Một Bức Hình 60 Năm

...

“Chúng mình đã ở 2 thế giới khác biệt” [1]

Saigon, tháng Tám năm 1960, một nhóm thân hữu cùng gia đình đang thong dong trên sân thượng lữ quán tân kỳ Caravelle một buổi sum vầy sau tiệc rượu. Thoạt nhìn họ phong lưu, lịch duyệt, trải đời...

Ba người đàn ông trong vest bộ Tây ở bên trái bức hình đã, đang và sẽ tiếp tục định vị tên tuổi của mình dưới bầu trời rộng mở của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam một thời.

Họ là Hoa - Thâng - Nhạc.

VIETNAM, HOA / THÂNG / NHẠC

Hoa, tức Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1916 tại tỉnh Cantho [2], kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hanoi [3] cùng với những kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp cùng trường thuộc thế hệ kiến trúc sư thứ hai làm kiến trúc hiện đại tại Việt Nam sau những nhà tiền phong người Pháp và một phần là người Việt. Một trong số đó là Arthur Kruze, Giáo sư kiến trúc của trường Mỹ thuật Đông Dương và cũng là Thầy học của Hoa, sau trở thành đồng nghiệp. Hoa nồng nhiệt, yêu nghề và say mê kỹ thuật, một người thích hoàn thiện [4].

Thâng, tức Phạm Văn Thâng, sinh năm 1920 tại làng Vĩnh Lợi, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gocong, tỉnh Mytho [5]. Năm 1951, Thâng trở thành kiến trúc sư tốt nghiệp mention très bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê [6] rồi ở lại Pháp làm việc đến năm 1957 thì về nước làm Giáo sư tại trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon [7], đồng thời cộng tác với văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa. Thâng chuẩn mực, trầm lặng và vững chãi, một ngọn núi tĩnh.

Nhạc, tức Nguyễn Quang Nhạc, sinh năm 1924 tại tỉnh Gocong [8]. Năm 1957, Nhạc trở thành kiến trúc sư tốt nghiệp mention bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê rồi ở lại Pháp làm việc đến tháng Mười năm 1958 thì về nước làm Giáo sư tại trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon, đồng thời cộng tác với văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng. Nhạc phong lưu, hào hoa và lãng mạn, một cơn gió động.

SAIGON, THẬP NIÊN 1950-1960

Saigon thập niên 1950 và 1960 là nơi hội tụ hàng loạt những kiến trúc sư người Việt mang tư tưởng hiện đại, từ những kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hanoi và trường Kiến trúc Dalat [9] đến Saigon trước và đặc biệt là ngay sau Hiệp định Genève 1954 cho đến một lực lượng trẻ trung hơn trở về từ Pháp sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê cùng những kiến trúc sư đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon, chưa kể những người trở về rất sớm từ thập niên 1930-1940 sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê hay trường Kiến trúc Lyon [10] ngoài những người quyết định không trở về và trở thành một thế hệ kiến trúc sư người Việt Nam sống và hành nghề tại Pháp, Mỹ, Morocco, Ấn Độ.

Họ hiện diện khắp nơi từ các cơ quan của Bộ Kiến thiết và Thiết kế Đô thị, sau trở thành Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị, cho đến Văn phòng Công tác Đặc biệt cùng trực thuộc Tổng thống Phủ, Bộ Công chánh, Nha Công binh, Nha Mỹ thuật Học vụ, Viện Khảo cổ, các cơ quan Bộ thuộc Chánh phủ cùng hàng loạt những văn phòng kiến trúc sư tư vụ hoạt động sôi nổi, tự do.

SAIGON, KRUZE - HOA - TẢI - THÂNG - NHẠC - MÃNG

Văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng - Nhạc được đặt tại một biệt thự Pháp ở số 12 đường Duy Tân, gần đối diện cổng trường Luật khoa Saigon ở số 17 và gần Công trường chiến sĩ [11]. Căn biệt thự trở thành văn phòng kiến trúc sư Kruze - Hoa từ năm 1950 sau khi chuyển từ Dalat cùng với sự chuyển dịch lịch sử cùng năm của trường Cao đẳng Kiến trúc với Giáo sư Arthur Kruze tiếp tục làm Giám đốc. Năm 1954, Giáo sư Arthur Kruze trở về Pháp sau trận Điện Biên Phủ và Giáo sư Trần Văn Tải, sinh năm 1923 tại làng Tân Duyệt, tổng Quảng Xuyên, quận Camau, tỉnh Baclieu, một kiến trúc sư tốt nghiệp mention bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê và sớm trở về Việt Nam năm 1950 trở thành vị Giám đốc người Việt đầu tiên của trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon từ năm 1955.

Văn phòng kiến trúc sư Kruze - Hoa có sự tham gia cộng tác một thời gian của kiến trúc sư Trần Văn Tải, trở thành văn phòng kiến trúc sư Kruze - Hoa - Tải cũng như văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng - Nhạc cuối thập niên 1950 có sự tham gia cộng tác một thời gian của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, sinh năm 1920 tại làng Vĩnh Trinh, tổng Định Phước, quận Chau thanh, tỉnh Long xuyen, một kiến trúc sư tốt nghiệp mention très bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê vào năm 1956 kiêm đô thị gia tốt nghiệp Học viện Đô thị Viện Đại học Ba Lê vào mùa Xuân năm 1958 [12] trước khi hai vị kiến trúc sư tài năng này ra riêng và trở nên lừng lẫy.

Từ cuối thập niên 1950 khi đã ổn định về con người, Hoa - Thâng - Nhạc trở thành một hãng kiến trúc sáng danh với hàng loạt những bản thiết kế cao ốc, trụ sở, cư xá, ngân hàng, khách sạn, phi cảng, trường học, nhà máy và biệt thự được xây cất. Đó cũng là thời kỳ làm mưa làm gió của các văn phòng kiến trúc sư tư vụ cùng các cơ quan công vụ nhiều quyền lực trên đường chân trời rộng mở của kiến trúc hiện đại Việt Nam, nhứt là tại đô thành Saigon, nơi không ngừng cổ võ cho việc xây dựng mới.

Mùa Hè năm 1962, Hoa - Thâng - Nhạc nằm trong danh sách mười ba kiến trúc sư nổi tiếng Việt Nam được Văn phòng Tổng thống Phủ mời góp ý kiến về việc vẽ lại mặt tiền Dinh Độc Lập đối với phương án ban đầu của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ của Văn phòng Công tác Đặc biệt và hai kiến trúc sư Huỳnh Thị Kiều Nga, Trần Tiễn Chuân của Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị cùng trực thuộc Tổng thống Phủ phụ trách sau sự kiện đánh bom ngày 27 tháng Hai năm 1962 bởi hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.

SAIGON, TRƯỜNG CAO ĐẲNG - ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC

Saigon, tháng Mười Một năm 1966, những cuộc bãi khóa liên tiếp diễn ra nối liền với những cuộc tuyệt thực đầu năm 1967 trong giới sinh viên kiến trúc về việc biến cải trường Cao đẳng Kiến trúc trở thành Phân khoa Kiến trúc.

Năm 1967, trường Kiến trúc Saigon chính thức trở thành Phân khoa Đại học thứ tám trực thuộc Viện Đại học Saigon [13] với Khoa Trưởng đầu tiên là Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc dù về tuổi đời Ông nhỏ hơn hầu hết những Giáo sư người Việt thế hệ đầu của trường Kiến Trúc Sài Gòn cùng trở về từ Pháp. [14]

Năm 1970, Giáo sư Phạm Văn Thâng làm Khoa trưởng nhiệm kỳ tiếp theo thay Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc đến năm 1973 thì được kế nhiệm bởi Giáo sư Tô Công Văn, sinh năm 1921 tại làng Bình Hòa Xã, tỉnh Giadinh, một kiến trúc sư tốt nghiệp mention bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với người bạn học Phạm Văn Thâng nhưng đã lựa chọn con đường sớm trở về và cũng sớm khuấy đảo bằng một lượng công trình đồ sộ, rải kín bản đồ kiến trúc hiện đại Việt Nam nhờ văn phòng kiến trúc sư tư vụ nổi danh trước khi trở thành Giáo sư tại trường Cao đẳng Kiến trúc.

VIETNAM, THẬP NIÊN 1960-1970

Thập niên 1960 và đầu 1970 cũng chứng kiến sự sôi động nổi bật của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam với sự gia nhập của thế hệ kiến trúc sư mới người Việt tốt nghiệp từ trường Cao đẳng - Đại học Kiến trúc Saigon. Ngoài ra còn có sự trở về sau khi du học của những kiến trúc sư người Việt tại Anh, Pháp, Mỹ cùng sự hiện diện nhiều hơn của một số hãng kiến trúc Mỹ, Nhật bên cạnh một số ít sự ra đi theo chiều ngược lại, đặc biệt là từ năm Mậu Thân 1968 đến mùa Hè đỏ lửa năm 1972, giai đoạn khốc liệt bậc nhất của chiến tranh Việt Nam.

CHUYẾN ĐI LÀ VĨNH VIỄN [15]

Ngày 24 tháng Tư năm 1975, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cùng gia quyến lên máy bay rời Saigon, không kịp mang theo được gì, chỉ có đúng một vali đồ vội vã, đến khi “bừng mắt dậy trên sạp tạm trú ở Guam, nghe đài BBC mới biết chuyến đi là vĩnh viễn, chúng mình đã ở 2 thế giới khác biệt” [16]. Tại Guam, Hoa có viết cho Nhạc một lá thơ về sự ra đi, về những việc còn dang dở trên bàn vẽ của văn phòng hãng kiến trúc trên đường Duy Tân và hẹn cuộc trở về nhưng không thể nào gởi được trong những ngày Saigon rung chuyển. Nhạc và Thâng còn ở lại, trải qua ngày cuối cùng của tháng Tư cùng gần 4 triệu con người.

Họ biệt tin gần 17 năm trời trước khi nhận được tin nhau trở lại qua những lá thơ tay đầu tiên nhiều cảm xúc.

NHỮNG HẠT BỤI CÒN BAY

Hoa định cư tại Mỹ kể từ năm định mệnh, “Công suốt đời gầy dựng từ con số 0 nay như dã tràng xe cát! Thứ dang dở xé đi và từ đó xuống thang âm thầm” [17], xót xa nghe chuyện Thâng và Nhạc “bên bờ hố sâu thẳm, vật vã trở lại con số 0” [18]. Ông mất tại Mỹ năm 2005 bên cạnh gia quyến.

Thâng còn ở lại Việt Nam hơn 13 năm trước khi lặng lẽ sang Pháp định cư vào một ngày mùa Thu tháng Chín năm 1988. 3 năm trước đó, trong một bức hình được ghi lại tại Nha trang vào mùa Hè tháng Bảy năm 1985 có nhiều vị kiến trúc sư nổi tiếng [19], người đời còn thấy được nỗi buồn lạc lõng và kỳ lạ trong đôi mắt của Ông bên cạnh những gương mặt hầu hết đều tươi cười. Nỗi buồn man mác nhưng thẳm sâu, trĩu nặng, như xé nát trái tim những ai từng yêu mến người Thầy mẫu mực của trường Kiến trúc Saigon và cũng từng là một kiến trúc sư lỗi lạc Việt Nam một thời. Những năm cuối đời, Thâng dần mất đi trí nhớ, không nhận ra ngay cả những thân hữu cùng trường Kiến trúc Saigon cũ khi họ đến thăm mình ở Ba Lê [20]. Ông mất tại Ba Lê năm 2004 bên cạnh gia quyến.

Nhạc sống phần còn lại của cuộc đời như một con đò lặng lẽ, như cơn gió đã không còn động, như điệu nhạc đã không còn quang mà phần nhiều là những nốt trầm. Ông cam chịu bệnh tật và những cơn đau đớn của tuổi già vì có lẽ cũng không có nhiều tiền để mà mua thuốc uống; đôi mắt cũng trở nên mờ dần vì cataracte [21]. “Bên nhà chỉ còn tôi và Ngô Viết Thụ” [22]. “Bạn bè thân hữu sang Pháp - Mỹ - Đức hết, lần lượt từ người này đến người kia” [23], chỉ còn lại thế hệ học trò mà Ông coi đó là nguồn vui sống. Tháng Năm năm 1990, Nhạc “nghỉ mất sức chớ không được gọi là nghỉ hưu” [24] vì chỉ mới làm việc 15 năm trong chế độ mới. Trong lá thơ Nhạc gửi cho Hoa vào ngày 20 tháng Mười năm 1991 sau gần 17 năm trời cách biệt, người đời còn thấy lại những dòng chữ đượm nỗi buồn bị nhoè trên trang thơ của một người trí thức còn ở lại. Ông mất tại TP.HCM năm 2004 bên cạnh gia quyến. “Những tháng ngày còn lại, Thầy sống như một vị Bồ Tát, vui vẻ, tự tại, không kêu than, oán trách bất cứ điều chi về những buồn vui được mất trong cuộc đời. Tài sản lớn nhất mà Thầy có được có lẽ là tình yêu, một tình yêu đặc biệt từ hàng ngàn học trò bao thế hệ, dù là trong nước hay hải ngoại, dù còn ở lại hay đã ra đi.” [25]

Một bức hình 60 năm và những con người lãng mạn, tài hoa đã làm nên một phần chân trời của kiến trúc hiện đại Việt Nam, một phần khung trời của trường Cao đẳng - Đại học Kiến trúc Saigon vang danh nay đã trôi theo gió cuốn.

Chỉ còn lại đây là dư ảnh, gió heo may thổi trên những con đường cũ và những hạt bụi còn bay.

Saigon, ngày cuối cùng của tháng Tám năm 2020

NNS

 

Xin chân thành cảm ơn những nhân viên của Archives Nationales de France, École Nationale Supérieure des Beaux-Arts (ENSBA) tại Paris, National Archives and Records Administration (NARA) và Library of Congress (LC) tại Washington D.C. đã hỗ trợ những dữ liệu đặc biệt và tất cả những quý vị đã sẻ san kỷ niệm trong bài viết này!

Hình: Từ album gia đình Ông Thanh Nguyen. Xin chân thành cảm ơn Ông!

[1] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa gởi kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc ngày 14 tháng Mười Hai năm 1991

[2] Tỉnh Cantho được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng Mười Hai năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900.

[3] École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine

[4] Hồi ức của kiến trúc sư Nguyễn Duy Tâm vào tháng Hai năm 2016

[5] Quận Gocong được thành lập ngày 09 tháng Hai năm 1913 khi giải thể tỉnh Gocong và sáp nhập vào tỉnh Mytho, đến ngày 09 tháng Hai năm 1924 lại tách Gocong ra khỏi tỉnh Mytho, trở thành tỉnh Gocong như cũ.

[6] École Nationale Supérieure des Beaux-Arts de Paris

[7] École Supérieure d'Architecture de Saigon

[8] Quận Gocong được thành lập ngày 09 tháng Hai năm 1913 khi giải thể tỉnh Gocong và sáp nhập vào tỉnh Mytho, đến ngày 09 tháng Hai năm 1924 lại tách Gocong ra khỏi tỉnh Mytho, trở thành tỉnh Gocong như cũ. Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc sinh vào tháng Sáu năm 1924, sau thời điểm trên gần 4 tháng.

[9] École Supérieure d'Architecture de Dalat

[10] École Régionale d’Architecture de Lyon

[11] Place du Maréchal Joffre hay Công trường Ba Hình 1921-1956; Công trường Chiến sĩ từ năm 1956; Công trường Chiến sĩ Tự do đầu năm 1970; Công trường Quốc tế từ năm 1972

[12] Institut d'Urbanisme de l'Université de Paris

[13] 07 Phân khoa Đại học còn lại trực thuộc Viện Đại học Saigon trước năm 1975 là:

+ Đại học Khoa học trên đường Cộng Hòa

+ Đại học Luật khoa trên đường Duy Tân

+ Đại học Sư phạm trên đường Thành Thái

+ Đại học Văn khoa trên đường Gia Long – Nguyễn Trung Trực, sau chuyển về Đại lộ Cường Để

+ Đại học Nha khoa trên đường Nguyễn Trãi

+ Đại học Y khoa trên đường Trần Quý Cáp, sau chuyển về Đại lộ Hồng Bàng

+ Đại học Dược khoa (tách khỏi Đại học Y khoa năm 1961) trên đường Trần Quý Cáp, sau chuyển về đường Công Lý, từ 1964 chuyển về Đại lộ Cường Để

[14] Giáo sư Lê Văn Lắm sinh năm 1925 là người duy nhất nhỏ tuổi hơn Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc trong thế hệ này. Năm 1967, Giáo sư Lê Văn Lắm đang kiêm nhiệm Giám đốc của cơ quan đầy quyền lực là Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị trực thuộc Tổng thống Phủ

[15], [16], [17], [18] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa gởi kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc ngày 14 tháng Mười Hai năm 1991

[19] Dữ liệu của kiến trúc sư Trần Đình Quyền

[20] Hồi ức của kiến trúc sư Cổ Văn Hậu ngày 02 tháng Bảy năm 2020

[21], [22] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc gởi kiến trúc sư Lê Văn Lắm ngày 29 tháng Mười năm 1991

[23] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc gởi kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa ngày 20 tháng Mười năm 1991

[24] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc gởi kiến trúc sư Lê Văn Lắm ngày 29 tháng Mười năm 1991

[25] Hồi ức của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất ngày 28 tháng Tám năm 2020

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1519
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy