cần các bước cơ bạn không thể nhảy cóc. Bạn phải có kiến thức về hình, về bóng, về cơ thể người (anatomy), về bố cục, tỷ lệ, và nhiều thứ khác, do đó học vẽ không vui vẻ tý nào, nó cũng khó không kém gì các môn học khác. Nếu bạn muốn đi học cho vui- thì bạn lại càng nhầm.

Kiến trúc thật sự là một nghề vất vả

Bạn hay lầm tưởng làm KTS dễ ợt đấy là vì bạn bị hoa mắt bởi những thứ truyền thông vớ vẩn như những cuộc phỏng vấn những người nổi tiếng bạn bị say mê sự hào nhoáng mà quên mất, thứ ấy chỉ là bề nổi rất mỏng thôi, một tảng băng chìm ở dưới mà bạn không nhìn thấy. Vậy nên, nhiều bạn thi vào Kiến trúc để hát, để hoạt động công chúng hoặc biểu diễn văn nghệ bạn không biết rằng những điều đó thật đẹp nhưng nó không phải là bản chất. Làm nghề Kiến trúc gian nan không kém gì các nghề khác. Độ rủi ro rất cao, thù lao thì rất thấp và chúng ta bị rất nhiều sự sách nhiễu của nhiều người có quyền, có tiền…

Bạn cần học cả hai môn chứ không phải một môn

Trước đây ( 10 năm trước), môn MT2 chỉ chiếm 2/10, người ta gọi là đề phụ. Nhưng bây giờ, tỷ lệ điểm vẽ là 5/5 với trường Kiến trúc, 6/4 với trường Xây dựng.

Vậy nếu bạn chỉ chăm chăm vẽ đầu tượng, bạn thiếu hẳn một phần cần thiết- đó là khả năng sáng tạo với hình thể, đường nét- cái mà ta hay gọi là MT2.

Điều đầu tiên bạn cần làm khi muốn thi Kiến trúc

Bạn hãy nghĩ thật kỹ ! “

Và nếu bạn đã sẵn lòng học Kiến trúc…thì hãy bắt đầu thôi:

Tôi vui mừng vì bạn đã chọn nghề này, dù tôi đã nói ra rả với mọi người rằng nghề này vất vả, nhiều khó khăn, và không hề dễ dàng giàu có. Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy học với hết khả năng của bạn, nếu nỗ lực- thành công sẽ đến với bạn, không đến nỗi khó khăn như nhiều người đồn thổi- kiểu như “xinh thế này trượt kiến trúc rồi em ơi”, hay là” cứ xác định vài năm mới đỗ, thi kiến trúc khó lắm”, hoặc “Lớp 12 mới học vẽ ư, làm sao mà đỗ được”….

An image

Thực ra thì mọi định luật đều không đúng với tất cả các trường hợp, và muộn hay không, nhiều hay ít thì lại không quan trọng bằng việc bạn có thật tập trung cho việc học nghề không. Có người học vẽ 3 năm, có người học vẽ đến 9 năm- nhưng rốt cục lại không thể tự mình làm nổi nhà cho mình. Có người chỉ học vỏn vẹn 3 tuần, nhưng lại đỗ đại học- chuyện này không có gì lạ cả. Vấn đề là ta học thế nào mà thôi. Và nếu bạn thật sự muốn theo nghề, nên nghĩ đến những điều mà đôi khi chúng ta lầm tưởng hay nghe những lời đồn thổi mà làm chệch đi hướng đi của chính mình.

Muốn học nghề Kiến trúc, trước hết văn hóa của bạn phải tốt, cụ thể là các môn tự nhiên như Toán, Lý cần chắc chắn, không chỉ thi đầu vào, mà học nghề kỹ thuật cần đến đầu óc khoa học, logic và chính xác! Các môn xã hội như Văn học, Lịch sử cũng nên học tốt, bởi bạn không thể sáng tác được bất cứ điều gì nếu tâm hồn bạn xơ cứng, và thậm chí cả đời không từng đọc sách, đọc truyện…

Muốn học Kiến trúc, bạn cần có năng khiếu thẩm mỹ, không chỉ riêng Mỹ thuật, mà nhìn chung biết càng nhiều về nghệ thuật càng tốt, đó là chiếc chìa khóa cho bạn thụ cảm cái đẹp, dần dần thúc đẩy tư duy tạo hình trong chính bạn tốt hơn!

Tất nhiên đúng khi nói rằng, môn vẽ sẽ rất quan trọng khi thi vào các trường Kiến trúc. Mặc dù năm nay, điểm toán nhân 1,5 là ý muốn của nhà trường cần bằng giữa các môn văn hóa và vẽ, nhưng nếu điểm vẽ của bạn dưới 5, đương nhiên bạn không được tuyển. Bạn sẽ buồn, vì cho như thế là bất công, em có tình yêu Kiến trúc sao bị từ chối? Tại sao các nước phương Tây không cần biết vẽ vẫn học Kiến trúc được (như một bài tôi đã trích cho các bạn đọc), tuy nhiên, bạn biết đấy- ta đang sống trong một điều kiện nhất định, và bạn không nên oán trách số phận vì sao em không sinh ra ở Mỹ hay Ý, mà lại khổ sở học vẽ ở Việt Nam? Bạn sẽ làm gì? Tôi cho bạn 2 lời khuyên: 1. sang các nước Tây ấy mà học, vì nó không phải thi vẽ, 2. hãy bỏ cuộc khi chưa quá muộn.

Cái căn nguyên của việc thi vẽ đầu vào không phải cố tình hạn chế khả năng trúng tuyển của thí sinh, mà thực chất, tại Việt Nam, nếu thi tuyển đầu vào cá nhân không có thiên hướng về mỹ thuật- thì e là rất khó để phát triển tư duy tạo hình và khả năng hành nghề sau này. Bởi vậy đến nay vẫn thi tuyển vẽ đầu vào là nhằm phân loại những người có khả năng cảm nhận, và những người hoàn toàn không. Ở các nước, tuy thí sinh không thi vẽ- nhưng học được giáo dục về cái đẹp, về hình khối, về tư duy Kiến trúc từ nhỏ, bởi thế trước khi học một trường Kiến trúc, hầu hết thí sinh đều đã có thiên hướng về sáng tạo rồi. Một số nước có các lớp dự bị, cũng là để thí sinh có thể học thêm những kiến thức nền tảng trước khi thi vào học chính thức.

Trong những năm qua, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã luôn đổi mới để có thể chọn lựa những thí sinh có khả năng học Kiến trúc thật sự vào học ( điều này hết sức cần ghi nhận). Trong khi trường Kiến trúc Sài Gòn chỉ thi bài vẽ tượng, trường Xây dựng thì môn vẽ Tĩnh vật chiếm tỷ lệ điểm cao hơn- trường Kiến trúc Hà nội đã chấm 5/5 cho 2 môn MT1 và MT2 khoảng 6 năm- nghĩa là có sự thay đổi về cách đánh giá tiêu chí thi tuyển. Môn MT1 chủ yếu vẽ tượng, do đó thường là do quen tay. Môn MT2 với mục tiêu là đánh giá khả năng sắp xếp, bố cục hình- môn này hướng tới tính tư duy sáng tạo hơn- và được xem như là nền để tiếp cận với sáng tác Kiến trúc. Như vậy, việc bạn thi vào Kiến trúc ngày hôm nay đã có một sự đánh giá khác ngày xưa rất nhiều.

 

An image

Học vẽ có khó không? Theo tôi nếu biết cách thì không khó lắm, nhưng bạn cần những thứ như sau:

  1. Hãy hiểu đúng vấn đề và yêu cầu các môn vẽ

  2. Hãy vẽ với chính bạn, đừng vội vàng chép cái này hay cái khác- bạn sẽ vẽ rất xấu, dần thì được hơn rồi mới tới đẹp. Nhưng bạn yên tâm, bạn chỉ cầm vẽ được là cơ hội thi đỗ đã rất rộng mở với bạn. Việc không sao chép đúng với cả hai môn MT1 và MT2

  3. Hãy mở rộng khả năng quan sát, cảm thụ nghệ thuật từ âm nhạc, văn học, điêu khắc đến nhiếp ảnh, sắp đặt hay trình diễn.

  4. Phải rất nhẫn nại, thói quen chóng chán là kẻ thù số 1 của những người học vẽ. Cả them thì thường chóng vánh, bạn sẽ không thấy thú vị gì với môn vẽ cả, học trước quên sau, rồi nếu có cơ may đỗ, tôi nghĩ bạn sẽ tốt nghiệp đại học thôi- nhưng bạn sẽ luôn nói với mọi người rằng trường đại học chẳng dạy dỗ bạn gì cả- bạn sẽ ra đời, thử nghiệm với đủ các thứ để cuối cùng có khi bạn thù oán hoặc ân hận vì theo đuổi nghề này.

  5. Tìm hiểu thêm về những tấm gương hội họa như Bùi Xuân Phái ở VN, hay Leonardo Da Vinci- bạn không cần vẽ đẹp như họ, nhưng tôi tin là bạn sẽ “học” được nhiều từ những kinh nghiệm của họ, và nếu tư duy của bạn thay đổi- bàn tay hay tay nghề của bạn sẽ tiến bộ rõ rệt- đây là chìa khóa thứ 2 dẫn đến thành công cho người học vẽ.

  6. Hãy học đều đặn và luyện tập thường xuyên, không cần học một cách cấp tập hay nhồi nhét. Các học viên lớp 12 học tôi thường nhiều lắm là 2 buổi / tuần, nhưng tôi tin họ có cơ hội tốt cho việc thi đại học.

  7. Phải tự rèn luyện thêm, bởi thời gian 1 buổi học vẽ không nhiều. Muốn sáng tạo thì phải có vốn kiến thức, phải am hiểu, phải mẫn cảm với hình thể, với đề tài. Muốn diễn tả thành công bào vẽ tượng thì phải luyện tập nét vẽ (tôi không nói là luyện cho đều như kẻ chỉ- hay luyện đan ca rô cho tăm tắp), nét vẽ cần có phong cách riêng, cần có sự chuyển biến, và quan trọng là gợi được cấu trúc giải phẫu trên khuôn mặt tượng. Bạn nên tìm hiểu thêm kiến thức giải phẫu học- để ít nhất là bạn vẽ đúng các chi tiết trên mặt người.

  8. Bạn phải học cho chính bạn, chứ không phải học cho người khác. Đó là nếu thật sự yêu thích thì hãy học, còn nếu vì những lý do rất thiển cận như làm vui lòng cha mẹ, người yêu, hay dốt hóa, hay thần tượng anh chàng Kiến trúc sư nào đó mà dốc lòng thi- rồi một ngày bạn sẽ chán, lúc đó có thể bạn không còn sự chọn lựa khác nữa! Nên có định hướng nghề nghiệp, nên tìm hiểu xem Kiến trúc là gì, để làm gì, sau ra trường làm gì…rồi hãy bắt đầu học. Chỉ nên học khi bạn đã sắn sàng và không hối tiếc…

  9. Phải có lập trường vững chắc, những người dễ bị thay đổi, dễ bị lung lay thì nên cẩn trọng. Không phải ai nói gì cũng đúng, bạn phải phân tích bằng tư duy, không phải thấy ai vẽ cũng bắt chước, để rồi có khi bạn hiểu sai hẳn vấn đề. Với việc thi vào trường, sự đồn thổi nhiều lúc khá tai hại, ví dụ bạn sẽ cố đánh bóng cho thật đều và ngắn, nét mảnh nhất có thể, sít nhất có thể- vì các anh chị đi trước bảo em thế? Xin thưa: không có điều khoản nào cấm đoán việc thể hiện hình khối cho một cái đầu tượng, kể cả di vẫn được- nếu đẹp. Và chắc hẳn bạn chưa bao giờ nhìn thấy một văn bản quy định về kiểu cách vẽ thi vào trường Kiến trúc, nhưng bạn lại răm rắp làm theo một cách kỳ lạ. Tôi xin thưa là không có luật lệ nào cả, bạn vẽ thế nào cũng được, quan trọng là nó đẹp, nó diễn tả được tâm hồn bức tượng mà thôi. Còn nhiều những thứ khá ấu trĩ khác tiếc thay là rất nhiều bạn gặp phải, chẳng hạn như vẽ nền rất đậm, hay dựng hình đối xứng 100%, hay tất cả các chi tiết đều vẽ như nhau- dù mỗi bức tượng có một hình dáng hoàn toàn khác nhau?…Đấy là tôi chưa nói đến những điều các bạn hay hiểu sai về môn thứ 2. Các bạn thưởng giở sách, chép đại một cái gì đó- rồi đặt tên- như thế thì không đúng với tinh thần của môn học rồi. Cái gì cũng có gốc, có cơ bản, nền tảng của nó. Tôi khuyên các bạn nên học những thứ cơ bản, sẽ cho bạn sự vững vàng trên con đường bạn đi!

 

Không bao giờ là muộn nếu bạn thích học vẽ, nhưng hãy hiểu đúng trước khi chúng ta làm!

Học vẽ trước hết là tự thân, là mong ước của cá nhân các em, không nên vì nể người khác mà học. Khi đã là yêu thích thì rất không khó để thành công. Học vẽ cần cảm xúc, sự quan sát tinh tế và ý thức cầu thị học hỏi, bước từng bước chứ không vội vàng, nôn nóng. Một người học cơ bản tốt, sẽ vẽ chắc chắn, sẽ vẽ sâu và hình thành một phong cách riêng.

Các bạn cũng thế? Các bạn cần một chiếc vé đi vào cánh cổng trường Đại học, hay các bạn cần một hành trang để có thể vững vàng theo đuổi một nghề nghiệp? Nếu chỉ cần bước qua một cánh cổng, hẳn các bạn không cần học tôi, vì tôi biết, chưa chắc tôi đã giúp bạn có được năng lực bước qua cánh cổng đó nếu tôi biết bạn sẽ không bước tiếp, hãy nhường chỗ cho những bạn thực sự yêu nghề phải không ạ?

Tất nhiên bạn đang tự hoặc được hỗ trợ trang bị một hành trang đầy đủ, thế nhưng bạn lại cuống lên trước cánh cửa, và do mất bình tĩnh hay quên chìa khóa, bạn loay hoay mãi không mở được cửa, và hành trang của bạn cũng có nguy cơ bị triệt tiêu trước mắt?

Vậy bạn biết đấy, bạn sống như một hành trình, mà trong đó bạn nhất thiết phải bước qua một số cánh cửa mới đi tiếp được, như chuyện ngày hôm nay các bạn đang mong ước thi đại học.

Như tôi nói với các bạn, cái đẹp lớn nhất là cái đẹp của tự thân tâm hồn mỗi người. Và ước mơ của tôi là dạy được không một trò nào giống trò nào, ước mơ của tôi là mỗi bạn học tôi có một cách tiếp cận với môn học khác nhau, có một cách ứng xử với bải giảng của tôi khác nhau, và cuối cùng, sản phẩm của bạn- nhất thiết phải thể hiện được cảm xúc và bút pháp cá nhân bạn. Và thế, tôi ghét nhất những người bắt chước người khác, hay rình rình để lấy cái này, lấy cái khác trong bài người khác biến thành của mình, như thế thật đáng hổ thẹn!

Bước sang tháng 3 rồi, mùa thi cũng chỉ còn vài tháng, tôi mong các bạn hãy nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách khách quan nhất, để từ đó cũng cố những mặt mạnh, hạn chế những mặt yếu, để các bạn đủ tự tin mở cánh cửa bước vào trường ĐH, và vững vàng bước trên hành trình nghề nghiệp đã chọn lựa.

Hãy để ngọn lửa yêu nghề luôn thắp sáng bạn, bạn nhé? “

 

Tác giả đề nghị được giấu tên!

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1500
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy