Trong những công trình của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu như: Kho bạc nhà nước, Đài Truyền hình TPHCM, Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc TPHCM, quận 9..., tất cả đều để lại dấu ấn của vùng đất miền Nam nắng gió, phóng khoáng, mạnh mẽ và hiện đại.
Riêng công trình đền tưởng niệm Vua Hùng là một khái niệm rộng mở để gắn kết tâm linh người Việt với nguồn cội. Nhưng có lẽ những công trình đó được giải thưởng của Hội Kiến trúc sư VN vẫn là một nốt đàn riêng không hợp bè với dàn nhạc quy hoạch đầy ngổn ngang lộn xộn hiện nay.
Người ta nói căn bệnh trầm kha của đô thị TPHCM đến bây giờ thì không thể nào chữa nổi. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi từng sống ở Hà Nội, đến năm 1976 vào Sài Gòn. Ngay những ngày đầu ở đây, tôi đã có cảm nhận trong mình một đô thị không ổn. Sài Gòn là một cái lò nung, nơi nhiều người muốn sự thành đạt thì vào đây, nhưng sau khi thành đạt rồi lại muốn tìm cảm giác bình yên, thanh thản, không xô bồ ở Hà Nội.
Tuy nhiên, phải nhìn ở góc độ kinh tế, mỗi năm, GDP của TPHCM tăng 10%, chiếm tỷ trọng 30% GDP cả nước. Nên phát triển thế nào để giữ được văn hoá? Tôi không cổ xuý cả thành phố người đi rầm rập, nhưng đã là con người, ai cũng muốn thành công, muốn có nhiều thứ. Mặt khác, trong một đô thị, phải có không gian này, không gian khác. Ơ TPHCM trước đây, người ta thường bảo: "Ăn quận 5, nằm quận 3" (quận 5 có nhiều quán ăn ngon, quận 3 nhiều nhà biệt thự yên tĩnh, thoáng mát, nhiều cây), nhưng đến nay đã khác lắm rồi. Sắp tới, quận 3 là nơi tập trung nhiều cao ốc văn phòng nhất sau quận 1. Tương tự, Đà Lạt trước đây thưa thớt, êm đềm, thì nay cũng sắp trở thành lò lửa (cả khí hậu đang nóng dần lên, lẫn việc nâng cấp thành đô thị loại 1). Cái chính là khi thay đổi như vậy, người dân có chịu thiệt thòi? Đấy mới là bài toán. Mới đây, xem chương trình thời sự, tôi lại thấy người ta khánh thành con đường đắt nhất thế giới ở Hà Nội. Đắt, mà vẫn là con đường xô bồ, nhiều công trình nhà phố chen chúc lô nhô, như thế thì quá lãng phí.
Hay như ở TPHCM có con đường Nguyễn Văn Trỗi tốn kém là thế, mà chỉ giải quyết mặt giao thông, còn hình ảnh nhà phố vẫn lam nham. Tất cả là do không có thiết kế đô thị, không triệt để trong công tác chỉnh trang đô thị. Ở đấy chỉ là vấn đề mở con đường to hơn. TP đang lúng túng trong quy hoạch. Đó mới là điều chính. Còn những vấn đề như ngập nước, lô cốt, tắc đường... thì một đô thị đã 300 năm (có những hạ tầng kỹ thuật đã tồn tại khoảng 200 năm), từ khoảng một triệu dân phát triển lên đến 8 triệu dân thì rõ ràng, toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở đều phải làm lại, nên không tránh khỏi những cảnh bề bộn, dang dở, bực mình. Chỉ có điều, trong giai đoạn này, thi công từng khúc như thế nào thì phải tính toán cho hợp lý.
Như vậy, ông cho rằng, một khi quy hoạch lúng túng và bế tắc, thì cách duy nhất để sửa dần chính là bàn tay thiết kế đô thị?
- Đúng! Chúng ta không đổ đồng các con đường như nhau. TPHCM mới đây bắt đầu ngồi lại nghiên cứu, bắt đầu từ khu trung tâm thành phố. Trước đây chúng ta có dễ dãi quá không? Cũng có lúc, để nâng cấp hạ tầng, phải chống chọi với những hỗn loạn, nhưng vấn đề là người hoạch định chính sách phải biết cầm cương, cho con ngựa-quy hoạch lồng đến đâu, chống chọi được cú lồng đó, không kiềm chế nó và ưu tiên phát triển kinh tế, miễn là sự phát triển đó không phá hoại đô thị.
(Ảnh bên: Đài TH TP. HCM - tác phẩm của KTS. Nguyễn Trường Lưu)
Về mặt mỹ quan, ông cho rằng đô thị TPHCM lố nhố, xấu đều, thiếu thẩm mỹ. Các công trình đẹp đứng cạnh nhau thì không còn đẹp. Vậy theo ông, có cách nào khắc phục tình trạng này?
- Các viện nghiên cứu về quy hoạch, khi nghiên cứu thiết kế đô thị nên chú ý đến sự liên quan giữa các không gian trong một cụm. Bản thân từng kiến trúc sư có thể có những công trình đẹp, thậm chí, người ta còn mời chuyên gia quốc tế đến vẽ kiểu, nhưng khi xét đến toàn cảnh thì phải chú ý đến sự hài hoà về không gian giữa các công trình với nhau để tạo một không gian đô thị. Khi những công trình "đẹp" đứng cạnh nhau mà không được nghiên cứu có một không gian hài hoà thì không khác một dàn nhạc mạnh ông nào ông ấy gõ, mà khi tấu lên, thì không nghe được.
Khi thực tế cho thấy quản lý thẩm mỹ đô thị hoàn toàn thất bại, thì có cần thiết chấp nhận tính hổ lốn, màu mè, dễ gây cảm giác nổi cáu từ kiến trúc đô thị, hay phải có cái nhìn khác, theo ông?
- Một khi đã đến nước Mỹ, có thể thấy từ Washington DC, Los Angeles, Houston..., không nơi nào đặc biệt như New York. Nước mình cũng cần có một đô thị như lò lửa tập trung mọi thứ - đó là Sài Gòn. New York toàn building, đời sống căng thẳng, nhiều áp lực hơn mọi nơi khác, nhưng là nơi người ta đổ xô về tìm cơ hội. Ngay trong TPHCM, khu đô thị chỉn chu như Phú Mỹ Hưng có nhiều người Hàn Quốc, Đài Loan đến ở; ngược lại, khu Thảo Điền, quận 2 lại nhiều người Châu Âu.
Phải chăng, người Châu Âu đã quá quen với văn minh đô thị mà thích cảnh bề bộn, hoang dã một chút, nơi hễ triều cường, trẻ con Tây lại hăm hở lội nước và vác xuồng đi chơi? Hay có những đô thị đầy sinh khí, và những nơi vô hồn? Chấp nhận triều cường, sống chung với thiên nhiên hay làm ngược lại? Tôi nghĩ rằng, cách quản lý tốt chính là khắc phục nhược điểm. Các khu đô thị bị ngập thì phải nâng nền lên chẳng hạn.
Một đô thị đẹp như Phú Mỹ Hưng nhưng lại được đặt ở nơi từng là vùng trũng thoát nước của TP. Phải chăng những sự bất cập trong quy hoạch này là nguyên nhân gây ngập ngày càng tăng?
- Không chỉ riêng Phú Mỹ Hưng, mà các khu quy hoạch mới đều chen chân mọc lên lấn hết đất của những vùng hồ điều hoà mực nước trong TP, từ Phương Nam Sài Gòn, Kỳ Hoà, Phú Thọ cho đến Bình Thạnh. Đến lúc này, chuyện ngập đã trở thành bình thường. Người ta đang tính đắp đập ở các con sông từ đây đến Long An, triều cường lên thì đóng lại. Chấp nhận một đô thị lộn xộn, sống chung với nó, nhưng cái đẹp không chấp nhận sự hỗn loạn, thiếu quy chuẩn.
Cuối cùng vẫn là vai trò quản lý đô thị mà thôi. Một đô thị, dù có thế thiết kế đẹp, đồng bộ đến thế nào chăng nữa, thì yếu tố đó chỉ mới chiếm 30%, 70% còn lại là do con người sống trong đó tạo nên vẻ đẹp văn minh đô thị. Sở dĩ, New York có vẻ đẹp trong chính sự hỗn độn của nó, là vì người ta quản lý được TP này. TP giàu nhất nước Mỹ, mà nước Mỹ là cường quốc giàu nhất thế giới, hơn nữa, người ta có đủ kinh nghiệm quản lý đô thị, định hướng sự phát triển của nó. Trong đô thị có những lằn ranh của nó. Còn ở ta, gần như không ghìm cương được con ngựa này.
Một kiến trúc sư Mỹ từng nhận xét: "Nếu đô thị VN không chuyển động theo hướng tích cực hơn thì những công trình kiến trúc vô hồn và khu ổ chuột sẽ mọc lên ngày càng nhiều". Vậy theo ông, làm sao khơi dậy bản sắc trong kiến trúc đô thị ở ta?
- Gần đây có nhiều hội thảo quốc tế về kiến trúc ở triển lãm kiến trúc TPHCM, trong đó, các diễn giả nói đến kiến trúc bền vững, sinh thái, mối tương quan giữa kiến trúc và xây dựng. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang là một nơi thử nghiệm kiến trúc trên toàn thế giới, nhưng hiện nay, họ đang tự hào vì có những công trình tốt. Một số diễn giả Châu Âu cho rằng đó chỉ là những con khủng long của thế kỷ 21. Đẹp hay xấu trong kiến trúc tuỳ theo quan điểm mỗi người. Ở ta cũng vậy. Có người lo sợ Sài Gòn sẽ không còn bản sắc với tốc độ xây dựng như hiện nay. Nhưng tôi cho rằng, nếu có bê cả kiến trúc Hồng Kông vào Sài Gòn thì Sài Gòn cũng không thể thành Hồng Kông được. Nền kinh tế xã hội của một quốc gia càng phát triển, thì cái bản sắc dân tộc càng rộ lên. Cái chính là cần hướng về kiến trúc, quy hoạch bền vững. Bền vững không có nghĩa là giữ được nhà bêtông sau 100 năm, mà là sử dụng kiến trúc đó hợp lý, theo quy luật tự nhiên để nó tồn tại trong vòng 100 năm và hơn nữa.
Đô thị là cuộc chơi của người có tiền, nhưng đôi khi có tiền rồi mà chưa chắc đã chơi đẹp được. Ngay cả chuyện giữ lấy kiến trúc cổ và bảo tồn cũng đã là cuộc chơi quá tốn kém và gây tranh cãi...
- Người ta vẫn lẫn lộn giữa chuyện cuộc sống hàng ngày và giữ hình ảnh cho những khu đô thị cổ. Ở Quảng Tây, Trung Quốc, có khu phố cổ Dương Sóc, được người ta gìn giữ rất tốt. Lý do là người dân không sống trong những khu phố cổ đó, mà chỉ kinh doanh và khai thác du lịch, tối về ngủ ở nơi khác. Còn ở Hội An, ta vẫn dùng dằng giữa sống chung với phố cổ và làm du lịch, giữa khốn khổ chịu đựng nhà cổ xuống cấp và không bảo tồn ngôi nhà được.
Quan niệm của ông về kiến trúc đẹp...
- Có hai yếu tố kết hợp: Cái duyên với mình và đáp ứng những tiêu chuẩn về cái đẹp. Có những không gian mà khi bước vào, người ta lập tức yêu thích, muốn ở ngay, thì đó là cái duyên. Còn đẹp thì phải đúng chuẩn. Đôi khi phải tính đến cái đẹp trong sự xếp đặt không gian, đặt công trình A bên cạnh công trình B, sao tạo được sự hài hoà; hoặc có thể, là tương phản, để mỗi bên tôn lên cái đẹp của nhau.
Xin cảm ơn ông.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh - đã nhận nhiều giải thưởng, trong đó có công trình: Đài Truyền hình TPHCM, Kho bạc TPHCM, Khu chung cư 14A Lạc Long Quân, Resort Hoàng Ngọc...
Nhật Lệ thực hiện - Lao Động Cuối tuần số 32 Ngày 09/08/2009
Bình luận từ người dùng