Đàn Đá: Một nhạc khí cổ độc đáo của Việt Nam

17/09/2016 Kiến Admin
14710
0

Ngày 2 tháng 2 năm 1949 tại làng Ndut Liêng Krak thuộc vùng Cao nguyên tỉnh Đaklak, một nhóm phu làm đường trong lúc làm công việc san lấp, đã phát hiện 11 thanh đá lạ. Những thanh đá này, theo quan sát thông thường thì rõ ràng có bàn tay chế tác của con người chứ không phải đá tự nhiên. Để tiện việc hình dung ra những thanh đá, xin mô tả một số nét chính. Đây là những thanh đá có hình dáng thuôn dài, màu xám đậm. Thanh dài nhất 101,7 cm, nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm, nặng 5,820 kg.

Phát hiện này đã được báo cáo cho giáo sư khảo cổ học người Pháp là Georges Condominas lúc đó đang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ ( Hà Nội ). Tháng 6 năm 1950, giáo sư G. Condominas đưa những thanh đá này về Paris và chúng được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner.

Khi tạp chí Âm nhạc học ( năm thứ 33 – bộ mới ) số 97-98 tháng 7 năm 1951 đăng tải công bố của giáo sư Schaeffner: “ Một phát hiện khảo cổ học quan trọng – đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak ( Việt Nam ), có thể nói đã tạo một chấn động lớn trong giới khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, âm nhạc học, và rất nhiều các ngành học về xã hội, nghệ thuật khác nữa. Giáo sư dân tộc học người Nga R.L.Sadekov nhận xét: “nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết,….” do đó “ngành nghiên cứu lịch sử nhạc cụ có một tài liệu qúy báu cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc học chưa hề nghiên cứu tới”.

Một bộ Đàn Đá
 
Tuy nhiên, sau công bố khoa học gây chấn động cuả giáo sư A . Schaeffner, bộ đàn đá Ndut Liêng Krak vẫn chỉ nằm trong tủ kính của Bảo tàng Viện con người (Musée de L’Homme) tại Paris . Sau Đàn Đá Ndut Liêng Krak, người ta còn nhắc đến hai bộ Đàn Đá cổ khác nữa ở Việt Nam. Bộ thứ nhất gồm có 6 thanh; phát hiện vào khoảng năm 1956 và do một đại úy Mỹ đã mang về Mỹ. Bộ này hiện thuộc tài sản của gia đình bà Claire Omar Musser, một người sưu tầm đồ cổ ở Los Angeles.

Bộ thứ hai theo lời kể lại, có 6 thanh nhưng đã thất lạc 3, còn lại 3 thanh, được phát hiện bởi ông J.Boulbet tại nhà ông K’Brôih, một người dân tộc Mnông –Maa vùng B’lao vào năm 1958. Do hoàn cảnh, chiến tranh, các nhà khoa học cũng như nghiên cứu âm nhạc không có điều kiện để tiếp tục sưu tầm, khảo sát về những bộ Đàn Đá Việt Nam, và vấn đề chỉ được khơi dậy và sôi nổi kể từ năm 1979 . Ngay từ năm 1976, Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc Việt Nam cơ sở II tại Sài Gòn – nơi mà kẻ viết bài này đã có gần 20 năm học tập và làm việc với tư cách là một chuyên viên nghiên cứu (1978- 1997) –đã có kế hoạch sưu tầm, phát hiện Đàn Đá tại miền Nam Việt Nam . Từ tháng 2 -1979 một loạt các phát hiện quan trọng về Đàn Đá được ghi nhận như sau:

  • Tháng 2-1979: phát hiện 2 bộ Đàn Đá Khánh Sơn, phía tây huyện Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa.
  • Tháng 6 – 1979: tìm lại được 3 thanh trong bộ Đàn Đá B’lao mà J.Boulbet đã nêu phát hiện từ 1958 .
  • Tháng 12-1979: tìm thấy một bộ Đàn Đá với một thanh nguyên vẹn và nhiều thanh vỡ thành từng mảnh trong di chỉ khảo cổ Bình Đa ( Biên Hòa ) .
  • Tháng 1-1980: tiếp tục tìm thấy ở núi Dốc Gạo, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa 8 bộ Đàn Đá và một khu vực chứa tới 550 mảnh tước cùng loại đá của các thanh đàn –các nhà nghiên cứu có giả định đây là một “xưởng sản xuất Đàn Đa” của người xưa .
  • Tháng 5-1989: phát hiện Đàn Đá ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Bộ Đàn Đá này chỉ còn lại 2 thanh và do chính người viết bài này ghi nhận tại thực điạ và công bố trên công luận .
  • Tháng 2 – 1992: xuất hiện Đàn Đá Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Sau những phát hiện dồn dập đó là các bước nghiên cứu, làm việc tiếp theo của rất nhiều ngành khoa học như dân tộc, khảo cổ địa chất, âm nhạc học, Và sự tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tác, trình diễn Đàn Đá của rất nhiều các nhạc sĩ sáng tác, các nghệ sĩ trình diễn .

Có thể nêu một cách hết sức tóm lược những kết qủa nghiên cứu về các bộ Đàn Đá Việt Nam của nhiều chuyên ngành như sau:

1. Thứ nhất: Về sự phân bố Đàn Đá . Những bộ Đàn Đá đều được phát hiện tại các vùng trung du và thượng du các tỉnh từ Phú Yên kéo dài đến Biên Hòa, Đồng Nai. Miền đồng bằng, miền Bắc, miền Trung (cho tới Phú Yên) và miền châu thổ sông Cửu Long chưa hề phát hiện bộ Đàn Đá nào

2. Thứ hai: Về tuổi của các bộ Đàn Đá Nên nhớ rằng, tuổi của các bộ Đàn Đá không phải là tuổi của những thanh đá (mà tuổi của chúng có thể là nhiều triệu năm). Tuổi của Đàn Đá chính là tuổi cuả những vết ghè đẽo do bàn tay con người chế tác trên các thanh đá. Bằng những phương pháp khoa học hiện đại, các nhà khoa học Đức đã xác định tuổi của những bộ Đàn Đá Việt Nam là khỏang 3500 năm (sai số 100) cho những bộ xuất hiện sớm nhất và 2500 năm (sai số 100) cho những bộ xuất hiện muộn hơn

3. Thứ ba: về chất liệu đá của các bộ đàn . Những bộ Đàn Đá phát hiện ở Việt Nam (kể cả bộ đang trưng bày tại Bảo tàng viện Con Người – Paris) đều được chế tác từ 2 loại đá có ở vùng thượng du và trung du các tỉnh từ Đaklak đến Biên Hòa. Đây là 2 loại đá sản sinh từ nham thạch núi lửa, có đặc tính phát ra âm thanh (không như đá thông thường khi gõ vào chỉ phát ra tạp âm). Loại đá thứ nhất có tên khoa học là Rhryolite-Porphire, tính chất rất cứng. Loại đá thứ hai có tên Việt Nam là đá Sừng, không cứng bằng loại thứ nhất, có pha trộn nhiều hạt nhỏ màu trắng bên trong và dễ ghè đẽo hơn loại trước. Tất nhiên cả hai loại đá đều phát ra âm thanh để có thể chế tạo Đàn Đá. Loại Đá Rhryolite được ghi nhận ở các bộ Đàn Đá Khánh Sơn (Khánh Hoà), Bác Ái (Ninh Thuận ), Tuy An (Phú Yên). Loại đá Sừng được thấy ở các bộ đàn Ndut Liêng Krak (Đaklak), B’lao (Lâm Đồng ), Bình Đa (Biên Hòa), Lộc Ninh (Bình Phước) .

4. Thứ tư: Đàn Đá với các tính chất của một nhạc khí. Cần phải phân biệt giữa một giàn đàn Đá với một tập hợp những viên, những thanh đá kêu một cách tình cờ. (Đồng bào một số dân tộc ít người ở các vùng có phát hiện Đàn Đá thường có thói quen nhặt các viên, các thanh đá kêu về, treo ngoài nương rẫy, treo bên suối rồi lợi dụng sức gió, sức nước tạo một hệ thống tự động phát ra các âm thanh, nhằm xua đuổi chim thú phá hại hoa màu, và cũng là để giải trí cho con người).

Dàn Đàn Đá phải là một tập hợp các thanh đá có chủ định, có sự chế tác thông qua các vết ghè đẽo, có sự lựa chọn và sắp xếp về mặt âm nhạc (cao độ) để diễn đạt một thang âm (scale) mang tính truyền thống, đặc thù của vùng miền, thời đại và cộng đồng dân tộc ở tại thời điểm mà đàn được chế tác. Mỗi bài bản dân ca, dân nhạc, một nhạc khí được chế tác đều mang đậm bản sắc âm nhạc của vùng, miền, chủng tộc, thời đại mà bài bản hay nhạc khí đó xuất hiện.

Nói cách khác, chúng thể hiện được thứ ngôn ngữ âm nhạc mà chúng là đại diện. Đàn Đá cũng không thể là một ngoại lệ của quy luật đó, vì thế nghiên cứu ngôn ngữ âm nhạc trên Đàn Đá đã giúp chúng ta hiểu được không chỉ về âm nhạc mà còn rất nhiều lãnh vực khác trong đời sống của những sắc tộc chủ nhân của chúng. Về điểm này, các nhà âm nhạc học gần như thống nhất nhận định rằng, thang âm các bộ Đàn Đá Việt Nam là thang âm thời kỳ tiền Cổ đại, nghiã là khoảng 2500 năm trở về trước.

Nếu không là Đàn Đá – chế tác từ đá – mà lại là một cây đàn làm bằng các chất liệu khác như gỗ, thậm chí là sắt thép thì liệu có cây đàn nào tồn tại mấy ngàn năm, moi lên từ lòng đất mà vẫn cất tiếng ngân vang?

Tài Liệu Tham Khảo:

  • Lưu Hữu Phước : “ Đàn Đá Khánh Sơn “ ( Tạp chí Âm nhạc , số 7 , 1979 )
  • Trần Văn Khê: “ Tôi đã gặp đàn Đá Khánh Sơn “ ( Tạp chí Khoa hoc Xã hội , số 8 , 1981 )
  • Đặng Nghiêm Vạn –Diệp Đình Hoa : “ Mấy suy nghĩ về Đàn Đá “ ( Nghiên cứu Nghệ thuật ,số 1 , 1985)
  • Trần Quốc Vượng , Lê Trung Vũ : “ Những cây Đàn Đá nổi tiếng và thời đại đồ đá Việt Nam “ Những vấn đề Ââm nhạc và Múa , tập 6 , 1970 )
  • Tô Vũ : “ Những thanh đá Tuy An dưới góc độ âm nhạc học “ ( Văn Hóa Nghệ thuật , số 4, 1995)
  • Lư Nhất Vũ : “ Tổng hợp các kết luận khoa học về Đànø Đá Tuy An “ ( Hội thảo khoa học về Đàn Đá Tuy An , Phú Yên 1992)
  • Ngô Đông Hải :” Đàn Đá Tuy An , một nhạc cụ gõ lâu đời và độc đáo trong đại gia đình các Đàn Đá Việt Nam “ ( Hội thảo khoa học về Đàn Đá Tuy An , Phú Yên 1992)
  • Quang Văn Cậy : “ Bước đầu nghiên cứu Đàn Đá Tuy An “ ( Hội thảo khoa học về Đàn Đá Tuy An , Phú Yên 1992)
  • Vũ Hồng Thịnh : “ Nghệ thuật Cồng Chiêng của dân tộc Xtiêng “ ( Viện Văn Hóa Nghệ thuật 1995)...

Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1522
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy