Quy trình đào tạo Kiến trúc sư ở một số nước Tây Âu

29/11/2017 Kiến Admin tapchikientruc.com.vn
1673
0

Theo thỏa thuận EU Bologna ký kết bởi các Bộ trưởng Giáo dục vào năm 1999, phần lớn các nước thuộc Liên minh Châu Âu dần chuyển sang phương thức đào tạo 5 năm, cấp bằng Thạc sỹ (MSc) Châu Âu.

Tuy nhiên, phương thức đào tạo ngành Kiến trúc ở các nước Châu Âu khá đa dạng. Ở Anh, toàn bộ chương trình đào tạo thường gồm ba giai đoạn: giai đoạn 1 dài 3 năm, lấy bằng cử nhân (Bachelor of Architecture), giai đoạn 2 là 1 năm thực tập nghề nghiệp tại một văn phòng kiến trúc nào đó và sau đó quay lại trường để hoàn thành nốt giai đoạn còn lại. Giai đoạn 3 dài 2 năm, chủ yếu học nâng cao và chuyên sâu, kết thúc bằng văn bằng Thạc sỹ và sau đó trở thành KTS thực thụ được RIBA (Viện kiến trúc Hoàng gia Anh) công nhận. 

Riêng ở Pháp, các trường cung cấp khá nhiều lựa chọn trong chương trình học và bằng cấp chuyên sâu ngành Kiến trúc. Mô hình chung ở Pháp là đào tạo qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 2 năm (có chứng chỉ khi kết thúc từng giai đoạn); gồm có:

– Giai đoạn 1 (khoảng 2 năm): Cung cấp các kiến thức cơ bản phương pháp làm việc (1.600 giờ học) 

- Giai đoạn 2 (khoảng 2 năm): Cung cấp các khái niệm và phương pháp nền tảng về thiết kế kiến trúc và đô thị (1.500 giờ học) và kết thúc bằng đồ án tốt nghiệp.

- Giai đoạn 3 (khoảng 1 đến tối đa 3,5 năm): Giai đoạn chuyên môn hóa. Giai đoạn này cung cấp các kiến thức chuyên sâu trong một phân ngành rất hẹp, ví dụ: nội thất, bảo tồn và trùng tu, quản lý đô thị, thiết kế cảnh quan vườn công viên, kiến trúc và môi trường, phát triển bền vững…; và để cấp bằng DPLG (do 20 trường Kiến trúc công lập cấp), DSEA (do trường Kiến trúc tư thục cấp), DENSAI (Viện Khoa học ứng dụng Quốc gia Strasbourg cấp). Những văn bằng trên cho phép sinh viên  (SV) tốt nghiệp hành nghề tại Pháp, sau khi đã đăng ký vào Hiệp – Hội – Đoàn nghề nghiệp. Riêng bằng DEA (bằng cao học định hướng nghiên cứu) chuẩn bị cho SV bước vào con đường nghiên cứu lên Tiến sĩ – học trong 1 năm. Văn bằng của giai đoạn 3 có thể coi tương đương Thạc sỹ ở nước ta.

Giai đoạn thứ 3 đóng góp chủ yếu vào việc hình thành trong KTS chuyên môn rất sâu và khả năng hành nghề trong lĩnh vực đã học sau khi ra trường.  

Đại học Liège

Toàn bộ chương trình đào tạo ngành Kiến trúc và đô thị của Bỉ và Hà Lan gói gọn trong 5 năm (chia làm hai giai đoạn: 3 + 2). Ở Bỉ, sau khi kết thúc 5 năm học, người học được cấp bằng Thạc sĩ Kỹ sư – Kiến trúc sư dân dụng (Master Ingénieur civil architecte) – tương đương văn bằng Thạc sĩ ở Việt Nam. Với văn bằng này, người học có thể trực tiếp trở thành Nghiên cứu sinh để theo đuổi văn bằng Tiến sĩ hoặc ra đời hành nghề. Cũng với loại văn bằng này, người thiết kế có thể thực hiện cả công việc của KTS và Kỹ sư xây dựng. Riêng tại Bỉ không có chương trình đào tạo riêng cho KTS như nhiều nước châu Âu khác. KTS sau khi ra trường cần 2 năm kinh nghiệm trong một văn phòng thiết kế để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhìn chung, công việc thiết kế xây mới ở Châu Âu không nhiều do công tác xây dựng cơ bản đã tương đối hoàn chỉnh. Công việc chủ yếu vẫn là cải tạo, sửa chữa, trang trí nội ngoại thất…

Vì văn bằng là Kỹ sư – KTS dân dụng, nên trong chương trình học thường có nhiều môn học của ngành xây dựng như: Cơ kết cấu, Sức bền vật liệu, Cơ học đất, Thủy lực, Địa chất học, Cơ học vật rắn, kỹ thuật thi công, Vật liệu xây dựng, thiết kế kết cấu, kết cấu gỗ, thép, bê tông… Các môn cơ bản gồm: các loại Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh, Hình học, tin học đại cương. Các môn chuyên ngành Kiến trúc thường hướng đến vấn đề năng lượng, môi trường và phát triển bền vững. Trong môn học design, những vấn đề liên quan đến bối cảnh (context) của dự án được nhấn mạnh và giảng dạy rất kỹ. Các đồ án làm ngay tại địa bàn thực tế (live project) cũng là một cách làm rất hay và hiệu qủa.

Điểm đáng chú ý là số lượng đồ án Kiến trúc và Quy hoạch ở đây tương đối ít. Tổng cộng có khoảng 7 đồ án kiến trúc và 2 đồ án quy hoạch (số lượng thay đổi theo từng năm học). Đồ án thường phải đi kèm mô hình và thường chỉ bắt đầu vào năm thứ 3.

Antwerp University Campus - Một trường đại học mới tại Bỉ có đào tạo ngành kiến trúc

Tại Bỉ, người ta không phân ngành Kiến trúc và Quy hoạch rạch ròi, nhưng từ năm thứ 4, SV có thể chọn môn học Kiến trúc hay Quy hoạch theo sở thích. Nhưng văn bằng cuối cùng vẫn là KTS công trình. Muốn có văn bằng KTS quy hoạch, KTS phải tiếp tục theo đuổi thêm 2 năm bổ sung (Master complémentaire). Tại Hà Lan thì từ năm thứ tư có phân ngành Kiến trúc, Quy hoạch, Địa ốc, Cảnh quan, Khoa học công trình cụ thể.

Chất lượng đào tạo được đảm bảo thông qua nhiều chỉ tiêu, nổi bật là: 

   + 100% đội ngũ giáo viên đứng lớp đều có là Giáo sư có học vị Tiến sĩ, ngoài ra còn có sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ trợ lý Giáo sư.

   + Lớp học thường rất ít SV, do đó tỷ lệ GV/SV luôn ở mức lý tưởng. Số lượng tuyển sinh đầu vào rất thấp. Ví dụ: mỗi năm học, trường Đại học Liège của Bỉ chỉ tuyển trung bình khoảng 10 – 15 SV. Môn thi đầu vào cũng chỉ gồm một môn Toán. 

   + Hệ thống thư viện trực tuyến (Science direct – tập hợp khoảng 1500 loại tạp chí khoa học uy tín trên thế giới), thư viện truyền thống và các phòng thí nghiệm rất hoàn hảo. Đối với các trường Đại học ở Âu Mỹ, thư viện khoa học trực tuyến dường như là một chuẩn tối thiểu. Tất cả cán bộ, SV của trường đều có thể vào thư viện Khoa học trực tuyến với các nghiên cứu mới và liên tục cập nhật của giới khoa học toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt của các GS đầu ngành. Việc mua bản quyền của Science direct không rẻ, nhưng tác dụng mà nó đem lại thì vô cùng to lớn. Các SV có quyền khai thác trực tiếp các bài báo khoa học hoặc sử dụng các tài liệu tham khảo một cách chính thức, hợp pháp.

Chương trình học ở Bỉ rất nặng. Mỗi môn học có khối lượng kiến thức rất lớn. SV phải hết sức tập trung và làm việc cật lực mới mong vượt qua các kỳ thi. Các buổi học hầu như phủ kín cả tuần. Ngoài giờ học, SV phải tập trung tại thư viện để tự học hoặc làm bài tập nhóm. 

Có thể rút ra những điểm lớn trong mô hình đào tại tại Bỉ là:

+ Chương trình học rất nặng và “đậm đặc”, nhưng gói gọn trong 5 năm cho văn bằng Thạc sĩ (theo chuẩn chung của Châu Âu) thay vì 7 năm như ở nước ta.

+ Các môn học Đại cương khá ít và chủ yếu tập trung vào các môn khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Tin học…).

+ Số lượng đồ án không nhiều.

+ Đồ án tốt nghiệp thông thường có quy mô nhỏ (bảo tàng nhỏ, 1 khối lớp học, trường học nhỏ…). Kiến trúc thường có hình thức đơn giản chân phương, nhưng nhấn mạnh yếu tố thực tiễn (các đồ án phải có tính khả thi cao). 

+ Quy mô đào tạo rất nhỏ so với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo sư. Có thể thấy ở đây, chiến lược đào tạo thiên về “chất” rất rõ.

Trên đây là những nét tổng quát về chương trình và phương pháp đào đạo của một số nước Tây Âu nói chung và Bỉ nói riêng. Đối chiếu với quy trình đào tạo KTS ở nước ta, có thể thấy một số vấn đề đáng phải xem xét, suy ngẫm sau: 

– Liệu thời gian đào tạo ngành Kiến trúc ở nước ta có quá “dài”, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người học? Chương trình đào tạo giai đoạn Đại cương có cần thu ngắn lại và giảm bớt các môn học “ít liên quan”? Thực sự đây là vấn đề “khó” trong cơ chế hiện nay vì đó là chương trình khung cho nhiều ngành.

– Có nên phân chia giai đoạn đào tạo, trong đó có giai đoạn cuối đào tạo chuyên ngành hẹp giúp tăng cường kỹ năng chuyên môn của KTS sau khi ra trường?

– Trong điều kiện của Việt Nam, liệu chúng ta nên chú trọng bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho người học hay chú trọng và đề cao tư duy sáng tác? Việc này cần phải có những nghiên cứu và đánh giá chính xác để định hướng đúng cho đào tạo.

– Thực tế đã cho thấy đào tạo KTS cần một mô hình đặc thù, không thể cứ có tên trường là có ngành Kiến trúc. Một “Quy chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Kiến trúc Quy hoạch” do Hội KTS Việt Nam chắp bút và được Bộ GD&ĐT ban hành – như đề xuất của một đồng nghiệp (TCKT 11/2009) – là hết sức cần thiết vào lúc này.

Phải bằng nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng nước ta sẽ sớm khắc phục tình trạng vừa thừa (đầu ra), vừa thiếu (chất lượng) trong đào tạo KTS hiện nay.

KTS Nguyễn Ngọc Luân

KTS Nguyễn Anh Tuấn 

Laboratoire LEMA, Đại học Liège, Bỉ 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1521
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy