GS.TS Trần Văn Khê: ra biển lớn, hãy có Việt Nam trong máu thịt

26/09/2016 Kiến Admin Tuổi trẻ online
2209
0

Xung quanh chủ đề ra nước ngoài làm việc và du học làm sao giữ chất Việt?, TTO có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Văn Khê – cây đại thụ của âm nhạc dân tộc – người một đời nặng lòng với những giá trị truyền thống và có 55 năm sống nơi xứ người.

530240

Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê – Ảnh: Minh Đức

Trong thời gian diễn ra diễn đàn, khá nhiều khía cạnh đã được bạn đọc – trong đó có không ít du học sinh – nêu ra như: những yếu tố nào sẽ giúp neo giữ du học sinh với cội nguồn, lòng tự trọng khi ra nước ngoài, mỗi du học sinh có phải là một sứ giả văn hóa…  Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt? quả là câu hỏi lớn. Giáo sư vui lòng chia sẻ những trải nghiệm của giáo sư về vấn đề này khi học và sinh sống tại nước ngoài?

- Tôi sang Pháp học tập năm 28 tuổi. Ở độ tuổi ấy, tôi đã thấm nhuần nền văn hóa dân tộc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc vì tôi may mắn được sanh trưởng trong một gia đình hai bên nội ngoại đều là những người trong giới nhạc truyền thống. Những giá trị ấy vốn đã dính liền với máu thịt thì việc giữ chất Việt khi đi học nước ngoài không có gì khó khăn với tôi.

Những người bôn ba nơi xứ người khi nhớ Việt Nam thường tìm đến các món ăn, riêng tôi, tôi thường lên dây đờn, gảy lên vài khúc và luôn cảm thấy “đờn reo đất nước thấy thêm gần”.

Tôi giữ được chất Việt khi sống thời gian dài ở xứ người còn là nhờ đọc báo Việt thường xuyên, tham gia các hoạt động của Hội những người Việt Nam ở Pháp… Nhờ vậy tôi thấy Việt Nam tuy xa trong không gian nhưng luôn luôn gần trong tâm trí.

Giáo sư nghĩ gì về việc đặt tên Tây, nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Tây của một số du học sinh?

“Việc học tập, làm việc phải sử dụng thường xuyên tiếng nước ngoài không phải là cái cớ để quên tiếng Việt hay chen tiếng nước ngoài vào khi đang nói chuyện bằng tiếng Việt. 55 năm sống ở Pháp nhưng khi nói chuyện bằng tiếng Việt thì hết sức tự nhiên, tôi không bao giờ chen tiếng Tây vào. Khi một số báo chí khen tôi về điều đó thì tôi thấy buồn vì tôi nghĩ đó là chuyện hiển nhiên. Vậy mà với một số người nó lại là chuyện khó làm!” – giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê

Mỗi khi nghe tên mình được xướng lên bởi những người bạn quốc tế, tôi rất hãnh diện. Nếu họ gọi tên tôi bằng tiếng nước ngoài có lẽ tôi sẽ cảm thấy lạc lõng lắm.- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy tên Tây, dầu với lý do để tiện làm việc với người nước ngoài. Và bao nhiêu năm nay cũng không ai gợi ý với tôi việc ấy. Không ít khi người nước ngoài phát âm sai tên tôi nhưng tôi không lấy đó làm phiền, vì thực ra chúng ta đôi khi vẫn phát âm sai tên người nước ngoài.

Tôi cảm thấy rất thú vị và yêu tiếng nói của dân tộc mình. 55 năm sống ở Pháp, đi qua nhiều nước và vùng lãnh thổ để giới thiệu âm nhạc Việt Nam, tôi có dịp thưởng thức cái hay của tiếng nước ngoài song vẫn luôn yêu mến cái thân thuộc, gần gũi của tiếng Việt.

Đọc một bài thơ Pháp, tôi cảm nhận được cái hay nhưng vẫn không cảm xúc bằng khi đọc một câu Kiều, một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan… Vậy nên, nói và viết đúng tiếng Việt là chuyện hết sức tự nhiên. Khi con trai tôi (Trần Quang Hải) sang Pháp sinh sống, hai cha con hằng ngày nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

Tôi cũng nhận thấy hiện tượng nhiều bạn trẻ nói tiếng Việt chen tiếng Tây. Thực ra, việc ấy thì ở thế hệ tôi cũng có rất nhiều và những người nói như thế hay bị trêu là “đầm quốc ngữ”. Có lần, một cậu học trò ở Pháp nói với tôi rằng: “Thưa thầy, con rất muốn thu âm phần trò chuyện của thầy. Con xin phép về nhà wipe cái tape của con rồi tối nay con sẽ record thầy”.

Tôi nhẹ nhàng góp ý ngay: “Tiếng Việt mình đâu có thiếu chữ đâu con. Sao con không nói: con xin phép về nhà xóa cái băng để tối nay con thâu âm lời thầy?”. Cậu học trò cười: “Ở bên này nói vậy riết rồi con quen! Nói tiếng Anh vậy cho nhanh, khỏi suy nghĩ mắc công”.

Việc nói tiếng Việt chen tiếng Tây sẽ thể hiện ba điều sau: một là người đó yếu tiếng Việt, hai là lười tư duy – tức chỉ muốn nói sao cho mau, cho tiện và thứ ba là cố gắng tỏ ra ta đây “hiện đại”.

Nếu chỉ 1-2 cá nhân nói theo kiểu đó thì không có gì nghiêm trọng, nhưng nếu số đông nói thế thì nguy cho tiếng Việt. Người nước ngoài họ nghe thấy lại nghĩ tiếng Việt mình không đủ từ.

Thực ra, khi gặp người nói chuyện lẫn lộn tiếng ta tiếng Tây, tôi không trách mà chỉ buồn khi môi trường sống lại ảnh hưởng đến ngôn ngữ như thế. Tôi cũng không nghĩ đó là biểu hiện của sự “mất gốc” như cách nói, cách nghĩ của một số người. Nếu còn yêu thương Việt Nam, còn mang trái tim Việt Nam thì mỗi người khi ra nước ngoài sẽ càng biết trân trọng tiếng nói Việt Nam hơn.

Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê tại sân bay Orly, Paris, Pháp năm 1951 – Ảnh: nhân vật cung cấp

Có một du học sinh ở Pháp trăn trở: “Ngoại trừ những buổi lễ do người Việt tổ chức, còn trong đời thường hay khi đến trường, chưa từng thấy nữ sinh Việt Nam mặc áo dài. Còn với các nam sinh, chưa bao giờ thấy họ mặc áo dài khăn đóng dù trong các buổi lễ lớn”. Liệu băn khoăn ấy có dễ đồng cảm không, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ bạn trẻ ấy cũng không cần quá trăn trở như vậy, vì việc các nữ sinh Việt Nam ở nước ngoài đi học mặc áo dài thì sẽ trở nên khác biệt và cũng không tiện lắm khi đi xe đạp, xe buýt. Còn việc các nam sinh Việt Nam ít khi mặc áo dài khăn đóng thì việc này trong nước còn hiếm huống hồ ở xứ người.

Riêng tôi, từ trước đến nay, khi biểu diễn đờn dân tộc, khi nói về âm nhạc dân tộc Việt Nam, tôi luôn mặc áo dài khăn đóng. Đặc biệt, trong những dịp giao lưu âm nhạc dân tộc các nước, tôi nghĩ tôi sẽ xấu hổ lắm nếu không mặc trang phục truyền thống của dân tộc.

Tôi cũng đọc được các ý kiến buồn về việc các du học sinh khi về nước ăn mặc cũng “tây hóa”. Vấn đề này thuộc về văn hóa trang phục, tôi không quá khắt khe trong việc ăn mặc nhưng quan trọng là phải biết nên mặc sao cho trang trọng, phù hợp với hoàn cảnh, để tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.

Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê – Ảnh: nhân vật cung cấp

Có một du học sinh nói rằng đôi khi thấy xấu hổ khi giới thiệu mình là người Việt Nam vì người Việt Nam có nhiều cư xử không đẹp khi ở nước ngoài như không xếp hàng, ồn ào nơi công cộng… Sự tự ti này có thể được thấu hiểu không, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ sự xấu hổ này là biểu hiện của sự thiển cận, không có tầm nhìn xa khi chỉ nhìn thấy những biểu hiện chưa tốt của một thiểu số mà không biết nhìn thấy cái hay cái đẹp của cả dân tộc. Người Việt ra nước ngoài cũng có rất nhiều người được kính trọng, được đánh giá cao. Khi tham gia các sự kiện và nói về văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tôi không hề tự ti vì tôi nắm vững Việt Nam mình có gì hay. Quan trọng là cách nhìn, cách ứng xử và tầm nhìn của mỗi người.

Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê (bìa trái) trong một chương trình sinh hoạt định kỳ về hát bội diễn ra tại tư gia ở TP.HCM – Ảnh: nhân vật cung cấp

Có ý kiến cho rằng mỗi du học sinh Việt là một sứ giả văn hóa, điều này liệu có quá to tát, nặng nề?

- Theo tôi, điều này không có gì to tát mà đó là lẽ thông thường, không chỉ với du học sinh mà với bất cứ ai đi nước ngoài đều phải là sứ giả văn hóa, để người nước ngoài nhìn vào đó mà có ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam.

Tôi tự xem mình có phận sự là một sứ giả văn hóa lưu động để thông qua tôi, bạn bè năm châu thêm yêu mến dân tộc Việt Nam. Không có gì mâu thuẫn giữa việc hòa nhập với môi trường sống với việc làm sứ giả văn hóa.

Hòa nhập có nghĩa là học lấy cái tốt của người khác để sống cùng họ cho phải lẽ, đúng mực chứ không phải biến mình thành người khác.

Muốn làm tốt vai trò sứ giả văn hóa, bạn trẻ Việt cần phải biết cái hay, cái tính tốt của dân tộc mình, đó chính là sự lễ độ, khẳng khái. Phải hiểu rằng lễ độ khác với nhu nhược, khẳng khái khác với ngang tàng.

Các bạn trẻ cũng cần có kiến thức chung về văn hóa, lịch sử để trong mắt bạn bè quốc tế, mình không dốt nát về văn hóa Việt. Lẽ dĩ nhiên, trong vấn đề này, gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân người trẻ phải có ý thức trau dồi mỗi ngày.

Trân trọng cảm ơn giáo sư vì cuộc trò chuyện này.

TRUNG UYÊN thực hiện

 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1522
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy