Bàn thờ trong nhà cổ Nam bộ

25/09/2016 Kiến Admin trenews.net
14741
0
“Ngoại khách, nội tự” (phần ngoài tiếp khách, phần trong thờ cúng) là mô hình chung cho việc xếp đặt, và trang trí nội thất cho bất kỳ một ngôi nhà cổ nào ở Nam Bộ. Do đó việc trang trí chạm khắc cửa võng, ô hộc, bao lam dù lớn hay nhỏ của các gian nhà là không thể thiếu. Nhưng phần quan trọng nhất trong ngôi nhà, vẫn là không gian nội tự. Nhìn vào phần thờ tự có thể biết được nếp ăn, nếp ở, gia phong của người chủ ngôi nhà. .
 
 
Nhà cổ của ông Đỗ Cao Thứa ở Tân Uyên, Bình Dương
 
Không gian thờ tự được trang trí khá công phu, nhất là các bao lam ở các gian được chạm lộng hai hoặc ba lớp các đề tài tứ linh, tứ thời... hoành phi, liễn đối cẩn ốc sắc sảo, hay liễn chữ đục lõm sơn son thếp vàng. Tùy theo gia cảnh mà bao lam được làm cầu kỳ hay đơn giản, cũng như tủ thờ cao hay thấp, bàn thờ lớn hay nhỏ, chạm lộng, cẩn ốc ngũ sắc hoặc tủ trơn chạy chỉ gờ, nhưng nói chung tất cả những đồ trang trí ấy góp lại, làm cho không gian thờ tự thêm phần trầm lắng và trang trọng.
 
 
 
Bàn thờ, phía sau tủ thờ có trang trí tranh kiếng vẽ phong cảnh sơn thủy
 
Thông thường trong ngôi nhà cổ, thờ tự truyền thống có ba tủ thờ đặt thành hàng ngang ở phần không gian trước cột cái (nhà nọc ngựa) hoặc giữa hai cột cái (nhà xuyên trính), phía sau là vách lụa, hai bên có cửa dẫn vào các buồng ngủ. Tủ thờ được làm bằng các loại gỗ quí như gõ đỏ, gõ mật hay huỳnh đàn, trang trí ô hộc, thanh trụ chạm khắc hoặc cẩn ốc xà cừ theo các điển tích: Nhị Thập Tứ Hiếu, Tam Quốc Chí, Phong Thần... Đa số các tủ thờ được nghệ nhân vùng Gò Công, Cần Đước, Thủ Dầu Một dụng công, rất hiếm thấy các loại tủ thờ chạm lộng chi chít ba mặt kiểu miền Trung, hay bàn thờ sơn son thếp vàng kiểu miền Bắc.
 
Trên bàn thờ bày trí bài vị, di ảnh ông bà, đồ khí tự, đồ sành sứ “Đông bình Tây quả” (bên trái bình bông, bên phải quả đĩa trái cây), giữa có lư hương đồng mắt tre hoặc hình lân hí cầu, phía trước hai cặp chân đèn, bát nhang, dĩa trầu cau, chung nước... Trong ngày giỗ chạp, tết nhất, nước được thay thế bằng rượu trắng hay trà. Phía sau tủ thờ là ba bàn thờ hình chữ nhật hoặc vuông. Bàn thờ dùng để bày biện đồ cúng, thường là những món ăn mà người đã khuất lúc sinh thời thích ăn. Bên cạnh đó, còn bày bát nhang và đèn dầu. Trên vách sát bàn thờ là bức tranh thờ vẽ bằng màu nước trên vải bố, hoặc tranh kiếng vẽ cảnh sơn thủy, mái nhà tranh sau lũy tre làng trong ánh bình minh hay chiều tà.
 
 
 
Giường thờ,  nhà ở xã Hòa Khánh, Cái Bè
 
Vậy thì sao lại phải bày trí thờ tự nhiều như vậy, nào là tủ thờ rồi lại bàn thờ? Cái nào có trước, cái nào có sau? Theo thiển ý người viết, có lẽ bàn thờ có trước trong việc thờ cúng tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc ta qua hàng ngàn năm. Khởi thủy được làm từ vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như tre, rất phù hợp cho việc trang bị nội thất trong một gian nhà tranh tre nứa lá. Rồi sau đó, gỗ được ứng dụng trong việc dựng nhà dành cho người  khá hơn hay giàu có, quan lại triều đình. Nhưng chắc hẳn phải đến đời vua Tự Đức trở về sau, luật lệ xây dựng trang trí nhà cửa của dân chúng mới được nới lỏng, có thể làm nhà cột gỗ mái ngói.
 
Do vậy, bàn thờ của một số nhà cổ truyền thống ở Nam Bộ có niên đại từ 1860 - 1880 thường giản đơn, chân cao (ít thấy có tủ thờ), trang trí bằng chỉ soi hoặc chạm rất ít, so với bàn thờ của những ngôi nhà có niên đại từ 1890-1910 thì được đục chạm khá nhiều hoa văn chi tiết, và cẩn ốc xà cừ sáng ngời. Giai đoạn này là thời kỳ nở rộ phong trào xây dựng nhà thảo bạt, phần ngoài theo kiểu trong cổ ngoài tân. Hẳn nhiên mỹ thuật đồ nội thất gỗ tiến lên một bậc, sắc sảo hơn, tinh tế hơn của những ngôi nhà to và đẹp. Và chính trong giai đoạn này, tủ thờ xuất hiện do tính tiện dụng vừa làm nơi thờ cúng vừa làm nơi cất đồ thờ tự, gia phả, vừa là món đồ gỗ nội thất có tính nghệ thuật trang trí cao, nên được xếp đặt phía trước bàn thờ.
 
 
 
Nhà có tủ thờ kiểu miền Trung thờ ông bà ở gian giữa - phía sau trang trí ô học, chạm khắc ở Châu Thành, Tiền Giang
 
Về việc thờ tự trong các ngôi nhà cổ Nam Bộ còn mang nhiều tính truyền thống, bao gồm tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo.
 
+ Phía trên gian giữa có trang thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm hình lưỡng long tranh châu, thờ các vị thần phù hộ gia đình như Đông Trù Tư Mạng, Hiệp Thiên Đại Đế, Phúc Đức Chánh Thần; hoặc có nhà không có trang thờ nhưng đặt bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ ở gian giữa. Có nhà đặt bàn thờ Phật Thích Ca, Quan Âm ở hai bên - phía trên.
 
+ Bên trái là bàn thờ họ nội, bên phải là bàn thờ họ ngoại, và việc thờ cúng giỗ chạp chỉ trong ba đời.
 
Và trong việc khảo sát những nhà hơn trăm tuổi, chúng tôi nhận thấy trong ngôi nhà cổ ở xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang của lãnh binh Phạm Văn Năng, dưới trướng Quốc công Nguyễn Huỳnh Đức, chỉ huy đội quân khai phá vùng đất Thuộc Nhiêu (Cai Lậy - Cái Bè ngày nay), lại có một giường thờ đặt phía sau tủ thờ, thờ những vong linh của các bậc tiền hiền đi khai phá đất phương Nam. Giường thờ to bằng một chiếc giường lớn, trên trải chiếu và đặt chén bát, ấm trà, đèn dầu, lư hương. Mỗi năm cúng lễ bằng những món ăn dân dã,  mà tổ tiên ngày xưa từng ăn lúc đi khai phá vùng đất mới như cháo ám, cá lóc nướng trui, tôm, cua, ốc bươu, rắn nướng... Quả thật, đây là một trường hợp rất hiếm, còn bảo lưu việc thờ cúng truyền thống dân gian rất đáng quí. Việc cúng các bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp, dựng làng ở một vài địa phương khác như An Giang hay Đồng Tháp người ta gọi là cúng lề, không cúng trên giường mà cúng bái ngoài hiên nhà.
 
 
 
Gian thờ nhà cổ Đỗ Cao Thứa
 
Ngày nay việc thờ cúng ở các nhà cổ Nam Bộ có đôi nét thay đổi, giảm bớt một số tín ngưỡng dân gian trong việc thờ cúng đa thần, nhưng việc cúng bái trước bàn thờ tổ tiên, ông bà thường được tổ chức long trọng, con cháu tụ về xum họp. Đó cũng là một nét đẹp văn hóa trong một dòng họ, và cũng là cách duy trì cho thế hệ đời sau ghi nhớ công ơn của các đấng sinh thành.
 
“Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Tử hiến tôn hiền vạn đại vinh.”
 
Ngọc Linh
 

Xem thêm Bộ sưu tập BÀN THỜ - GIAN THỜ:

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1491
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy