Hạt bụi – Truyền Thống Kiến Trúc

Nếu ai cắc cớ hỏi rằng với bao nhiêu từ thì bạn diễn tả cho người ta hiểu được truyền thống kiến trúc (TTKT) là như thế nào? Tôi sẽ nói rằng trong mỗi giai đoạn của đời kiến trúc ta sẽ có câu trả lời dài ngắn khác nhau.

Khi mới vào học năm thứ nhất, còn được gọi là năm dự bị (préparatoire), được đi ăn bò bẩy món Ánh Hồng không phải góp tiền, ở Phú Nhuận, cạnh đường rầy xe lửa, nghe các đàn anh nói chuyện nègre-patron, tôi nhíp trong bụng và ngay kỳ làm đồ án đầu tiên tôi đã xông vào một họa thất xin làm “ne”, được giao nhiệm vụ chấm cỏ.

Thầy Thâng vào sửa bài cần cục gôm, cả bàn tìm mãi không thấy, thầy nhìn tôi nói “cốt đột đi lấy cục gôm coi.”.

Tôi đi mấy bàn mượn không được, về thưa lại, thầy và mọi người đều phá ra cười :

“Thầy biểu con đi “lấy”, chớ có nói đi “mượn” đâu hả cốt đột.”

Cái năm thứ nhất ấy để lại cho tôi ấn tượng sau :

Truyền thống của trường này là muốn học thì phải đi làm nègre làm mọi, patron “hắn” sai gì cũng phải làm. Ngày chơi, đêm thức rạc cả người, mà có học gì được nhiều đâu, ngoài việc chấm cỏ với at-suya-rê.

Và tôi đã có một quyết định sai lầm là không theo patron nào nữa.

Sai lầm này tôi phải trả giá bằng hai năm rớt analo liên miên.

Chắc các bạn còn nhớ tôi đã kể, một trong những lý do đưa tôi đến với kiến trúc là đã đi xem triển lãm và mê mấy bài analo, vì vậy vừa lên năm thứ hai tôi xăng xái đi hỏi đàn anh làm analo như thế nào, cần chuẩn bị gì, một ông đàn anh nào đó nói: “chú cứ đi mua hai cuốn Gromort và Pierre d’Esquier về là đủ tài liệu làm tuốt luốt”.

Lời khuyên đó không có gì sai, nhưng khi xem những bản vẽ rất chi tiết trong hai cuốn sách đó tôi tưởng là quá đủ nên đã bỏ các bài giảng của thầy Thâng.

Kết quả tai hại là tôi bị thiếu kiến thức về kiến trúc cổ điển, không hiểu điều quan trọng là mỗi thời kỳ có đặc trưng riêng, không thể lấy mô típ thời kỳ này gắn vào kiểu thức thời kỳ khác.

Vì thế tôi làm bài analo nào rớt bài đó.

Phần vì nản chí, phần vì ham chơi tôi bắt đầu bỏ bài không làm cho tới gần cuối năm thứ ba mới ăn thêm được 1 analo nữa.

Và nếu không có chủ trương bỏ bớt 1 valeur analo để tăng thêm một valeur projet ở cấp sơ-gồng thì không biết đến bao giờ tôi mới được làm projet.

Hai năm trời lận đận đó, nói rằng bỏ bài đi chơi, nhưng sự thực tôi vẫn thường quanh quẩn trong trường, la cà vào các họa thất làm ne kiểu chạy sô và nghe đủ thứ chuyện.

Chuyện từ các thầy, chuyện từ các đàn anh, chuyện các con ma trong trường, chuyện “ăn cháo chim”,…

Chuyện đêm khuya bu ở các ô cửa sổ họa thất 1, họa thất 2 quậy phá cô con gái một nhà ngoại giao Nhật bản ngồi học trên lầu nhà bên kia đường Phan Đình Phùng.

Hoặc hùa theo họa thất 3 họa thất 4 la hét, mở máy hát hết công suất phá trường Luật bên cạnh,

Em ơi, học chi cho lắm, tắm cũng ở truồng”.

Chuyện sau kể rằng:                                                                      

Khi nhà ngoại giao Nhật và ông Khoa trưởng Luật khoa đến văn phòng thầy Nguyễn Quang Nhạc, khoa trưởng trường mình lúc đó, để mắng vốn.

Thầy chỉ cười tủm tỉm trả lời :

“Ngài Lãnh sự nên chuyển nhà đi nơi khác ở cho yên”.

“Ông bạn khoa trưởng thân mến nên cho đóng hết cửa sổ thông qua trường tôi, tụi nó hết nhìn thấy mấy cô nữ sinh viên xinh đẹp của ông thời sẽ không phá nữa.

Chớ học trò của tôi nó thức đêm làm bài cực lắm, đùa phá cho vui vậy thôi.

Vả lại tụi nó quậy là do truyền thống trường tôi nó đã vậy rồi, tôi biết nói sao”.

Hai vị khách ấy đến trường để mắng vốn, khiếu nại.

Ai dè được nghe mấy lời “vàng ngọc” ấy của thầy chúng ta. Đành chưng hửng ra về!

“Minh sư xuất cao đồ”  

Thầy tuyệt vời như thế tất nhiên học trò phải xuất sắc chứ.

Thầy Nhạc kể chuyện, có thầy Thâng ngồi bên tươi cười cổ vũ, về ngày thầy mới vào trường Beaux Arts, lên một atelier xin làm ne, bị đàn anh thử thách bằng cách chỉ một cô gái đang đi dưới sân trường, bắt phải xuống tán làm sao đưa được cô ấy lên họa thất, thầy làm thật, nhưng khi đưa được cô gái lên họ lại bắt thầy dụ cô ta thoát y, cô gái nổi giận bỏ đi, cả họa thất cười ngất, hóa ra cô ấy là con gái ông khoa trưởng.

Tôi còn được nghe kể rằng ngày truyền thống của dân kiến trúc Beaux Arts, sau lễ hội, giữa đêm khuya các anh năm cuối còn kéo nhau ra phố lựa một căn nhà nào có mặt tiền dị hợm để đập phá, rồi những ngày sau tới làm lại cho đẹp hơn, hài hòa với toàn khu hơn, chi phí do tòa đô chính và nhà trường gánh.

Theo tôi suy đoán, cái truyền thống ấy nếu có, tất phải là một chủ trương làm đẹp phố phường của tòa thị chính Paris kết hợp với trường Beaux Arts.

Chắc trước đó các sinh viên đã chọn mục tiêu, đã làm thiết kế, dự toán trình nhà trường và tòa đô chính chấp thuận.

Chủ nhà chắc cũng đã được thông báo trước chứ chẳng không.

Dù gì thì những câu chuyện này cũng đã gây cho tôi niềm  phấn khích và tự hào.

Truyền thống kiến trúc là khi chơi thời quậy tới bến, bay bướm ra trò, nhưng khi học, khi làm thì nghiêm túc, biết tôn vinh những giá trị nhân bản, biết làm đẹp cho đời nên được đời trân trọng, ưu ái.

Lời nhận xét xác đáng của thầy Huỳnh Kim Mãng về lỗi rendu lạc điệu trong bài projet “Hội chợ” làm tôi tâm phục, niên khóa sau tôi xin vào họa thất 2 của thầy.

Chính nhờ công lao tài bồi của thầy mà tôi đã có được những hiểu biết vững chắc về kiến trúc, hình thành thói quen luôn luôn tìm đọc tài liệu, biết chắt chiu những gì là tinh túy, và từ đó hầu như tôi không còn bị “phua” bài nữa.

Lòng tự tin được củng cố, năm 1971 tôi mạnh dạn nhận nhiệm vụ làm chef décorateur cho lễ truyền thống.

Làm truyền thống tôi lại khám phá thêm nhiều điều đáng quý khác của trường mình:

- Ngày hội truyền thống kiến trúc là của sinh viên kiến trúc, các thầy, các kiến trúc sư chỉ là khách mời danh dự.

Vì vậy việc tổ chức, điều hành như thế nào hoàn toàn do sinh viên tự quyết định, họ có quyền trực tiếp giao dịch với văn phòng nhà trường để mượn các tượng cổ, các bảng vẽ, các bài lưu để tùy nghi sử dụng.

Tóm lại trong những ngày lễ hội truyền thống, trường Kiến trúc hoàn toàn thuộc về sinh viên.

- Cách gây quỹ cho lễ hội: Để có tiền làm truyền thống, ban tổ chức đem thiệp mời đến các KTS đàn anh “mời” rồi xin đàn anh ghi sổ vàng.

Được đàn em trân trọng, với dòng máu kiến trúc còn chảy rần rần trong huyết quản, đàn anh thường ghi những lời thân thương kèm theo những con số có tầm cỡ đáng yêu.

Mỗi sinh viên cũng được “mua” một thiệp mời đồng giá và chỉ một mà thôi, gọi là đóng tiền nhận cạc.

Ngoài ra cũng còn mời một số rất chọn lọc những người mà kiến trúc coi là “Bạn”.

Với ngân quỹ đó, ban tổ chức họp bàn tính toán làm sao có được một lễ hội đình đám, một bữa dạ tiệc hậu hĩnh, một đêm dạ hội không ai chê vào đâu được.

Cách gây quỹ không tìm nhà tài trợ “người ngoài” này vừa thỏa mãn được lòng kiêu hãnh của dân họ Kiến, vừa ấm tình đồng môn, vừa làm vinh dự cho khách mời nên ngân quỹ thường dư dả chớ không thiếu hụt.

- Khách mời: Mỗi thiệp mời là cho “một cặp”, xin nhấn mạnh là MỘT CẶP theo định nghĩa riêng của dân Kiến.

Điều đó có nghĩa là nếu bạn là nam thì dứt khoát người đi với bạn phải là nữ, nhưng không có trường hợp ngược lại, vì nếu bạn là nữ thì vẫn có quyền mời một bạn nữ khác.

Cái quy định này còn có một “khe hở” khôn là :

Một nam đi với bao nhiêu nữ cũng được, hoăc bạn gái nào đi một mình thì dù em không có “cạc” vẫn được mời vô. Nhưng thiệp của bạn nữ thì chỉ mời được duy nhất một bạn trai thôi, mà các o kiến trúc thường đánh giá cao phẩm chất của gà nhà nên phần lớn đã lựa bạn trai trong trường rồi, thành ra rất ít con trai lạ có cơ hội lọt vô lễ hội.

Sinh viên kiến trúc nam nhiều, nữ lưa thưa (đây là tôi nói về quân số chớ không nói về râu tóc đâu à nghe), lại nhẵn mặt nhau nên anh chàng lạ mặt nào lọt vào lễ hội là bị kiểm tra “cạc” rất kỹ, nếu không “biện” ra được là đi cùng với bạn nữ sinh viên nào thì có nghĩa là vô lậu, bị mời ra tức thì, nếu còn cố ý quay lại có thể bị lột áo vét, giày và cà vạt, mời ra về, ngày mai quay lại nhận đồ sau.

Chẳng biết có phải là lễ hội truyền thống kiến trúc hấp dẫn, độc đáo,  tại vì décors, tại balroom  náo nhiệt hay là tại cái cách mời khách oái oăm này?

Gồm đủ cả ba điều đó.

Và điều chắc chắn nhất :

BAL kiến trúc là độc nhứt vô nhị.

Phần trang trí lễ hội là phần được soi nhiều nhất, nhiều lời bàn Mao Tôn Cương nhất.

Idées phải mới lạ không được lập lại những gì năm trước đã từng làm, mà vật liệu quanh quẩn cũng chỉ có giấy vẽ, giấy báo cũ, lưới đánh cá cũ, bóng nhựa, bóng bay, nón lá, bao bố, các tấm lót trong thùng hàng, bột mầu, bột lumineux, sơn, đèn blacklight…  và bút nỉ nét lớn.

Ba bốn ngày trước lễ truyền thống (thường vào đêm NOEL) cả trường nhộn nhịp hẳn lên.

Tất cả các cửa sổ của  họa thất 1 và 2  được che kín bằng những panô nối bằng nhiều bảng double grand aigle căng giấy trắng tinh, hứa hẹn một balroom có sàn rửa sạch bong, rắc đầy poudre de talc, trong ánh đèn mờ ảo, sang trọng,  lung linh.

Chỗ thì học nhẩy đầm, chỗ đóng đinh ầm ầm, chỗ bồi giấy báo sũng hồ lên các bas-relief, nơi khác vẫn miệt mài làm cho xong bài projet.

 (Không hiểu có ý gì mà nhà trường thường qui định giờ nộp bài projet première vào 8 giờ tối ngày 24-12 ?!. Chẳng chừa cho “người ta” tí thời gian nào để tắm táp, lên đồ, đón đào gì cả!)

Tại sân trước, bãi cỏ  xanh mượt, có cây ngọc lan nhiều hoa thơm nhưng cũng nhiều kiến vàng, nó đốt trúng chỗ nào là sưng tù vù chỗ ấy, “không có tiền mua thuốc dán” nên ngứa lắm, nhưng mà gãi những chỗ ấy thì kỳ chết, nhất là các nàng!

Bên cạnh sân, mặt tiền thư viện cũng đã được che panô kín chờ được sơn vẽ làm phông để biến cái sân trong này thành một nội viên lãng mạn trữ tình, với khối điêu khắc bằng những cây nước đá xếp lên nhau, nằm ngay chân cột cờ, vừa chơi ánh sáng décors, gọi là có tý jeux de lumière cho nó xôm, vừa cải tạo vùng vi khí hậu toàn sân.

Hồi ấy chưa biết đến kỹ thuật làm băng đăng, uổng quá!

Balroom và các hành lang  treo đầy bài của  sinh viên, cố nhiên là chỉ những bài mới ăn trị số, để các chàng tha hồ “nổ” với các nàng.

Các panô ngoài trời đó chỉ chờ chef décorateur trình bày ý tưởng là nhân tài nhiều như kiến trên cây ngọc lan xung phong nhào vô thể hiện, cả các anh đã ra trường nhiều năm rồi dịp này cũng quay về làm “ne”.

Bởi thế truyền thống lúc này được định nghĩa như sau :

Truyền thống kiến trúc là tình đồng môn chan hòa gắn kết mọi thế hệ của trường, là niềm kiêu hãnh , là lòng say mê yêu nghề của những ai đã từng chấp nhận rửa lớp bụi đời để mang vào mình bụi kiến trúc, tất cả đã thể hiện đầy đủ trong ngày Hội Truyền Thống Kiến trúc tuyệt vời, độc nhất vô nhị của chúng ta.

Thế đấy,

Không có ông thần kiến trúc nào trong truyền thống kiến trúc đâu.

Chữ lễ rửa tội đã dùng là không chuẩn xác, là máy móc dịch chữ baptiser của Thiên Chúa giáo.

Chỉ có lễ rửa bụi đời để nhận bụi kiến trúc thôi bạn nhé.

Ôi,

Hạt bụi kiến trúc ơi, người mới đích thực là truyền thống.

Người là tất cả những gì mà tôi cố gắng qua năm bài viết, hơn 10,000  chữ  rồi vẫn chưa nói cho hết được.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi ?”

Để tôi đã trốn buổi lễ cuối cùng là rửa trả lại hạt bụi kiến trúc đó cho lớp đàn em, trước lúc ra khỏi trường.

Để hôm nay lòng mãi vấn vương.

 

ĐỖ XUÂN ĐẠM    08-11-2010

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1522
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy