Một trong những vấn đề khó khăn của nghệ thuật sắp đặt iwagumi là đạt được sự cân bằng về bố cục. Nhiều người tuân thủ “tỷ lệ vàng” - chia các chiều ngang, dọc và sâu thành ba phần đều nhau. Tiêu điểm nằm ở nơi các đường ngang và dọc giao nhau. Hãy đặt đá và cây vào những nơi đó để nhấn mạnh trọng tâm của bố cục Iwagumi.
Nhiều người từng nghe nói đến iwagumi, đặc biệt là khi bạn tham gia vào các diễn đàn về thủy sinh. Có người hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của nó là gì. Từ “iwagumi” (thạch tổ – 石組) có nghĩa là “xếp đá”. Trong một hoa viên đá Nhật Bản, những hòn đá là “rường cột” của bố cục và thường gồm ba hòn; một hòn chính hay hòn to nằm bên cạnh hai hòn nhỏ hơn, nhưng không bằng nhau. Khi việc xếp đá đã hoàn tất, những phần còn lại mới được thêm vào. Lãnh vực thủy sinh đã tiến xa so với việc chỉ dùng ba hòn đá nhưng những nguyên tắc chủ đạo thì vẫn vậy.
Nguyên tắc chủ đạo
Trong một bố cục iwagumi, bạn phải luôn sử dụng số lẻ đá với nhiều kích thước khác nhau, và chúng phải thuộc về cùng một loại đá. Điều này bổ sung thêm tính liên tục và hài hòa cho bố cục.
Một trong những vấn đề khó khăn của nghệ thuật sắp đặt iwagumi là đạt được sự cân bằng về bố cục. Nhiều người tuân thủ “tỷ lệ vàng” mà nó chia các chiều ngang, dọc và sâu thành ba phần đều nhau. Tiêu điểm nằm ở nơi các đường ngang và dọc giao nhau. Hãy đặt đá và cây vào những nơi đó để nhấn mạnh trọng tâm của bố cục iwagumi.
Bố cục các nhóm đá lẻ, độ dốc nền tạo chiều sâu cho không gian hồ thủy sinh
Đáy nền khơi nguồn cho dòng thị giác của người quan sát. Với bố cục iwagumi, nền phải có kết cấu và quanh co để dẫn mắt lưu chuyển qua mọi vị trí của bố cục. Một đáy nền được bố trí tốt cũng tạo ra ảo giác về chiều sâu. Nền dốc thoai thoải từ trước ra sau là cách tốt nhất để tạo ra chiều sâu. Bạn cũng có thể bố trí nền một bên hơi cao hơn bên kia. Mỗi nguyên tắc đều bổ sung thêm tính cách và chiều sâu vào một thiết kế tưởng chừng như rất đơn giản.
Một khi nền được bao phủ bởi cây thủy sinh thì sẽ tạo ra cảm giác dòng chảy và chuyển động với đồi núi và thung lũng xanh tươi chập chùng.
Xây dựng phần khung (hardscape)
Khi bắt đầu xây dựng bố cục, bạn phải luôn có nhiều chất liệu khung hơn mức cần thiết. Điều này giúp bạn có nhiều lựa chọn khi lập kế hoạch thiết kế. Bạn không hề muốn bị giới hạn bởi một vài viên đá. Tôi đề nghị sử dụng đá với bảy loại kích cỡ khác nhau để lựa chọn. Hãy tìm những viên có tính cách, đá càng nhiều góc cạnh và nứt nẻ thì bố cục của bạn càng chi tiết và phức tạp.
Một số loại đá phổ biến thường được sử dụng là Seiryu-seki, Maten hay Shou. Chúng là những loại đá rất phù hợp với việc trang trí phần khung nhưng bạn cũng không nhất thiết phải giới hạn với những loại đá này. Mục tiêu là tìm kiếm cụm đá cùng màu nhưng khác về chi tiết, hoa văn, hình dáng và độ lồi lõm.
Khi sắp đặt thành bố cục, các viên đá sẽ trở thành một bộ thống nhất mà vẫn duy trì đặc điểm riêng của mình. Việc xây dựng phần khung phải hoàn toàn tập trung và áp đặt quan điểm của tác giả.
Chọn cây thủy sinh thích hợp
Nghệ thuật sắp đặt iwagumi phải tạo ra một cảm giác bình yên và mộc mạc; do đó số lượng loài cây thủy sinh phải hạn chế. Mỗi bố cục thường chỉ trồng một loài cây thủy sinh tiền cảnh duy nhất chẳng hạn như ngưu ma chiên Eleocharis acicularis, trân châu nhật Glossostigma elatinoides hay trân châu Cu Ba Hemianthus callitrichoides.
Hậu cảnh cũng chỉ gồm một loài thủy sinh duy nhất tùy thuộc vào quan điểm và cảm giác của bạn. Đá là trọng tâm của nghệ thuật sắp đặt Iwagumi. Vì vậy hãy sử dụng cây sao cho chúng không lấn lướt bố cục đá.
Quần thể hài hòa
Khi lựa chọn cá, bạn cần nhấn mạnh đến sự đơn giản, hài hòa và hợp nhất giữa quần thể cá với bố cục. Thả quá nhiều loài có thể gây ra chuyển động bất đồng bộ và hỗn loạn làm ảnh hưởng đến bố cục.
Thay vào đó, hãy thả bầy cá với một loài duy nhất nhằm tạo ra chuyển động liên tục và viên mãn cho bố cục. Những loài thường được sử dụng nhất là neon đỏ, tetra mõm đỏ hay lòng tong tam giác. Điều quan trọng là thả cá “bơi thành đàn” chứ không phải cứ nhiều cá là được. Điều này sẽ góp phần duy trì một cảnh quan thanh bình.
Loài tép Caridina japonica (tép Amano) thường được thả trong hồ thủy sinh và thực hiện nhiệm vụ vệ sinh một cách tuyệt vời mà không làm ảnh hưởng đến bố cục. Kích thước nhỏ bé và màu sắc trong suốt khiến chúng hoàn toàn hòa nhập vào cây thủy sinh. Những loài tép khác có thể ảnh hưởng đến bố cục nếu chúng quá nổi bật hay quá nhiều.
Không dễ như vẻ ngoài
Nhận định sai lầm chung đó là hồ Iwagumi dễ chăm sóc vì bề ngoài đơn giản của nó. Trên thực tế, nó khó chăm sóc hơn vì chỉ có hai loài cây vốn đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt. Những cây được đề cập ở trên là những loài chủ yếu lấy chất dinh dưỡng từ rễ, vì vậy chỉ nên châm phân nước ở mức độ vừa phải. Điều quan trọng là đáy nền phải giàu dưỡng chất để giúp chúng phát triển mạnh khỏe. Nhiều người xem nhẹ sự quan trọng của nền giàu dưỡng chất, và có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe của cây về sau khi bố cục đã hoàn tất.
Trong quá trình xây dựng bố cục iwagumi, tôi là nạn nhân của tất cả các thể loại tảo ở hồ thủy sinh. Việc “cân bằng” dinh dưỡng cực kỳ khó khăn. Với sự trợ giúp của thuốc Seachems Excel, tôi có thể diệt tất cả tảo nhưng không may trân châu Cu Ba cũng trở thành nạn nhân. Tôi phải trồng lại trân châu Cu Ba và đợi cho đến khi chúng phủ đầy trở lại.
Hoàn thành bố cục
Sau khi hoàn thành bố cục iwagumi một cách thành công dựa trên những nguyên tắc bố cục chủ đạo (chuyển động trầm lắng, bình an và đầy sức sống), có thể nói rằng tôi không còn là lính mới trong lãnh vực này nữa.
Tôi đã học hỏi rất nhiều trong việc tạo ra một phần nhỏ của thiên nhiên mà nó rất đáng với công sức bỏ ra. Vì vậy, dù là người mới chơi hay cao thủ, mọi người đều trải nghiệm sự thú vị khi hoàn thành bố cục Iwagumin một cách thành công.
Ghi chú:
Hardscape: thuật ngữ trong ngành xây dựng để chỉ các phần diện tích đất bị "bê tông hay nhựa đường hóa". Trong bố cục thủy sinh, từ này đôi khi được dùng để chỉ những phần tử cố định như đá, lũa, địa hình… Xin tạm dịch là "phần khung".
Bình luận từ người dùng