Gạch xây là một thành phần quan trọng của một công trình kiến trúc, với 20-25 tỷ viên gạch tiêu thụ mỗi năm (dự báo đến năm 2020 lượng gạch tiêu thụ cho xây dựng tại VN sẽ là khoảng 40 tỷ viên/năm).
Để sản xuất lượng gạch này cần khoảng 600 triệu mét khối đất sét tương đương với 30.000 ha đất canh tác (hay nói nôm na, mỗi năm phải nướng diện tích một xã vào lò gạch!) - gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Bên cạnh đó gạch nung còn tiêu tốn nhiều năng lượng, thải khí độc hại, gây ô nhiễm môi trường...
Hiện nay, gạch không nung đã được dùng phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, chỉ có 10% là sử dụng gạch không nung. Còn lại vẫn kiên trì với 90% sử dụng gạch đất nung truyền thống và những làng ung thư, mắc bệnh vì lò gạch nung là hậu quả của thực trạng này.
Gạch không nung là gì?
Gạch không nung là loại gạch xây sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn đạt các chỉ số về mặt cơ học: cường độ nén, uốn, độ hút nước… mà không cần qua xử lý nhiệt. Gạch không nung được thế giới sử dụng từ lâu. Tại Mỹ và Tây Âu gạch không nung chiếm tới 70% thị phần. Ở nước ta cũng có nhiều loại gạch không nung như: gạch papanh (gạch xỉ), gạch block, gạch ximăng - cát, gạch đá ong… nhưng mỗi loại lại có một nhược điểm khác nhau nên không được sử dụng rộng rãi. Một số dây chuyền sản xuất gạch không nung của nước ngoài đưa vào nước ta nhưng bị hạn chế do thiết bị đắt, công nghệ phức tạp, kén chọn nguyên liệu, phụ thuộc vào phụ gia nhập ngoại làm cho giá thành viên gạch không nung bị đẩy lên quá cao, không phù hợp với thị trường trong nước.
(Ảnh bên: một số sản phẩm gạch không nung)
Một trong những loại gạch không nung phổ biến – giá thành phù hợp (chỉ bằng 2/3 giá thành của gạch nung thủ công), là loại gạch không nung được làm từ đất và phế thải công nghiệp, sản xuất theo nguyên lý “đất hoá đá”. Công nghệ sản xuất dựa trên nguyên lý từ lực và cơ lực, với sự hiện diện của nguyên tố Silic làm cơ cấu và chất kết dính mạnh, tạo ra hiện tượng ion hoá thành composite vô cơ, một loại vật liệu vững chắc. Ngoài độ bền nén, gạch không nung “đất hoá đá” còn có ưu điểm là kích thước rất đều (được tạo hình bằng máy, không cong vênh vì nhiệt) nên rất dễ xây, tốn ít vữa xây và vữa trát, có thể dùng để xây không trát khi cần trang trí… Đặc biệt là có giá thành thấp hơn, chỉ bằng 2/3 giá thành của gạch nung thủ công, đồng thời giải quyết được vấn đề tiết kiệm chi phí đối với những công trình có khối lượng gạch xây lớn.
Sản xuất gạch phải trải qua các công đoạn, bao gồm: phơi sấy đất nguyên liệu; nghiền đất theo kích thước tiêu chuẩn (bằng máy nghiền); trộn - phối liệu phụ gia và đất nghiền (bằng máy trộn); định hình viên gạch (bằng máy ép); phơi sản phẩm và Polymer hoá…
Một máy sản xuất gạch không nung mini - công nghệ Đức
Một dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung.
Công nghệ gạch không nung từ đất và phế thải xây dựng, sản xuất theo công nghệ “đất hoá đá” góp phần làm sạch môi trường do không sử dụng nhiên liệu đốt trực tiếp, không làm mất đất canh tác của nông dân, tận dụng các nguồn chất thải rắn của công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sản phẩm đạt chất lượng tương đương và cao hơn gạch nung truyền thống trong khi giá thành thấp hơn. Đây thực sự là giải pháp cho ngành xây dựng Việt Nam trong tương lai.
Hướng đi tất yếu
Không chỉ có nhiều ưu điểm về mặt kỹ thuật, ông Lê Văn Tới - vụ trưởng Vụ VLXD còn cho biết: “sử dụng gạch không nung còn tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu rẻ tiền hiện có tại các vùng miền và tạo ra được nhiều loại VLXD có giá thành thấp”. Việc phát triển vật liệu không nung là một hướng đi tất yếu, điều này phù hợp với chủ trương của Nhà nước cũng như đòi hỏi của thị trường và xã hội. Việc phát triển vật liệu không nung đang là một đề tài thu hút được sự quan tâm từ nhiều phía.
Trong tương lai gần, loại vật liệu này sẽ phát triển mạnh dựa trên chính những ưu thế nội tại so với vật liệu nung.
Bình luận từ người dùng