Văn hóa là gì?
Văn hóa là bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, v.v... Cả hai khía cạnh cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa.
(Ảnh bên: Nghệ thuật Ai Cập cổ đại)
Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới. Văn hóa được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, nhân loại học (theo cách gọi của Mỹ hoặc dân tộc học hiện đại theo cách gọi của châu Âu), dân gian học, địa văn hóa học, văn hóa học, xã hội học,...và trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Các định nghĩa về văn hóa nhiều và cách tiếp cận khác nhau đến nỗi ngay cả cách phân loại các định nghĩa về văn hóa cũng có nhiều. Một trong những cách đó phân loại các định nghĩa về văn hóa thành những dạng chủ yếu sau đây:
- Về mặt thuật ngữ khoa học: Văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latinh "Cultus" mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là "gieo trồng ruộng đất" và Cultus Animi là "gieo trồng tinh thần" tức là "sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người". Theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679): "Lao động giành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần".
- Các định nghĩa miêu tả: định nghĩa văn hóa theo những gì mà văn hóa bao hàm, chẳng hạn nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Tylor (1832 - 1917) đã định nghĩa văn hóa như sau: văn hóa hay văn minh hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội.
- Các định nghĩa lịch sử: nhấn mạnh các quá trình kế thừa xã hội, truyền thống dựa trên quan điểm về tính ổn định của văn hóa. Một trong những định nghĩa đó là của Edward Sapir (1884 - 1939), nhà nhân loại học, ngôn ngữ học người Mỹ: văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống.
- Các định nghĩa chuẩn mực: nhấn mạnh đến các quan niệm về giá trị, chẳng hạn William Isaac Thomas (1863 - 1947), nhà xã hội học người Mỹ coi văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử,...).
- Các định nghĩa tâm lý học: nhấn mạnh vào quá trình thích nghi với môi trường, quá trình học hỏi, hình thành thói quen, lối ứng xử của con người. Một trong những cách định nghĩa như vậy của William Graham Sumner (1840 - 1910), viện sỹ Mỹ, giáo sư Đại học Yale và Albert Galloway Keller, học trò và cộng sự của ông là: Tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ chính là văn hóa, hay văn minh...Những sự thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp những thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng kế thừa.
- Các định nghĩa cấu trúc: chú trọng khía cạnh tổ chức cấu trúc của văn hóa, ví dụ Ralph Linton (1893 - 1953), nhà nhân loại học người Mỹ định nghĩa: a.Văn hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội; b. Văn hóa là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa.
- Các định nghĩa nguồn gốc: định nghĩa văn hóa từ góc độ nguồn gốc của nó, ví dụ định nghĩa của Pitirim Alexandrovich Sorokin (1889 - 1968), nhà xã hội học người Mỹ gốc Nga, người sáng lập khoa Xã hội học của Đại học Harvard: Với nghĩa rộng nhất, văn hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hay vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động đến lối ứng xử của nhau.
- Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.
Tóm lại, Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.
Xem thêm:
Trong một nền văn hóa tồn tại nhiều tiểu văn hóa và trên trái đất của chúng ta lại có rất nhiều nền văn hóa.
Văn hóa không chỉ là cơ sở đối với nhận thức của con người về thế giới mà còn đối với vấn đề đánh giá đúng, sai; tốt, xấu... Do vậy một vấn đề đương nhiên phải đặt ra là cá nhân đánh giá và phản ứng trước những mẫu văn hóa khác biệt thậm chí rất khác biệt với mẫu văn hóa của mình như thế nào. Các nhà xã hội học phân biệt hai cách ứng xử đối với những mẫu văn hóa khác:
(Ảnh bên: Hành hương về Bethlehem năm 1890)
- Chủ nghĩa vị chủng (hay còn gọi là chủ nghĩa duy chủng tộc, chủ nghĩa duy dân tộc, tiếng Anh: ethno-centrism): là thông lệ đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn văn hóa của chính mình. Khuynh hướng vị chủng là do một cá nhân đã gắn bó mật thiết với các yếu tố văn hóa của mình. Tuy nhiên điều này tạo ra sự đánh giá bất công hoặc sai lệch một mẫu văn hóa khác bởi lẽ những gì được đánh giá có ý nghĩa khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Chủ nghĩa vị chủng cũng có hai chiều, nếu một cá nhân đánh giá một nền văn hóa, một mẫu văn hóa khác theo cách tiêu cực thì ngược lại, cá nhân đó cũng có thể bị đánh giá như thế. Các nhà xã hội học, nhân chủng học thường có quan điểm phản đối thuyết vị chủng vì đó là cách phản ứng tiêu cực và bất công, sai lệch đối với những nền văn hóa, mẫu văn hóa khác nhau.
- Thuyết tương đối văn hóa (tiếng Anh: cultural relativism): là thông lệ đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn của chính mình hay một cách nói khác là đánh giá văn hóa khác trong cảnh quan văn hóa của chính nó. Đánh giá theo cách này có thể hạn chế hoặc loại trừ được những bất công, sai lệch cũng như phản ứng tiêu cực trước văn hóa khác biệt nhưng lại là thái độ khó đạt được. Muốn đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn của chính bản thân mình, cá nhân phải hiểu được giá trị, tiêu chuẩn của văn hóa khác cũng như không bị lệ thuộc bởi những giá trị, tiêu chuẩn của nền văn hóa của chính mình. Thuyết này cũng nhấn mạnh rằng các bối cảnh xã hội khác nhau làm nảy sinh các giá trị và tiêu chuẩn khác nhau. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận một cách không điều kiện các mẫu văn hóa khác mà đánh giá một cách không định kiến hoặc thiên vị trong bối cảnh văn hóa của chúng. Thuyết tương đối văn hóa đang được hỗ trợ bởi sự phát triển của công nghệ, truyền thông khiến cho sự phổ biến văn hóa nhanh chóng hơn cũng như nhu cầu tìm hiểu văn hóa khác tăng lên. Một trường hợp của thuyết tương đối văn hóa là chủ nghĩa duy ngoại (xeno-centrism), đó là sự tin rằng những gì (sản phẩm, kiểu cách, ý tưởng...) thuộc về nền văn hóa của bản thân mình đều ở dưới tầm so với những thứ tương tự nhưng ở nền văn hóa mà nó phát tích. Ví dụ: người Mỹ tin rằng đồ điện tử của họ không tốt bằng của Nhật bản, người Việt nam tin rằng dầu gội đầu sản xuất tại Việt nam không tốt bằng của châu Âu mặc dù cũng do chính hãng đó sản xuất...
Bình luận từ người dùng