Đặc điểm kiến trúc phong cách Đông Dương

13/09/2016 Lê Cẩm Thùy
7981
0

Ngôn ngữ biểu đạt

Hà Nội xanh với những nét đẹp cổ kính, đan xen với kiến trúc Pháp có những tòa nhà cũng không Pháp mà cũng không Việt với những gam màu thật, ấm, nóng, rực rỡ của ngói, những cách điệu của đầu đao, mái vẩy, những con tiện, con sơn thường gặp trong kiến trúc Á Đông. Đó là các tòa trụ sở Đại học Việt Nam, Bộ Ngoại Giao, Bảo tàng Lịch sử, Nhà thờ Cửa Bắc và Viện Pasteur do Kiến trúc sư (KTS) người Pháp E. Hebrard (1866-1933) thiết kế và được xây dựng từ thập niên 20 của thế kỷ XX.

Bảo tàng Lịch sử Việt nam

Đa số các công sở, công thự được xây trước những năm 30 của thế kỷ 20 đều do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Vào những năm 1936-1939, các kiến trúc sư Việt Nam đã đưa kiến trúc truyền thống của Việt Nam vào trong thiết kế, ví dụ như kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã đưa mái công của kiến trúc đình chùa vào biệt thự ở 84 phố Nguyễn Du. Hay như bốn ngôi nhà A, B, C, D ở trường đại học Bách Khoa do kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật thiết kế đã có những đường nét cong lượn của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Đặc điểm chung của những biệt thự ở Hà Nội dù là thuộc sở hữu của người Pháp hoặc người Việt Nam, do kiến trúc sư người Pháp hay người Việt thiết kế, có thể đẹp hoặc chưa đẹp nhưng không thể phủ nhận một điều - đó là sự hoàn chỉnh. Không thể thêm hoặc cũng không thể bớt các chi tiết bởi mọi sự thêm bớt đều làm cho biệt thự bị khập khiễng. Ngoài sự sang trọng, thoáng đãng và bí ẩn, các biệt thự này còn tạo ra cảm giác thanh bình.

Hầu hết các biệt thự này đều nằm ở trung tâm thành phố và biệt thự nào cũng có cây xanh được trồng trong khuôn viên rộng. Đi qua các phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du... đến các phố xa hồ Hoàn Kiếm như Ngô Thì Nhậm, Bùi Thị Xuân, Trần Xuân Soạn... đều thấy biệt thự xen lẫn với nhà dân có kiến trúc hình ống. Các kiến trúc sư Nhật Bản đánh giá Hà Nội có nhiều "vườn trong phố".

Những biệt thự của các nhà tư sản người Pháp hoặc các công thự mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Sở dĩ có sự phong phú này bởi người Pháp đến sinh sống, làm việc ở Việt Nam đã mang đến những nét kiến trúc của địa phương mình vào các biệt thự mà họ xây dựng. Từ kiến trúc vùng miền nam nước Pháp đến kiến trúc vùng Bắc nước Pháp đều thấy xuất hiện trong các công trình ở Hà Nội. Ví dụ như lối kiến trúc có mái đứng, lợp đá áp-loa (để cho tuyết không đọng lại trên mái nhà) thường thấy ở phía bắc nước Pháp được sử dụng trong các tòa nhà hiện là Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Giao thông Vận tải...

Các biệt thự thường có hai tầng, sàn làm bằng gỗ lim, một trong bốn loại gỗ tốt nhất, không bị co giãn bởi thời tiết và không bị mối mọt. Còn trần và nhà được đóng gỗ và trát vôi trộn rơm. Theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, việc sử dụng vôi và rơm để làm trần có thể được các kiến trúc sư và các nhà xây dựng bắt chước người nông dân Việt Nam khi trộn rơm với bùn để làm tường nhà.

Nhấn mạnh những hình khối lập thể, bố cục tự do không gò bó, không đối xứng.

Những ngôi nhà này ngoài vật liệu truyền thống là gạch, dùng rất nhiều bêtông, có mái bằng, đường nét kiến trúc ngang bằng sổ thẳng và nhấn mạnh những góc vuông. Chúng được thiết kế mang tính chất duy lý ở bố cục mặt bằng và được thiết kế kỹ lưỡng từ hình khối đến các chi tiết. Về hình thức mái tâ thấy có hai loại hình mái là hình thức mái bêtông và hình thức mái dốc lợp ngói.

Bộ Ngoại giao

Tiêu biểu cho giai đoạn này phải nói đến việc sử dụng ngôn ngữ kiến trúc của KTS.E. Hebrard. Ông đã kết hợp những ngôn ngữ kiến trúc phương Đông khác nhau để diễn đạt một không khí rất phương Đông trên một mặt đứng đăng đối vốn là một trong những ngôn ngữ chính của kiến trúc cổ điển Pháp bằng những con sơn, con tiện, mái đua, mái chống hắt v.v... E. Hebrard đã đem những mái nhà ở đâu đó mà ta đã gặp ở làng quê Việt chồng thành lớp liên tục làm cho những công trình mang dáng dấp kiến trúc Thái Lan, Campuchia hay của Lào. Trên đỉnh mái lại có những bờ nóc rất giống kiến trúc Việt. Đi sâu một chút vào chi tiết con tiện hoặc một khuôn cửa sổ tròn, ta lại thấy giống như kiến trúc của Trung Hoa.

Tất cả những chi tiết kiến trúc Thái, Miên, Lào, Việt và Trung Hoa vừa kể đã được khéo léo sắp xếp lại với nhau một cách hài hòa, đồng điệu chứ không tạo nên một sự tranh chấp thái quá làm cho người ta dễ nhận thấy một không khí Á Đông trên bề mặt kiến trúc phương Tây.

Để thích ứng với điều kiện khí hậu Hà Nội, E. Hebrard còn tạo cho công trình độ sâu các lớp hành lang, những bức tường dày và những mái chống hắt những hàng hiên, những lỗ thoáng đối lưu... Tất cả những chi tiết kiến trúc thuần Việt ấy cùng với cách thức xây tường dày cửa sổ hai lớp có tác dụng làm ấm nhà trong mùa đông, mát nhà trong mùa hè, thông thoáng tự nhiên, chống mưa và giảm bức xạ mặt trời khi nắng nóng.

Một số đặc điểm cơ bản:

Tường xây rất dày , có nhiều nhà xây tường 40, vừa để chống nóng vào mùa hè, chống lạnh vào mùa đông. Cửa 2 lớp, trong kính ngoài lá sách, lấy sáng về mùa đông, lấy gió về mùa hè. Cửa sổ bao giờ cũng có ôvăng lớn chống nước mưa tạt. Trong các công trình công cộng bao giờ cũng có hành lang rất lớn, hành lang này cũng là 1 yếu tố chống nóng. Hệ console gỗ rất đẹp, hợp với mái ngói và hệ xà gồ gỗ. Hệ thống thoát nước mái rất tốt, độ dốc mái bao giờ cũng là 60% đảm bảo thoát nước nhanh, không bị giột. Sử dụng gốm trang trí mặt đứng. Chân công trình không còn xây bằng đá hoặc ốp đá như trước đây nữa. Nếu chú ý kỹ sẽ thấy bậu của sổ bao giờ cũng có một độ vát nhất định để tránh nước tràn vào trong, đặc biệt có những công trình còn có rãnh thoát nước cho cửa sổ ngay trên bậu cửa mà nhìn kỹ ta mới nhận ra.

Tổ chức không gian

Về tổ chức không gian cho công trình E. Hebrard sự lựa chọn vị trí để đặt công trình tạo nên một tổng thể kiến trúc toàn bích. Đây mới là sự tinh tế E. Hebrard trong sáng tạo và quy hoạch kiến trúc. Vốn là nhà quy hoạch nên ông đã khá thuận lợi khi chọn vị trí. Nhờ đó những công trình của ông bao giờ cũng hài hòa với không gian kiến trúc xung quanh là những toà biệt thự kiểu Pháp có sẵn, cây xanh và hồ nước Hà Nội. Trên tổng thể đó là những toà nhà không quá cao, nhưng vẫn đồ sộ, vẫn đăng đối, vẫn lừng lững mà lại hoà quyện với cây xanh làm cho kiến trúc Hà Nội thêm đẹp, thanh lịch, sang trọng và kiều diễm.

Về không gian trong công trình, để thích ứng với điều kiện khí hậu Hà Nội, E.Hebrard còn tạo cho công trình độ sâu các lớp hành lang, những bức tường dày và những mái chống hắt những hàng hiên, những lỗ thoáng đối lưu... Tất cả những chi tiết kiến trúc thuần Việt ấy có tác dụng làm ấm nhà trong mùa đông, mát nhà trong mùa hè, thông thoáng tự nhiên, chống mưa và giảm bức xạ mặt trời khi nắng nóng.

Nói chung Phong cách Kiến trúc Đông dương kết hợp phản ánh một loại hình Kiến trúc đặc trưng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thời kỳ này. Sau năm 1945 người Việt Nam khai thác nhiều hơn các yếu tố Kiến trúc Việt Nam đưa vào nên có thể nói Kiến trúc thời kỳ này đã mang yếu tố thuần Việt rất nhiều.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1521
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy