Gỗ tự nhiên được hiểu như gỗ thường thấy và còn được gọi là gỗ đặc. Bên cạnh gỗ đặc còn vài loại gỗ nhân tạo khác như gỗ dán veneer, gỗ ghép, ván ép, tấm MDF, HDF, Okal – tất thảy đều là những sản phẩm "chế biến" từ gỗ tự nhiên...
Nhận diện gỗ rừng tự nhiên
Với gỗ tự nhiên, mỗi quốc gia có cách riêng để phân chủng loại gỗ như gỗ cứng, gỗ mềm... Tại Việt Nam phân theo nhóm, gỗ nhóm 1, 2 là nhóm gỗ quý, tốt như cẩm lai, giáng hương, gõ, căm xe... và càng về sau 3, 4, 5... là những nhóm gỗ thường hơn. Từ nhóm 6 trở đi thường gọi là gỗ tạp – gỗ xoàng, xấu như gỗ cây mít, cây cao su, bạch đàn... Chung quy, phân loại nhóm hay phân theo cách nào cũng đều dựa vào lý tính, đặc tính của cây gỗ và cả yếu tố thị trường – sở thích của người tiêu dùng về màu sắc, vân đẹp, ít biến dạng, bền.
Cách nay khoảng hơn 10 năm trước, gỗ tốt thường để đóng đồ dùng nội thất như tủ, bàn ghế, giường... các kiểu; cả dùng trong xây dựng như cột kèo, cửa nẻo... Nay vẫn còn tồn tại mặt hàng này nhưng không đại trà mà có xu hướng sản xuất ít đi và đóng “nhại” đồ cổ với nhiều đường cong, hoạ tiết khắc chạm, vì nguyên liệu gỗ quý cạn kiệt. Và cũng chính vì hiếm gỗ tốt mà nhiều sản phẩm đóng không đạt chất lượng do “rút” bớt bề dày của ván, đố gỗ đóng trên sản phẩm. Hoặc tận dụng cả phần giác gỗ – phần nằm ngoài lõi, gần vỏ cây – mau bị mối mọt. Với gỗ tốt, phần lõi thường có màu đỏ, vàng, nâu sậm; phần giác lại màu trắng hay vàng nhạt. Để tạo sắc và vân cho tiệp nhau giữa hai phần lõi và giác, “công nghệ” vẽ của thợ vẹc ni... thêm việc. Nếu không tinh mắt có thể... nhầm. Ngay như các chủng loại gỗ thường hay xoàng, không có màu sậm hay vân nhưng qua “công nghệ vẽ” lên bề mặt thì sản phẩm trở nên... đồ gỗ tốt. Để phân biệt, có thể xem cả mặt trong của sản phẩm.
Gỗ ván được biến thể từ gỗ tạp
Do chất liệu gỗ quen thuộc, thân thiện trong các không gian sống, nhất là đối với người Việt nên thị trường có hàng loạt loại gỗ “chế biến” khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan. Theo ông Lâm Trọng Sơn, giám đốc công ty gỗ Gosaco thì ván lạng veneer là một giải pháp để người tiêu dùng vẫn mua được sản phẩm gỗ giá rẻ chỉ bằng khoảng phân nửa so với sản phẩm cùng loại bằng gỗ đặc.
Từ cây gỗ tròn trong nước hay nhập của các nước ở châu Âu, Lào, Myamar... với các chủng loại giáng hương, căm xe, xoan đào, chiu liu, sồi đỏ, sồi trắng (oak), tần bì (ash), dẻ gai (beech)... đều có thể đem lạng mỏng chỉ vài li (veneer) để dán lên các mặt ván như ván ép, MDF, HDF, Okal, ván gỗ ghép. Những sản phẩm “gỗ mới” này dùng đóng đồ gỗ hay ứng dụng trong nội thất như ốp tường, trang trí vách ngăn, cửa nẻo...; từ đó diện mạo của chất liệu gỗ vẫn biểu hiện. Và công nghệ dán ép veneer này đã tiên tiến, “tạo được sự bền vững như cửa ván - ghép dán veneer chẳng hạn, được bảo hành 10 năm”, ông Sơn nói.
Ván MDF chủ yếu sử dụng cây cao su nghiền ra, tẩm sấy và ép lại thành tấm, đây là loại thông dụng để dán tấm ván lạng veneer lên, sản phẩm này có hàng nhập và sản xuất trong nước.
Ván HDF cao cấp hơn, cũng sử dụng các chủng loại gỗ tạp và công nghệ sản xuất như tấm MDF nhưng có độ nén ép chặt hơn, gáy tấm ván trông mịn hơn.
Ván Okal thì sản xuất nhiều ở Việt Nam, sử dụng dăm gỗ tạp và mạt cưa ép thành tấm nhưng xốp chứ không kết chặt như hai loại ván trên. Hàng nhập có xuất xứ nhiều từ Trung Quốc, Thái, Malaysia. Hàng của Trung Quốc giá rẻ và chất lượng cũng... rẻ theo, ví dụ, ván ép dán veneer loại 3 li của Trung Quốc dán lớp veneer mỏng chỉ 1 dem (0,1mm), thay vì phải từ 3 – 6 dem so với hàng cùng loại của Thái, Malaysia hay hàng sản xuất trong nước; và giá rẻ hơn đến 40%, lớp veneer quá mỏng sẽ mau bị bóc.
Tạo gỗ đặc bằng gỗ ghép
Một chất liệu khác có tính đột phá hơn các loại gỗ ván nêu trên là gỗ ghép. Theo ông Nguyễn Thanh Sang, giám đốc công ty đồ gỗ SBI thì dạng gỗ ghép này tận thu tốt gỗ vụn thải ra trong quá trình chế biến gỗ tự nhiên, làm cho giá thành rẻ mà vẫn bền chắc như gỗ đặc. Những mảnh gỗ vụn, gỗ tạp nhỏ chỉ bằng cái điện thoại di động thôi là có thể ghép thành những tấm gỗ, đố gỗ bằng keo và thiết bị máy móc chuyên dụng. Và, độ bền chắc không thua kém một tấm ván hay đố gỗ đặc cưa ra từ trong cây tự nhiên. Khi trên bề mặt ván ghép được dán lớp veneer thì diện mạo cũng như chất lượng của nó tương đương tấm, đố gỗ đặc. Từ đó, việc ứng dụng nó đa dạng hơn để đóng đồ gỗ nội thất cũng như cửa nẻo, trang trí trong xây dựng. Ngoài ra, “gỗ ghép dán veneer rẻ hơn gỗ đặc tự nhiên đến 40% và có cả sản phẩm ván sàn bằng gỗ ghép dán veneer này”, ông Sơn cho biết. Dù ghép từ gỗ tạp vụn nhưng đã qua tẩm sấy chuẩn mực nên không bị cong vênh, mối mọt trong quá trình sử dụng. Tẩm sấy tiêu chuẩn sẽ cho gỗ có ẩm độ sấy xuyên tâm là 12% và tẩm thuốc chống mối mọt.
Đồ gỗ ngoài trời chỉ sản xuất từ những thanh hay đố bằng gỗ đặc chứ không kết ráp có mặt ván vì sẽ dễ đọng nước và xé nứt do tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Chủng loại gỗ thường dùng là chò chỉ, dầu đỏ, tràm bông vàng nhưng đều phải qua tẩm sấy và quét dầu hay sơn lên bề mặt. Đối với sản phẩm gỗ dán veneer thì được phủ nhiều lớp PU – sơn trong để bảo vệ; hoặc được phủ lớp UV – sơn trong nhưng không bóng như PU, hạn chế trầy xước tốt.
Từ những nguyên liệu gỗ chính thống kể trên nên có thể chế tác muôn vẻ đồ gỗ, trang trí nội thất... từ môtíp cổ điển cho đến đương đại. Chính nét đẹp đặc trưng, sự thân quen của gỗ mà thị trường còn hàng loạt các chất liệu khác “phóng tác” dựa trên sắc màu và vân của gỗ như gạch gỗ (ceramic, granite), gạch nhựa gỗ, tranh gỗ bằng foam (xốp), giấy dán gỗ, thảm nhựa gỗ... Ông Trần Việt Tiến, giám đốc công ty Gia Long Art nói, “ngoài việc sáng tạo mẫu mã, đi tìm chất liệu mới để làm cũng là yếu tố tối cần, và hàng nhái gỗ vẫn ăn khách”.
Bài: Nguyễn Sáu Ảnh: Tường Huy, TL
Bình luận từ người dùng