Trước khi tìm hiểu về môn phong thủy, chúng ta điểm qua những ông tổ môn thuật toán này xưa nay, những người được gọi là thầy địa lý, tướng địa, bốc trạch, hay phong thủy gia… hầu có cái nhìn về môn địa lý học xem phương hướng, tìm long mạch để an táng người chết hay xây dựng nhà cửa cho người sống, sau này trở thành môn triết học Trung Quốc trên thế giới.
Khoa địa lý phong thủy bắt đầu có từ đời nhà Hạ, Thương, Chu, lúc này người ta chỉ biết bói quẻ chọn đất. Đến đời nhà Tần, nhà Hán mới tính kham dư tức xem thêm về thiên văn. Trước khi có Quách Phác (đời Tấn), ông được xem như ông tổ thuật phong thủy, lúc đó môn này còn rời rạc, khi được ông giải thích về thuật phong thủy, mọi người mới tường tận hơn. Rồi sang đời nhà Minh, có Tưởng Bình Giai quyết :
- Sinh khí, tụ khí tạo diện mạo cảnh quan, môi trường cho con người thấy thoải mái trong cuộc sống; bởi có nó con người mới “có hồn”.
Còn môn phong thủy khi xâm nhập vào nước ta, mới đầu chỉ phổ biến hạn chế trong xây dựng đình, chùa, đền, miếu và mồ mả vào thời nhà Đinh, Lê (thế kỷ thứ X). Đến đời nhà Lý, trong chiếu dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho rằng :
-”… Nơi đây là trung tâm của trời đất, được thế rồng bay hổ ngồi, đúng điểm kết tụ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc”.
Cũng vào thời kỳ vua Lê, nước ta có thầy địa lý Tả Ao, tinh thông phong thủy không kém Quách Phác đời Tấn của Trung Quốc xưa, sau Tả Ao còn có tiến sĩ Hòa Chính, cũng từng sang nước bạn học hỏi thuật xem tướng đất, dùng cất nhà và an táng.
Sau đây một số tài nghệ của các ông tổ ngành địa lý phong thủy xưa :
1- QUẢN LỘ – đời Tam Quốc
Quản Lộ là thuật sĩ sống ở tỉnh Sơn Đông, thời Tam Quốc (226 – 248 DL), có hình dáng xấu xí, nói năng lại cộc lốc, hay uống rượu. Ông thờ chủ nghĩa thần bí qua nghề chiêm bốc và tướng địa.
Quản Lộ giỏi về âm trạch và dương trạch, âm là coi phần mồ mả, còn dương coi về thế đất dựng nhà.
Trong sử nói, Quản Lộ có cuốn “Quản thị địa lý chỉ mông” gồm 10 quyển, nhưng thực tế chỉ là sách mượn danh, dựa vào cuốn “Tam quốc chí – Quản Lộ truyện” ghi lại theo truyền khẩu qua nhiều người (sách nói Quản Lộ thần thông, biết xem bói, xem đất đai để táng hay xây cất, với nhiều chuyện thần kỳ được chép qua sự truyền khẩu trong dân chúng).
Có chuyện về tài của Quản Lộ khi xem âm trạch, dương trạch như sau :
- Một chuyện về âm trạch (mả táng) :
Một ngày nọ Quản Lộ đi ngang qua ngôi mả chôn Vu Khưu Kiệm, ông ngồi nghỉ chân rồi nhìn vào ngôi mả của họ Vu mà than thầm : “Cây cối xanh tốt nhưng thế đất không bền, tấm bia đề tựa tuy văn hoa nhưng không có hậu. Ngôi mả đang ở thế : Huyền Vũ giấu đầu, Thanh Long mất chân, Bạch Hổ ngậm xác còn Chu Tước đang khổ đau. Tứ phía lâm nguy !
Theo thuật phong thủy, người nhà họ Vu chỉ hai, ba năm sau sẽ bị diệt”.
Sau đó lời than thở của Quản Lộ quả nhiên ứng nghiệm. Lúc đó Quản Lộ xem mả của Vu Khưu Kiệm theo hướng thiên văn chiếu, nhìn “Tứ tượng” của chùm sao Nhị Thập Bát Tú (Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước), mà biết cát hung cho gia đình họ Vu về sau.
Còn mả bà thím của anh em Quách Ân, thầy Quản Lộ cũng qua thuật chiêm bốc cho rằng ngôi mả này đang bị “nữ quỷ” trong đất táng báo ứng. Mặc dù cuộc đất được anh em Quách Ân đã mời thầy địa lý tìm giúp, ông ta cho rằng nó đẹp về hậu vận. Nhưng về “luật nhân quả” lại không từ một cuộc đất dù đẹp cách mấy đi nữa, nhưng trong quá khứ những chuyện gian tà, gian ác sẽ để lại cho hậu nhân phải hứng nhận quả đắng để đền bù lại tội lỗi người chết đã gây ra. Đúng là ba anh em nhà Quách Ân về sau đều bị thọt chân.
Ý Quản Lộ nói, nếu làm ác mà cứ đi tìm cuộc đất tốt để táng, mong sao cho hậu nhân được sống vinh hoa phú quí là không thể được. Do luật nhân quả nói, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Cho nên sống ở đời cần phải tích đức, sau hãy tìm cuộc đất tốt để an táng, như thế tính phong thủy mới được phát huy theo ý muốn.
- Một chuyện nói về dương trạch (nhà cửa) :
Một bà đang mang bệnh nặng nhờ Quản Lộ đến xem bói, bà ta nghĩ mình bị ma ám nên gia đình cứ dần dần lụn bại, làm ăn thua lổ, còn người sống cứ mang bệnh tật kinh niên không thuốc chữa khỏi.
Quản Lộ nhìn vào trong nhà mà nói với bà ta : “Góc nhà phía tây có chôn xác hai nam nhân, một người bị tên bắn trúng ngực, do vậy bà bị bệnh tim; còn một người bị giáo đâm vào đầu nên bà cũng thường hay nhức đầu. Ngôi nhà này đã bị ếm bùa của Lổ Ban. Nếu biết mà trừ, bà sẽ khỏi bệnh”.
Bà ta nghe theo lời Quản Lộ, cho người đào dưới góc nhà phía tây, thấy có hai hình nộm đúng theo lời ông nói. Từ đó gia đình bà không còn đau yếu và buôn bán phát đạt trở lại. Thường thợ dựng nhà hay yểm bùa Lổ ban để trả lễ thánh tổ mới có công ăn việc làm thường xuyên, trong muời căn nhà phải có ít nhất một nhà mắc phải, nhưng họ yểm không độc, không làm cho chết người. Còn những kẻ có hiềm thù nhau, thường yểm những loại bùa gây ra chết chóc, chậm thì đúng một năm, nhanh thì 49 hay 100 ngày.
Còn Quản Lộ tự xem bói cho chính mình, biết ông chỉ sống đúng bốn con giáp; quả thật vào năm 49 tuổi, Quản Lộ qua đời.
Người đời sau nói, cuốn “Quản thị địa lý chi mông” trong “Tam Quốc Chí – Quản Lộ truyện” giới thiệu, gồm 10 cuốn, 100 thiên, Quản Lộ viết về thuật phong thủy không phải do chính ông nghiên cứu ra, do người khác mượn tên. Nhưng chưa ai giải thích được người viết cuốn sách này là ai ? Vì trong 100 thiên truyện đều rất thần bí và sâu sắc.
Nên đã gần 2000 năm, đến bây giờ Quản Lộ vẫn còn được mọi người xem là ông tổ của thuật “chiêm bốc” xem địa lý phong thủy, qua tài xem thiên văn nhìn phương hướng mà bói thành quẻ.
Các thầy địa lý nổi danh thời xưa của TQ
2- QUÁCH PHÁC – đời Tấn
Quách Phác tự Cảnh Đôn, người Hà Đông, nay tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông sinh vào thời nhà Tấn (276-324 năm DL) sau Quản Lộ. Sách “Thái Bình quảng ký” viết về ông như sau :
- “Quách Phác hiểu biết bao la, biết thiên văn, địa lý, quy thủ long đồ, hào tượng sấm vĩ – là những môn coi bói bằng mu rùa, quẻ, thẻ, lời sấm truyền – yên mộ lo nhà ở, không có gì không tinh thâm …”.
Quách Phác soạn cuốn “Táng thư” (coi mộ phần) và “Tướng địa thuật” (xem thế đất), nên được tôn xưng là tỵ tổ (tức ông tổ ngành địa lý).
Trong các truyền thuyết nói về Quách Phác, một hôm Hồ Mạnh Khang quan thái thú ở Lư Giang, lấy một tỳ nữ làm thiếp. Quách Phác cũng yêu người tỳ nữ, nên muốn lấy ả làm vợ, để đoạt được mục đích, Quách Phách làm phép lấy 3 đấu đậu rắc quanh nhà Hồ Mạnh Khang.
Sáng hôm sau họ Hồ thức giấc thấy mấy ngàn binh mã đang vây kín Phủ.
Hốt hoảng, Hồ Mạnh Khang liền cho mời Quách Phác đến xin kế sách. Họ Quách phán ngay :
- Trong nhà ngài không nên nuôi người tỳ thiếp này, hãy đưa ả đi xa 20 dặm về hướng Đông Nam, ngài sẽ bán được giá, như thế chuyện dữ sẽ hóa lành.
Hồ Mạnh Khang nghe theo lời Quách Phác, ông ta vội đưa nàng tỳ thiếp chạy về hướng Đông Nam mà bán, Quách Phác biết họ Hồ tin lời mình, liền sai người đi theo mua ả ta về làm vợ. Sau đó Quách Phác bỏ bùa vào giếng nhà họ Hồ để giải việc quân mã đang vây tại Phủ.
Hồ Mạnh Khang không nghi ngờ chuyện này, ông ta còn hết lời khen ngợi Quách Phác, đi đến đâu cũng ca tụng ông là người tài giỏi trong việc xem dương trạch.
Trong sách “Nam sử – Trương Dụ truyện”, chép Quách Phác tinh thông Chu Dịch, coi các phần mồ mả an táng. Trong sách nói Quách Phác xem âm trạch cho Trương Dụ.
Cha của Trương Dụ là Trương Trừng chẳng may qua đời, Trương Dụ chuẩn bị chôn cất cha, nhờ Quách Phác tìm cho miếng đất để địa táng. Ông xem đất xong bảo :
- Táng ở chỗ này nửa đời sau của ông chỉ làm đến chức tam ty, đời sống không thịnh. Táng chỗ kia tuy đất xấu nhưng ông làm đến công khanh, cuối đời mới phát, con cháu hưởng được phước.
Trương Dụ y lời đưa cha chôn nơi đất xấu. Kết quả Trương Dụ làm quan đến năm 64 tuổi mới mất, con cháu hưng thịnh theo cha ông.
Khi Quách Phác chết, ông gọi người nhà an táng nơi đã dặn, nhờ vậy Quách Phác tu đắc đạo thành tiên, nên trong “Quách Phác – Truyện động tiên” chép :
- Sau ba ngày khi Quách Phác được chôn cất, người ở thành Nam Châu vẫn thấy ông ngồi nhà đàm đạo với người thân. Vương Phác (bạn của Quách Phác, húy là Hoàn Dĩ, phản vua nhà Tấn nên bị tru di tam tộc) còn giận Quách Phácbói cho mình ra một quẻ dữ, nên nghe lời đồn cho người đến đào mả ông, thấy trong quan tài không có thi thể của Quách Phác, mới tin là đúng.
3- DƯƠNG QUÂN TÙNG – đời Đường
Tên húy là Ích, tự Thúc Mậu còn Quân Tùng là biệt hiệu. Người Quảng Đông sống vào đời nhà Đường (792 – 906 DL).
Dương Quân Tùng từng soạn cuốn “Chính long tử kinh”, được vua Đường phong làm Quốc sư, nắm phủ Linh đài địa lý sự (cơ quan trông coi thiên văn, địa lý, tế lễ). Khi nhà Đường mất vào tay Hoàng Sào; Dương Quân Tùng cùng Bộc Đô Lâm đã đoán quẻ biết trước, lấy đi một số sách phong thủy lâu đời nằm trong Phủ, rồi bỏ Tràng An chạy về Cống Châu thuộc Ninh Đô quy ẩn.
Từ đó trong dân gian nói rằng thuật phong thủy có từ đời Đường, vì từ Tràng An, Dương Quân Tùng đã truyền dạy nghề cho Liêu Tam người cùng thôn, Liêu Tam truyền cho con trai tên Vũ, Vũ lại truyền cho con rể là Tạ Thế Nam… từ đó thuật phong thủy của họ Dương lan rộng ra đến người ngoài họ ngoài làng.
Người đời sau mộ danh ông, cho rằng Dương Quân Tùng thuộc môn hình phái, tức xem đất đoán được nơi cát hay hãm địa, nên tôn ông làm đại sư môn địa lý.
4- LẠI VĂN TUẤN – đời Tống
Lại Văn Tuấn tự Thái Tố, người huyện Xử Châu, làm quan tại tỉnh Phúc Kiến. Sống vào thời Tống (thế kỷ thứ X).
Ở Phúc Kiến, Lại Văn Tuấn nổi tiếng xem về địa lý, nên sách “Địa kiên chí” có chép :
- Lại bố y (tên gọi thân mật, có nghĩa Lại áo vải) có người quen La Ngạn Chương ở Lâm Xuyên. Hai người rất mến nhau, thích trò chuyện việc tìm hiểu lẽ huyền cơ về phong thủy.
Ngày nọ vợ của La Ngạn Chương mất, họ La đi tìm nơi an táng thì tìm được một chỗ dùng làm huyệt mộ rất đẹp, phía trước có khe nước chia làm 3 dòng chảy, riêng đường chảy thứ ba không sâu quá ngực người và cũng không dài lắm, chảy thẳng vào ruộng.
La Ngạn Chương đến mời Lại Văn Tuấn đến xem qua, ông bèn khen là đất táng rất hợp cách với người quá cố, và nói với họ La rằng :
- Đất đẹp có thể phát thành trạng nguyên, nhưng tiếc thay nhánh thứ ba lại đoản, nên hậu nhân chỉ làm đến bảng nhãn thôi.
Quả không sai, hai mươi năm sau con của La Ngạn Chương chỉ đậu hàng thứ hai trong khoa thi.
5- LƯU CƠ – đời Minh
Sống vào những năm 1311-1375, tự Bá Ôn, người Thanh Điền tỉnh Triết Giang. Lưu Cơ đậu tiến sĩ triều Nguyên Thuận Đế. Khi Chu Nguyên Chương khởi binh, Lưu Cơ bàn 18 kế sách nên được họ Chu trọng dụng.
Nhà Minh lấy xong chính quyền từ tay nhà Nguyên, bèn mời Lưu Cơ làm quân sư định ra các chính sách lớn trong nước.
Khi Chu Nguyên Chương dự định đóng đô ở Kim Long, còn Lưu Cơ chọn đất ở hồ Trúc Tiền làm nền chính điện, nhưng vua Chu nói nơi này quá nhỏ, nên cho người nới rộng thêm mặt bằng ra sau cho thêm lớn.
Lưu Cơ biết việc tính đất “sai một ly đi một dặm”, không phải cứ cuộc đất nào to là tốt, nên chỉ nói : “Sau này nhà Minh còn phải dời đô đi nơi khác”.
Quả nhiên về sau Minh Thành Tổ phải dời đô đến Bắc Kinh, lời Lưu Cơ quả thật ứng nghiệm.
Trong dân gian có sách “Kham dư mạn hứng” do Lưu Cơ soạn (Kham dư có nghĩa xem phong thủy, cũng là từ ngữ khi nói đến trời đất), viết trọn vẹn về xem thiên văn địa lý, nên mọi người coi Lưu Cơ như ông tổ ngành địa lý phong thủy vào đời nhà Minh.
6- TRẦN ĐOÀN – đời Tống
Nói về Hi Di Trần Đoàn (ông còn tên gọi Trần Chuyển) trong chúng ta hẳn có nhiều người nghe nói đến ông, vì Trần Đoàn được ca tụng nhiều trong ngành lý số qua thuật toán xem Tử Vi, Hà Lạc và còn là nhà nhân tướng học uyên bác, nhà xem tướng địa (xem đất đai nhà cửa) nữa.
Trần Đoàn sống trong thời nhà Tống, tự Đồ Nam, biệt hiệu Hi Di, người tỉnh An Huy. Khi Tống Thái Tổ lên ngôi (966-979 DL) ông về ở ẩn tại Hoa Sơn.
Nghe nói, Trần Đoàn học được khoa phong thủy với gia sư Tăng Văn Xán (có sách nói ông là môn đệ của Ma Y đạo giả, một đạo nhân hậu duệ của Nam Hoa Tiên Ông), sau khi thành danh ông đã truyền lại cho Ngô Khắc Thành, Tống Chữ Vịnh. Do tinh thông Chu Dịch nên lấy dịch học hòa trộn với môn phong thủy để thành môn xem trạch cát.
Sách “Phong thủy khư nghi” viết :
- Hi Di tiên sinh lấy trục Tý Hợi làm thủy, lấy Tý Ngọ làm hỏa… sách này mở đường cho bát quái (định phương vị), luật lữ (luật âm thanh trong nhạc khí), cả đến xem núi để định huyệt… lấy quái làm tượng (quẻ trong Chu Dịch).
Môn học này ông viết thành sách gồm 10 thiên, chỉ dẫn dùng quái, hào, luật, lữ có âm có dương có tiêu có phá và có sinh có hợp v.v…
Nên trong thuật phong thủy, người ta xem Trần Đoàn là bậc thầy trong phái “lý khí” (từ khí suy ra lý).
Ngoài 6 vị đã nói, ở Trung Quốc còn rất nhiều người uyên thâm về môn xem địa lý phong thủy, nhưng chỉ là truyền thuyết như Bàn Canh, Công Lưu, Chu Công, Tiêu Cát… riêng ở nước ta, mọi người ca tụng một thầy địa lý xuất sắc là :
7- TẢ AO – đời nhà Lê (Việt Nam)
Là người học được khoa địa lý chính thống từ Trung Quốc, đem cái đã học đưa về nước nghiên cứu cho phù hợp với phong thổ nhân văn, mà phát huy môn phong thủy theo tính cách riêng cho mình.
Tả Ao có tên Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm nào không rõ, nhưng ông có tên tuổi vào thời vua Lê chúa Trịnh (vào những năm 1545 – 1788).
Theo mọi người kể, Tả Ao có cha mất sớm còn mẹ bị mù. Vì nhà nghèo nên đến xin giúp việc cho một ông thầy thuốc (lang y) người Tầu, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau được học nghề thuốc. Chính thế mà ông chữa được bệnh mù mắt cho mẹ.
Thầy lang Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, đã dẫn ông theo về Trung Quốc dạy thêm nghề thuốc. Gần nhà lang y, có ông thầy địa lý giỏi đang bị bệnh về mắt, Tả Ao được thầy lang phái sang chữa trị.
Thầy địa lý nói, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề phong thủy.
Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, liền truyền hết tinh hoa môn phong thủy cho Tả Ao học hỏi, đến khi thành tài, học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy Tầu cho về nước.
Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử tài sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỗi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa ông 100 cây kim đi điểm huyệt.
Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn 1 cây điểm ở mép đồng tiền, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí, ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Thấy Tả Ao đã điểm trúng các huyệt, thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của Trung Hoa.
Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc chữa trị các bệnh tật cho dân chúng, ít khi sử dụng môn phong thủy đã học, chỉ khi cần thiết mới ra tay xem dùm thế đất cho mọi người, tuy vậy danh tiếng về tài xem địa lý phong thủy của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc.
Nhưng cũng vì Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, nên ông không có chân truyền cho kẻ hậu bối. Khi ông mất người nhà mới tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý, phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng còn có nhiều sách được in nói chính là sách của Tả Ao.
Còn các nhà xem “tướng đất” ở nước ta, khi đọc xong 2 quyển trên, đều cho rằng đây là hai bộ sách quý.
Thiên Việt
Bình luận từ người dùng