Những dòng kênh lớn nhỏ đan xen, những dãy nhà mọc lên giữa biển nước, những con thuyền gỗ gondola duyên dáng, những chiếc mặt nạ dạ hội đặc trưng mà bạn từng thấy trên phim Điệp vụ Italia hay Du khách chỉ mới là một góc rất nhỏ về những điều khiến Venice khác biệt với thế giới.
Tại Venice phố đều nhúng chân xuống nước.
Nằm ở Đông Bắc Ý, Venezia (hay Venice – cái tên quen thuộc với cộng đồng quốc tế hơn), nổi tiếng là thành phố thơ mộng, được xây dựng và nối với nhau bởi hơn 100 hòn đảo tự nhiên và nhân tạo. Nhìn từ trên cao, Venice có hình dạng như một con cá, rộng 555km2, bơi lội giữa phá Venice cạnh biển Adriatic. Venice thiếu màu xanh vì dường như cây cối là thứ gì đó hiếm hoi tại thành phố mà chỉ cần đào xuống vài centimet là chạm nước, cát hoặc cọc gỗ. Người ta chỉ có thể trồng những chậu hoa nhỏ ở bậu cửa sổ hoặc lan can cao trên các toà nhà.
Trải nghiệm tàu công cộng trên kênh
Venice được gọi bằng nhiều cái tên, thành phố nổi, thành phố không xe hơi, thành phố của những con thuyền, hay của cầu và kênh. Điều đó có nghĩa, chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đi bộ hoặc đi tàu thuyền khi đến Venice. Tất cả các quận, các khu đều được nối với nhau bằng những chiếc cầu nhỏ, dốc cao, trên những con kênh cho tàu thuyền qua lại.
Dù có thuyền, canô cá nhân nhưng người dân vẫn thích dùng tàu công cộng vì sự tiện lợi và thường xuyên của các chuyến. Trải nghiệm tàu công cộng là một điều thú vị, khó quên khi đến Venice. Những con tàu có thể chở từ vài chục đến cả trăm người dường như lúc nào cũng đông đúc, nhất là giờ cao điểm. Trên hệ thống sông kênh chính như Grande, Fusina, San Marco; ghe tàu, canô taxi, thuyền chèo tay chở người và hàng hoá luôn tấp nập. Dù hệ thống biển giao thông đặt hai bên bờ và canô cảnh sát giao thông chạy ngược xuôi thổi còi liên tục nhưng trên kênh vẫn… mạnh ai nấy chạy. Tàu vào ra bến chính và các trạm dừng hai bên kênh như thoi đưa. Những tay lái canô taxi vừa điểu khiển tàu vừa nói chuyện điện thoại, chẳng quan tâm những tiếng còi inh ỏi sau lưng. Những chiếc lớn cũng liên tục bấm còi cảnh báo thuyền chèo tay hoặc canô cá nhân chạy ngang dọc tại các nút giao thông. Âm thanh náo nhiệt của tàu thuyền chạy trên kênh có thể so sánh với tiếng ồn trên đường bộ tại TP.HCM giờ cao điểm. Có lẽ vì thế mà người dân tại Venice thường nói chuyện rất lớn khi ngồi trên những chiếc tàu công cộng.
Sống chung với lụt
Nếu chỉ thăm những công trình vĩ đại như quảng trường, nhà thờ lớn San Marco hay San Maria della Salute, có thể xem Venice thật cổ kính, vì thành phố và những công trình đã được xây dựng cả nửa thế kỷ. Nhưng nếu lang thang ở những con hẻm nhỏ, khám phá cuộc sống của người dân, nhìn sự xuống cấp của các công trình dân sinh, có thể thấy sự già nua của thành phố. Nhiều toà nhà bạc màu, gạch vữa rơi ra khỏi tường, nhiều con đường bị lún vỡ phải lót gỗ tạm, rong rêu bám đầy móng các toà nhà ngập chân trong nước, những đường nứt cũng xuất hiện trên các cây cầu. Tất nhiên, đó là sự phong hoá của thời gian mà những công trình trên dưới 500 năm tuổi luôn dầm chân trong nước khó tránh khỏi.
Ảnh bên: Những con hẻm thiếu bóng cây xanh.
Sự nổi tiếng của Venice mang lại nguồn tài chính lớn cho thành phố nhưng cũng khiến số lượng người trở nên quá tải so với khả năng đáp ứng nhu cầu của địa phương dù giá cả tại đây được coi là mắc nhất trong các điểm đến du lịch châu Âu. Những công trình được xây dựng nổi trên mặt nước là “đặc sản” của Venice, trung bình đón hơn 60.000 lượt khách du lịch (đông hơn dân số của Venice). Người dân Venice coi nước lụt là chuyện cơm bữa. Hàng loạt ngôi nhà phải bắc ván gỗ để đi lại trong những căn phòng ngập nước và đường sá cũng thường xuyên bị nước tràn. Trung bình, người dân ở đây chịu cảnh nước ngập năm lần vào những mùa nước dâng mỗi năm.
“Venice đang chìm dần xuống nước. Trong 100 năm qua, nước đã dâng lên 23cm. Những bãi cát dài ven bờ, như những con đê chắn và giữ cho khu vực ổn định khi mưa bão cũng đang biến mất dần”, Antonio – người lái tàu công cộng giải thích.
Trên đường từ đảo chính ra đảo Burano, ông Antonio chỉ những hòn đảo nhân tạo với những mảng bêtông rộng và hệ thống cần cẩu nói: “Họ đang làm những chiếc cửa ngăn nước khổng lồ, giữa phá Venice và biển Adriatic, chắc năm sau (2014) sẽ hoàn tất. Hy vọng ngăn lũ dâng cao và chặn sự xuống cấp của đầm phá và môi trường sống tự nhiên quanh vùng”. Trong điều kiện bình thường, những cánh cửa này sẽ nằm yên dưới nước. Khi có bão, trong vòng 45 phút các cánh cửa sẽ tự động nâng lên, ngăn cách khu đầm phá và vùng biển phía ngoài. Hệ thống này sẽ tránh cho Venice khỏi lụt, duy trì các hoạt động bình thường trong cảng và ổn định chất lượng nước trong phá. Dự án trị giá 6,7 tỉ đôla do cơ quan nước tại Venice, bộ giao thông hạ tầng Ý và một công ty kỹ thuật tại Venice thực hiện.
Nơi không đất dành cho cõi âm
Đảo nghĩa trang tại Venice.
Hầu như ai đến Venice cũng thắc mắc: vậy người ta chôn người qua đời ở đâu tại thành phố nổi này. Thực tế họ cũng có một nghĩa trang từ những năm 1800 mang tên San Michele. Đó là một hòn đảo khá vuông vức nằm giữa vùng nước mênh mông ở phía bắc San Marcos. Nơi đây, chủ yếu là hệ thống mộ xây cao và nơi đựng tro cốt đã hoả thiêu.
Trong nghĩa trang, các khu được chia tách riêng biệt, dành cho người theo đạo Công giáo, Tin lành... Tuy nhiên, nơi này khá hạn chế vì người qua đời phải rất giàu có mới có thể thuê đất và chôn cất tại đây một thời gian. Sau đó hài cốt cũng sẽ được chuyển vào đất liền. Ngày nay người dân chủ yếu để người thân được hoả táng hoặc chôn vào sâu trong đất liền.
Quả không quá khi có người đúc kết: “Nếu có tiền, bạn có thể sống ở Venice; nếu lãng mạn, bạn có thể chết tại Venice, nhưng chôn cất tại Venice thì không thể được”.
Kim Dung
Bình luận từ người dùng