Sau 32 năm khai quật, lập quy hoạch, di tích văn hóa Óc Eo trên 1.000 năm tuổi vẫn bị treo, cỏ mọc um tùm.
Di tích Bình Tả (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) là cụm phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú, được khai quật năm 1987, bao gồm ba khu chính: Gò Đồn, Gò Xoài và Gò Năm Tước. Mỗi khu cách nhau khoảng 500 m.
Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập hàng trăm cổ vật có giá trị gồm tượng thần, vật thờ như yoni, linga cùng một bộ sưu tập 26 hiện vật vàng lá 1.200 tuổi, được công nhận báu vật quốc gia.
Năm 1989, cụm di tích Bình Tả được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Toàn bộ khu quy hoạch di tích đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Hoàng Nam.
Theo định hướng của địa phương, nơi này sẽ trở thành điểm nghiên cứu, tham quan và du lịch. Khu vực quy hoạch gồm Gò Đồn 7.000 m2, Gò Xoài 2.000 m2 và Gò Năm Tước 1.000 m2.
Năm 2009, khu di tích 10.000 m2 thuộc sở hữu đất của ba hộ dân đã được kê biên, rào chắn xung quanh. Tuy nhiên, do hai trong ba chủ đất cho rằng cơ quan chuyên môn không bồi thường phần thiệt hại hoa màu, nên đã ngăn cản thi công, một số đoạn tường đành phải bỏ dở.
Tại Gò Năm Tước hiện nay, ngoài bốn bức tường bao thi công dang dở chưa có cửa rào, bên trong di tích chỉ là bãi đất cỏ mọc hoang.
Tương tự, ở khu Gò Đồn, các hố khai quật trước đây nằm sâu khoảng một mét, nền đá ong xếp chồng lên nhau, những phiến đá chạm khắc hoa văn bị rêu, cỏ phủ kín, nằm ngổn ngang. Tường rào được xây cao hơn một mét, nhưng chưa bố trí cửa chắc chắn, nên các hộ dân thường xuyên vào chăn thả trâu bò.
Trụ đá cổ tại di tích Gò Xoài bị dây leo bao phủ. Ảnh: Hoàng Nam.
Ông Nguyễn Thế Liễn, chủ đất khu Gò Đồn cho biết, do lo sợ các di chỉ bị xâm hại, cộng với cỏ mọc nhiều có thể có rắn độc nguy hiểm, nên ông đã lắp một cửa tạm bằng cây để ngăn người lạ ra vào.
Theo ông Liễn, cha ông lúc còn sống định chia mảnh đất cho các con, nhưng không thực hiện được vì vướng quy hoạch. "Không chia tài sản được, tình nghĩa anh em trong gia đình bị sứt mẻ", ông Liễn nói.
Còn tại Gò Xoài, tấm biển sắt ghi chữ "Di tích Gò Xoài" sau nhiều năm mưa nắng đã gỉ sét, hư hỏng, bị người dân vứt bỏ. Những đoạn tường, trụ bêtông chưa hoàn chỉnh cùng các khối đá cổ lớn bị dây leo bao phủ.
Bà Nguyễn Thị Lâm (67 tuổi), chủ đất khu Gò Xoài cho biết, dự định chia cho 6 người con nhưng không thực hiện được. Mảnh đất này trước đây được trồng đậu, xoài mỗi năm thu về lợi nhuận đáng kể, từ lúc quy hoạch cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Nhiều năm nay, bà đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan huyện, tỉnh nhưng vẫn chưa được giải quyết.
"Nếu nhà nước không đền bù thỏa đáng, triển khai dự án thì nên trả lại hiện trạng đất như ban đầu để người dân thuận tiện chuyển nhượng, xây dựng", bà Lâm nói.
Những phiến đá nghìn năm tuổi bị rêu, cỏ bao phủ. Ảnh: Hoàng Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Đăng, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ, cụm di tích từ lúc khai quật đến nay đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Chúng tôi kiến nghị cấp trên sớm xem xét triển khai dự án, bồi thường cho người dân", ông Đăng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Sáu, Phó giám đốc Bảo tàng Long An cho biết, nguyên nhân khiến việc đền bù, triển khai dự án chậm trễ là do thiếu vốn. "Theo ước tính kinh phí để đền bù khu di tích trên 10 tỷ đồng. Chúng tôi đang phối hợp các ngành liên quan sẽ hoàn thành phương án đền bù, giải tỏa, ghi vốn trong tháng 10, và triển khai dự án trong năm 2020", bà Sáu nói.
Hoàng Nam
Bình luận từ người dùng