4000 năm thời đại Hùng Vương

26/07/2017 Kiến Admin
1167
0

A. Truyền thuyết tiêu biểu

* Bọc trăm trứng: 

Vua đầu nước ta là Kinh Dương Vương cháu bốn đời Viêm Đế Thần Nông (vị thần coi về nông nghiệp của Trời) Kinh Dương Vương lấy Thần Long nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đi tuần thú gặp Âu Cơ ở động Lăng Xương kết làm vợ chồng, đưa về núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành trăm con trai. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân nói: "Ta giống Rồng, nàng giống Tiên không thể ở lâu với nhau được" bèn chia 50 con cho Âu Cơ đem lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con cả nối ngôi hiệu là Hùng Vương đặt tên nước Văn Lang đóng đô ở thành Văn Lang (Việt Trì - VKB), truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương

* Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng):

Về thời Hùng Vương thứ 16, nước Văn Lang bị giặc Ân xâm lược. Vua cho sứ giả đi rao người tài ra giúp nước. Ơở làng Phù Đổng bộ Vũ Ninh có một cậu bé 3 tuổi nghe tiếng sứ giả bèn vươn người thành cao lớn, xin vua rèn ngựa sắt, nón sắt, roi để đánh giặc. Đuổi xong giặc Ân chàng cưỡi ngựa bay lên trời. Vua Hùng phong là Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh.

* Bánh dày bánh chưng:

Vua Hùng thứ 6 muốn chọn con hiền cho nối ngôi, mới ban lệnh thi cỗ. Các hoàng tử ra sức tìm kiếm sơn hào hải vị bày biện. Riêng Lang Liêu mẹ mới mất không đi xa được, chàng nghĩ cách dùng gạo nếp thơm chế ra bánh dày, bánh chưng. Vua thấy Lang Liêu hiếu thảo siêng năng, sáng chế ra hai bánh quý bèn truyền ngôi cho làm Hùng Vương thứ 7.

* Quả dưa hấu:

An Tiêm là con nuôi Vua Hùng, nói năng kiêu ngạo, bị đày ra đảo hoang. Vợ chồng An Tiêm chỉ được mang theo một số lương thực và con dao phát. Chàng thấy đàn quạ đến đảo ăn thứ quả da xanh lòng đỏ, dây bò trên mặt đất. An Tiêm lấy một quả ăn thử thấy ngon ngọt khỏe người, bèn trỉa đất rắc hạt trồng khắp đảo. Đến vụ thu hoạch chàng gọi thuyền buôn vào bán. Vua biết tin liền cho đón về.

* Chử Đồng Tử:

Công chúa Tiên Dung con Vua Hùng 18 thích du chơi phóng khoáng. Nàng cưỡi thuyền xuôi sông Cái, đến bãi Tự Nhiên sai căng màn tắm. Không ngờ dội lớp cát trôi lộ ta chàng đánh cá trần truồng vùi mình trong hố, tên là Chử Đồng Tử. Tiên Dung cho rằng duyên trời se, bèn lấy chàng làm chồng. Vua cha biết tin giận sai quân đến bắt, thì toàn bộ khu vực của Chử Đồng Tử tách khỏi đất bay lên trời.

* Sơn Tinh - Thủy Tinh:

Sơn Tinh và Thủy Tinh đều đến cầu hôn công chúa Ngọc Hoa con Vua Hùng 18. Nhà vua hẹn ai đem lễ vật đến trước sẽ được lấy công chúa, Sơn Tinh nhờ có sách ước và các thần thổ địa giúp sức nên sớm có lễ vật đem đến trình vua, vua bèn gả Ngọc Hoa cho Sơn Tinh đem về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau thất bại liền hô phong hoán vũ đánh đuổi Sơn Tinh. Sơn Tinh huy động các loại dã thú đánh lui các loài thủy tộc và làm cho núi luôn luôn cao hơn nước. Thủy Tinh thua nhưng vẫn chưa nguôi tức giận, mỗi năm dâng nước đánh Sơn Tinh một lần, gây ra lũ lụt.

* Cột đá thề:

Vua Hùng 18 không có con trai, nhường ngôi cho con rể là Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên). Thục Phán là cháu Vua Hùng làm lạc tướng bộ lạc Tây Vu đem quân đến tranh ngôi, xảy ra chiến tranh Hùng - Thục. Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Phán cảm kích dựng hai cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề rằng sẽ kế tục giữ nước và thờ tự các Vua Hùng. Phán sai thợ đẽo đá dựng miếu trên núi và cho mời dòng tộc nhà vua đến ở chân núi lập ra làng Trung Nghĩa giao cho trông nom đền miếu, cấp cho đất ngụ lộc từ Việt Trì trở ngược đến hết địa giới nước nhà. Lại sai dựng miếu ở động Lăng Xương thờ bà mẹ Tản Viên, cấp đất ngụ lộc cho Tản Viên từ cửa sông Đà trở lên phía Tây Bắc. Sau đó Phán xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa đặt tên nước là Âu Lạc.

Xem thêm: Vietnamese History (Comic)

Vua Hùng

B. Phả hệ họ Hùng

TT Hiệu vua Húy Tuổi thọ Số năm làm vua
1 Kinh Dương Vương Lộc Tục 260 215
2 Lạc Long Quân Sùng Lâm 506 400
3 Hùng Quốc Vương Lân Lang 260 221
4 Hùng Diệp Vương Bảo Lang 646 300
5 Hùng Hy Vương Viên Lang 599 200
6 Hùng Huy Vương Pháp Hải Lang 500 87
7 Hùng Chiêu Vương Lang Liêu Lang 692 200
8 Hùng Vi Vương Thừa Vân Lang 642 100
9 Hùng Định Vương Quân Lang 602 80
10 Hùng Úy Vương Hùng Hải Lang 512 90
11 Hùng Chinh Vương Hưng Đức Lang 514 107
12 Hùng Vũ Vương Đức Hiền Lang 456 96
13 Hùng Việt Vương Tuấn Lang 502 105
14 Hùng Ánh Vương Chân Nhân Lang 386 99
15 Hùng Triều Vương Cảnh Chiêu Lang 286 94
16 Hùng Tạo Vương Đức Quân Lang 273 92
17 Hùng Nghị Vương Bảo Quang Lang 217 160
18 Hùng Duệ Vương Huệ Lang 221 150
    Cộng: 2.796 năm  

 

Đời vua thứ Hịêu vua Số con trai Số con gái Số chi Số cháu chắt
1 Kinh Dương vương 24 20 36 596
2 Lạc Long Quân 186 29 141 3599
3 Hùng Quốc Vương 33 10 51 900
4 Hùng Diệp Vương 49 20 59 1591
5 Hùng Hy Vương 52 9 61 1600
6 Hùng Huy Vương 33 19 52 599
7 Hùng Chiêu Vương 23 36 59 750
8 Hùng Vi Vương 31 16 47 579
9 Hùng Định Vương 29 30 50 559
10 Hùng Úy Vương 29 30 50 434
11 Hùng Chinh Vương 46 18 64 409
12 Vùng Vũ Vương 50 6 56 305
13 Hùng Việt Vương 27 30   541
14 Hùng Ánh Vương 18 22 40 309
15 Hùng Triều Vương 40 16 56 399
16 Hùng Tạo Vương 30 7 37 319
17 Hùng Nghị Vương 22 15 37 291
18 Hùng Duệ Vương 20+ 6+ 26 194

(1) Trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa thể hiểu hết được nội dung ban phả hệ. Về thời gian tồn tại nước Văn Lang 2796 năm và tuổi thọ của các vua cùng các chi phái còn là điều bí ẩn. Chúng tôi công bố đúng theo ngọc phả để đồng bào cùng nghiên cứu.

Quan niệm chính thức của chúng tôi: 18 đời Vua Hùng và nước Văn Lang tồn tại khoảng 400 năm ứng với văn hóa khảo cổ Gò Mun - Đông Sơn, còn trước nữa là thời bộ lạc.

(2) Trong ngọc phả còn chép Hùng Kinh Vương là con Hùng Duệ Vương. Ông làm vua được 6 năm thì mất. Có lẽ ngắn ngủi quá nên lịch sử không kể đến.

- Các hoàng tử và công chúa đều mất sớm. Chỉ còn Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử và Ngọc Hoa lấy Tản Viên.

Danh sách 100 người con trai từ bọc trăm trứng

  • Lân Lang làm vua
  • 49 người con theo cha Lạc Long Quân là:

Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Huân Lang, Yên Lang, Tiên Lang, Diên Lang, Tích Lang, Tập Lang, Ngọ Lang, Cấp Lang, Tiếu Lang, Hộ Lang, Thục Lang, Khuyến Lang, Chiêm Lang, Vân Lang, Khương Lang, La Lang, Tuần Lang, Tân Lang, Quyền Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũng Lang, Ác Lang, Tảo Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Nhiễu Lang, Lý Lang, Châm Lang, Tường Lang, Chóc Lang, Sáp Lang, Cốc Lang, Nhật Lang, Sái Lang, Chiêu Lang, Hoạt Lang, Điển Lang, Thành Lang, Thuận Lang, Tâm Lang, Thái Lang, Triệu Lang, Ích Lang.

  • 50 người con theo mẹ Âu Cơ là:

Hương Lang, Kiểm Lang, Thần Lang, Văn Lang, Vũ Lang, Linh Lang, Hắc Lang, Thịnh Lang, Quân Lang, Kiêm Lang, Tế Lang, Mã Lang, Chiến Lang, Khang Lang, Chinh Lang, Đào Lang, Nguyên Lang, Phiên Lang, Xuyến Lang, Yến Lang, Thiếp Lang, Bảo Lang, Chừng Lang, Tài Lang, Triệu Lang, Cố Lang, Lưu Lang, Lô Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Huyền Lang, Nhị Lang, Tào Lang, Ngyuệt Lang, Sâm Lang, Lâm Lang, Triều Lang, Quán Lang, Cánh Lang, Ôốc Lang, Lôi Lang, Châu Lang, Việt Lang, Vệ Lang, Mãn Lang, Long Lang, Trình Lang, Tòng Lang, Tuấn Lang, Thanh Lang.

 

C. Di tích khảo cổ và sử cũ

Di tích khảo cổ

Trên địa bàn Vĩnh Phú (tức bộ Văn Lang cũ) phát hiện được trên 70 di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương (tính tới 1992). Nếu lấy đền Hùng làm trung tâm quay một vòng bán kính 20 km thì có gần 50 di tích nằm trong vòng đó, phần lớn tập trung ở vùng Lâm Thao cũ và Việt Trì.

Gần 50 di tích đó là: Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồi Dung, Gò Ông Kế, Gò Miếu, Ngỏ Đỗ, Nội Gan, Bản Nguyên, Đồng Đường, Chùa Cao, Thành Dền, Đồng Đậu Con, Gò Chiền, Mã Nguội, Liên Minh, Xóm Kiếu, Gò Con Lợn, Gò Mồng, Gò Tro trên, Gò Tro dưới, Đồng Sấu, Gò Tôm, Gò Thế, Gò Gai, Gò Con Cá, Gò Thờ, Gò Ghệ, Đồi Hoàng Long, Mả Nứa, Lê Lợi, Đồi Giàm, Làng Cả, Mã Lao, Núi Voi, Gò Vừng, Gò Dền, Đôn Nhân, Bình Sơn, Đồng Quế, Gò Re, Gò Diễn, Gò Bún, Gò Sanh, Gò Ông Tiễn, Gò Ma Lầy, Thọ Sơn.

Hơn 20 di chỉ phân bố tương đối tản mạn ngoài bán kính nói trên là: Gò Chùa, Gò Trại, Gò Või, Vạn Thắng, Nhà Quỳnh, (huyện Sông Thao); Lũng Hòa, Nghĩa Lập, Đồng Đậu, Đinh Xa, Ma Cả (Vĩnh Lạc); Cự Triền, Tháp Miếu, Núi Ca, (Mê Linh); Hồng Đà, Dậu Dương, Gò Bông, La Phù, Văn Minh, Đoan Thượng, Đào Xá, Gò Cháy, Gò Chè, núi Ngấn (Tam Thanh); Gò Nghành, Suối Trại (Tam Đảo).

Các di tích trên chia làm 4 loại:

  • Loại Phùng Nguyên trên dưới 400 năm cách đây
  • Loại Đồng Đậu trên dưới 3.500 năm
  • Loại Gò Mun trên dưới 3000 năm
  • Loại Đông Sơn khoảng 2.800 năm đến đầu công nguyên.

Di chỉ nói trên là những địa điểm người Việt cổ cư trú còn để lại trong lòng đất các hiện vật gồm: đồ đá như rìu, đục, cuốc, vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi, đọi xe sợi, mũi tên...

Đồ gốm như nồi niêu, bát dĩa, cốc chén, vại lọ, tượng súc vật. Vết tích thức ăn như lúa gạo, hạt qua, xương cá, vỏ ốc trai hến, xương thú rừng và gia súc v.v...

Đặc biệt là theo truyền thuyết cung điện nhà vua ở thôn Việt Trì thì khảo cổ học đã tìm thấy ở di chỉ Làng Cả (khu Mì chính) những hiện vật nói lên sự có mặt của vua quan như mũi tên đồng, rìu chiến trang trí đẹp, giáo đồng, khóa thắt lưng bằng đồng tạc 8 con rùa, thạp, trống, tượng cóc bằng đồng thau.

Sử cũ nói về Vua Hùng

Sách Trung Quốc: "Thời xưa, Giao Chỉ chưa có quận huyện (tức là chưa có sự đô hộ của phương Bắc - VKB) thì đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là dân Lạc. Đặt Lạc Vương, Lạc hầu để làm chủ các quận huyện. Các quận huyện phần nhiều là những Lạc tướng, Lạc tướng thì có ấn đồng giải xanh" (Giao Châu ngoại vực ký - thế kỷ 3-4).

(Đất Giao Chỉ phì nhiêu, nhiều dân cư đến đó, họ là những người đầu tiên khai khẩn, đất đen và bốc hơi mạnh lắm. Bấy giờ những cánh đồng đó gọi là Hùng điền và dân gọi là Hùng dân, có một ông chúa gọi là Hùng Vương. Hùng Vương có các chức viên giúp việc gọi là Hùng hầu. Lãnh thổ đất Hùng thì chia cho các Hùng tướng) (Nam Việt chí thế kỷ 5).

Sách nước ta: "Đến thời Trang vương nhà Chu (696-682) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục các hộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở thành Văn Lang, hiệu nước là Văn Lang, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương" (Đại Việt sử lược - thế kỷ 14).

"Con trai vua gọi là quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, Quan Hữu ti gọi là Bồ chính, đầy tớ trai và đầy tớ gái gọi là ngưỡng là xảo.

Thời bấy giờ dân ở chân núi làm nghề đánh cá, thường bị giao long làm hại, họ tâu tới vua, vua nói rằng: Loài ở núi và giống ở nước, giống kia ưa đồng loại mà ghét dị loại nên làm hại. Vua liền sai lấy mực xăm vào mình thành hình thủy quái. Từ đấy không có tai nạn giao long làm hại nữa. Hồi quốc sơ đồ dùng còn chưa đủ, dân còn phải lấy vỏ cây làm áo, lấy chim muông tôm cá làm mắm, lấy củ gừng làm muối, đao canh hoa chủng, đất nhiều gạo nếp lấy ống tre mà thổi, gác gỗ làm nhà để tránh hổ lang làm hại "(Lĩnh Nam trích quái, thế kỷ 15).

 

D. Nước Văn Lang

Thời đại Hùng Vương tồn tại khoảng 2000 năm trước công nguyên (tính tới nay gọi là 4000 năm văn hiến). Chia làm hai thời kỳ.

* Thời kỳ bộ lạc khoảng từ thế kỷ 10 trước công nguyên trở về trước, ứng với văn hóa Đồng Đậu - Phùng Nguyên.

* Thời kỳ dựng nước Văn Lang khoảng từ thế kỷ 10 trước công nguyên đến giữa thế kỷ 3 trước công nguyên ứng với văn hóa Gò Mun - Đông Sơn.

Nước Văn Lang do 15 bộ lạc hợp thành là: Văn Lang, Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Cửu Đức, Chu Diên, Tân Xương, Bình Văn, Kê Từ, Bắc Đái (theo VSL).

Cương vực này tương đương Bắc Bộ và Trung bộ ngày nay dân số nước Văn Lang khoảng 1 triệu người.

Mô hình xã hội

- Đứng đầu đất nước là vua Hùng thế lập cha truyền con nối.

- Giúp việc bên cạnh vua có các quan Lạc hầu (gọi là Hồn)

- Lạc tướng là chức quan cai quản một bộ (tức bộ lạc cũ).

- Dưới Lạc tướng là chức Bồ chính đứng đầu các làng, bản.

- Dân gọi là Lạc dân - Lạc dân làm kinh tế gia đình nộp tỷ lệ nhỏ sản phẩm cho Nhà nước. Nghề chính là cấy lúa nước kết hợp với chăn nuôi trâu bò, lợn gà, đánh cá, săn bắn. Ngoài ra còn có các nghề thủ công như làm gốm, chế tác đồ đá, đan lát tre nứa, đan lưới, dệt vải, nấu đúc đồng, rèn sắt, đóng thuyền, sản xuất đồ gỗ, đồ mỹ nghệ v.v... Đã xuất hiện một bộ phận làm nghề buôn bán đổi chác.

- Có một tỷ lệ nhỏ nô tỳ (gọi là xảo xứng thần bộc nữ lệ) phục vụ gia đình quí tộc. Ở nước ta không thiết lập chế độ chiếm hữu nô lệ, đại đa số dân trong nước là dân tự do tức Lạc dân. Quan hệ giữa Vua Hùng và Lạc dân rất gần gũi "cùng cày ruộng, cùng tắm sông, cùng săn bắn, cùng xem hội" sử cũ gọi là "đời hồn nhiên" (Lĩnh Nam chích quái thế kỷ 15).

Đời sống vật chất

- Ăn: Lương thực chủ yếu là gạo tẻ nấu cơm, bữa ăn có thịt, cá, cua, lươn, ốc, ếch, rau, dưa, cà, kiệu. Gia vị dùng hành, tỏi, gừng, riềng, nghệ, ớt và nhiều loại rau thơm. Đã biết làm nhiều loại bánh kẹo, quốc tục là bánh dày, bánh chưng. Rượu dùng cúng lễ, cưới xin, tiệc ngọc, đãi khách.

- Ở: Kiểu nhà sàn là chủ yếu. Cung điện lầu của các vua cũng làm theo lối gác sàn.

- Mặc: vải còn hiếm. Ngày thường nữ mặc váy ngắn và yếm che ngực, nam đóng khố cởi trần. Ngày hội nữ mặc áo và váy dài, nam mặc áo và quần dài, đầu chít khăn cài lông chim, tay đeo vòng, cổ đeo hạt chuỗi, tai đeo hoa.

Đời sống tinh thần

Tín ngưỡng trời đất, núi sông, thần lúa, tổ tiên, linh hồn người qua đời và các vật thiêng khác.

Cư dân thích trang trí nhà cửa đồ dùng, thích đồ trang sức, rất yêu văn nghệ ca hát nhảy múa. Nhạc cụ có sáo, nhị, kèn, trống, chiêng, cồng, mõ, đàn bầu. Ca dao tục ngữ và truyện kể đã phát triển.

Về quốc phòng

Lực lượng quân sự có quân thường trực và quân hương dũng (dân binh) vũ khí có gậy, tay thước, giáo, lao, nỏ, rìu chiến, dao găm. Hành quân đi bộ hoặc đi thuyền, các vị tướng cưỡi ngựa hoặc voi. Trường huấn luyện quân sĩ đặt ở Cẩm Đội.

Về ngoại giao

Phương lược ngoại giao của các vua Hùng là mềm dẻo thân thiện và bảo vệ chủ quyền. Đời Chu Thành Vương, vua sai đem biếu con chim trĩ trắng, vua Chu biếu lại cổ xe chỉ Nam - Song đã cự tuyệt gay gắt và chuẩn bị đối phó khi Việt Vương Câu Tiển muốn ép làm chư hầu.

Kinh đô Văn Lang

Triều Hùng Vương đóng đô ở thành Văn Lang (nay là Việt Trì, Phong Châu). Tập truyền rằng:

- Cung điện nhà vua dựng ở Gò Làng Cả thôn Việt Trì (khu Mì chính).

- Tháp Lọng là nơi các Lạc hầu ở.

- Cẩm Đội (Thụy Vân) đặt trường huấn luyện quân sĩ.

- Nông Trang là nơi đặt kho thóc của nhà vua.

- Chợ Lú là chợ mua bán lúa gạo.

- Đồng Lú Minh Nông là xứ đồng vua dạy dân cấy lúa nước.

- Gò Tiên Cát là nơi dựng lầu kén chồng cho các công chúa.

- Xứ đồng Hương Trầm hoàng tử Lang Liêu trồng lúa nếp thơm, làm bánh dày, bánh chưng.

- Lầu Thượng, Lầu Hạ là khu lầu các vợ con vua ở.

- Thậm Thình là tiếng tượng thanh nhắc lại làng đó có lần giã gạo mấy ngày đêm, dâng vua.

 

E. Niên biểu thời dựng nước

- 2070 triệu năm trước: Thành tạo núi Nghĩa Lĩnh

- 50 triệu năm trước: Kiến tạo các sông Hồng, Lô, Đà với những đồi núi, đồng bằng, đầm hồ, xuất lộ bộ mặt địa hình Vĩnh Phú, trong đó có dãy đồi 99 con coi chầu về đất Tổ.

- Khoảng 1,5 vạn năm cách đây các dải đồi hai bên bờ sông Thao có mấy chục thị tộc người nguyên thủy cư trú. Họ là chủ nhân nền văn hóa hậu kỳ đồ đá cũ Sơn Vi.

- Trên một vạn năm đến 8000 năm cách dãy biển tiến sau băng hà Vuyếc-mơ, tràn vào ngập toàn bộ đồng đằng và vùng thấp ven đồi núi. Người nguyên thủy Sơn Vi tạm lánh lên vùng núi Hòa Bình - Bắc Sơn.

- Khoảng 6000 năm cách đây nước biển rút khỏi đồng bằng. Sau đó trải hàng ngàn năm mưa lũ thau chua rửa mặn và phù sa màu mỡ các con sông bồi đắp làm hồi sinh thảm thực vật. Quần thể động vật như chim thú, cá tôm nhuyễn thể trở nên sầm uất, tạo nên môi trường sống hết sức thuận lợi cho con người.

- Khoảng 2000 năm trước công nguyên có 15 bộ lạc Việt cổ sinh sống trên đồng bằng và trung du Bắc bộ. Trong số này bộ lạc Văn Lang của thủ lĩnh họ Hùng nhờ địa lợi tuyệt đối của vùng ngã ba sông Hồng, Lô, Đà trở nên lớn mạnh.

- Khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên, thủ lĩnh Văn Lang đứng lên thành lập nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc. Ông được suy tôn là Hùng Vương.

- Năm 258 trước công nguyên Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho cháu họ xa là Thục Phán.

- Năm 179 trước công nguyên An Dương Vương đánh bại cuộc xâm lược của Triệu Đà - Đà lập kế cho con trai sang ở rể lấy cắp nỏ thần. Tướng Đinh Công Tuấn can ngăn An Dương Vương không được bèn cáo quan về quê lập sẵn đồn ải ở Aá Nguyên để chống Triệu Đà. Bên kia sông Hồng các tướng họ Hà cũng lập đồn ở Bì Châu. Nghĩa quân chống Triệu được một thời gian.

- Năm 111 trước công nguyên nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu cướp nước Nam Việt.

Thừa tướng Triệu là Lữ Gia bỏ kinh Phiên Ngung sang liên lạc với các thổ bào bộ Văn Lang lập căn cứ ở Long Động Sơn (Lập Thạch) chống nhà Hán được mười năm.

- Năm 40 Hai Bà Trưng cháu Vua Hùng dấy nghĩa binh đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán. Hai bà lên đền làm lễ tế cờ khấn rằng:

Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1274
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy