KTS. Đào Đông Nhựt nói về Truyền Thống Kiến Trúc

Bắt nguồn từ Ecole des Beaux Arts, Lễ hội Truyền Thống (Beaux Arts Ball) không chỉ của riêng trường Đại học Kiến trúc SG mà còn rất phổ biến ở khắp nơi, đặc biệt là các trường Kiến trúc ở Mỹ, vốn ảnh hưởng từ trường phái Beaux Arts.

Lễ hội này có nhiều gốc gác sâu xa từ Italy với nhiều màu sắc mang dáng dấp phục hưng Đa thần giáo (paganism). Chính yếu là các màn hóa trang kỳ lạ cùng với các tiết mục hài hước quái chiêu phi chính thống (có phần... trụy lạc), và đặc biệt là... nudity! (Năm K87 làm Truyền Thống đón K91, đã có màn "cháo chim" đặc biệt của anh Vũ Xuân Long K84).

Logo Truyền Thống của một số khóa kiến trúc thực hiện

Được các Thầy đem về VN từ khi thành lập trường và cải biến cho phù hợp. Lễ Truyền Thống đã là một "đặc sản" của Đại học Kiến trúc SG suốt nhiều thập niên, và đã có khá nhiều thăng trầm theo thời gian. Thay đổi lớn nhất dĩ nhiên là các vấn đề tổ chức và quản lý từ sau năm 1975. Cùng với Truyền Thống Nerge - Patron, Lễ hội Truyền Thống do sinh viên tự tổ chức dĩ nhiên đã "vi phạm" nguyên tắc "lãnh đạo toàn diện" nên luôn luôn là một cái gai nhức nhối mà BGH rất khó trả lời với các cấp lãnh đạo từ Thành phố đến Trung Ương. Vì bởi vị "Thần sống" Nguyễn Quang Nhạc còn đó, nên BGH cũng nương tay. Làm từ từ, từng bước cấm ne, làm khó dễ cho BTC Truyền Thống, cơ cấu Đoàn Trường vào để "nắm"... nhưng đều bị phản ứng mạnh mẽ của sinh viên, (dân KIẾN TRÚC vốn dĩ... ngang ngược). Từ ngày Thầy Nhạc nghỉ hưu thì cục diện thay đổi nhanh chóng, và đến khi Thầy mất thì coi như Truyền Thống đã chính thức chấm hết.

GS. KTS. Nguyễn Quang Nhạc qua nét vẽ của KTS. Nguyễn Tùng Lâm

Đối với Cựu sinh viên trường Đại học Kiến trúc SG, Truyền Thống không chỉ là lễ hội một đêm, một mùa, mà là... một đời. Nó bắt đầu từ ngày chân ướt chân ráo vào trường, rồi bao nhiêu năm chà lết họa thất, ra trường thực tập, làm kiến trúc sư và vẫn tiếp tục những câu chuyện nghề nghiệp, đồng môn, thầy trò cho đến ngày... nhắm mắt. KIẾN TRÚC như một giáo phái. Ngoài đời và trên FB, dân KIẾN TRÚC vẫn thích tụ họp nhau nhiều nhất so với các ngành khác. Từ trong nước ra đến hải ngoại. Có những người anh, người em chưa bao giờ biết mặt, nhưng hễ gặp là... anh em hết. Dân KIẾN TRÚC là một đại gia đình, rất thân tình và cũng rất lình xình rắc rối. Riêng về mặt chuyên môn thì đây là một mạng lưới "reference" rất tốt. Quen biết, ne, hoặc từng làm việc với những anh em có tiếng tăm, có uy tín còn quan trọng hơn cả resume, cả trong nước lẫn ở Mỹ, giới KIẾN TRÚC lúc nào cũng có một network riêng.

Lễ Truyền thống & Lễ rửa tội cho tân sinh viên

"Chất kiến" là một từ lóng mới xuất hiện gần đây, ý là đặc thù của dân KIẾN TRÚC, cụ thể là dân KIẾN TRÚC SG. Nổ, phách, ở dơ, nghệ sĩ, cà khịa, điên điên hay lập dị chỉ là cá biệt. Dù cũng khá đông nhưng không phải là đại diện cho tất cả. Cân bằng giữa nghệ thuật và kỹ thuật, lơ lửng giữa các thái cực, giới KIẾN TRÚC nghệ sĩ nhưng thực tế hơn dân Mỹ thuật, khoa học nhưng phóng khoáng hơn dân Kỹ thuật. Nổ nhưng không láo, phách nhưng khiêm cung, ở dơ nhưng có style, cà khịa nhưng nghĩa hiệp, điên nhưng... rực rỡ! Đàn anh vừa khè vừa “chèn ép” đàn em, nhưng cũng vừa quan sát bản lĩnh và nâng đỡ, thưởng thức và đôi khi học lóm lại nếu nó ra phản đòn... đẹp. Không thiện không ác như Đông Tà Hoàng Dược Sư thích giết người tốt, cứu người ác... Dân Kiến chết không lên thiên đàng hay xuống địa ngục mà chỉ ở lưng chừng, mâm nào cũng có nhưng không thích người khác sờ mó mâm mình!

Riêng về Lễ Truyền Thống, đầu tiên phải xác định là phải do sinh viên Kiến trúc tổ chức, vì đây là Lễ Truyền Thống của NGHỀ Kiến trúc, không phải Lễ Truyền Thống của TRƯỜNG kiến trúc. Lễ Truyền Thống là dịp mà sinh viên khóa đó dương danh thiên hạ, để các đàn anh quan sát coi giò coi cẳng. Bao gồm nghệ thuật lẫn kỹ thuật và tổ chức, quản lý. Chỉ nhìn vào lễ Truyền Thống cũng có thể đoán được ít nhiều về chất lượng kiến trúc của khóa tổ chức năm đó. Không thể viện dẫn trường có nhiều khoa thì các khoa... cùng nhau làm. Một trường đại học tổng hợp (University) có 2-30 khoa thì không lẽ tất cả đều tham gia tổ chức? Các Beaux Arts Ball ở Mỹ cũng vậy. Lúc tôi học ở ĐH Kentucky, Lễ Truyền Thống cũng do sinh viên khoa Kiến trúc tổ chức, các khoa khác chỉ đi xem mà thôi. Bởi vì như đã nói, Truyền Thống có tính kế thừa và... truyền đời từ nhiều thế hệ đồng môn. Sinh viên khoa Y, khoa luật, khoa Mỹ thuật, khoa xây dựng có thể có tổ chức những lễ hội riêng, đặc thù theo lịch sử và ngành học, nhưng không thể gộp chung lại vì lý do "cùng trường" rồi cùng nhau tổ chức rồi cùng nhau gọi là "Lễ Truyền Thống" được. Đây không phải là kỳ thị hay bảo thủ. Lễ hội của Nhật Nguyệt Thần Giáo thì dù là Thiếu Lâm, Võ Đang, hay Ngũ Nhạc Kiếm Phái cũng chỉ là khách mời mà thôi. Trừ khi đổi tên là Lễ Truyền Thống tổng hợp! Cũng có lý lắm chứ, vì tên trường đã thành University of Architecture! Một kiểu trường đại học kiến trúc - "tổng hợp" duy nhất trên thế giới. Có biết bao tiến sĩ thạc sĩ đi học ở Tây ở Mỹ về mà dịch cái tên còn sai trầm trọng thì nói gì đến Truyền Thống? Ngày trước là Khóa tổ chức viết Thư mời các cựu sinh viên của trường VỀ dự Lễ Truyền Thống, giờ thì đồng chí thạc sĩ BGH ký văn bản đóng dấu kêu ĐẾN dự. Đúng là có khác! Rất xa.

KTS. Đào Đông Nhựt K87 - Cựu Sinh viên Kiến trúc SG

Ngay cả tiếng Việt cũng đang theo một định hướng mà không ai hiểu nổi huống gì tiếng Anh? Nghe mấy lời quảng cáo như kiểu "Bút bi Thiên Long, viết lên cuộc sống" mãi rồi nó thấm vào đầu không hay và nghe cũng... bình thường. Những độc tự như siêu, sang, sành, sốc, đỉnh, chất, khắc, phịch, phượt, phối, phốt... đã đang được sử dụng chính thống, thậm chí còn được chọn là "themes", là "key words". Biết đâu vài năm nữa sẽ có Lễ hội với từ khóa là... "vãi"? Những trào lưu này từ đâu đến ai cũng biết, và không chỉ riêng trường KIẾN TRÚC là nạn nhân. Xã hội đã biến chuyển và các thế hệ ngày nay được giáo dục và mặc định theo những "chuẩn mực" mới. Người ta nói đấy là bình đẳng, là phóng khoáng. Tôi đi học, sống và làm việc ở Mỹ 25 năm, cũng chưa thấy giới trẻ ở Mỹ, những người có suy nghĩ và lời nói tự do và bình đẳng nhất, có ngôn ngữ và thái độ như giới trẻ ở VN gần đây với những kiến thức "hớt váng" từ internet và đẳng cấp... đại ngôn, đặc biệt là trịch thượng. Tôi thuộc loại "open mind", không gọi hiện tượng đó là hỗn hào như những người bảo thủ giáo điều khác, tôi chỉ nhìn thấy sự tự ti, hoang mang và huyễn hoặc trong những ngôn từ "khẩu khí" kia (vốn dĩ thấm sâu nghìn năm trong dòng máu dân Việt). Dĩ nhiên là không phải lỗi của họ. Cả hệ thống, cả xã hội đã bị ô nhiễm nặng khó chữa. Mấy mươi năm rồi ai lại còn "khắc thuyền tìm gươm" làm gì? Thời đại đã khác, thuyền không thể đứng yên một chỗ. Nhưng quan trọng là con thuyền đang tiến ra biển lớn hay đang trôi lạc vào đầm lầy?

Không so với I.M.Pei hay Oscar Niemeyer, riêng với nghề KIẾN TRÚC nói chung và trong Truyền Thống của Trường ta nói riêng thì đây vẫn là "tâm sự" của một kiến trúc sư TRẺ. Mời anh em cứ chém thẳng tay... đúng như tinh thần của đồng môn kiến trúc.

KTS. Đào Đông Nhựt (Florida - USA)

 

Lời bình của KTS. NLTT - K89:

Mình cũng 'lăn lộn' chút chút với Truyền thống kiến trúc SG.

Bài viết này của Paton Đào Đông Nhựt đã khái quát đầy đủ các Sắc thái.

|tôi thích từ này|

Trong cái sâu thẳm cá nhân, lễ hội này là một sự kiên quyết không khoan nhượng, để đẩy kiến trúc thành bản năng, với sinh viên kiến trúc.

Cho nên mới đề cập đến một từ đặc thù là 'chất kiến', đã là chất, là thành máu thịt rồi.
Nên đôi khi chỉ có Yes hay No mà không cần giải thích. Miễn đồng môn & đàn anh gật đầu, là được.

Thậm chí, không quan tâm xung quanh nghĩ gì.

Tôi là tôi, tôi là kiến trúc, và kiến trúc là như vậy.

Không 'đụng hàng' và tự tại sử dụng phương tiện để bộc lộ 'chất' đó.

Lễ hội gồm phần lễ và hội rất rõ ràng, là sự pha trộn phi giới hạn và rất bản năng. Trang nghiêm & phóng túng, chuyên môn lẫn chiên xào. Rất thực và phong phú, như con người vậy... nhưng hàm chứa trong đó, không ít thâm sâu.

Xin lỗi, ai không có chất này, hòa nhập được với chất này, thì hình như... không duyên với nghề lắm.

Đó là đồ án để thẫm định & khẳng định và thăng hoa.

Đó là không gian sáng tạo có thể rất mộc mạc, trào phúng, sắc thần hòa lẫn, thậm chí, có thể đẩy đến siêu thực.

|Cám ơn Paton ĐĐNhựt|

Cái Thần trong phần lễ, được định danh là Thần kiến trúc, là một sự trang nghiêm lẫn trào lộng, vì không có ranh giới và dharma riêng để 'cố định' thần này.

Nam, nữ, unisex không quan trọng, thăng lên làm Zeus, hạ xuống làm Lưu linh, hóa thân tùy thích. Đạo mạo oai nghi hay phóng túng cũng tùy. Thậm chí, đẩy được đến mức "nhập linh" càng tuyệt.

Cho nên, đủ sức đồng hóa với 'Thần sáng tạo'.

Ngông nghênh như vậy, đậm chất sáng tạo & phóng khoáng như vậy, cho nên, đâu thể hòa nhập hòa tan với |độc tôn 'vô thần' chuyên chính vô nhân tính| được.
Nhất là phần Hội, càng không.

Nếu như có thể,
Tôi vẫn muốn tái hiện cảnh xe bò xe ngựa, chở đồ án và vài em 'hơi sexy' kiểu lễ hội carnival, cùng với hoa cỏ, rơm rạ... tiến vào trường.

Trân trọng.

KTS. ĐĐN - USA

 

Chuyên đề TRƯỜNG KIẾN 196 PASTEUR:

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1267
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy