PHẦN 01: ĐỊA PHƯƠNG NÀO, MÓN ĂN NẤY
1. Dĩ thực vi tiên
Ngày xưa, có người đã nhận thấy cái tánh cách tối quan trọng của miếng ăn trong đời sống con người nên đã chủ trương “Dĩ thực vi tiên”. Phải ăn đã, rồi muốn gì hãy hay. Văn nghệ, triết lý, tôn giáo, v.v… đều phải đứng sau cái ăn. Chẳng thế mà có người nhất định đòi hỏi ngay sự thỏa mãn cái bao tử trước khi bắt tay vào một việc đã cả gan hô hào: “Có thực mới vực được đạo”. Câu triết lý vị nhân sinh trên kéo người về thực tại, đặt trước những vấn đề cần phải giải quyết hàng ngày. Dù cho kẻ sĩ đã khuyên “Thực bất cầu bão”, nghĩa là ăn chẳng cần no, nhưng trước sự dày vò mãnh liệt của cái nhu cầu số một thì con người đạo lý cũng không thể làm gì khác hơn như thầy đồ sau đây :
Thầy đồ mà chẳng ăn khoai
Đến khi luộc, nồi ba còn hai củ hà.
Cái cười vừa trào lộng, vừa thiết thực trên đã hé cho ta thấy được một phần cái nhân sinh quan của người bình dân. Tuy nhiên, ăn thì cũng có năm bảy đường ăn. Và nghệ thuật ăn cũng đòi hỏi lắm công phu. Ăn phải thế nào? Trong một xã hội xô bồ, giữa những ý nghĩ phiền toái về nhân sinh thì miếng ăn phải được đánh giá thế nào cho hợp lý? Ta hãy thử tìm hiểu quan niệm về miếng ăn trên lãnh vực ca dao, tục ngữ.
2. Miếng ăn mang tính dân tộc
Mỗi lần nghĩ đến một địa phương nói hẹp hay một dân tộc nói rộng ra là người ta nghĩ ngay đến những món ăn của địa phương hay của dân tộc ấy. Ai lại không hay nhắc nhở đến món gỏi cá sống của người Nhật, món ca-ry cay của người Ấn, món mỳ sợi của người Ý, các thứ phô-mách của người Pháp và các món mắm đặc biệt của người Việt Nam. Trong ca dao, tục ngữ, ta thấy nhiều địa danh được nhắc nhở đến bên cạnh tên những món ăn được nêu ra. Trong nỗi nhớ thương sâu đậm quê hương, chứa đựng cái tình quyến luyến mặn nồng những món ăn địa phương, hạp với khẩu vị người từng vùng, người miền Nam thấy món canh chua cá lóc thích khẩu cũng như người miền Bắc tha thiết với món thịt nấu đông trong ba ngày Tết. Cho nên, đồng bào miền Bắc khi lìa làng mạc chẳng đã than thở :
Ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai giãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường đêm nao…
Ai chẳng nhớ cháo làng Ghề
Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên.
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
Sáng ngày bồ dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày.
Nhất béo, nhì bùi là cá rô câu.
Trăm đám cưới chẳng bằng hàm dưới con cá trê.
Đầu chép, mép trôi, môi mè, lườn trắm.
Chắc hẳn, những món ăn đặc biệt nấu với những bộ phận của mỗi thứ cá trên đã làm khoái khẩu thực khách. Lẽ dĩ nhiên, thực khách cũng khó mà quên địa phương đã cung cấp “đồ nhắm” ấy cho mình. Rồi khách du rời miền Bắc, vào đến xứ Trung thì làm sao quên được :Yến sào Vĩnh Sơn
Nam sâm Bố Trạch
Cua gạch Quảng Khê
Sò nghêu Quản Hà
Rượu dâu Thuần Lý.
Mang bầu đến quán rượu dâu
Say sưa quên hết những câu ân tình.
Ốc gạo Thanh Hà
Mật rú Bát Phường
Măng cày huyện Do
Gầm ghì chợ huyện
Thơm rượu Hà Trung
Mắm ruốc Cửa Tùng
Mắm nêm chợ Sãi.
Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ.
Ở đây, trên eo đất hẹp lách mình giữa dãy Hoành Sơn cao ngất và biển cả mênh mông, người dân cần thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa hai miền sơn cước và đồng bằng hơn đâu hết để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt. Tình đoàn kết cần thiết cho sự sống còn của người miền Trung được biểu hiện trong câu ca dao :
Ai về nhắn với họ nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Cá nục nấu với dưa hường
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi.
Thương em vì cá trích ve
Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng.
Chim mía Xuân Phổ
Cá bống Sơn Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Thi Phổ.
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.
Yến sào Hòn Nội
Vịt lội Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba
…
Sò huyết Cam Ranh
Nai khô Diên Khánh.
Lòng khách cảm thấy thoải mái, thơ thới khi đặt chân đến miền Nam phì nhiêu, dân cư yên vui và ai lại không biết tiếng:
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà
Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh.
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc.
Ba phen quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.
Tháng Tư cơm gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai.
Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.
Ví dầu con cá nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm.
Khoan khoan mổ một con gà
Bí đao xắt nhỏ, tiêu cà bỏ vô.
Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh.
♦♦♦
PHẦN 2: TẬP QUÁN, LỄ NGHI QUA MỖI MÓN ĂN
1. Tập quán, lễ nghi qua mỗi món ăn
Các món ăn được nhắc nhở đến như thế vì đã liên hệ đến tính chất của mỗi địa phương. Cho nên, trong lễ nghi cưới xin, miếng ăn biến thành lễ vật, thay đổi tùy theo từng vùng. Sau mối tình khắn khít thì người con trai phải nhờ đến lễ nghi để hợp thức hóa cuộc sống chung tương lai.
Anh thương em chẳng ngại sang giàu
Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân.
Ở đây đồng đất phố phường
Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu.
Hay là lễ vật đơn sơ:
Mâm trầu hũ rượu đàng hoàng
Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng thì xong.
Tay bưng quả nếp vô phòng
Đèn hương đôi ngọn, chữ bá tòng cầu hôn.
Tiếng đồn con gái Phú Yên
Con trai Bình Thuận đi cưới một thiên cá mòi.
Mẹ tôi tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Tôi đã bảo mẹ rằng: “Đừng!”
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ kẻ thấp người cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.
Hồi trước, ở nhà quê, lúc chế độ xôi thịt còn đang thịnh hành thì được làng chia cho một phần thịt thật là cả một vinh dự : “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.
2. Món ăn nhắc nhở đến tình yêu thương quê hương xứ sở
Như ta đã thấy, món ăn nói lên được những đặc sắc của mỗi địa phương, mang ít nhiều vết tích của tập quán, lễ nghi. Cao hơn nữa, các món ăn còn tiêu biểu phần nào cho tình yêu thương quê hương, nghĩa đoàn kết giữa đồng bào. Có phải lời lẽ tha thiết chứa đựng trong câu ca dao dưới đây là cả tiếng gọi thành khẩn và hiệu lực về mối đoàn kết giữa vùng rừng núi và miền biển cả, tượng trưng cho sự hòa hợp nhất trí của toàn thể đất nước :
Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau.
Ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Bồng em đi dạo vườn cà
Cà non chấm mắm, cà già làm dưa
Làm dưa ba bữa dưa chua…
Ta về ta sắm cần câu
Câu lấy cá bống nấu canh tập tàng.
♦♦♦
PHẦN 03: MIẾNG ĂN THỂ HIỆN TÌNH CẢM CON NGƯỜI
Thu hẹp lại trong phạm vi cá nhân, mỗi món ăn tiêu biểu cho sở thích của con người thì thế nào cũng tố giác được tình cảm, tánh tình của người ấy. Ta thử tìm hiểu tình cảm con người phát lộ trong miếng ăn như thế nào.
1. Lòng hiếu thảo
Đầu tiên, ta đề cập đến lòng hiếu thảo. Người con phải tận tâm săn sóc cha mẹ già, cố gắng tìm món ngon vật lạ để dâng cho song thân :
Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Năm tiền một khúc cá buôi
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
Má ơi, đừng đánh con đau
Để con bắt ốc, hái rau má nhờ!
Má ơi, đừng đánh con hoài
Để con bắt cá nấu xoài má ăn!
Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
2. Tình yêu trai gái
Giữa trai và gái, món ăn là một mối dây nối kết. Để thể hiện một mối tình chớm nở, để nói lên được niềm nhớ nhung người yêu, không gì bằng câu ca dao sau đây :
Rượu nằm trong nhạo chờ nem
Anh nằm phòng vắng chờ em một mình.
Cầm tay em như ăn bì nem, gỏi cuốn
Dựa lưng nàng như uống chén rượu ngon.
Bữa ăn có cá cùng canh
Anh chưa mát dạ bằng anh thấy nàng.
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi
Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.
Thân em khác thể trái chanh
Lắt lẻo trên cành, nhiều kẻ ước mơ.
Cách diễn tả những câu ca dao trên đây có cái táo bạo, cái sắc bén của những câu thơ Xuân Hương hay cái vẻ lả lơi, kỳ cổ của những câu thơ Ôn Như Hầu, nhưng vẫn không mất đi vẻ trang nhã, tế nhị.
3. Tình vợ chồng
Khi trai gái đã thành gia thất thì mối tình kia lắng xuống đậm đà hơn để đương đầu với bao thử thách đắng cay :
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Cải bẹ xanh nấu với thịt sườn
Khổ qua kia hết đắng thì cái sự can thường hết thương.
Đôi ta là nghĩa tào khang
Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau.
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Hồi nào mình bịnh, mình đau
Bắt từng con cá ruộng, nấu canh rau nuôi mình.
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội để khi đói lòng.
4. Tình bác ái trong miếng ăn
Khi quyền lợt cá nhân đã được thỏa đáng, khi bản thân đã ấm no thì thói thường con người hay nghĩ đến những người bất hạnh khác, những người sống đời đói rét, đương đau khổ hay đương kéo dài đời sống cô đơn :
Thóc bồ, thương kẻ ăn đong
Có chồng, thương kẻ nằm không một mình.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Tương trợ như vậy mới tránh được tình cảm thiên vị, khỏi phải mang tiếng là vì quyền lợi cá nhân hay vì hiếu danh, hiếu thắng
♦♦♦
PHẦN 04: MIẾNG ĂN HAY LÀ TRIẾT LÝ CỦA CUỘC ĐỜI
1. Thói đời qua miếng ăn
Có người quần quật suốt ngày cũng vì miếng ăn. Có người ty tiện, bán cả danh cả tiếng, cầu cạnh cho được bả vinh hoa, mồi phú quý. Hạng người này có biết đâu “Miếng thịt là miếng nhục”. Suốt đời chạy theo miếng ăn, sống chết vì miếng ăn, coi miếng ăn là tuyệt đích:
Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.
Sự đời nghĩ cũng nực cười
Một con cá lội, mấy người buông câu.
Trâu cột thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn quần dài.
Bậu chê qua ở rẫy ăn còng
Bậu về ở chợ, ăn ròng mắm nêm.
Cá không ăn câu chê rằng cá dại
Cá mắc câu rồi nói tại tham ăn.
Sá chi một nải chuối xanh
Năm bảy người giành cho mủ dính tay.
Cơm ăn không hết thì treo
Việc làm không hết thì kêu xóm làng.
Có chả, em tình phụ xôi
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Ăn cháo đá bát.
2. Thái độ đối phó
Cuộc đời quả thật phiền toái và đắng cay. Cho nên, dựa trên kinh nghiệm, chúng ta phải có thái độ đối phó như thế nào, phải khôn ngoan xử thế làm sao cho hợp lý. Ca dao tục ngữ dạy ta sống là phải đấu tranh, phải chịu đựng gian khổ mới có thể mưu sinh dễ dàng.
Có khó mới có miếng ăn
Ngồi không ai dễ mang phần tới cho.
Muốn ăn phải lăn vào bếp.
Làm sao mà ăn không, ở vì được trong khi mọi người đếu lấy “bát mồ hôi đổi bát cơm”? Thành thử, khi ra đời, phải tập luyện cho cơ thể quen thuộc với nắng mưa, chịu đựng gian khổ :Đã từng ăn bát cơm đầy
Đã từng nhịn đói cả ngày chẳng ăn.
Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến năm có hạn lấy ai bạn cùng?
Sống thời con chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.
Anh ơi, uống rượu thì say
Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo.
Ăn lắm thời hết miếng ngon
Nói lắm thời hết lời khôn, hóa rồ.
Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối.
Những câu phương ngôn trên diễn tả những món ăn, vật uống đã là những lý luận mẫu mực, xác đáng dạy ta phép xử thế thực tiễn.
3. Bổn phận trong miếng ăn
Tuy là phải “vắt đầu cá, vá đầu tôm”, một nắng hai sương để chạy từng bữa ăn, nhưng con người còn có cái gì quý hóa, thiêng liêng hơn, đó là bổn phận :
Anh đi, em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
Lầm than bao quản muối dưa
Anh đi, anh liệu chen đua với đời.
Nhà em có vại cà đồng
Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương
Dẫu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em
Một nhà vui vẻ êm đềm
Đói no trong cảnh không thèm lụy ai.
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay tối ngày.
Thái độ biết ơn trên cũng là thái độ cố hữu của người Việt, là bổn phận của người dân được hưởng thụ, vẫn ghi nhớ công đức đối với các bậc tiền bối đã khai sáng đất nước.
4. Khí tiết của miếng ăn
Như vậy, con người lấy nhân nghĩa mà xử sự ở đời, sống phải có trước có sau mặc dầu gặp cảnh nghèo khó, gian khổ phải luôn luôn thủy chung như nhất :
Tay cầm đĩa muối sàng rau
Thủy chung như nhất, sang giàu mặc ai.
Văn minh gặp buổi Lang Sa
Tri âm thì ít, trăng hoa thì nhiều
Khuyên ai giữ chí về sau
Đừng còn tập tễnh Tây, Tàu mà no
Thà rằng chịu đói no rau cháo
Lấy chồng nghèo giã gạo nấu cơm
Chẳng hơn thịt cá đầy mâm
Mà đem thân thế ra thân thế này…
Khế rụng bờ ao thanh tao anh lượm
Ngọt như cam sành héo cuống anh chê.
Canh cải mà nấu với gừng
Chẳng ăn thì chớ, xin đừng chê bai.
Đói thì ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
♦♦♦
PHẦN KẾT: GIÁ TRỊ TINH THẦN
Để kết luận, ta thấy miếng ăn diễn tả trong câu ca dao tục ngữ thật là quan trọng, có thể chế ngự được tình cảm và lý trí, chi phối cả đời sống con người, có thể hạ phẩm giá con người cũng như gây xô xát ngoài xã hội. Tuy nhiên, miếng ăn không có giá trị tuyệt đối, chưa phải là cứu cánh cao quý nhất của con người, vì ở đời còn có điều nhân nghĩa, còn có niềm thủy chung là giá trị tinh thần cố hữa quý hóa của người dân Việt :Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến năm có hạn, biết ai bạn cùng.
Xưa nay ăn đâu ở đâu Bây giờ có bí, chê bầu rằng hôi.
Lưu Văn – Tạp chí Tiến thủ Ảnh: TL-KV sưu tầm
Bình luận từ người dùng