Kinh nghiệm quy hoạch xây dựng ở Mỹ

14/12/2016 Kiến Admin ttvnol.vn
535
0

Phục hồi cái lõi trung tâm thành phố

Sự tàn tạ của các cái lõi trung tâm đô thị suốt nửa thế kỷ qua tại các thành phố Mỹ phải chăng là mặt trái của chiếc mề đay phát triển công nghiệp. Đó là hậu quả hiển nhiên của sự lệ thuộcquá đáng vào xe hơi và đường cao tốc. Trong hướng kiếm tìm những không gian đô thị mới vào giai đoạn hậu-công nghiệp, người ta đang quay trở lại phục hồi các trung tâm đô thị cũ. Đâu là những lý do làm cho trung tâm đô thị Mỹ xuống cấp và làm cách nào để phục hồi chúng nhắm nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời đại mới. Đó là những vấn đề tôi muốn đào sâu nghiên cứu và rút ra các bài học có thể đem ra áp dụng ở nước ta. Đặc biệt tôi đề cập đến kinh nghiệm phục hồi khu trung tâm thành phố cảng Jacksonville (nằm ở mạn bắc bang Florida miền Đông Nam Hoa Kỳ) là nơi tôi có dịp tham quan tìm hiểu gần đây.

Nửa thế kỷ xuống cấp của các khu trung tâm

Sau Thế chiến 2, Hoa Kỳ bỗng chốc trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới và phát triển mạnh về nhiều mặt. Bùng nổ sản xuất và yêu cầu về nhà ở đã buộc chính phủ Mỹ sớm đề ra các chương trình xây dựng ồ ạt hệ thống xa lộ và các khu nhà ở ngoại ô. Một trong các hệ quả của những biện pháp trên là sự xuống cấp của các trung tâm đô thị truyền thống.

Thật vậy, đạo luật về đường sá liên bang và xa lộ quốc phòng ra đời vào năm 1956 đã làm xuất hiện hệ thống đường cao tốc chằng chịt tạo thuận lợi cho vận chuyển nhanh nhưng đồng thời cũng làm xuống cấp nhiều vùng đô thị cũ. Do sự kiện xe hơi có mặt khắp nơi và đường xa lộ chằng chịt, người dân thiếu chỗ ở nhanh chóng di chuyển ra vùng ngoại ô xây cất nhà. Thành phố phi tập trung hóa và trung tâm đô thị truyền thống mòn mõi dần. Nếp sống ngoại ô dạng ''suburb'' (đơn vị ở ngoại thành với bố cục nhà riêng lẻ trên mảnh sân vườn nhỏ xây lắp hàng loạt, chủ yếu đi lại bằng xe hơi) trở thành kiểu sống Mỹ phổ biến vào những thập kỷ cuối thế kỷ qua. Hiện tượng nhà ở dạng suburb phát triển bất tận này thường được các nhà nghiên cứu đô thị thế giới gọi là hiện tượng « vươn dài và lan tỏa như ung thư » của đô thị ở các nước công nghiệp phương Tây. Các khu thương mại và kinh doanh cũng lần lượt bỏ khu trung tâm thành phố chạy theo khách hàng của mình ở ngoại thành.

Suốt nhiều thập kỷ, trung tâm đô thị bị bỏ bê, nhanh chóng xuống cấp, nhà cửa cũ kỹ ngày càng bệ rạc chỉ còn thu hút người dân có thu nhập thấp. Tệ nạïn, tội ác gia tăng do nghèo khó và tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Quan sát thành phố Mỹ người ta dễ dàng nhìn thấy bộ mặt mâu thuẫn có vẻ nghịch lý của xã hội Mỹ. Đó là hình ảnh khu trung tâm đô thị chớn chở cao ốc văn phòng sáng choang với kính và thép lại bao quanh bởi những khu nhà cũ kỹ với những thị dân nghèo khó nhất, phần lớn là người da màu hoặc người mới nhập cư chưa ổn định cuộc sống. Trong khi đó thì hình ảnh nước Mỹ giàu có thật sự nằm ở các khu nhà ngoại ô khang trang với các khu buôn bán-dịch vụ tấp nập bên cạnh. Nằm ở vị trí trung tâm cac khu ở suburb là các ''Mall'' (trung tâm thương mại-dịch vụ) to lớn với các bãi đậu xe mênh mông.

Park 101 in Downtown Los Angeles

Giải phóng khỏi xe hơi và nhà hộp

Bước vào thế kỷ 21, Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ (AIA) phát động việc nâng cao chất lượng sống và đề ra những tiêu chuẩn phát triển các cộng đồng lành mạnh. Hai trong các yếu tố chính yếu của chương trình này là nỗ lực gia giảm số lượng xe cộ trên đường cùng thời gian sử dụng xe, và đưa được con người ra khỏi ngôi nhà khối hộp điều hòa nhiệt độ suốt ngày đêm để có thể vận động thể lực và hòa mình vào môi trường thiên nhiên. Đó là nhắm tạo được một nếp sống đô thị mới đáp ứng được mọi yêu cầu của đời sống mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào xe hơi. Chiếc xe hơi mà giáo sư và là nhà phê bình kiến trúc-đô thị nổi tiếng Mỹ Kenneth Frampton (Đại học Columbia, Hoa Kỳ) gọi là phát minh tai hại nhất (theo ông thì còn tệ hơn bom nguyên tử ) của loài người ở thế kỷ 20.

Trong kế hoạch phục hồi các khu trung tâm đô thị, người ta dự trù phải làm sống lại hàng quán, nơi vui chơi giải trí, và cả công ăn việc làm, hệ thống xe công cộng. Ngoài việc xây mới các khối nhà ở căn hộ, nhà phố thấp tầng kết hợp cả ở và kinh doanh, phải có thêm chương trình cải tạo nâng cấp các khu ở cũ.

Cụ thể tôi đã có cơ hội quan sát và nghiên cứu chương trình phục hồi lại khu trung tâm Jacksonville, thành phố cửa ngõ ra biển của bang Florida. Khu trung tâm thành phố cổ xuất hiện từ đầu thế kỷ 19 có chăng cơ may phục hồi lại sau bao nhiêu thăng trầm ?

Trước ngày người châu Âu sang định cư vào thế kỷ 16, thổ dân da đỏ Timucuan đã sử dụng con sông St. John thông ra biển để vận chuyển sản phẩm nông nghiệp. Lần lượt người Tây Ban Nha, Pháp rồi Anh chiếm đóng và sử dụng vị trí chiến lược và kinh tế đó. Vào năm 1832, cảng Jacksonville trở thành một trung tâm thương mại vùng và thủ phủ lớn. Trận hỏa hoạn khủng khiếp vào năm 1901 đã thiêu rụi thành phố này. Tuy vậy thành phố vẫn lớn nhanh suốt nửa đầu thế kỷ 20 và được sự yểm trợ của liên bang xây dựng các công trình công cộng qui mô lớn. Nhưng sự hỗ trợ này giống như con dao hai lưỡi. Việc xây dựng hệ thống quốc lộ và cao tốc sau đó đã thật sự làm cho khu trung tâm thành phố xuống dốc, khi xe hơi và xa lộ tác động việc giản dân ra vùng ngoại ô. Cho đến những năm 1980, thành phố vẫn còn phát đạt với 5 khu thương mại lớn và tỷ lệ thuê mướn văn phòng khá cao ở khu trung tâm. Tiếc rằng các khu tài chính không trụ lại nỗi khi khách hàng của họ di dời ra ngoại thành. Vào đầu những năm 1990, các khu ở suburb ngoại vi khởi sắc trong khi khu ở trung tâm thành phố Jacksonville xuống cấp. Các trung tâm thương mại lớn bỏ đi và giới kinh doanh-tài chính cũng đi theo khách hàng của họ ở các suburb.

May mắn là thành phố có dòng sông St. John rộng với đôi bờ trãi dài đến 8 km, cảnh quan tuyệt vời (lâu nay chỉ mới khai thác được 2 km). Lõi trung tâm thành phố Jacksonville thật ra cũng không xa đường vành đai và hệ thống đường sá liên bang chung quanh. Khởi sự từ năm 2000 với « Phương án quy hoạch xây dựng hướng đến một Jacksonville hoàn thiện hơn », nội dung đề xuất nhiều biện pháp nhắm phục hồi lại cái lõi đô thị đang xuống cấp và xây dựng ngay một công trình kiến trúc qui mô lớn là Trung tâm Đại hội (Convention Center) mang tên ''Super Bowl'', xem như khởi điểm của các nỗ lực cải thiện khu trung tâm và các khu ở ngoại vi thành phố. Kể từ đó, nhiều khu ở cùng cảnh quan đã được xây dựng hướng về dòng sông, nhắm làm sống dậy thành phố nằm trên sông nước này.

Tôi đã có dịp thả bộ trên khu bến thuyền ''Landing'' (hoàn chỉnh với nào siêu thị lớn nhiều tầng, đường dạo ngoạn cảnh hoa lá xanh tươi dọc bờ sông, cà phê hàng hiên, sân khấu ngoài trời…). Thích thú nhất là đến bến thuyền nổi tiếng (từng là cửa ngõ vào thành phố thời cũ) thuê ca nô hay tàu taxi ngoạn cảnh trên sông St. Johns, hoặc vừa ăn uống trên sân thượng tầng cao siêu thị vừa ngắm cảnh dòng sông với các cây cầu cổ xây dựng từ thế kỷ 19 trang trí đèn hoa nhiều màu bắt ngang sông vào ban đêm. Một anh bạn kiến trúc còn cho tôi xem các dự án lớn đang và sẽ tiến hành xây dựng, gồm nào nhà căn hộ cao tầng sang trọng, ''condo'' (khối nhà tập thể trong đó người ở sở hữu căn hộ), nhà phố cũ cải tạo, các khu mall và vui chơi giải trí mới. Đặc biệt trung tâm đô thị dự trù nhiều con đường dành cho người đi bộ và xe đạp, trạm xe công cộng nhiều hơn, bãi đậu xe xây ngầm.

Urban Planning in North America

Thành phố còn là lễ hội

Các thành phố Mỹ, đặc biệt là các thành phố lớn đều là trung tâm vùng và mang sắc thái riêng khá đa dạng. Nay người ta chú ý khai thác thế mạnh đó khi phục hồi các khu trung tâm cũ nhắm thu hút tham quan du lịch. Các nhà quản lý cũng như nhà quy hoạch đô thị đều ý thức rất rõ điều này khi họ chú trọng phát triển các loại hình sinh hoạt văn hóa, thể thao song song với phát triển kinh tế.

Điển hình là thành phố Jacksonville, nơi có một thế mạnh nổi trội khác: bề dày lịch sử (do ra đời từ năm1832) cùng cảnh quan đẹp, khá phong phú về lễ hội. Theo báo cáo thì thành phố đã thu hút 7 triệu người mỗi năm ùa về đây tham dự các lễ hội và sự kiện thể thao, văn nghệ, tôn giáo và cả ngành nghề (bóng đá, hòa nhạc, nhà thờ, trưng bày, đại hội ngành nghề, kỷ niệm ngày độc lập,vv...) vì thành phố từ lâu nay đã là trung tâm văn hóa toàn vùng.

Và điều quan trọng nhất là người dân bắt đầu quay về sinh sống và làm việc ở khu trung tâm thành phố. Thị dân tại chỗ đã thôi bỏ đi và tình hình xây dựng ngày càng khởi sắc, giới kinh doanh - tài chính đang dần lấy lại niềm tin. Dĩ nhiên giới kiến trúc cũng khá bận rộn với cơ man là phương án đề xuất độc đáo mới.

Bước vào thế kỷ 21 hậu-công nghiệp, các nhà quy hoạch xây dựng đô thị đều mơ ước xây dựng được các cộng đồng dân cư lành mạnh, phát triển bền vững cũng như đưa con người về với thiên nhiên. Phục hồi các khu trung tâm đô thị theo những tiêu chí nêu trên, phải chăng các thành phố Mỹ đã đi đúng theo trào lưu chung của thế giới, dung hòa được thế cân bằng giữa thiên nhiên - kiến trúc - con người.

KTS Nguyễn Hữu Thái (Hoa Kỳ) 6/05

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1269
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy