Về cái tên "sông Cửu Long" của người Việt

28/03/2018 Thành Cao sưu tầm
14069
0

Sông Cửu Long (người Âu Mỹ gọi là Mê Kông) là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới. Xuất phát từ vùng núi cao thuộc Tây Tạng, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (China), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi đổ vào Việt Nam.

Xem thêm:

Tổng thể dòng Mê kông dài hơn 4,500 km chảy xuyên qua 7 quốc gia

Người Tây Tạng cho rằng, thượng nguồn sông Mê Kông chia ra hai nhánh: nhánh Tây Bắc (Dzanak Chu) và nhánh Bắc (Dzakar Chu). Gần một nửa chiều dài con sông này chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, đoạn đầu nguồn tiếng Tây Tạng gọi là Dza Chu tức Trát Khúc. Trát Khúc hợp lưu với một nhánh khác tên là Ngang Khúc ở gần Xương Đô, tạo ra Lan Thương Giang (có nghĩa là “con sông lượn sóng”).

Lưu vực sông Mê kông (thượng lưu, hạ lưu và các nhánh sông)

Đầu nguồn của dòng sông đến nay đã được xác định rõ qua những cuộc thám hiểm gần đây. Năm 1994, một phái đoàn Trung Quốc và Nhật Bản đã đến nguồn phía Bắc cùng lúc với phái đoàn Pháp, do M. Peissel dẫn đầu, đến nguồn mạch phía tây với cùng một mục đích: chứng minh nguồn mạch chính của sông Mê Kông. Sau đó, những cuộc thám hiểm kế tiếp cho đến năm 1999 dưới sự hợp tác các nước Trung Hoa, Mỹ và Nhật Bản đã chính thức xác minh nguồn mạch sông Mekong thuộc nhánh bắc. Các con số về độ dài của sông dao động trong khoảng 4.200 km đến 4.850 km

Một số hình ảnh ở thượng nguồn

Phần lớn đoạn sông này có các hẻm núi sâu, và con sông này rời Trung Quốc khi độ cao chỉ còn khoảng 500 m so với mực nước biển. Người Lào và người Thái Lan gọi là Mẹkong hay Mékăng, Méganga có nghĩa là Sông Mẹ hay Sông Lớn. Tên gọi này có từ khoảng thế kỷ thứ XI lúc tộc người Thái Lan tiến về phía Nam lập quốc trên vùng bán đảo Đông Dương.

Tương tự tại Kampuchia, sông có tên gọi là Mékôngk hay Tông-lê Thơm (Sông lớn).

Sông Mê kông chảy qua tỉnh Vân Nam (TQ)

Sông Mê kông chảy qua Lào (Nong Kiau River)

Sông Mê kông chảy qua Lào (thác Khone)

Sông Mê kông chảy qua Campuchia

Sông Mê kông chảy qua Campuchia (Tonlé Sap)

Sông Mê kông chảy qua Việt Nam

Sông Mê kông chảy qua Việt Nam

Các cửa sông tại miền Tây - VN

Bắt đầu từ Phnom Penh, sông chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220-250 km mỗi sông trước khi đổ ra biển theo nhiều cửa:

  • Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa dòng, chảy qua Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang) thì chia làm bốn sông đổ ra biển bằng sáu cửa:
  • Sông Mỹ Tho, chảy qua tỉnh lỵ tỉnh Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho và phía nam Gò Công, ra biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu qua đường sông Cửa Tiểu.
  • Sông Hàm Luông, chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông.
  • Sông Cổ Chiên, làm thành ranh giới tỉnh Bến Tre - Trà Vinh (tên cũ Vĩnh Bình), đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu (còn gọi cửa Cồn Ngao).
  • Sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre (tên cũ Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai. Hiện nay, cửa Ba Lai đã bị hệ thống cống đập Ba Lai ngăn lại. Hệ thống này nằm trong dự án ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre.
  • Sông Hậu chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng và đổ ra biển bằng ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Tranh Đề (hay Trấn Di). Cửa Ba Thắc khoảng thập niên 1970 đã bị bồi lấp nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển ngày nay.
  • Ngoài các cửa nói trên, còn các cửa khác như cửa Bãi Ngao ở phía nam tỉnh Vĩnh Long.
  • Về phía Tây Nam lối 100 dặm có cửa Gành Hào là một nơi có nhiều thổ sản như mật ong, sáp trắng… và thủy sản cá cua rất dồi dào.
  • Ở Cà Mau còn có Cửa Lớn, một con sông bắt nguồn ở Đầm Dơi chảy ngang Năm Căn rồi đổ ra biển ở vàm Cửa Lớn.
  • Ngoài ra còn cửa Bồ Đề chảy ra biển Đông và cửa Ông Đốc chảy ra Vịnh Thái Lan. Vòng lên phía Bắc vịnh Thái Lan còn có cửa quan trọng khác là cửa Rạch Giá.

Về tên gọi sông Cửu Long, (hay đồng bằng sông Cửu Long) trước đây đã có nhiều ý kiến, ngoài nghĩa thông thường ai cũng biết là do các nhánh sông tại Nam bộ chảy ra biển Đông bằng 9 cửa nên được gọi là Cửu Long (chín con rồng). Tuy nhiên, có người lại cho rằng Cửu Long là tiếng phiên âm từ tiếng Mekongk của Khmer hoặc Mékăngtheo tiếng Thái.

Gần đây, nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường trong một tài liệu nghiên cứu, (Sử Việt đọc vài quyển) ông cho rằng: Cửu Long là phiên âm từ tiếng Klong của Malaisia, (cũng theo ông, nếu cố mà đếm cho đủ các nhánh sông thì cũng chỉ có 8 cửa!).

Như chúng ta đều biết, người Việt tiếp cận con sông này từ khoảng đầu thế kỷ XVII khi những lưu dân theo chúa Nguyễn vào Nam lập ấp xây làng. Từ đó tên gọi con sông này đã được ghi vào sử sách như sau:

► Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn soạn ghi là sông Khung:

Tháng 11, viên quan coi việc làm tập biên cương giới là Hoàng Hữu Xứng nghĩ dâng sách ấy phàm lệ có 12 điều:

Về nguyên được chuẩn cho kiểm xét cương giới nước ta tiếp giáp với nước Thanh, nước Xiêm, nước Diến và sông Khung Giang đích là chỗ nào, biên tập thành sách. Nay kính xét miền thượng du nước ta lấy sông Khung làm giới hạn, thì từ Nghệ An trở vào Nam, có giáp sông ấy, còn từ Nghệ An trở về Bắc, thì giáp giới với sông ấy, không liên can với nhau. Sách này xin chuyển lấy cương giới tiếp giáp các nước làm chủ, sông Khung cũng xét cả một thể, tùy theo địa phương nào, thông với sông ấy, biên thêm vào, đề phòng xem xét, nhưng đặt tên sách là Đại nam cương giới vựng biên, không phải cùng biên cả chữ “ Khung Giang”…) ( ĐNTL, sđd, tr 290).

► Theo tác giả Nguyễn Văn Âu trong sách Địa danh Việt Nam thì Khung là tiếng chỉ con sông của đồng bào dân tộc Thái ở tại vùng Tây Bắc Việt Nam (sđd, tr 40)

► Sách Sử lục bị khảo do Đặng Xuân Bảng soạn năm 1876 thì ghi là sông Lan Thương: “Miền Tây Nam kỳ thì có sông Tiền Giang và sông Hậu Giang là lớn nhất, tức là hạ lưu của sông Lan Thương bắt nguồn từ Thanh Hải (Trung Hoa)…” (Sử Học bị khảo, sđd, tr 138).

► Trương Vĩnh Ký khi viết Petit cours de geographie de la Basse – Cochichine xuất bản năm 1875 ghi là Mé-cong:

“Les fleuves Anterieur et Posterieur sont formes du grand fleuve Mé-cong…”( Petit cours…; sđd, tr 18).

► Khi soạn Gia Định Thành Thông Chí, cụ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) chính thức ghi tên sông là sông Cửu Long:

"Mỹ Tho giang - (Sông lớn): Ở trước trấn, làm sông cái của trấn. Phát nguồn từ sông Cửu Long tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy nhanh cuồn cuộn từ phía bắc qua phía tây…" (GGĐTTC, sđd, tr 42)

► Về sau, tên gọi Cửu Long mới được các sử gia triều Nguyễn ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí:

“ Miền tây Nam kỳ thì có sông Tiền Giang và sông Hậu Giang là lớn nhất, tức là hạ lưu của sông Lan Thương bắt nguồn từ Thanh Hải ( Trung Quốc) qua phủ Lệ Giang tỉnh Vân Nam, qua các phủ Đại Lí, Thuận Ninh, đến phủ Phổ Nhĩ, có sông Phổ Nhĩ đến từ phía đông chảy vào làm sông Cửu Long…” (ĐNNTC, T5, tr 273)

Căn cứ vào những ghi chép đó, ta có thể suy luận rằng, phải chăng tên gọi Mê Kông đã được cư dân người Việt, những người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại vùng đất mới dưới thời các chúa Nguyễn «Việt hóa» thành Cửu Long để truyền ngôn? Rồi từ đó, cụ Trịnh Hoài Đức mới chép vào cuốn địa chí đầu tiên của vùng đất Nam bộ?

Có thể lý giải rằng, cách gọi này, một phần dựa vào cách phát âm của cư dân láng giềng, những người đã cùng họ “đồng lao cộng khổ” trên vùng đất mới hoang vu đầy khó khăn thuở ban đầu. Nơi đó, trên rừng là cọp, dưới nước là sấu luôn chực chờ với bao nỗi hiểm nguy. Gọi tên một con sông dài bao trùm cả một vùng đồng bằng rộng lớn, bằng một âm gần gũi cũng là một cách để dễ dàng giao tiếp, tạo sự đoàn kết thân hữu, tương trợ nhau. Mặt khác, điều này có lẽ quan trọng hơn, trong tâm thức của người Việt đến từ các vùng phía Bắc di dân vào Nam, họ quan niệm rằng, một con sông lớn, một ngọn núi cao luôn gắn liền với hình ảnh của những vị thần, mà biểu tượng con Rồng (Long) là linh vật tiêu biểu, là vật chủ của nguồn nước… Lại thêm nữa, sông đổ ra biển theo nhiều nhánh, thuở đó không ai đếm được bao nhiêu, nên cứ gọi là chín (Cửu), đó là con số tròn đầy, viên mãn. Con số 9 là một tín ngưỡng đặc biệt của dân miền Nam. (Cũng như con số 7; Người ta thường nói núi Thất Sơn, nhưng thật ra có hơn 7 ngọn núi). Ý nghĩa số 9 biểu trưng cho số cực đại của hào dương trong dịch lý. Số 9 chỉ hào dương lên tột đinh, tượng trưng sự thịnh vượng. Có lẽ từ đó, tên gọi Cửu Long được cụ Trịnh Hoài Đức ghi vào sách và truyền lại đến ngày nay…

Và nếu quả thật là như thế, thì cái tên Cửu Long do người Việt vận dụng đặt ra quả là một từ đầy tư duy và “sáng tạo” !

 


Tài liệu tham khảo:

Đại Nam thực lục; QSQTN; T9; NXB Giáo dục, 2000.

Đại Nam nhất thống chí; QSQTN; T5; NXB Thuận Hóa; 1993.

Sử học bị khảo; Đinh Xuân Bảng; Viện Sử Học, 1997

Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, NXB Giáo Dục. 1999

Petit cours de geographie de la Basse –Cochichine. Trương Vĩnh Ký, SG, 1875.

Sử Việt đọc vài quyển, Tạ Chí Đại Trường, 2006 (bản sách điện tử).

Địa danh Việt Nam, Nguyễn Văn Âu, NXB Giáo Dục, 1993.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1520
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy