1. Veneer (Ván lạng):
Là gỗ tự nhiên sau khi khai thác, được cắt (bóc ly tâm) thành những lát dày từ 0.3 mm - 0.6 mm, bề rộng tuỳ theo loại gỗ, trung bình khoảng 180 mm, dài khoảng 240 mm, được phơi và sấy khô.
- Dùng một lớp ván nền (thường là MDF, ván ép, hoặc Okal) dày 3mm, phủ keo. - Nối từng tấm veneer nhỏ lại thành tấm lớn theo quy cách (quy cách chuẩn 1200 x 2400 mm) bằng keo, dán tấm veneer đã nối này lên lớp ván nền đã phủ keo.
- Ép lại bằng máy (ép nguội hoặc ép nóng) đến khi các lớp dính lại với nhau và phẳng mặt. - Dùng máy chà bóng tạo cho bề mặt verneer láng đẹp.
Ưu điểm:
- Dễ thi công - Chi phí thấp so với gỗ tự nhiên. - Có thể tạo những đường cong như ý theo thiết kế.
2. MDF (Ván bột gỗ ép):
Viết tắt của từ Medium Density Fiberboard.
Các loại gỗ vụn, nhánh cây cho vào máy đập nhỏ, sau đó được đưa vào máy nghiền nát ra, lúc này gỗ chỉ còn là các sợi gỗ nhỏ cellulo. Các sợi gỗ này được đưa qua bồn rửa trôi các tạp chất, khoáng chất, nhựa, v.v... Sau đó đưa vào máy trộn: keo + bột sợi gỗ (cellulo) + chất kết dính + parafin wax + chất bảo vệ gỗ, bột độn vô cơ.
Có hai kiểu quy trình sản xuất MDF: quy trình khô và quy trình ướt.
Quy trình khô: keo, phụ gia được phun trộn vào bột gỗ khô trong máy trộn, sấy sơ bộ. Bột sợi đã áo keo sẽ được trải ra bằng máy rải, cào thành 2-3 tầng tùy theo khổ, cỡ dày của tấm. Các tầng này được chuyển qua máy ép có gia nhiệt. Máy ép thực hiện ép nhiều lần (khoảng 2 lần). Lần 1 (ép sơ bộ) cho lớp trên, lớp thứ 2, lớp thứ 3. Lần ép 2 là ép cả ba lớp lại. Chế độ nhiệt được thiết lập để sao cho đuổi được hơi nước và làm keo hóa rắn từ từ. Sau khi ép, ván được xuất ra, cắt bỏ biên, chà nhám và phân loại.
Quy trình ướt: bột gỗ được phun nước làm ướt để kết vón thành dạng vẩy (mat formation). Chúng được cào rải ngay sau đó lên mâm ép. Ép nhiệt một lần đến độ dày sơ bộ. Tấm được đưa qua cán hơi-nhiệt như bên làm giấy để nén chặt hai mặt và rút nước dư ra.
Ứng dụng:
Tùy theo chủng loại gỗ (làm ra bột gỗ), chất kết dính cũng như các phụ gia, người ta có: MDF dùng trong nhà (nội thất); MDF chịu nước: dùng cho một số yêu cầu ngoài trời, nơi ẩm ướt; MDF mặt trơn: để có thể sơn ngay, không đòi hỏi phải chà nhám nhiều; MDF mặt không trơn: dùng để tiếp tục dán ván lạng (Veneer).
Ưu điểm:
Một số lý do MDF được dùng nhiều là do đặc tính: nhẹ và đặc, phẳng, cứng, không có mắt (như gỗ) và có thể dễ dàng gia công.
MDF có thể được sơn phủ để tạo nên một bề mặt sơn láng mịn (dầu, sơn nước, sơn dầu có thể sử dụng), cũng như có thể dán phủ bằng các miếng ván lạng Veneer và Laminates. MDF được tạo thành bởi các hạt mịn nên có thể được cắt, khoan, gia công… mà không làm tổn hại đến bề mặt. MDF có thể dễ dàng khớp nối với nhau dễ dàng hơn những mộng liên kết truyền thống của gỗ, hoặc dán cùng với gỗ bằng keo PVA.
Nhược điểm:
Gia công MDF có thể bị nguy hiểm nếu các biện pháp an toàn không được đảm bảo chính xác. MDF có chứa một chất là urea formaldehyde (UF), được sinh ra trong quá trình cắt và chà nhám. UF có thể gây tổn hại mắt và phổi. Một số loại bụi khác sinh ra khi gia công MDF cũng rất nguy hiểm. Cần luôn luôn có quạt gió, kính và mặt nạ cách ly khi gia công.
Do thực tế MDF có chứa một lượng lớn keo nên những dụng cụ cắt của bạn sẽ cùn rất nhanh chóng.
MDF có thể được cố định bằng ốc vít hoặc neo (nên bắt cách mép tối thiểu 25mm). UF luôn sinh ra từ bề mặt của MDF. Wax hay dầu phủ mặt có thể được sử dụng nhưng chúng cũng không hiệu quả lắm trong việc ngăn chặn UF.
Ván MDF thường được dùng làm bàn giám đốc, bàn cho những người có chức trách ngồi, hay làm các vật dụng nội thất ở nhà.
3. MFC (Ván gỗ dăm phủ Melamine):
Là chữ viết tắt của Melamine Face Chipboard. Có nghĩa là Ván gỗ dăm phủ Melamine.
Một số loại gỗ rừng trồng chuyên để sản xuất loại gỗ MFC này. Các cây này được thu hoạch ngắn ngày, không cần cây to. Người ta băm nhỏ cây gỗ này thành các dăm gỗ và cũng kết hợp với keo, ép tạo độ dày. Hoàn toàn không phải sử dụng gỗ tạp, phế phẩm như mọi người vẫn nghĩ. Bề mặt hoàn thiện được phủ lớp nhựa Melamine in vân gỗ tạo vẻ láng đẹp, sau đó tráng bề mặt hoàn thiện bằng Laminate để bảo vệ, chống ẩm và trầy xước.
Ứng dụng:
Gỗ MFC có ứng dụng vô cùng rộng rãi, đặc biệt là trong lĩnh vực nội thất văn phòng. Hiện 80 % đồ gỗ nội thất gia đình và văn phòng dùng gỗ MFC để làm vì giá cả phù hợp, màu sắc lại vô cùng đa dạng và phong phú.
Đối với nội thất văn phòng và nhà ở thì chỉ cần sử dụng gỗ MFC loại tiêu chuẩn, còn đối với những không gian, khu vực ẩm ướt như Toilet, Tủ bếp, vách Toilet, khu vệ sinh thì nên sử dụng loại Ván chống ẩm V313.
Ưu điểm:
Các loại ván MFC có đặc điểm là cứng, nặng, màu sắc họa tiết sắc nét, tươi tắn, chịu ẩm tốt, chống trầy, chống cháy.
Trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển, người ta khuyến khích sử dụng gỗ công nghiệp (trong đó có MFC) vì tính thân thiện với môi trường của nó. Do được sản xuất từ gỗ rừng trồng, có thể tái sản xuất, không hại đến những cánh rừng nguyên sinh vốn là lá phổi xanh điều hòa khí hậu trái đất.
Nhược điểm:
Một số loại sản phẩm MFC có sử dụng keo chứa Formandehit, có thể dễ dàng nhận thấy khi sử dụng sẽ bị cay mắt và cay mũi. Đây là do độc tố trong keo có hại cho sức khỏe.
Bình luận từ người dùng